Quảng Nam: Làm ruộng 3 năm không bằng “vua tằm” chăm 1 lứa
Tìm về mảnh đất Duy Trinh ( huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), không ai là không biết “vua tằm” Trương Văn Dũng với hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Giữa những đổi thay của đời sống hiện đại, ông Dũng vẫn miệt mài với cái nghề dù vất vả, nhưng đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm cho gia đình.
Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng
Ông Trương Văn Dũng (60 tuổi, trú thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) biết đến nghề trồng dâu nuôi tằm từ những năm 14 tuổi.
Thuở ấy, không chỉ Duy Trinh, mà cả huyện Duy Xuyên được xem là thủ phủ tơ tằm của miền Trung. Những nương dâu xanh ngát trải dài ven sông Thu Bồn, là nguồn thức ăn dồi dào để chăm tằm, ươm tơ, dệt lụa.
Lá dâu là nguồn thức ăn duy nhất nuôi tằm, nên vua tằm Trương Văn Dũng luôn tỉ mỉ chọn những lá xanh, lành, sạch.
Nói về nghề tằm tang, ông Dũng cho rằng không nghề nào cực bằng nghề nuôi tằm. Nếu nuôi tằm dệt lụa thì phải trải qua bốn giai đoạn (một vòng đời): ấp trứng, sâu tằm, nhộng tằm, ngài (bướm) tằm. Mỗi công đoạn người chăm đều rất cực, nhưng cực nhất vẫn là lúc ấp trứng.
Nếu không tuân thủ các quy định, mẹo ấp thì trứng tằm sẽ bị ung và không nở thành sâu. Như vậy, nhà nông lứa tằm đó coi như mất trắng.
Tằm càng lớn ăn càng nhiều và ngửi mùi lá dâu rất tài.
Vua tằm hào hứng nói: “Lá dâu là nguồn thức ăn chính để nuôi tằm suốt vòng đời 20 ngày. Tùy vào độ tuổi của tằm mà tôi sẽ cắt lá dâu theo nhiều kích thước: tằm nhỏ thì cắt lá non, nhỏ, mịn; tằm lớn thì cắt lá bánh dẻ (không già không non), to. Mỗi ngày tôi đều ra ruộng dâu hái lá về rửa sạch, để ráo và cho tằm ăn 2-3 tiếng/lần…”.
Video đang HOT
“Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra xem ruồi nhặng, thằn lằn có ăn tằm không? Không để tằm đói và đảm bảo rất nhiều các yếu tố sinh trưởng khác: ánh sáng, độ ẩm, không khí”…
Từ một hộp trứng tằm, ông Dũng có thể thu gần 100kg tằm chín.
Để nhà nghề dệt nên một tấm lụa bền, đẹp sẽ mất rất nhiều công sức và tâm huyết. Và theo thị hiếu của thị trường, tơ lụa không còn được ưa chuộng hay tiêu thụ rộng rãi như trước. Khi mà 3kg tằm (240.000 đồng) mới được 1kg kén (120.000 đồng) thì nhà nông chỉ có lỗ, đời sống kinh tế của bà con không được đảm bảo.
Bên cạnh đó, những nhọc nhằn của nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đã khiến bà con không còn mấy mặn mà.
Làm ruộng ba năm, không bằng chăm tằm một lứa
Một lứa tằm 80.000 trứng/hộp, sau 20 ngày, cho ra khoảng 100kg tằm chín bán với giá 80.000 đồng/kg. Nhìn thấy được lợi nhuận cao từ con tằm, ông Dũng đã chuyển sang hình thức nuôi tằm thương phẩm, cung cấp thức ăn cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.
Từ đó, cuộc sống gia đình ông Dũng và nhiều hộ nuôi tằm lân cận trở nên khấm khá và có của ăn của để hơn trước. Trung bình mỗi năm, ông Dũng thu lãi từ nghề nuôi tằm khoảng hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Dũng, công đoạn cắt lá dâu thành sợi cho tằm ăn nhìn thì đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được.
