Quảng Nam rải thảm đỏ kêu gọi các tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp hiện đại
Vấn đề đặt ra trong 5 năm tới (2021 – 2025) của Quảng Nam là phấn đấu duy trì và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành hằng năm 3,5% và đạt 16.900 tỷ đồng vào năm 2025; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh gắn bó lâu dài đối với các tập đoàn, công ty lớn.
Ngay những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã có buổi chia sẻ về phát triển tam nông của tỉnh Quảng Nam với phóng viên Dân Việt.
Thưa ông, trong bối cảnh vô cùng khó khăn như năm vừa qua, ông đánh giá về sự phát triển tam nông của tỉnh Quảng Nam như thế nào?.
Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thiên tai, dịch bệnh, gần đây nhất do ảnh hưởng tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của bà con nông dân đã vượt qua bao khó khăn, thách thức, tập trung chỉ đạo điều hành và đã đạt được những kết quả khá toàn diện.
Nhờ vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế chung của tỉnh, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững.
Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã có buổi chia sẻ về phát triển tam nông của tỉnh Quảng Nam với phóng viên Dân Việt (Ảnh: Trương Hồng)
Nông thôn ở Quảng Nam ngày càng khởi sắc.
Có thể nói, vai trò nông nghiệp của Quảng Nam đã và đang được khẳng định, 5 năm qua (2015-2020) thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tập trung lập mới 7 quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch ngành, lĩnh vực có ưu thế như lâm nghiệp, dược liệu, thủy sản, chăn nuôi…, rà soát và gắn quy hoạch nông thôn mới.
Tỉnh đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất… và phát triển đúng hướng, thực sự trở thành nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thiên tai, dịch bệnh, gần đây nhất do ảnh hưởng tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nổ lực của ngành nông nghiệp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của bà con nông dân Quảng Nam đã vượt qua bao khó khăn (Ảnh: Trương Hồng)
Tốc độ tăng bình quân giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản giai đoạn (2015 – 2020) đạt kế hoạch đề ra (4,0%/năm).
Trong cơ cấu nội bộ ngành giảm tương đối tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp, thủy sản.
Bước đầu duy trì liên kết sản xuất có hiệu quả, với hơn 140 cánh đồng lớn, diện tích 6.000 ha (giống lúa, ngô, đậu xanh, lạc, ớt, dưa hấu…). Chăn nuôi bò tăng 2,75%, gia cầm phát triển mạnh; sản lượng thủy sản tăng 1,15 lần.
Lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân là 11,03%/năm; cây dược liệu khu vực miền núi phát triển khá, sau 2 năm tăng hơn 1.400 ha; cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực; thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất khác đã có bước hoàn thiện đáng kể, tỷ lệ kiên cố đạt 62,66% (theo mục tiêu KH 60%); công tác sắp xếp, ổn định dân cư vùng miền núi đạt kết quả cao, với 5.970 hộ, đạt 99,5% KH đến năm 2020, dự kiến đến cuối năm đạt trên 7.090 hộ.
Xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả với 58% số xã (tăng 8,0% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020), không còn xã dưới 8 tiêu chí.
Để tạo bước phát triển đột phá trong năm 2022 và những năm tới, vậy cụ thể tỉnh Quảng Nam sẽ phải làm những gì, thưa ông?
Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam đã có Kết Luận số 699-KL/TU về thực hiện quy hoạch và định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025.
Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự thay đổi về nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; là vấn đề cốt lõi, có tính chiến lược để bức phá, chuyển mạnh nền nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) sang sản xuất hàng hóa, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả.
Video đang HOT
Nhiều cánh đồng mẫu của nông dân Quảng Nam ngày càng phát triển (Ảnh: Trương Hồng)
Nông dân Quảng Nam đầu tư máy móc hiện đại vào phát triển nông nghiệp
“Vấn đề đặt ra trong 5 năm tới (giai đoạn 2021 – 2025) là cần phải phấn đấu duy trì và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành (GO) hằng năm 3,5% và đạt 16.900 tỷ đồng vào năm 2025.
