Quân sự mũi nhọn trong chính sách trục châu Á của Mỹ
Mặc dù hoạt động ngày càng tăng ở Trung Đông, châu Phi và châu Âu, trục hướng về châu Á vẫn là mối quan tâm lớn của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, Thư kí báo chí của Lầu Năm Góc, Đô đốc John Kirby nói rằng trách nhiệm mới của Bộ Quốc phòng Mỹ và các lược lượng vũ trang ở Trung Đông sẽ không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của Washington vào châu Á.
“Tôi nghĩ rằng sự thật là có rất nhiều việc xảy ra trên thế giới. Chúng ta vẫn phải thực hiện các chuyến thăm và vẫn phải có các cuộc thảo luận để nói lên tầm quan trọng của việc chúng tôi tin tưởng vào vai trò châu Á Thái Bình Dương”, ông Kirby nói với các phóng viên trong cuộc họp báo.
Tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào trung tuần tháng 8/2014.
Video đang HOT
Ông cho biết thêm: “Hơn 350.000 lính Mỹ, 200 tàu và phần lớn Hải quân quốc gia đang đóng ở Thái Bình Dương. Và chúng tôi có năm trong số bảy liên minh hiệp ước của chúng tôi là ở khu vực Thái Bình Dương. Chúng tôi rất tận tâm với khu vực đó”.
Đô đốc chỉ ra rằng, bất chấp phiền nhiễu ở những nơi khác trên thế giới, quân đội và các quan chức quân sự tiếp tục vẫn đặt khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một ưu tiên lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel vừa trở về từ một chuyến đi dài ngày đến Ấn Độ và Australia. Đó là chuyến đi thứ 6 của ông đến khu vực với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng. Đô đốc Kirby cho biết, ông Hagel dự định sẽ đến thăm khu vực này ít nhất 4 lần trong năm nay.
Sát với chuyến đi của ông Hagel là sự kiện viếng thăm khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng liên quân và Bob Work, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Chuyến đi của Tướng Dempsey rất đáng chú ý, ông đã có bốn ngày tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất. Nói cách khác, Dempsey là nhà lãnh đạo quân sự cao cấp nhất từng tới thăm Việt Nam. Đáng chú ý, cùng với các cuộc họp với các sĩ quan quân sự, quốc phòng giám đốc hàng đầu của Việt Nam, Dempsey cũng đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ngay khi ông Dempsey kết thúc tốt đẹp chuyến đi đến Việt Nam cuối tuần qua, Thứ trưởng Work sẽ bắt đầu chuyến đi của mình tới khu vực. Ông sẽ dành sáu ngày để tới thăm Guam, Hawaii, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mặc dù Lầu Năm Góc chưa thông báo nhiều chi tiết về chuyến đi này, nó vẫn rất đáng chú ý vì đây là đầu tiên ông Work tới châu Á kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Năm. Tóm lại, các chuyến đi của ông Hagel, ông Dempsey, và ông Work tới các khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, là nhằm thăm các đồng minh lâu đời của Mỹ cũng như các đối tác mới mà Washington đang tìm cách tăng cường hợp tác.
Ngoại trưởng John Kerry cũng không nằm ngoài vòng quay này, tăng cường các chuyến thăm ngoại giao ở châu Á. Tháng Bảy, ông Kerry đã đến thăm cả Trung Quốc và Ấn Độ nhằm tổ chức các cuộc đối thoại chiến lược. Đầu tháng này, ông tới Myanmar tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN và sau đó đã ghé thăm đảo Hawaii.
Tuy việc ông Kerry tăng cường tập trung vào khu vực này được xem là tích cực, nhưng nó đã không tạo ra mấy ấn tượng. Hầu hết các chuyến đi của ông là ngắn ngày, mục đích hẹp, tập trung xung quanh các cuộc đối thoại hoặc hội nghị thượng đỉnh nhất định.
Cụ thể, theo The Diplomat nhận định, bài phát biểu về Trọng tâm Đông Tây của ông Kerry – mặc dù mang tên “Tầm nhìn của Mỹ đối với Hiệp ước châu Á-Thái Bình Dương” – cung cấp rất ít về tầm nhìn thực tế của vấn đề. Hơn nữa, chuyến đi của ông Kerry thường bị chi phối bởi các sự kiện ở những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là hầu hết các khu vực Trung Đông.
Vì vậy, trong khi ông Kerry hiện diện ở châu Á, sự chú ý của ông thường vẫn tập trung ở những nơi khác. Kết quả là, chuyến đi của ông ở trong khu vực không được thực hiện theo cùng một cách mà ông Hagel đã làm ở Ấn Độ hay ông Demsey đã đến Việt Nam.
Đáng chú ý hơn, Nhà Trắng tiếp tục là hoàn toàn vắng mặt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện vẫn không thể xác định ai là đại diện của Tổng thống Barack Obama tại Trung Quốc và châu Á khi mà những cái tên từng nổi danh như Kurt Campbell và Tom Donilon lần lượt từ chức. Hầu hết các cố vấn hiện nay của Nhà Trắng nói chung có vẻ không quan tâm lắm đến khu vực, và thậm chí cả Tổng thống của họ cũng vậy. Hầu như ông Obama không đề cập đến khu vực trong thời gian gần đây, ngay cả trong các bài phát biểu chính sách đối ngoại mở rộng của ông.
Và kết quả là, các thành tựu của “trục châu Á” vẫn xoay xung quanh các hợp tác quân sự. Cụ thể là các thỏa thuận mới trong việc điều Thủy quân Lục chiến đóng quân ở Darwin, Australia; hay thỏa thuận tiếp cận các căn cứ quân của Philippines. Ngoài ra, việc Mỹ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc cho thấy một phần mối quan hệ này đang được cải thiện. Như vậy, Mỹ vừa muốn thân thiện với các các đối thủ của Bắc Kinh trong khu vực, vừa muốn bắt tay với Trung Quốc trong nhiều vấn đề.
Trong khi đó, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có bất kỳ tiến bộ và chưa có dấu hiệu sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Thậm chí nếu các cuộc đàm phán TPP được ký kết trong năm nay, chính quyền Mỹ rất khó đảm bảo về việc nó được Thượng viện thông qua. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thậm chí còn công khai nghi ngờ việc Thượng viện sẽ phê chuẩn TPP.
Mặc dù vậy, quân sự vẫn là một phần rất quan trọng của trục châu Á, bởi đó là lĩnh vực mà Mỹ mạnh nhất hiện nay. Hơn nữa, lợi ích kinh tế và chính trị của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Trừ khi Mỹ tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị của mình ở châu Á, nếu không nó sẽ chỉ đơn giản là các thỏa thuận đảm bảo an ninh vì lợi ích an ninh của nhau mà thôi.
Theo Infonet