Quảng cáo bột giặt Trung Quốc gây ‘bão’ vì phân biệt chủng tộc
Truyền thông Mỹ nổi đóa trước video quảng cáo “ phân biệt chủng tộc”: cô gái Trung Quốc đút bột giặt vào miệng người đàn ông da đen, đẩy anh ta vào máy giặt và sau đó người này biến thành người châu Á da vàng.
Trong đoạn video quảng cáo, người phụ nữ Trung Quốc đút viên bột giặt vào miệng người đàn ông da đen. YOUTUBE
Video quảng cáo bột giặt dạng viên nhãn hiệu “Qiaobi” của công ty Leishang (Trung Quốc) cho thấy một người đàn ông da đen mặc áo dính vết bẩn huýt sáo, tán tỉnh một cô gái trẻ Trung Quốc, theo AFP. Cô gái vẫy tay gọi người đàn ông da đen đến, đút viên bột giặt vào miệng anh ta, rồi bất ngờ nhận anh ta vào lồng máy giặt.
Cô gái đậy nắp máy giặt và ngồi lên, bất chấp người đàn ông bên trong gào thét.
Một lúc sau, một người đàn ông châu Á da vàng chui ra từ máy giặt với quần áo sạch sẽ và cô gái mỉm cười mãn nguyện.
Các hãng tin Mỹ đã chỉ trích quảng cáo này, gọi đây là một minh chứng cho thấy thái độ phân biệt chủng tộc đối với người da đen ở Trung Quốc.
Video đang HOT
“Quảng cáo này rõ ràng là phân biệt chủng tộc… nó cho thấy thái độ phân biệt chủng tộc và màu da ở Trung Quốc”, trang tin Vox.com viết. Đài CNN (Mỹ) gọi đây là quảng cáo “phân biệt chủng tộc tệ hại nhất”.
Trong đoạn video quảng cáo, người đàn ông da đen sau khi bị đẩy vào máy giặt đã “biến” thành người đàn ông châu Á da vàng. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YOUTUBE
Theo đài CNN, không chỉ truyền thông Mỹ bức xúc mà một số bộ phận cư dân mạng Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối mẩu quảng cáo thô thiển này.
Còn AFP cho hay quảng cáo này không thu hút nhiều sự chú ý ở Trung Quốc, với chỉ vài lời bình luận trên mạng xã hội, và chỉ có dưới 2.000 lượt view đoạn video quảng cáo đăng tải trên trang chia sẻ video phổ biến của Trung Quốc là Youku (tựa như Youtube).
Quảng cáo này, còn được chiếu trong các rạp chiếu phim hồi đầu tháng 5.2016, sử dụng cùng bản nhạc không lời và hiệu ứng âm thanh trong một đoạn quảng cáo tương tự của Ý trước đây. Quảng cáo của Ý cho thấy một người đàn ông da trắng bị đẩy vào máy giặt và sau đó biến thành… một người đàn ông da đen.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Thủ tướng Canada xin lỗi việc đuổi tàu nhập cư Ấn Độ năm 1914
Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau đã xin lỗi công khai trước Quốc hội về sự phân biệt chủng tộc của chính phủ nước này khi không tiếp nhận tàu chở hàng trăm người nhập cư từ Nam Á hồi năm 1914.
Thủ tướng Canada, Justin Trudeau chính thức xin lỗi trước Quốc hội về sự kiện năm 1914. REUTERS
Chiếc tàu Komagata Maru chở theo 376 người, phần lớn là người theo đạo Sikh, đạo Hồi và đạo Hindu ở Ấn Độ, xuất phát từ Hồng Kông đến Vancouver (Canada) vào ngày 23.5.1914 nhưng không được vào bờ vì luật nhập cư khi đó, theo ABC News ngày 18.5.
Các quan chức Canada thời điểm đó đã áp dụng luật nhập cư hà khắc và phân biệt chủng tộc để ngăn 376 người trên tàu lên bờ. Có 20 người từng sống tại Canada được phép cho lên bờ, số còn lại ở trên tàu đậu tại cảng suốt 2 tháng.
Tàu Komagata Maru chính thức rời đi vào ngày 19.7.1914 và được đưa về thành phố Calcutta (Ấn Độ). Có 20 người thiệt mạng trên đường về trong một cuộc chạm trán với binh lính Anh. Những người khác trên tàu bị bắt giam, theo đài CBC.
"Không nghi ngờ gì nữa, chính quyền Canada phải chịu trách nhiệm về những luật ngăn cản các hành khách đó nhập cư vào Canada an toàn và hoà bình. Chúng tôi xin lỗi vì điều đó và vì những hậu quả đáng tiếc xảy ra sau đó", Thủ tướng Trudeau phát biểu.
Lãnh đạo của các đảng đối lập cũng xin lỗi về quyết định trong quá khứ của chính quyền Canada. Người đứng đầu đảng Dân chủ mới Thomas Mulcair gọi quyết định đó đơn giản, rõ ràng là phân biệt chủng tộc và là một thảm kịch lịch sử của toàn thể người dân Canada.
Cựu thủ tướng Canada Stephen Harper từng xin lỗi về vụ việc này trong một sự kiện ở bang British Columbia vào năm 2008. Tuy nhiên, cộng đồng người Sikh muốn một lời xin lỗi chính thức tại Quốc hội. Canada là nước có hơn 1 triệu người gốc Nam Á.
Thủ tướng Trudeau từng cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2015 của ông rằng sẽ đưa ra lời xin lỗi. Ông Trudeau cũng cảm ơn Bộ trưởng Quốc phòng Harjit Sajjan, một người đạo Sikh, đã nỗ lực để lôi kéo sự chú ý của cả nước đến sự kiện này. Ông Sajjan từng là chỉ huy trung đoàn thuộc quân đội Canada ở British Columbia, trung đoàn từng ngăn chặn tàu Komagata Maru.
"Trước khi bước vào cuộc đời chính trị, Bộ trưởng là chỉ huy của trung đoàn British Columbia - đơn vị từng buộc tàu Komagata Maru rời đi. Một thế kỷ trước, gia đình của Bộ trưởng có thể đã bị buộc phải rời khỏi Canada. Nhưng hôm nay, Bộ trưởng ngồi đây cùng chúng ta, tại Quốc hội này", Thủ tướng Trudeau phát biểu.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Cảnh sát Mỹ truy lùng kẻ viết chửi bậy người Việt Cảnh sát Garden Grove đang điều tra cáo buộc tội phân biệt chủng tộc sau khi một người đã viết những từ tục tĩu lên bức tường trên một con phố để chửi người Việt và người Trung Quốc ở thành phố này. Trung uý Bob Bogue, người phát ngôn Cảnh sát Garden Grove cho biết, vụ việc xảy ra trên phố Newland...