Quảng Nam tìm sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách trở lại
Đây cũng là lúc ngành du lịch tỉnh Quảng Nam tự “làm mới” mình để đưa ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách.
Ảnh hưởng của dịch Covid- 19, khách Trung Quốc rồi khách Hàn Quốc lần lượt rời các điểm đến ở miền Trung, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, lượng khách lưu trú trong tháng 2 năm nay giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, ước thiệt hại đối với ngành du lịch lên đến cả ngàn tỷ đồng. Theo các chuyên gia du lịch, tình hình thiệt hại sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
Thuyền thúng được người dân đưa vào con lạch nhỏ đẻ chờ khách.
Rừng dừa nước Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam mấy năm trở lại đây thu hút rất đông khách châu Á, nhất là khách Hàn Quốc. Tại đây, các dịch vụ đưa khách tham quan rừng dừa bằng thúng chai để khách tận hưởng không khí trong lành, trải nghiệm các hoạt động đánh bắt thủy sản của người dân làm cho du khách rất thích thú. Đến đây, du khách còn được thưởng thức đặc sản của Hội An từ các nhà hàng ven sông. Vậy mà, dịch Covid-19 khiến nơi đây vắng ngắt.
Hàng trăm chiếc thuyền thúng phục vụ vui chơi, trải nghiệm trên sông phải nằm bờ. Anh Nguyễn Văn Thịnh, nhân viên kiểm soát vé tại rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, thành phố Hội An cho biết, trước khi xảy ra dịch bệnh, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn du khách mua vé tham quan, thuê thúng chai len lỏi trong rừng dừa trải nghiệm, ngắm cảnh sông nước. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng vé bán ra hằng ngày giảm đến 70% so với trước đây.
“Sau Tết đến giờ, so với 10 phần trước đây thì còn khoảng 3-4 phần. Chủ yếu giảm mạnh khách Hàn Quốc và Trung Quốc. Còn khách Tây có tăng nhẹ. Khách Hàn Quốc bữa ni gần như hết luôn rồi. Hoạt động du lịch ở đây tác động lớn. Trước đây mỗi ngày người dân đi được 4 đến 5 cuốc (chèo thuyền thúng đưa khách trải nghiệm rừng dừa), bây giờ có người được một vài cuốc, có người không có cuốc nào”.
Video đang HOT
Thành phố Hội An đang giãn du khách ra vùng ven với những trải nghiệm thú vị.
Trước tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh giảm giá vé tham quan cho du khách vào phố cổ Hội An và Mỹ Sơn đối với lưu trú dài ngày. Đồng thời đề xuất xúc tiến kích cầu thị trường du lịch nội địa cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch hiện có. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất tỉnh có chủ trương, chính sách miễn giảm hoặc giãn nợ vay, giảm khoản thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thị thực cho du khách các nước Châu Âu…
Các địa phương cần đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các điểm du lịch như: Làng du lịch Cẩm Kim, Cù Lao Chàm, thành phố Hội An; Làng Du lịch cộng đồng Triêm Tây, thị xã Điện Bàn; Làng Bích họa Tam Thanh và địa đạo Kỳ Anh ở thành phố Tam Kỳ; Làng Du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành; Làng Đại Bình, huyện Nông Sơn… Mở rộng không gian phố cổ và chợ đêm Hội An, hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang xúc tiến xây dựng “Ngôi làng hạnh phúc” tại xã Cẩm Kim dựa theo mô hình của 1 thôn ở đất nước Hà Lan; Tổ chức các khu chợ đêm để khách châu Âu trải nghiệm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện lễ hội sau khi dịch kết thúc. Vừa rồi tạm dừng hàng loạt lễ hội truyền thống của Hội An. Sắp tới đây, trong tháng Tư tới, nếu hết dịch bệnh sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực quốc tế. Trong tháng 3 này, sẽ khởi công xây dựng cầu Thanh Nam, biến nơi này thành cầu đi bộ sẽ kết nối phố đi bộ từ đường Bạch Đằng đến đường Phan Bội Châu để mở rộng không gian phố đi bộ”.
Ông Lê Trí Thanh (áo kẻ) xuống phổ nói chuyện với khách du lịch về điểm đến an toàn Hội An.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngay trong lúc khó khăn, ngành du lịch cần có sự chuyển hướng thị trường khách. Trước mắt cần hướng đến thị trường khách nội địa. Đồng thời triển khai kế hoạch hành động và xây dựng sản phẩm du lịch mới, phương pháp kích cầu trong và sau dịch. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, cần triển khai ngay chương trình hành động xúc tiến du lịch năm 2020 và 2021, bổ sung vào tình huống dịch bệnh và những giải pháp tháo gỡ; Xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện để tạo niềm tin cho du khách.
“Làm thế nào để vừa khắc phục được khó khăn, vừa đảm bảo được sức khỏe cho cộng đồng, vừa phát triển du lịch, vừa xây dựng được thương hiệu và đặc biệt là phải giữ gìn cho được bản sắc văn hóa của con người Quảng Nam. Đó là điều rất khó khăn nhưng phải cương quyết làm. Chính chúng ta thực hiện được và thực hiện ngày càng tốt hơn thì đó là chúng ta đang biến khó khăn thành cơ hội để xây dựng và quảng bá hình ảnh Quảng Nam về môi trường du lịch tốt, thân thiện, tạo sự yên tâm cho mọi du khách đến với chúng ta”, ông Thanh nói./.