Tiếp tục kiên trì, quyết liệt, tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất từng ngành và từng lĩnh; tăng sản xuất dưới các hình thức liên kết đạt trên 20% giá trị sản phẩm các loại cây trồng.
Sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 10% (diện tích trên 10.000ha, bao gồm cả cây dược liệu).
Nâng giá trị trên 1 ha canh tác cây hằng năm đạt trên 120 triệu đồng/ha vào năm 2025. Có ít nhất 20% diện tích (30.000 ha) đất có rừng trồng sản xuất được cấp giấy chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế.
Nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp (Ảnh: Tường Quân)
Phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 15 tiêu chí. Có khoảng 40% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Đối với cấp huyện, 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn NTM được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu.
Ngoài việc nông dân đầu tư nông nghiệp xanh, sạch ra, vậy tỉnh Quảng Nam rải thảm kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư như thế nào?.
Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư địa bàn nông thôn có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vì vậy Quảng Nam đã đẩy mạnh việc thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.
Quảng Nam đang rải thảm đỏ kêu gọi các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào nền nông nghiệp hiện đại (Ảnh: Trương Hồng)
Để làm được điều đó, trước mắt cần phải cải thiện môi trường xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tập trung chỉ đạo thí điểm một số khu để tạo quỹ đất “sạch”,… hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh gắn bó lâu dài đối với các tập đoàn, công ty lớn đã và đang xúc tiến đầu tư như, Công ty Tập đoàn T&T, Vingroup, Công ty Hào Hưng, Công ty An Việt Phát, Công ty Tập đoàn Tín Thành…
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống kết nối thương mại từ sản xuất, tiêu thụ và chế biến trong chuỗi giá trị thông qua tổ chức thành mối liên kết chính thức và xây dựng quy chế hoạt động các Hiệp hội để đẩy mạnh thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đồng thời tạo điều kiện gắn kết hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới trong nông nghiệp.
Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong một lần thăm các mô hình của nông dân (Ảnh: Trương Hồng)
Việc có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong giai đoạn tới là phải sớm bổ sung về nội dung tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, có sự liên kết, tích hợp vào nội dung quy hoạch kinh tế xã hội tỉnh để giúp cho việc sớm phục hồi và phát triển nền kinh tế chung.
Một doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ nông sản của nông dân (Ảnh: Trương Hồng)
Trong đó mở ra hướng đột phá mới cho ngành nông nghiệp, tạo điều kiện các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp xúc tiến các dự án lớn vào nông nghiệp nông thôn như: hình thành vùng sản xuất tập trung các loại nông sản; các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, chế biến dược liệu, các nông sản hàng hóa chủ lực.
Phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa xác định theo 3 cấp độ, đó là nhóm sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực đặc sản, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền, địa phương và gắn với chương trình OCOP.
Tại Quảng Nam đã có hàng trăm sản phẩm OCOP do nông dân sản xuất ra (Ảnh: Trương Hồng)
Để làm được điều đó, hiện Quảng Nam đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách tạo động lực mạnh mẽ, sớm hiện thực hóa chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê, để các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất tập trung, mở rộng quy mô phát triển nhanh hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Ngoài ra, triển khai thực hiện khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Điện Bàn và xúc tiến mỗi huyện xây dựng ít nhất một khu nông nghiệp công nghệ cao.
Cây dược liệu cũng được Quảng Nam chú trọng đầu tư phát triển (Ảnh: Trương Hồng)
Bên cạnh đó Quảng Nam sẽ hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất cây thực phẩm khoảng 18.000 ha ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, đồng thời ứng dụng công nghệ cao, tưới nước tiết kiệm trong sản xuất trên 5.000 ha, tại các khu vực đô thị Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành và một số nơi ở vùng Đông Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh.
Thực hiện liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nông lâm thủy sản như, Công ty Thadi và Công ty Nam Hội An, Công ty An Việt Phát và các doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, còn xây dựng các vùng rừng trồng nguyên liệu gỗ với quy mô diện tích khoảng 150.000 ha phục vụ cho công nghiệp chế biến.
