Quảng Ngãi: Tỉnh mời họp, 12/14 lãnh đạo huyện, thành phố không đi
Cùng với bày tỏ sự không hài lòng, ông Đặng Ngọc Dũng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ trì buổi hội nghị – phê bình số cán bộ lãnh đạo các huyện, thành trực thuộc đã vắng mặt.
Sáng 26.12, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị bàn về cung ứng và hỗ trợ tuyển dụng lao động cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (gọi tắt Gang thép Hòa Phát Dung Quất) và các khu kinh tế khác trong tỉnh.
12/14 lãnh đạo huyện, thành Quảng Ngãi không đến dự hội nghị này.
Trong giấy mời do UBND tỉnh ban hành, ngoài các sở ngành liên quan, các trường nghề, doanh nghiệp trên địa bàn…, thành phần mời dự còn có đại diện lãnh đạo chính quyền của 14 huyện, thành trực thuộc. Tuy nhiên, chỉ có 2/14 lãnh đạo là huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa có mặt, số còn lại không đi.
Cùng với phê bình số cán bộ lãnh đạo các huyện, thành trực thuộc đã vắng mặt, ông Đặng Ngọc Dũng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chủ trì buổi hội nghị – bày tỏ: “Với mục tiêu năm 2018, tỉnh dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 40.000 lao động. Thế nhưng không hiểu lý do vì sao tỉnh đã mời nhưng nhiều lãnh đạo chính quyền không đến dự để nghe ý kiến, đề xuất đông như vậy?”.
Đại diện một doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đang giám sát tay nghề của học viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất.
Theo báo cáo của đại diện dự án Gang thép Hòa Phát Dung Quất, tổng số lao động mà doanh nghiệp cần tuyển để hoạt động sau khi hoàn thành dự án khoảng 8.000 người ở 11 lĩnh vực khác nhau, với độ tuổi từ 18-40. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới tuyển dụng được khoảng 2.100 lao động, trong đó Quảng Ngãi trên 1.650 lao động.
Trên cơ sở đặc thù của lao động địa phương mà doanh nghiệp đã tìm hiểu là đang tham gia lao động ở các tỉnh, thành phía nam, vì vậy khi số lao động này trở về quê để sum họp với gia đình trong dịp trước và sau Tết cổ truyền sắp đến, Gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ tiến hành tổ chức gặp gỡ để tuyển dụng tại 7 huyện, thành đồng bằng, với tần suất tổ chức 2-4 buổi/huyện, thành.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Dụng – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi – cho biết: “Chỉ riêng kỳ thi tuyển công nhân viên chức trong năm 2017 vừa qua, so với tổng chỉ tiêu được tuyển dưới 2.000 người nhưng có đến 7.000 người nộp hồ sơ là có trình độ đại học chính quy, cao đẳng. Như vậy, số tham gia thi tuyển sẽ còn dư ra khoảng 5.000 người. Sở Nội vụ sẽ giúp cho các doanh nghiệp có nhu cầu gặp gỡ, tiếp xúc nhằm tạo cơ hội cho số người dư này tìm được công việc thích hợp”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo: “Để thực hiện tốt công tác tạo việc làm cho người lao động của tỉnh trong năm tới, các cấp ngành trực thuộc cần tích cực phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu trong tuyển dụng, đào tạo. Tăng cường đưa thông tin về nhu cầu tuyển dụng việc làm của doanh nghiệp, mức thu nhập của vị trí tuyển dụng… đến người lao động của địa phương mình, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho số này tiếp cận, tìm ra được công việc phù hợp cho mình”.
Theo Danviet
CẬP NHẬT bão số 16: Đón bão Tembin, người Cà Mau sợ thảm họa bão Linda
Tại TP Cà Mau trời đã bắt đầu có mưa kèm theo gió mạnh, sợ thảm họa bão Linda năm 1997 lặp lại, người dân Cà Mau đang gia cố nhà cửa chống bão.
Tiếp tục cập nhật...
12h30
Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ông đang đứng ngay mũi Cà Mau để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 16. "Thời tiết ở đây đang bình thường, không mưa, gió nhẹ. Về công tác di dời dân ở khu vực nguy hiểm thì chúng tôi đang tích cực di dời nhưng chưa có số liệu cụ thể", ông Hải nói.
