Quảng Bình: Kỷ luật hàng loạt cán bộ để rừng KVàng bị phá
Ngày 15.5, trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) cho biết, đã có hình thức kỉ luật với cán bộ để xảy ra tình trạng phá rừng tại tiểu khu 144 rừng phòng hộ KVàng.
Cụ thể, kỉ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” đối với ông Lê Minh Thắng – viên chức Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa vì để xảy ra phá rừng trái pháp luật trong tiểu khu được giao quản lý.
Một khu vực thuộc rừng KVàng bị phá. Ảnh: Vũ Hoàng
Ngoài ra, thi hành kỉ luật bằng hình thức “khiển trách” đối với ông Đinh Minh Thanh – Trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Kvàng, viên chức ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa với lỗi vi phạm thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ để xảy ra phá rừng tại tiểu khu 144. Cách chức Trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Kvàng đối với ông Thanh và điều chuyển làm nhân viên nơi khác.
Biên bản xử lý kỷ luật. Ảnh: VH
Trước đó, báo Dân Việt đã phản ánh rừng phòng hộ khu vực vành đai biên giới thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa đã bị phá qua video, bài “Tận thấy rừng phòng hộ Kvàng ở Quảng Bình bị phá tan hoang”.
Theo Danviet
Video đang HOT
Tận thấy rừng phòng hộ Kvàng ở Quảng Bình bị phá tan hoang
Nhận được thông tin từ người dân cung cấp, phóng viên Dân Việt đã vào cuộc điều tra và chứng kiến rừng phòng hộ khu vực vành đai biên giới thuộc lâm phận Ban quản lý Rừng phòng hộ Minh Hóa (Quảng Bình) đã bị phá tan hoang.
Theo chân một người bản địa thông thạo địa hình rừng núi, PV Dân Việt đi bộ vào bản Ka Ai thuộc xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) để xác minh thông tin rừng ở đây bị phá không thương tiếc.
Tiếng kêu cứu giữa đại ngàn Ka Ai
Để vào khu vực rừng bị tàn phá chỉ có một con đường. Con đường độc đạo này người dân vẫn quen gọi là Hung Tro. Trên đường xuất hiện những rãnh sâu hoắm do lâm tặc kéo gỗ về, có những đoạn bị lõm sâu tới 70cm cho thấy rất có thể gỗ được kéo đi và bào mạnh vào mặt đường.
Đường mòn sâu hoắm do lâm tặc kéo gỗ về, có những chỗ sâu tới 60-70cm, minh chứng số lượng kéo qua đây rất lớn.
Dọc theo lối mòn, chúng tôi tiến sâu vào rừng. Trên đường đi, thỉnh thoảng người dẫn đường lại hú lên một tiếng. Thấy lạ, chúng tôi thắc mắc thì được người dẫn đường giải thích: "Mình hú như thế để phòng khi có người trên kia phóng gỗ xuống thì phát hiện ở dưới có người, họ sẽ hãm lại".
Mất khoảng 3 giờ đồng hồ băng suối vượt đèo, chúng tôi tiếp cận được hiện trường. Tiếng máy cưa vang dội cả một vùng mênh mông của đại ngàn.
Vào tới ngã ba Hung Tro, chúng tôi gặp đoàn người gùi gỗ nghỉ chân ở đây. Bắt chuyện với một người trong đoàn, anh này cho biết, gỗ họ đang vận chuyển là gỗ mun được bán với giá 35.000 đồng/kg, mỗi phách có trọng lượng khoảng 25 - 40kg.
Phóng viên hỏi "gỗ này mình lấy từ đâu?", người này nói: "Từ trong xa, chúng tôi đi từ lúc sáng sớm giờ mới ra tới đây", dứt lời người này lại tiếp tục gùi gỗ.
Những hình ảnh gỗ giữa rừng phòng hộ bị đốn hạ không thương tiếc.