“Vừa qua, nông dân thu hoạch hai tấn lúa mới được 10 triệu đồng, thì tôi chỉ cần 20 ngày đã thu được 10 triệu. Dù nghề chăm tằm ăn lá rất vất vả, nhưng lại mang về nguồn kinh tế cao. Ấy vậy, tôi có truyền kinh nghiệm 30 năm cũng không mấy ai học, bởi họ chọn công việc nhàn hạ hơn với mức lương ổn định. Còn nghề trồng dâu, nuôi tằm ở bãi bồi ven sông Thu Bồn này chỉ còn những người già gắn bó…”, ông Dũng vừa hái lá dâu vừa cho hay.
Do thời tiết quá nắng nóng nên trứng tằm khó nở, tằm con khó sinh trưởng. Chính vì vậy, nhà nuôi tằm phải đóng cửa kín đáo, tránh gió, giữ nền nhiệt dưới 30 độ C…
Hơn 1ha đất phù sa ven sông được vua tằm thuê lại để trồng dâu nuôi tằm, với giá 500.000 đồng/sào. Sau 4 tháng giâm hom dâu (thân cây dâu), người nuôi tằm sẽ hái lá từ 4-10 năm (tùy vào chất lượng đất trồng). Chỉ sau ba lứa tằm, ông Dũng có thể thu về nguồn vốn đã đầu tư cho những nương dâu bạt ngàn.
“Tôi theo nghề nuôi tằm dệt lụa từ đời cha ông, nhưng phải đến khi nuôi tằm thương phẩm thì đời sống mới thực sự đi lên. Tôi xây được nhà cửa khang trang, mọi nhu cầu sinh hoạt được đáp ứng đủ đầy, nuôi con cái ăn học,… tất cả cũng nhờ tằm…”, ông Dũng phấn khởi chia sẻ.
Quảng Nam ứng phó khô hạn
Nhiều diện tích lúa được chuyển qua cây trồng khác hoặc chấp nhận bỏ hoang là giải pháp được tỉnh Quảng Nam thực hiện để đảm bảo đủ nước tưới cho vụ Hè Thu (HT).
Hiện nay các địa phương của tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu bước vào vụ sản xuất Hè Thu. Ảnh: Lê Khánh.
Thiếu nước, xâm nhập mặn là thực trạng mà nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam thường xuyên đối mặt trong mỗi vụ lúa HT trong những năm qua.
Để ứng phó với tình trạng này, vụ HT năm nay các ngành chức năng đã tính đến nhiều phương án để đảm bảo hiệu quả và năng suất cho diện tích lúa dự kiến sản xuất trên địa bàn.
Huyện Duy Xuyên là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn về vấn đề hạn, mặn của tỉnh Quảng Nam. Vụ HT 2020, toàn huyện dự kiến sản xuất 3.570ha lúa.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Duy Xuyên, từ tháng 5 đến tháng 8, cường độ nắng nóng khá gay gắt và kéo dài, nhận định nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.
Bên cạnh đó, lượng mưa trong tháng 5 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25%. Lưu lượng dòng chảy từ tháng 5 đến tháng 9 trên sông Thu Bồn sẽ thiếu hụt. Sau khi kết thúc vụ ĐX, cao trình các hồ chứa, đập dâng trên địa bàn đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Nhiều khả năng, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước và xâm nhập mặn diễn ra phức tạp. Dự báo, diện tích hạn, mặn trong năm vụ HT của toàn huyện khoảng 1.550ha.
Ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Duy Xuyên cho biết, trước mắt huyện sẽ cố gắng sản xuất hết diện tích dự kiến. Đồng thời đã chuẩn bị kinh phí chống hạn mặn về nhiên liệu và máy móc cần thiết khác cho các trạm bơm trên địa bàn hơn 3 tỷ đồng.