Xúc tiến tổ chức tìm hiểu và khai thác thị trường tín chỉ cacbon để mua bán và chuyển nhượng từ 0,8 – 1 triệu tấn CO2, với giá trị từ 4 – 5 triệu Đô la Mỹ…
Phát triển 'Tam nông' bằng tư duy mới: Cần cả trí tuệ và lương tâm!
Phát triển tam nông cần đến cả tư duy và đạo lý phát triển, cần cả trí tuệ và lương tâm từ phía người lãnh đạo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn chia sẻ.
Trong một tham luận với chủ đề "Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn - nhìn bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới", với lăng kính mới, PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ: Phát triển "tam nông" đòi hỏi phải có tư duy kinh tế thị trường hiện đại, "hành động địa phương, tầm nhìn toàn cầu". Tư duy thị trường phải gắn với định hình tình cảm, trách nhiệm với nông dân; làm cho nông dân thực sự là chủ thể phát triển nông thôn.
PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Cần suất đầu tư lớn mà không thể tính bằng hiệu quả kinh tế
Có một thực tế là, đầu tư vào nông nghiệp đem lại "dân giàu", nhưng nguồn thu cho địa phương không như đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi tính căn cơ, không chỉ tính đến bài toán nâng cao thu nhập mà cả những vấn đề dịch chuyển cơ cấu lao động, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc... Do đó, phát triển nông nghiệp dày công hơn rất nhiều, khó khăn bội phần, ở đây cần nhiều lời giải cùng lúc của bài toán "tam nông"... Đó là một sự nghiệp giáo dục lại người nông dân đầy khó khăn, gian khổ.
Phát triển "Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân thông minh" cần đến rất nhiều nguồn lực đầu tư công với diện tích trải rộng khắp mọi vùng miền đất nước, nơi càng khó khăn, càng đặt ra những yêu cầu cao về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bình đẳng giữa các dân tộc, càng cần suất đầu tư lớn mà không thể tính thuần tuý bằng hiệu quả kinh tế.
"Từ lãnh đạo đến người dân phải ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, vì chất lượng sống của người dân nông thôn", PGS.TS Đoàn Minh Huấn.
Nếu người lãnh đạo thiếu tình yêu thương, thiếu thấu hiểu và thấu cảm giai cấp nông dân đã từng đóng góp nhiều nhất cho kháng chiến, đã hy sinh rất nhiều cho công nghiệp hoá thì khó có thể hình thành được tư duy đổi mới, phát triển "tam nông".
Bởi nguồn lực cho công nghiệp hoá, đô thị hoá gần như hút từ nông thôn (nhân lực, vật lực, tài lực, đất đai,...) rồi cả gây ô nhiễm môi trường, "đẩy" cho nông thôn gánh chịu (nơi xả nước thải, bãi thải rác công nghiệp, rác sinh hoạt cho đô thị, xây dựng nghĩa trang...).
Phải loại trừ những quan điểm phát triển thiếu lương tâm khi đánh đổi lợi ích của nông dân, nông thôn cho công nghiệp hoá, đô thị hoá mà đằng sau đó luôn có bóng dáng các "nhóm lợi ích".
Biến đổi của nền kinh tế và xã hội nông thôn chứa đựng cả mặt thuận chiều và mặt nghịch chiều, tích cực và tiêu cực. Nhiều làng quê chỉ còn lại phần lớn là người già và trẻ em, thiếu lao động trẻ, có tay nghề, được đào tạo bài bản, thiếu năng lực chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Văn hoá bản làng, gia đình, lối sống nông thôn thay đổi nhanh chóng, cả tích cực và tiêu cực đan xen, ảnh hưởng nhiều mặt đến bản sắc văn hoá.
Vì thế, phát triển "tam nông" cần đến cả tư duy và đạo lý phát triển, cần cả trí tuệ và lương tâm từ phía người lãnh đạo - những người luôn phải tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, có lòng yêu thương nông dân.
Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề hạn chế thua thiệt trước cơ chế thị trường; là vấn đề lớn của xây dựng nông thôn mới, mà ở đó phải gắn kết chặt chẽ giữa giữ gìn các thiết chế văn hoá phong tục tập quán tốt đẹp với loại trừ hủ tục lạc hậu đang cản trở tiến bộ, văn minh.
Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển "tam nông"
Bên cạnh tính phổ biến, cần chú ý tính địa phương , tính tộc người; cần kết hợp chặt chẽ giữa tri thức khoa học và tri thức địa phương. Các sản phẩm thuộc "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) có giá trị cao khi bán trên thị trường, sâu xa chính là sự kết tinh các giá trị tài nguyên bản địa và tri thức địa phương. Chính tri thức địa phương tạo nên những sản phẩm độc đáo phục vụ cho du lịch, tạo nên tính đa dạng của bản sắc văn hoá vùng miền, tộc người, địa phương, nó mang lại những giá trị vượt trội khi trao đổi trên thị trường.
"Cần thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi", PGS.TS Đoàn Minh Huấn.
Mặt khác, cần đảm bảo nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp bách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời phát huy vai trò của các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân để bảo đảm nguồn vốn cho khu vực nông thôn, đẩy lùi tình trạng "tín dụng đen".
Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn chỉ được bảo đảm khi năng lực chủ thể được nâng lên tương ứng, bao gồm cả năng lực nhận thức và năng lực hành vi, năng lực cá nhân và năng lực trổ chức thông qua các pháp nhân, các hình thức liên hết, hợp tác, tạo nên sức mạnh cộng đồng mà nếu chỉ tồn tại hộ tiểu nông nhỏ lẻ, tách biệt sẽ gặp rất nhiều thua thiệt, khó đủ khả năng ứng phó với thách thức và tận dụng cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.
Xây dựng quan hệ giai cấp tại nông thôn hướng vào tạo nền tảng vững chắc cho củng cố hệ thống chính trị và dẫn dắt người dân làm kinh tế. Vừa chăm lo giảm nghèo bền vững, vừa đầu tư xứng đáng vào phát triển các nhân tố tiêu biểu, ưu trội có năng lực làm ăn kinh tế, có tinh thần cộng đồng, có tố chất dẫn dắt xã hội nông thôn, kể cả đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu làm bí thư cấp ủy cơ sở.
Đó là những nhà nông thế hệ mới hoặc những hộ kinh doanh kinh tế nông thôn tiêu biểu. Thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi vay vốn, tạo quỹ đất phát triển nông trại, ứng dụng khoa học - công nghệ kết hợp với phát huy giá trị tri thức địa phương.
Cần chuyển đổi các trường đào tạo kỹ sư nông nghiệp hướng mạnh vào đào tạo kỹ sư thực hành mà ở đó phải dành ít nhất 50% thời gian để đào tạo xây dựng đề án và thực hành đề án để trở thành những nhà nông chuyên nghiệp (đề án phải xác định được quỹ đất, cơ chế có được quỹ đất, mô hình tổ chức sản xuất, đầu vào, đầu ra sản phẩm, công nghệ ứng dụng, thị trường lựa chọn, địa chỉ cung cấp nguồn vốn, địa chỉ bảo lãnh... và thực nghiệm đề án đó).
Tóm lại, lăng kính mới, cách tiếp cận mới chính là phát triển nền nông nghiệp sinh thái, đa dạng giá trị, đặt trong quan hệ phát triển kinh tế nông thôn; phát triển nông thôn văn minh gắn kết chặt chẽ với đô thị hoá, kết nối không gian nông thôn - đô thị; xây dựng giai cấp nông dân văn minh thật sự là chủ thể cho cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn mà tính chủ thể được hiện diện ở cả năng lực nhận thức và năng lực hành vi, năng lực cá nhân và năng lực tổ chức...
Những vấn đề mới nêu trên được đặt trong tổng thể phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, hội nhập quốc tế; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu... mà ở đó nông nghiệp, nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt, giai cấp nông dân có vị thế xứng đáng và có cuộc sống ngày càng khá giả, văn minh.
Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh tư liệu: TTXVN Mục tiêu chung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa...