Quảng Nam: Bị phạt vì xây nhà tạm chăn vịt
Xây nhà tạm chứa thức ăn chăn nuôi, làm chuồng vịt trong đất vườn, bị xã cho là chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Ông Võ Dùng (trú thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) kể: Gia đình ông được UBND huyện Núi Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích đất gồm 11.367 m2, trong đó 8.188 m2 đất ở và đất vườn, còn lại là đất lúa và đất màu.
Chuyển mục đích sử dụng đất thành phi nông nghiệp?
Để gia cầm khỏi ra ngoài phá hoại hoa màu của người khác, ông Dùng xây một chuồng vịt, tường rào bằng gạch trong phần đất vườn. Cùng với đó, ông xây một nhà tạm để làm nơi chứa thức ăn cho vịt. Trong suốt thời gian ông Dùng xây dựng, chính quyền xã Tam Hiệp không hề can thiệp hay có ý kiến. “Đến ngày 27-6, khi công trình vừa hoàn thành thì cán bộ xã đến lập biên bản. Họ cho rằng gia đình tôi đã xây dựng trái phép” – ông Dùng nói.
Đến ngày 3-7, UBND xã Tam Hiệp ban hành Quyết định 1196 xử phạt hành chính ông Dùng 1,5 triệu đồng với lý do: “Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà, chuồng vịt, tường rào”. Quyết định cũng yêu cầu ông Dùng khôi phục hiện trạng đất ban đầu khi chưa vi phạm.
Cũng theo ông Dùng, cán bộ xã đến lập biên bản nhưng không đưa biên bản cho gia đình ông, ngày 3-7 thì đến giao quyết định xử phạt rồi về. “Tôi chưa nộp tiền phạt vì tôi cho rằng xây nhà tạm, chuồng vịt trên đất vườn thì không phải xin phép. Tôi đã gửi đơn khiếu nại đến xã Tam Hiệp nhưng đến nay vẫn chưa thấy nói gì” – ông Võ Dùng cho biết.
Còn anh Võ Văn Hùng – con trai ông Dùng thì cho hay thấy trong biên bản vi phạm hành chính ghi cha anh phạm lỗi xây dựng trái phép. Tuy nhiên, Quyết định 1196 lại ghi vi phạm là chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp… như nêu trên.
Video đang HOT
Ông Dùng chỉ căn nhà tạm xây trong vườn nhà. Ảnh: HUY TRƯỜNG
“Có sự chủ quan, đang rà lại”
Theo luật sư Nguyễn Minh Luận, Đoàn Luật sư TP.HCM, để chứng minh hành vi vi phạm của ông Dùng, chủ tịch UBND xã Tam Hiệp đã dựa vào hành vi xây dựng nhà, chuồng vịt, xây tường rào của ông Dùng để cho rằng ông Dùng sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích là phi nông nghiệp. Tuy nhiên, qua hình ảnh công trình, có thể thấy công trình ông Dùng xây dựng chỉ là nhà tạm, không phải nhà ở và vẫn sử dụng cho mục đích nông nghiệp – chăn nuôi vịt. Chỉ trường hợp xây nhà ở trên đất vườn thì bắt buộc phải chuyển mục đích. Về nhà tạm, pháp luật không quy định nhà tạm có kết cấu cụ thể như thế nào.
Vì thế, việc xã Tam Hiệp cho rằng ông Dùng chuyển mục đích sử dụng đất là chưa có căn cứ. Bởi lẽ việc nhà tạm, chuồng vịt, xây tường rào của ông Dùng vẫn sử dụng cho mục đích nông nghiệp, nếu có xin cấp phép xây dựng cũng không có căn cứ để cấp phép xây dựng theo quy định pháp luật. Do đó, khó xử phạt ông Dùng đối với hành vi nêu trên.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Chí, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, cho biết đang rà soát những vấn đề liên quan đến vụ việc của ông Dùng. “Nhà ông Võ Dùng nằm trong diện giải tỏa bồi thường Khu kinh tế Bắc Chu Lai. Chính quyền đã nhận đơn khiếu nại của ông Dùng và đang kiểm tra lại quy trình xử phạt hành chính, nếu làm đúng thì sẽ trao đổi lại với ông Dùng, chưa đúng thì phải xin lỗi ông ấy và điều chỉnh lại cho đúng quy định pháp luật” – ông Chí nói.
PV đề cập vì sao chưa xem xét kỹ mà lại ra một quyết định xử phạt hành chính, ông Chí thừa nhận đã có thiếu sót: “Trước mắt là nhận lỗi. Mình cũng hơi chủ quan”.
Khi PV đặt câu hỏi: Việc xử phạt hành chính đối với ông Dùng sẽ tạo tiền lệ xấu, vì người dân ở vùng nông thôn đều xây chuồng vịt, chuồng gà trên đất vườn nhà, ông Chí cho biết trong tuần này sẽ mời các ban ngành liên quan đến để tư vấn giải quyết.
Nếu ông Dùng chuyển sang làm nhà ở hoặc xây lò gạch, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh buôn bán thương mại… thì mới có thể coi là mục đích phi nông nghiệp. Việc xây dựng chuồng heo, gà… để chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân thì hiện luật chưa quy định rõ cụ thể cái nào được miễn, cái nào buộc phải xin phép xây dựng. Do đó, với các trường hợp xây cất công trình phụ, tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp mà không ảnh hưởng đến trật tự quản lý xây dựng thì nên giải thích cho bà con nông dân hiểu để tuân thủ các điều kiện xây dựng… Luật sư LÊ CAO, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng
Theo Danviet
Giám đốc "ăn chặn" tiền dự án hỗ trợ dê cho nông dân
Tại 4 xã thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Cho tới khi cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, hành vi khuất tất trên mới được đưa ra ánh sáng, ông Long và thuộc cấp phải tra tay vào còng số tám.
"Bàn tay ma thuật", không có dê vẫn... quyết toán
Đại diện Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi tham ô tài sản đối với: Thân Văn Long (SN 1958), Giám đốc công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang (doanh nghiệp hơn 90% vốn Nhà nước); Nguyễn Xuân Hậu (SN 1969), Phó Giám đốc công ty và Trinh Văn Trung (SN 1965), cán bộ của công ty. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an tỉnh Bắc Giang) cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 bị can trên.
Trước đó, thực hiện dự án khuyến nông Trung ương, thời điểm năm 2013-2014, viện Chăn nuôi thuộc bộ NN&PTNT triển khai dự án chăn nuôi dê, cừu sinh sản tại 4 xã khó khăn thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, gồm: Hộ Đáp, Sa Lý, Phong Minh, Cấm Sơn. Dự án này sẽ cấp miễn phí dê giống cho những hộ tham gia dự án để thực hiện mô hình. 30 hộ dân đã được lựa chọn tham gia. Nếu đúng quy định, mỗi hộ sẽ được cấp miễn phí 5 con dê cái và mỗi xã sẽ được cấp một con dê đực để phối giống.
Thời điểm đó, giá mỗi con dê đực khoảng 7,5 triệu đồng và giá mỗi con dê cái khoảng 4,6 triệu đồng. Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện dự án này. Tuy nhiên, điều bất ngờ là, tất cả 30 hộ nông dân thuộc 4 xã khó khăn trên không hề nhận được bất kỳ con dê giống nào từ dự án. Thay vào đó, ông Thân Văn Long, Giám đốc công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang đã chỉ đạo thuộc cấp hỗ trợ cho dân bằng tiền mặt từ 1-2,5 triệu đồng/đầu dê đực và 500-700 nghìn đồng/đầu dê cái.
Ảnh minh họa.
Qua mặt cả chính quyền địa phương?!
Sau khi cấp tiền mặt cho các hộ dân, ông Long đã thông đồng với thuộc cấp lập chứng từ cung cấp dê khống, hồ sơ quyết toán khống, rút số tiền chênh lệch giữa giá dê thực tế và khoản tiền thực cấp cho nông dân, tổng giá trị trên 600 triệu đồng.
Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Một cán bộ PC46 cho biết, mục tiêu của dự án trên là xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản, giúp nhân dân vùng khó khăn học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật để áp dụng cho hộ gia đình mình, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, khi dự án được triển khai, người dân tham gia dự án không hề hay biết mình đã bị ăn chặn tiền. Đúng ra, các hộ phải được nhận dê giống miễn phí nhưng lại nhận một số tiền tượng trưng, thấp hơn giá trị thực của mỗi con dê. Ngay cả chính quyền địa phương cấp xã cũng không biết mình bị cán bộ của công ty CP Giống chăn nuôi Bắc Giang qua mặt. Họ chỉ nghĩ dự án triển khai, hỗ trợ tiền đúng như thế và hướng dẫn người dân làm các thủ tục.
Cho đến khi, Cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, thu thập tài liệu, thì chính quyền và các hộ dân mới biết. Thậm chí, đến thời điểm này, một số hộ dân vẫn còn chưa hiểu hết về dự án này. Vì vậy, vị cán bộ PC46 khuyến cáo, đối với chính quyền địa phương, khi có dự án nào về triển khai trên địa bàn thì phải kiểm tra, kiểm soát kỹ trước khi phối hợp thực hiện.
Hiện, PC46 đang mở rộng điều tra vụ án để làm rõ, xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan, sớm kết luận, đề nghị truy tố các bị can trước pháp luật.
HƯỜNG - PHƯƠNG
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Quá dễ đối phó với thanh tra chất cấm trong chăn nuôi Thanh tra chất cấm trong chăn nuôi được tiến hành trực tiếp nhưng hầu hết các cơ sở chăn nuôi đều được báo trước nên kết quả khó chính xác Chiều nay 31/3, tại TP Đà Nẵng, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã trao đổi nghiệp vụ với các cơ quan liên quan và Thanh tra các Sở NN&PTNT 63 tỉnh, thành phố trong...