"Nếu trong thời gian tới không có mưa thì các hồ chứa trên địa bàn sẽ không cung cấp đủ nước. Do đó phải huy động các trạm bơm để bơm nước từ sông Thu Bồn. Trong trường hợp nước không đủ thì vào thời điểm gieo sạ sẽ chấp nhận cắt một số diện tích cuối kênh để bảo vệ diện tích còn lại", ông Tường nói.
Các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đang tìm mọi biện pháp để đảm bảo nước tưới trước nguy cơ hạn, mặn. Ảnh: Lê Khánh.
Tại TX. Điện Bàn, vụ HT năm nay, toàn TX dự kiến sản xuất khoảng 5.400ha lúa. Theo ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Nông nghiệp TX Điện Bàn, đến thời điểm hiện tại thì địa phương đã chủ động các phương án phòng chống hạn, mặn để sản xuất hết diện tích dự kiến.
"Hiện nay, độ nhiễm mặn trên các con sông cung cấp cho diện tích lúa của địa phương có thời điểm đã lên rất cao, ảnh hưởng đến cây trồng. Do đó, để đảm bảo sản xuất, TX. Điện Bàn đã tiến hành đắp 2 đập ngăn mặn, 1 đập ở phường Điện Ngọc và 1 đập ở trạm bơm Tiên Nam, thuộc cánh ở cầu Câu Lâu", ông Chơi nói.
Liên quan đến vấn đề đảm bảo nước tưới cho vụ HT, ông Đỗ Văn Tường, Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, cuối năm 2019, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và đặc biệt là các hồ chứa lớn mà Cty quản lý có một số hồ không được đầy nước vì mùa mưa lũ năm 2019 mưa ít.
Kết thúc mùa mưa lũ, một số hồ chứa không về được mực nước dâng bình thường nên trong quá trình tưới vụ ĐX thì đảm bảo còn vụ HT thì có 5 hồ thiếu nước. Nếu trong thời gian tới không có mưa, thì chắc chắn lượng nước các hồ này cung cấp cho diện tích lúa sẽ không đủ.
Do đó, Cty đã dự tính kỹ và sẽ phải cắt giảm diện tích, tổng diện tích cắt giảm là khoảng 460ha. Những diện tích này sẽ chuyển đổi qua cây trồng khác, có một số nơi không có nguồn nước luôn thì phải bỏ", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, về hệ thống trạm bơm lấy nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn và Vĩnh Điện thì hiện nay các hồ chứa thủy điện cơ bản đảm bảo mực nước theo quy trình. Cho nên việc cung cấp nước vừa phát điện vừa xả về hạ du thì hệ thống Vu Gia cơ bản đảm bảo. Hệ thống Thu Bồn còn phụ thuộc vào thủy điện Sông Tranh và thủy điện Đăk Mi.
Trước vấn đề này, đại diện Cty thủy điện Sông Tranh 2 thông tin thêm, lưu lượng trung bình mà Cty cấp nước hạ du từ đầu năm 2020 đến nay là 38,54m3/s, gấp 1,37 lần lưu lượng về hồ. Theo đó, tổng lượng nước cấp cho hạ du tương ứng trong thời gian qua khoảng 433 triệu m3. Hiện nay, hồ chứa vẫn tích trữ được nguồn nước phục vụ nhu cầu sử dụng của địa phương vào cao điểm mùa khô mùa khô năm 2020, đặc biệt là giai đoạn cấp nước tăng cường đổ ải vụ HT.
Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, trong vụ HT năm 2020 toàn tỉnh sẽ sản xuất 42.000ha lúa. Nếu trong thời gian tới không có mưa bổ sung, mặn xâm nhập sâu thì diện tích cần phải thực hiện các biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn khoảng 9.000 - 10.000ha.
Chi tiền hỗ trợ cho dân rồi thu lại: Cán bộ xã trần tình Trưởng thú y xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) khẳng định, việc tổ thú y xã thu lại toàn bộ tiền hỗ trợ mà các hộ chăn nuôi nhận được là đúng. Trả lời VTC News về việc hàng trăm hộ chăn nuôi ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nhận tiền hỗ trợ tại UBND xã...