Quận ven TP HCM nhắn 700 tin nhắc người dân không chiếm vỉa hè
Khoảng 700 lượt tin nhắn được quận Bình Tân gửi đến các hộ kinh doanh nhắc nhở việc buôn bán không lấn chiếm vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ngày 4/3, ông Nguyễn Kiên Giang – Đội trưởng quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân – cho biết, đơn vị đã gửi đi gần 700 lượt tin nhắn đến hàng trăm hộ dân nhắc nhở việc đảm bảo mỹ quan đô thị, không lấn chiếm vỉa hè.
Người dân nhận được tin nhắn nhắc việc không lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: A.X
Những số điện thoại được các thành viên Đội trật tự đô thị lấy từ người dân trong quá trình tiếp xúc, tuyên truyền không chiếm dụng vỉa hè. Khu vực nhận được tin nhắn đầu tiên thuộc các tuyến đường như Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, Tên Lửa, Vành Đai Trong. Việc nhắn tin được thực hiện thông qua hệ thống do quận đăng ký với nhà mạng.
“Đa số người dân khi được vận động, nhận tin nhắn nhắc nhở đều tự tháo dỡ, thu dọn các vật dụng lấn chiếm vỉa hè như bàn ghế, bảng hiệu… Quận chủ trương tuyên truyền trước nếu tái phạm mới xử phạt”, ông Giang nói.
Ông Lê Minh, có cửa hàng buôn bán balo, túi xách trên đường Kinh Dương Vương cho biết thường xuyên được chính quyền nhắc nhở việc kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè. Gia đình ông cũng đã tự dọn dẹp đồ đạc vào nhà, trả vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.
“Tôi nhận được tin nhắn nhắc nhở của quận cũng khá bất ngờ. Tôi mong việc này nên làm rộng khắp, công bằng chứ không bắt cóc bỏ dĩa”, ông Minh nói.
Trong tháng 2, quận Bình Tân đã cho gần 700 hộ dân ký cam kết không lấn chiếm lòng lề đường, đồng thời cho xe lưu động phát loa tuyên truyền, vận động người dân. Quận cũng đã xử lý 26 trường hợp với số tiền hơn 34 triệu đồng.
Video đang HOT
Những vật dụng lấn chiếm vỉa hè bị lực lượng chức năng Bình Tân tạm giữ. Ảnh: A.X
Trước đó, ông Nguyễn Gia Thái Bình – Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân – 2 lần cùng lực lượng xuống đường chấn chỉnh nạn lấn chiếm vỉa hè. Nhiều bảng hiệu, hàng rong, cơ sở kinh doanh vi phạm bị nhắc nhở hoặc lập biên bản xử phạt.
Sau khi quận 1 hành động quyết liệt giành lại vỉa hè, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khen và yêu cầu nhân rộng ra 24 quận huyện. Thủ tướng mới đây cũng đánh giá cao TP HCM trong việc cương quyết ‘đòi’ vỉa hè cho người đi bộ.
Sơn Hòa
Theo VNE
Cần Thơ xử lý lấn chiếm vỉa hè 'theo cách riêng'
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu việc lập lại trật tự đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè cần đúng quy định, nhưng phải xem xét đến điều kiện sinh sống của người dân.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công an, ngay đầu tháng 3, đã yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng công an, nghiêm túc lập lại trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông... Quận trung tâm Ninh Kiều sẽ ra quân đầu tiên.
"Địa phương có cách riêng, tùy vào thực tế, không làm căng thẳng tình hình. Trước mắt, chọn một số tuyến đường, địa bàn trọng điểm, bức thiết làm cho hiệu quả tốt, sau đó giao cho phường quản lý; dứt khoát không tái lấn chiếm", ông Thống nhấn mạnh.
Công an Cần Thơ kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm vỉa hè tại quận trung tâm Ninh Kiều. Ảnh: Cửu Long.