Theo vov.vn
Bảo tồn rùa biển, góp phần giữ mầm sống cho Cù Lao Chàm
Hành trình chuyển vị gần 2.000 trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tại Cù Lao Chàm được xem là việc làm đầy trách nhiệm và nhân văn.
10 năm Cù Lao Chàm, Hội An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nơi đây đã có bước chuyển mình đáng kể với sự bảo tồn nguyên vẹn và phục hồi các giá trị tài nguyên thiên nhiên. Hành trình chuyển vị gần 2.000 trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tại Cù Lao Chàm được xem là việc làm đầy trách nhiệm và nhân văn của những người làm công tác bảo tồn tại đây.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Cù Lao Chàm từng được biết đến là ngôi nhà lý tưởng để rùa biển sinh sống. Nhưng 10 năm trở lại đây, rùa biển không vào bờ đẻ trứng và sinh sống trên đảo như trước nữa. Tập quán sắn bắt của cư dân Cù Lao Chàm khiến loài động vật này suy kiệt. Môi trường sống của các loài sinh vật biển quý hiếm, trong đó có rùa biển còn bị tác động xấu bởi hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Văn Bảy, cư dân sinh sống ở Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm, thành phố Hội An cho biết, khu vực bãi biển từng nơi rùa biển đẻ trứng được dành để làm các khu nghỉ dưỡng; bầu không khí ồn ào cũng là điều tối kỵ làm cho rùa không dám vào bờ đẻ trứng.
"Trước khi Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra đời, ngư dân ở đây khi đánh lưới bắt được rùa thì họ xẻ thịt ăn hoặc bán. Sau khi có Ban Quản lý Bảo tồn biển, người dân khi bắt được rùa biển thì hiến tặng hoặc gọi báo cho Ban Quản lý tiếp nhận con rùa này", ông Bảy cho biết.
Năm 2015, sau khi có quyết định thành lập Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, các cán bộ ở đây xúc tiến xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học "Bảo tồn và phục hồi quần thể rùa biển tại Cù Lao Chàm". Trong đó, tập trung thực hiện lần lượt theo 2 phương thức là bảo tồn chuyển vị (tức là vận chuyển trứng rùa từ nơi khác về ấp nở tại Cù Lao Chàm) và bảo tồn nguyên vị (tạo sinh cảnh, không gian thuận lợi để rùa biển lên bãi đẻ trứng ngay ở khu vực bãi biển Cù Lao Chàm).
Tháng 8 năm 2017, Ban Quản lý Khu sinh quyển và Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiến hành vận chuyển đợt đầu tiên với số lượng 450 trứng đã được ấp tại Côn Đảo khoảng 40 ngày đưa về Cù Lao Chàm. Mặc dù cự ly vận chuyển xa, hơn 1000 cây số nhưng nhờ được chăm sóc kỹ nên tỷ lệ trứng ấp nở đạt trên 95%. Kể từ đó, mỗi năm Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đều lên kế hoạch vận chuyển trứng rùa từ các nơi về Cù Lao Chàm.
Năm 2017, Ban Quản lý vận chuyển 1.000 trứng, 2 năm kế tiếp, mỗi năm vận chuyển 500 trứng. Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay đã qua 6 đợt vận chuyển với gần 2.000 trứng, tỷ lệ ấp nở đạt trên 90%: "20-30 năm về trước, Cù Lao Chàm là nơi có rất nhiều rùa biển sinh sống trên các bãi biển. Do nhận thức chưa đầy đủ nên thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đến công tác này nên rùa biển biến mất ở khu vực Cù Lao Chàm. Năm 2015, chúng tôi làm các đợt tham vấn người dân thì mới phát hiện ra thông tin về rùa biển ở đây. Hỏi ra thì người dân rất mong muốn cần thực hiện bảo tồn rùa biển để đưa rùa biển về lại với Cù Lao Chàm".
Thành công lớn nhất của việc bảo tồn và phục hồi quần thể rùa biển Cù Lao Chàm là đã góp phần nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp, du khách về ý thức bảo tồn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương ưu tiên giữ nguyên trạng khu vực Bãi Bấc (dài khoảng 500 đến 600 mét) để bảo tồn rùa biển. Các hoạt động kinh doanh buôn bán và giao thông khu vực này cũng sẽ được tính toán, bố trí ở một nơi khác; Kể cả hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản gần đó, chính quyền cũng từng bước chuyển đổi sinh kế cho người dân.
Hiện chưa có thống kê tỷ lệ sống của rùa con khi thả về biển. Bởi quy luật sinh tồn đối với các loài sinh vật biển rất khắc nghiệt. Các cơ quan chuyên môn đang tính đến việc gắn chip để theo dõi quá trình sinh tồn của rùa, từ đó có kế hoạch bảo tồn sau này với hy vọng phục hồi các giá trị tài nguyên Cù Lao Chàm./.
Theo vov.vn
Chùm ảnh màu hiếm về nhịp sống bình dị của Đà Nẵng những năm 90 Những khuôn hình về Đà Nẵng những năm 90 của nhiếp ảnh gia người Đức gợi nhắc về một thời kỳ đổi mới đầy vất vả nhưng cũng rất đỗi bình dị, thân quen. Ấn tượng đầu tiên Đà Nẵng nhìn từ cửa sổ máy bay. Góc Ông Ích Khiêm - Đỗ Quang, nhìn từ cửa sổ khách sạn. Các bức ảnh chụp...