12h10
Tại TPHCM
Tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM trời mưa và gió mạnh hơn so với lúc sáng. "Nghe báo bão có khả năng ảnh hưởng đến TP.HCM nên tôi đã dùng bao cát chằng chống trên mái tôn. Sáng nay tôi cũng đến trường chở cháu đi học về vì nhà trường cho nghỉ để tránh bão", ông Nguyễn Luân ngụ quận Thủ Đức nói.
Dự báo trong chiều và tối hôm nay khu vực TP.HCM và các tỉnh Nam bộ sẽ có mưa to
Tại Sóc Trăng
12h20, ông Lê Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết hiện tại trên địa bàn tỉnh mưa đang nặng hạt và gió bắt đầu mạnh lên.
"Tôi đang có mặt tại huyện Cù Lao Dung chỉ đạo công tác ứng phó khi bão vào. Tất cả các hộ dân ở khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn. Trong sáng nay, địa phương đã cấm phà xuất bến", ông Trí thông tin.
11h40
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 10 giờ sáng nay (25/12), tâm bão số 16 - Tembin đang cách Côn Đảo khoảng 290km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Đường đi và vị trí của cơn bão
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h.Đến 10 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở trên khu vực vùng biển Cà Mau - Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Video đang HOT
11h25
Tại TP.HCM
Tại khu vực phà Bình Khánh giáp huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ trời mưa, gió mạnh, nước sông đang lên cao.
Ghi nhận của PV, trên các chuyến phà lượng người di chuyển khá ít. Tại 2 bên bờ bến phà đều có lực lượng chức năng chốt trực.
Lãnh đạo huyện Nhà Bè cho biết, cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra tại 2 phà và 6 bến khách ngang sông nằm trên các tuyến phía nam của huyện. Địa phương thường xuyên liên lạc với chủ bến phà, bến đò ngang để chủ động ngừng hoạt động theo lệnh của TP. Chính quyền huyện Nhà Bè cho biết đã tổ chức thông báo tuyên truyền đến bà con về diễn biến của bão và phương án phòng chống bão đến ấp, khu phố.
"Sáng giờ thấy lượng người qua phà ít hơn. Chắc bà con sợ bão số 16 nên hạn chế di chuyển trên sông nước", ông Linh người dân địa phương cho biết.
11h10
Tại Cà Mau
Người dân TP Cà Mau đang chằng chống nhà cửa trước khi bão số 16 ập vào.
Theo người dân địa phương, hiện tại trên địa bàn TP Cà Mau trời đã bắt đầu có mưa kèm theo gió mạnh. Sợ thảm họa bão Linda năm 1997 lặp lại, người dân Cà Mau đang gia cố nhà cửa, mái tôn. Hiện tại nhiều người không dám ra đường vì trời đã có gió mạnh.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu
Chính quyền xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chuẩn bị 20 khối cát để người dân lấy về chằng chống nhà cửa.
11h
Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JPA) và VASCO (0V) thông báo hủy một số chuyến bay do ảnh hưởng của bão.
Cụ thể, ngày 25/12, hãng hàng không Vietnam Airlines hủy toàn bộ các chuyến bay trong khung giờ từ 12h40 - 20h30 trên các đường bay giữa Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh - Phú Quốc (gồm các chuyến bay mang số hiệu VN1236/1237/1826/1827/1828/1829); đường bay từ Hà Nội- Cần Thơ (VN1204/1205). Các hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyến bay này sẽ được hãng bố trí đi trên các chuyến bay ngày 26/12/2017.
Hãng hàng không VASCO hủy 16 chuyến bay trong khung giờ 08h45 - 15h25 trên các đường bay giữa TP.Hồ Chí Minh - Côn Đảo (chuyến bay mang số hiệu 8077/8076/8055/8054/8053/8052/8079/8078/ 8059/8058/8073/8072); đường bay Côn Đảo - Cần Thơ (8071/8070); đường bay Cần Thơ - Phú Quốc (8014/8015).
Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng sẽ điều chỉnh lịch khai thác một số chuyến bay đi/đến từ sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Quốc theo tình hình thực tế diễn biến của bão.
10h30
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu
Sóng biển ở khu vực biển Hồ Cốc, Bình Châu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang khá lớn.
10h15
Tại Bạc Liêu
Ông Vương Phương Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết trên địa bàn tỉnh có mưa rải rác, gió nhẹ.
"Đến thời điểm hiện tại ban ngành chức năng tỉnh đã di dời toàn bộ dân ở những khu vực xung yếu tại các huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu đến nơi an toàn. Ghe, thuyền đã vào vị trí trú ẩn. Nông sản, lúa đã được bà con thu hoạch xong, về các hồ nuôi tôm, cá bà con cũng đã thu hoạch gửi vào khu vực chứa của các nhà máy trên địa bàn tỉnh, nhà cửa của người dân cũng đều được gia cố. Toàn bộ lãnh đạo tỉnh hiện phân chia nhau xuống địa bàn các huyện chốt trực để chỉ đạo công tác ứng phó khi bão vào", ông Nam thông tin.
10h05
Tại Cà Mau
Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết ông đang xuống địa bàn các xã của huyện Năm Căn kiểm tra tình hình ứng phó trước khi bão vào.
"Hiện tại thời tiết địa phương không mưa nhưng có gió nhẹ. Chúng tôi đã cơ bản di dời người già, trẻ em đến những khu vực an toàn. Địa phương đang tổng lực ứng phó với bão số 16. Ban ngành chức năng địa phương tuyên truyền người dân về mức độ nguy hiểm của cơn bão này, người dân không được chủ quan để tránh thảm họa lặp lại của cơn bão Linda năm 1997", ông Bi nói.
10h:
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Đoàn công tác của huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do ông Đặng Thanh Minh - Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu, đang kiểm tra lại công tác chuẩn bị chống bão tại cảng Bình Châu.
Đã có tổng cộng 501 tàu thuyền của địa phương cập cảng Bình Châu, cùng 25 chiếc vãng lai của các tỉnh khác (chủ yếu là ở Bình Thuận). Ngoài ra, còn có 87 chiếc của xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang néo trú ở các tỉnh miền Tây.
Dự kiến sẽ có 1.125 người dân Bình Châu ở vùng nguy hiểm sẽ được di dời đến nơi an toàn.
Cảng Bình Châu đang có gió nhẹ, trời không mưa.
9h50
Bão số 16 - Tembin đang tiến gần về phía Tây Nam Bộ
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương, hồi 7 giờ sáng nay (25/12), tâm bão số 16 -Tembin đang cách Côn Đảo khoảng 320km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 20-25km/h.
Đến 7 giờ ngày 26/12, bão số 16 sẽ đi vào vùng biển trên khu vực Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11-12.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 16 - Tembin. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 27/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực Vịnh Thái Lan, cách đảo Thổ Chu khoảng 380km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 mét.
9h45
Tại TPHCM
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 16, Sở đã có công văn khẩn cho học sinh toàn TP.HCM, từ mầm non đến THPT sẽ nghỉ học ngay trong sang nay, ngày 25.12. Học sinh toàn TP sẽ nghỉ học đến hết ngày 26.12.
Sở đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời các tình huống trước, trong và sau khi cơn bão số 16 đi qua trên nguyên tắc an toàn tuyệt đối về người, thiết bị, cơ sở vật chất trường học. Đồng thời nhấn mạnh, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm hướng dẫn phụ huynh học sinh đưa con em về nhà tránh bão (nếu đã đưa đến trường), ngay trong sáng nay.
9h20
Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ cho hay, đất liền Nam Bộ, trong hôm nay và ngày mai hoàn lưu bão gây mưa to đến rất to kèm theo gió giật mạnh và lốc xoáy. Riêng các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 10 (100 km/h), giật tăng hai cấp. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 4.
Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang gió nhẹ hơn một cấp; đất liền khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh nhất là cấp 7, giật cấp 9.
