Quán trà đá xe duyên những mối tình câm
Đã 7 năm qua, quán trà vỉa hè giữa ngã 3 Tôn Đức Thắng – Đoàn Thị Điểm (Đống Đa – Hà Nội) là nơi hàn huyên, tâm sự của những người câm cùng cảnh ngộ. Từ chủ quán đến khách đều là những người câm bẩm sinh. Họ đến đây không chỉ thưởng thức những cốc trà mà còn đến đây để tìm sự chia sẻ và niềm vui của cuộc sống.
Điểm hẹn của những người câm
8h tối, không khí trên đường Tôn Đức Thắng tấp nập người qua lại. Tôi tấp xe vào một quán trà đá lụp xụp ven đường. Thấy chị chủ quán đang ngẩn người nhìn về phía những người khách, tôi gọi một cốc trà nóng đến 3 lần nhưng vẫn không thấy chị phản ứng lại. Một anh bạn cạnh tôi nói nhỏ: “Chị chủ quán bị khiếm khuyết, câm điếc, anh phải ra hiệu thì chị ấy mới nhìn thấy”. Nói xong, người thanh niên này ra hiệu cho chị chủ quán biết là có khách gọi nước, chị cười tươi rồi đưa cho tôi một cốc trà nóng. Chị đưa hai ngón tay lên miệng ra hiệu hỏi tôi có muốn hút thuốc lá không.
Giao tiếp bằng tay Chị Loan cho tôi biết, những ngày đầu mở quán trà hầu như ngồi cả tối mà không có được một khách. Khách đến đây, gọi nước mấy lần chị không nghe thấy. Biết chị bị câm nhưng không biết ra hiệu kiểu gì nên họ đành thở dài đi quán khác. Một lần, có hai người đàn ông câm đến quán chị, họ ra hiệu cho chị muốn gọi hai cốc trà đá. Gặp người cùng cảnh ngộ, họ nói chuyện với nhau qua ngôn ngữ của những bàn tay. Từ đó, tối nào họ cũng ra uống trà để nói chuyện với chị. Người này giới thiệu người kia, dần dần, quán trà nhỏ của chị Loan thành điểm đến của những người câm.
Tôi muốn nói chuyện với chị nhưng không biết những động tác ra hiệu bằng tay. Sẵn giấy bút trong túi, tôi viết lên đó những dòng chữ rồi đưa cho chị. Chị cầm tờ giấy trên tay, vừa đọc vừa suy nghĩ rồi cầm bút nắn nót viết lại cho tôi những dòng chữ nguệch ngoạc. Sau một hồi nói chuyện bằng giấy bút, tôi biết được tên chị là Nguyễn Quỳnh Loan (ở ngõ Thông Phong, Quốc Tử Giám, Đống Đa). Chị Loan năm nay 40 tuổi.
Được biết, chị Loan bị câm bẩm sinh. Chị là người con độc nhất trong gia đình, hiện nay, chị mở quá trà đá để nuôi mẹ già đang ở độ tuổi xế chiều. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Hải, cũng là một người câm điếc bẩm sinh. Hai anh chị đến với nhau từ tình yêu và lòng cảm thông của hai con người cùng cảnh ngộ.
Lúc tôi đến, cũng có mấy người đàn ông câm đang uống trà ở đó. Họ dùng những bàn tay khua đi khua lại như nhà ảo thuật đang diễn xiếc. Tuy miệng những vị khách này không nói nên lời nhưng nhìn trong đôi mắt họ tôi cũng thấu hiểu được niềm vui, niềm hạnh phúc. Tôi viết lên tờ giấy đưa cho một người đàn ông ngồi cạnh: “Tên anh là gì? Quê anh ở đâu. Em có thể nói chuyện với anh được không? “. Người đàn ông này ngạc nhiên cầm tờ giấy lên nhưng không đọc. Anh dùng hai bàn tay đưa lên đưa xuống làm như tôi cũng hiểu kí hiệu của anh ta. Thấy tôi ngẩn người không hiểu, chị chủ quán cầm tờ giấy, lấy bút viết dòng chữ: “Anh ấy không biết chữ đâu, nếu em muốn nói chuyện chị sẽ phiên dịch giúp em”.
Được chị Loan phiên dịch, tôi mới biết được người đàn ông câm kia tên Phạm Văn Huỳnh, quê Đan Phượng (Hà Nội). Anh cũng là người câm bẩm sinh, ra đây làm cửu vạn nuôi hai đứa con nhỏ. Hiện anh và một số lao động khác đang trọ cùng nhau tại một con ngõ nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng. Cứ mỗi lần tôi đưa tờ giấy, chị Loan và anh Huỳnh lại dùng bàn tay để nói chuyện với nhau. Sau đó, chị Loan lại ghi vào giấy đưa cho tôi đọc. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng liên tục bởi những lần những vị khách gọi nước hoặc người khách đứng dậy trả tiền.
Video đang HOT
Nên duyên nhờ quán trà
Quán trà người câm được mở từ 12h trưa đến 11h đêm. Như thấu hiểu với những người cùng cảnh ngộ, chị Loan chỉ lấy tiền một cốc trà của những người câm là 1000 đồng, còn những người khác đều là 2000 đồng. Những người khiếm khuyết nào đến đây chị cũng đều nhớ tên, tuổi và quê quán của họ.
