Quan tham TQ ôm tiền ra nước ngoài thế nào?
Có bao nhiêu quan tham Trung Quốc đã vượt biên? Họ đã cuỗm trót lọt bao nhiêu tiền? Và họ làm thế nào để chuyển một lượng tiền lớn tới vậy – 120 tỷ USD ra nước ngoài?.
Cuối tháng 6, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã công bố một báo cáo về việc giám sát tham nhũng và làm cách nào các quan tham chuyển tài sản sang nước ngoài mà không bị bắt. Báo cáo trích các số liệu thống kê dựa trên nghiên cứu của Viện khoa học xã hội Trung Quốc: 18.0000 đảng viên Cộng sản Trung Quốc và quan chức chính phủ, nhân viên công an, cán bộ toà án, nhân viên các học viện quốc gia, quan chức quản lý doanh nghiệp nhà nước đã rời khỏi Trung Quốc kể từ năm 1990, ôm theo 120 tỷ USD.
Báo cáo của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh rằng cho tới giờ, không ai có thể đưa ra một con số xác thực về số tiền bị chôm và con số 120 tỷ USD mới chỉ là ước tính. Tuy nhiên, đây là một số tiền lớn. Nó tương đương ngân sách mà Trung Quốc phân bổ cho giáo dục từ năm 1978 tới 1998.
Mỗi quan tham đã tẩu tán trót lọt trung bình là 7 triệu USD. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn. Một số hãng tin cho biết, vợ của phó kỹ sư trưởng Bộ Đường sắt là Zhang Shuguang, người gần đây bị bắt vì tội tham nhũng, đã sở hữu ba biệt thự sang trọng ở Los Angeles và có sổ tiết kiệm ngân hàng là 2,8 tỷ USD ở Mỹ và Thuỵ Sĩ. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong bức tranh lớn hơn.
Số quan tham Trung Quốc ôm tiền bỏ trốn sang nước ngoài cho thấy thái độ nghiêm túc của chính phủ nước này trong việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, nếu tham nhũng, xao lãng nhiệm vụ và lạm dụng quyền lực là bình thường thì chính bản thân hệ thống cũng đang thối nát. Số lượng quan tham tẩu tán tiền an toàn cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của nước này đã thất bại.
Để có được một số tiền lớn bằng tham nhũng và tổ chức vận chuyển lậu khỏi đất nước, một quan chức sẽ mất một thời gian tương đối. Không bắt được một ai trong thời gian dài là thất bại đầu tiên của chính phủ.
Tiếp đó, khi một quan tham chuẩn bị đi nước ngoài, ông ta thường đưa vợ con đi trước trong khi mình vẫn ở Trung Quốc. Trường hợp như vậy được gọi là quan chức trơ trụi. Để có thể “trơ trụi” như vậy, một quan chức không bị phát giác cho thấy thất bại thứ 2 của chính phủ Trung Quốc.
Tại một đất nước nơi dòng vốn chảy ra ngoài bị kiểm soát nghiêm ngặt, làm thế nào những người như vậy có thể đưa tiền ra nước ngoài một cách thành công. Đây là thất bại thứ 3.
Thất bại thứ 4 là làm thế nào các quan tham thay đổi được danh tính của họ. Những quan tham kiểu này thường có nhiều hộ chiếu và sử dụng các thân thế khác nhau. Ví dụ, cựu tỉnh trưởng Vân Nam là Li Jiating có tới 5 hộ chiếu, tất cả đều là thật.
Cách mà các quan tham thoát trừng phạt là thất bại thứ 5. Việc dẫn độ liên quan tới hệ thống chính trị và pháp lý của hai nước, mỗi nước có một khái niệm về hành pháp riêng. Quy trình pháp lý thường phức tạp và dài dòng. Việc dẫn độ thường bị cản trở bởi sự thật rằng một người bị kết tội tử hình vắng mặt có thể không bị dẫn độ vì các lý do nhân quyền. Ngoài ra, Trung Quốc chưa ký hiệp ước dẫn độ với Mỹ hoặc Canada, hai nước là điểm đến của nhiều quan tham Trung Quốc. Do đó, một khi họ đã chạy trốn, cơ hội tóm quan tham và đưa ra xét là gần như bằng không.
Trong trường hợp, nếu các quan tham bị bắt, số tiền bị tham nhũng cũng khó lấy lại. Đó là thất bại thứ 6. Công ước chống tham nhũng của LHQ đã vạch ra nguyên tắc trả lại tài sản bất hợp pháp song các thủ tục rất phức tạp nếu muốn thực thi. Không chỉ Trung Quốc phải tiết lộ số tiền mà nước này còn phải chia sẻ một phần tiền với những nước tham gia phối hợp. Sau khi trừ khoản này khoản kia, số tiền còn lại không nhiều.
Và cuối cùng, thất bại thứ 7: quan tham đã ôm tiền tẩu thoát trót lọt đã nêu gương cho những ai còn lẩn trốn trong nước. Một số quan tham từng giữ vị trí cao, được tiếp cận với bí mật quốc gia và được các phe thù địch hối lộ. Việc này đặt ra mối đe doạ cho sự ổn định chính trị, quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Theo VietNamNet