Trong vũng lõi là vạt rừng cổ thụ còn trơ gốc và chằng chịt lối mòn do lâm tặc tự mở để đưa gỗ ra khỏi rừng. Mất thêm 30 phút, chúng tôi mới tới được hiện trường những cây đại thụ có đường kính cả mét, cây nhỏ nhất có đường kính khoảng 70-80cm được lâm tặc triệt hạ nằm ngổn ngang như đại công trường.
Sau khoảng 2 giờ đồng hồ len lỏi khắp khu rừng, chúng tôi bắt gặp khoảng 40 - 50 cây bị mổ xẻ thành những phách gỗ vuông lớn và những tấm bìa còn sót lạị. Có những cây mới được hạ lá vẫn tươi, thân còn ứa nhựa, mạt cưa vương vãi khắp nơi. Các cây bị đốn hạ thường là gỗ lim, táu, trường...
Những dấu tích còn sót lại tại hiện trường như cơm còn mới, can nhựa đựng nước, vỏ lon nước ngọt vứt lăn lóc...cho thấy có thể lâm tặc đã tổ chức khai thác tại đây trong một thời gian tương đối dài. Nhẩm tính với số gốc cổ thụ còn trơ lại thì số gỗ vừa bị đốn hạ lên đến hàng chục mét khối.
Dân biết, nhà báo biết, cơ quan chức năng không hề hay biết?
Được biết, rừng tự nhiên thuộc lâm phận quản lý của Lâm trường Minh Hóa - rừng phòng hộ Kvàng đã đóng cửa từ lâu và nghiêm cấm mọi hình thức khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng lâm sản. Phóng viên Dân Việt đã làm việc với các cơ quan chức năng Quảng Bình để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Lâm tặc ngang nhiên gùi gỗ ra khỏi rừng giữa thanh thiên bạch nhật.
Sau khi xem hình ảnh của phóng viên cung cấp, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, ông Bùi Anh Tuấn cho biết: "Rừng ở khu vực huyện Minh Hóa có nhiều vùng giáp ranh nên công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Rừng đã được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ, vì vậy nếu để xảy ra hiện tượng trên cần phải xem xét xử lý theo trách nhiệm. Tại địa bàn xã Dân Hóa có các lực lượng như: Chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn, trạm kiểm lâm Dân Hóa, trạm biên phòng sẽ phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ để bảo vệ rừng".
Ông Đinh Thanh Xuân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa khẳng định sẽ chỉ đạo kiểm tra về tình trạng trên và cho biết thêm: "Điều kiện người dân ở đây rất khó khăn nên có thể họ khai thác gỗ về làm nhà hoặc bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Khi lực lượng đi tuần tra thì họ không vào rừng, khi mình ra về thì họ lại vào khai thác gỗ. Vì họ khai thác gỗ bằng cưa máy nên tốc độ rất nhanh, gây khó khăn trong công tác quản lý của cán bộ trong ban".
Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa - ông Bùi Anh Tuấn xem hình ảnh rừng phòng hộ bị tàn phá do phóng viên cung cấp.
Thiết nghĩ, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì nguy cơ đại ngàn Ka Ai sẽ trở thành khu rừng cấm "rỗng ruột". Để giải quyết triệt để vấn nạn này, cần có câu trả lời và hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng Quảng Bình.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc...
Làm việc với PV, ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: "Các anh đã ghi nhận bằng hình ảnh bằng video thì không thể sai được. Tôi sẽ chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, sau khi kiểm tra sẽ có báo cáo và xử lý theo mức độ nghiêm trọng".
Theo Danviet
Quảng Bình: Vì sao Chủ tịch huyện Minh Hóa bị kỷ luật? Với một loạt vi phạm liên quan tới tuyển dụng viên chức, thiếu kiểm tra để cấp dưới nhận giống cây cung cấp cho dân không đúng chủng loại, không đúng mục tiêu mô hình trồng rừng gỗ lớn, ông Đinh Hữu Niên - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa - bị chuyển công tác. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình vừa...