Lượng mưa ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ được dự báo 50-120 mm (riêng Côn Đảo 100-150 mm); các tỉnh miền Tây Nam Bộ 100-150 mm.Tại TP.HCM trong sáng nay trời có mưa, một số nơi có gió.
TP.HCM sáng nay trời có mưa và gió nhẹ
Trong khi đó tại huyện Cần Giờ, ông Lê Minh Dũng-Chủ tịch UBND huyện cho biết từ sáng sớm đến thời điểm này trên địa bàn huyện có mưa nhỏ, gió nhẹ.
"Chúng tôi đã di dời cơ bản xong những trường hợp cần di tản đến nơi an toàn như trường học, trụ sở xã...Lực lượng địa phương đang ứng trực 24/24 để ứng phó khi bão số 16 vào", ông Dũng nói.
8h30
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Thông tin từ Điện lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu bão đổ bộ vào tỉnh này với gió cấp 8 trở lên thì sẽ cắt đường điện 22KV.
Hiện tại, người dân vẫn đang tiếp tục chằng chống nhà cửa, bồn nước để ứng phó với bão số 16 sắp đổ bộ.
Người dân chằng chống nhà cửa, bồn nước trước khi bão Tembin đổ bộ đất liền
Ngư dân ở cảng cá Bến Lội (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn đang gia cố tàu thuyền trong sáng 25/12
Ngư dân Bình Châu cho biết hiếm khi mới nghe tin bão vào, nhưng vẫn phòng ngừa từ xa bằng cách gia cố tàu thuyền và tạm nghỉ ra khơi nhiều ngày qua.
8h
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Do ảnh hưởng của bão số 16, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt đầu có mưa từ khoảng 4h sáng. Riêng tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), gió bắt đầu mạnh lên và mưa cũng lớn hơn.
Mặc dù vậy nhiều ghe thuyền của ngư dân tại Côn Đảo vẫn đang trên biển, khiến Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo Nguyễn Anh Dũng phải trực tiếp cùng lực lượng chức năng ra hiện trường huy động ghe vào bờ.
Ông Lê Tuấn Quốc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định cho các trường học và chợ nghỉ từ trưa 25/12 đến hết ngày 26/12.
"Tính tới thời điểm này, tàu thuyền đã vào bờ hết, nhưng vẫn còn một vài ngư dân ở Côn Đảo muốn ở lại để giữ thuyền. Anh Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo - PV) đang khẩn trương huy động, nếu cần phải cưỡng chế. Mưa bão thế này rất nguy hiểm", ông Quốc nói.
7h
TP.HCM: Học sinh, sinh viên nghỉ học từ trưa 25/12 tránh bão số 16
Tối 24/12, UBND TP.HCM vừa phát công điện khẩn về việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học trước diễn biến của bão số 16.
UBND TP.HCM đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM, các trường đại học, cao đẳng, trung học, tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố; UBND các quận, huyện thông báo ngay cho giáo viên, học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 12h ngày 25/12 đến hết ngày 26/12.
Học sinh, sinh viên TP.HCM nghỉ học từ trưa 25/12.
Riêng UBND huyện Cần Giờ thông báo ngay giáo viên, học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 6h ngày 25/12 đến hết ngày 26/12.
Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, giáo viên, học sinh, sinh viên trên đất liền vẫn dạy và học bình thường vào sáng 25/12. Riêng các trường ở Côn Đảo sẽ nghỉ học từ sáng 25/12.
6h
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 16 - Tembin. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Trong đêm qua, bão số 16, gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14- Tembin đã đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân.
Hồi 4 giờ sáng nay (25/12), tâm bão số 16 nằm ngay trên khu vực Huyền Trân, cách Côn Đảo khoảng 410km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h).
Khoảng tối và đêm nay (25/12) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12-13.
Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 5-7m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Từ trưa nay, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13-14. Cấp độ rủi ro thiên tai (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo): cấp 4.
Theo Danviet
Đêm nay bão số 16 vào đất liền các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau Theo Trung tâm Dự báo khí tuọng thủy văn Trung ương, khoảng tối và đêm nay (25/12) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12-13. Vị trí và hướng di chuyển của bão số 16. (Ảnh: NCHMF). Trong đêm qua, bão số 16 đã đi qua...