Người đứng đầu chính quyền TP Cần Thơ cho rằng, việc thực hiện phải xem xét đến điều kiện sinh sống của người dân. Các công trình kiến trúc đã lỡ xây dựng xâm phạm vỉa hè rồi thì phải có biện pháp hợp lý, đúng trình tự quy định pháp luật.
"Phải cho họ thời gian khắc phục, nếu không thì lập biên bản phạt hành chính và tiến hành các bước tiếp theo", ông Thống nói.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, đặc thù của quận là phát triển trên nền cơ sở hạ tầng của TP Cần Thơ cũ, nên nhiều khu vực lòng lề đường còn chật hẹp, không có bãi đậu xe công cộng...
Thời gian qua, quận tập trung quản lý trật tự đô thị nên tình hình có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn chưa dứt điểm việc người dân tự ý xây các bậc lên xuống, cơi nới để sản xuất, kinh doanh, lắp biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè... gây cản trở giao thông.
"Thật sự là rất khó làm như quận 1, TP HCM vì lực lượng mỏng. Tuy nhiên, tùy vào thực tế mà chúng tôi có cách làm phù hợp", ông Ánh nói và cho biết, đoàn đi dẹp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì không thể hết 200 tuyến đường trên địa bàn, chưa kể rất nhiều con hẻm.
Vì vậy, trước hết các phường phải kiểm tra, rà soát, lập danh sách những điểm người dân, cơ quan, đơn vị lấn chiếm và đề ra biện pháp xử lý. Nhưng phải tuyên truyền, vận động và cho người vi phạm cam kết tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu trong vòng 10-15 ngày.
Sau đó kiểm tra lại, nơi nào chưa thực hiện sẽ lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ trong một tuần. Nếu họ cố tình không chấp hành thì đoàn kiểm tra của quận xuống xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ. Thời gian cho toàn bộ quy trình này mất khoảng một tháng.
"Quận sau đó sẽ lập biên bản bàn giao địa bàn lại cho phường. Nếu để tái diễn lấn chiếm thì người đứng đầu chính quyền địa phương sẽ bị xử lý", ông Ánh khẳng định.
Theo Phó chủ tịch quận Ninh Kiều, thời gian qua, trong các đợt kiểm tra xử lý vi phạm trật tự đô thị, cũng có một số trường hợp căng thẳng, to tiếng nhưng không xảy ra điểm nóng, không chống đối...
Phó chủ tịch phụ trách đô thị quận trung tâm ở Cần Thơ nói cũng rất cân nhắc, đắn đo trong xử lý. "Có người biết sai nhưng vẫn làm là vì cuộc sống cả gia đình", ông Ánh nói và cho rằng ngoài việc cương quyết lập lại trật tự đô thị thì phải có chính sách cho người "buôn gánh bán bưng" chuyển nghề, có việc làm để ổn định cuộc sống.
Quận Ninh Kiều đã lập hai chợ đêm và một khu bán hàng rong tại những địa bàn có đông người dân vui chơi và du khách lui tới để nhiều người vào buôn bán, hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè.
Từ tháng 2, quận 1, TP HCM quyết liệt "đòi vỉa hè" cho người đi bộ. Sau đó, các quận khác của TP HCM và Hà Nội cũng đồng loạt ra quân lập lại trật tử đô thị, xử lý nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè...
Mới đây, thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an chỉ đạo công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, xử lý việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự giao thông, kiên quyết không để tái diễn vi phạm...
Cửu Long
Theo VNE
Công an Hà Nội: Cơ quan càng to càng chiếm nhiều vỉa hè, lòng đường Ông Nguyễn Xuân Đình - Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự Công an TP Hà Nội - cho biết, hiên có tới 395 điểm trông giữ xe ở vỉa hè, lòng đường là của các cơ quan, bệnh viện, trường học, trong đó tới hơn 200 điểm không phép. Đặc biệt là cơ quan càng to thì càng không chấp hành, càng chiếm...