Chị Nguyễn Quỳnh Loan, chủ quán trà người câm
Một người phụ nữ bước vào, mấy người đàn ông câm cười hồ hởi như lâu ngày không gặp. Chị Loan bưng cốc trà nóng đến bên vỗ vai hỏi thăm. Những cánh tay lại hoạt động không ngừng. Tiếng cười, tiếng ú ớ trong miệng, những đôi mắt tràn đầy sự chia sẻ. Lúc về chỗ ngồi, chị Loan viết giấy bảo tôi, người phụ nữ vừa vào tên Nga, quê Hòa Bình. Bốn ngày qua chị về quê làm giỗ cho chồng đến chiều nay mới xuống Hà Nội. Chị Nga cũng là một lao động tự do. Khuôn mặt và vóc dáng chị quá già dặn so với cái tuổi 30. Được biết, chị đang phải làm quần quật từng ngày, thay người chồng đã mất nuôi cậu con trai ăn học. Cũng may mắn, bố mẹ chồng chị còn khỏe mạnh, vẫn có thể làm những công việc lặt vặt, giảm bớt gánh nặng cho chị.
Tuy tạo hóa đã cướp đi khả năng nghe và nói của những con người này nhưng lại bù lại cho họ là tình cảm, tình người. Chị Loan cho tôi biết, 2 năm trước, quán trà nhỏ của chị đã là bà mối, tác thành cho một đôi uyên ương cùng cảnh ngộ. Anh Long quê Thái Bình và chị Trang quê Hưng Yên đã thành đôi sau mấy tháng tâm sự ở quán trà đá này. Ngày cưới, chính chị Loan cũng đã về Hưng Yên chúc mừng hạnh phúc cho họ. Được biết, hiện tại anh Long và chị Trang đang làm thuê cho một trang trại ở Thái Bình. Thỉnh thoảng họ cũng đưa nhau lên Hà Nội, đến quán trà đá chị Loan để gặp và tâm sự với những người bạn cũ.
Hơn 11h khuya, sương bắt đâu rơi khiến trời Hà Nội càng thêm lạnh giá. Đường phố đã vắng người qua lại. Chị Loan thu dọn đồ đạc để chuẩn bị ra về. Hơn chục cánh tay của những người đàn ông tật nguyền vẫn đang còn tâm sự. Chị Loan ra hiệu cho họ là đã khuya, chị phải dọn hàng. Họ đứng lên, bắt tay nhau và ra hiệu điều gì tôi không hiểu được. Lúc này, anh Hải (chồng chị Loan) mới đến chở hàng về giúp vợ.
Theo Đời sống pháp luật
Hãi hùng cảnh sống chung với "tử thần"
Những căn nhà cấp 4 lấn vào quốc lộ 4A, tựa lưng vào vách núi đã tồn tại hàng chục năm ở khu 5, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Nằm trên dải đất giữa mặt đường trải nhựa và vách đá được tạo ra khi mở đường, những ngôi nhà này từ nhiều năm qua luôn bị đe dọa bởi đá lăn và tai nạn giao thông.
Xây dựng lấn sát biển báo giao thông trên quốc lộ 4A, những căn nhà này vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông
Tựa lưng vào vách núi đá, đá có thể lở xuống nhà bất kể lúc nào đặc biệt vào mùa mưa lũ. Ông Nguyễn Văn Hòe, người đã sống 20 năm ở xóm này cho biết đã có nhiều lần đá lở làm hỏng nhà nhưng may chưa ảnh hưởng đến tính mạng
Bà Đinh Thị Nhân, người đã sinh sống ở đây 23 năm đang chăm sóc vườn rau của gia đình nằm gần như ngang mặt đường quốc lộ. Cũng như những hộ dân sống ở xóm này bà Nhân từ lâu mong muốn chuyển khỏi khu vực nguy hiểm này nhưng do hoàn cảnh quá nghèo nên cứ phải trụ lại. Được biết bà Nhân và chồng đều là người tàn tật
Giữa một bên là vách núi, một bên là quốc lộ và vực sâu nên muốn phơi quần áo thì chỉ có ra đường
Điểm đặc biệt là những căn nhà ở đây đều có gắn số nhà và thậm chí có 2 căn nhà còn gắn biển "Nhà Đại đoàn kết". Cũng theo người dân cho biết chủ nhân hàng năm vẫn phải đóng thuế đất
Đoạn đường này hàng ngày có hàng trăm xe tải trọng lớn rầm rập qua lại chở hàng hóa từ cửa khẩu về, bước chân ra khỏi cửa nhà là đường nên tai nạn luôn rình rập
Theo Vietnamnet
"Bị hành hạ tới câm điếc" chỉ là vở kịch của nữ sinh 17 tuổi Những ngày qua, thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận xôn xao tin Huỳnh Thị Ngọc Phương sau hai năm mất tích đã trở về nhà trong tình trạng tàn tạ và câm điếc. Chuyện gì đã xảy ra với cô bạn 17 tuổi này? Chúng mình đã cùng lực lượng công an vào cuộc... Không thích nói, Phương chỉ giao...