Quán mì cật ‘bỏ bùa’ khách mấy chục năm ngay trung tâm Sài Gòn mà không cần bảng hiệu
Đó là cách nói vui của nhiều ‘mối ruột’ đã ăn hàng chục năm tại quán mì ông Tỷ. Không biển hiệu, chỉ có vài cái bàn nhưng suốt 40 năm qua, tiệm ăn này vẫn miệt mài ‘bỏ bùa’ khiến nhiều thực khách mê mẩn.
Tô mỳ cật là món ăn “vedette” của quán chú Tỷ, có giá 40.000 đồng ẢNH: CAO AN BIÊN
Tìm đến quán ăn của ông Trần Cẩm (60 tuổi, ngụ Q.4, còn được nhiều người gọi là chú Tỷ) lúc gần trưa, chúng tôi bắt gặp nhiều người đến ăn kín bàn. Hầu hết, khách ở đây đều là mối quen của chú Tỷ suốt chục năm nay. Hỏi ra thì mới biết món mì cật là “vedette” của tiệm ăn này, tôi nhanh chóng gọi để ăn thử xem nó có ngon như lời đồn đại hay không.
Bán nhiều món, sao khách chỉ gọi một món?
Theo lời chú Tỷ, các món ăn tại quán này đều được chế biến theo công thức truyền thống của người gốc Hoa và công thức gia truyền của gia đình ông nên có hương vị rất đặc trưng, khó trộn lẫn với bất kỳ đâu.
Khi khách gọi mì, ông nhanh chóng lấy một vắt mì còn tươi trụng vào nước sôi để mì chín, vẩy cho ráo nước, ông cho một tí mỡ vào để sợi mì được tươi, không bị kết dính rồi cho vào tô. Sau đó, chú Tỷ thêm rau, thịt, gan, cật heo và để một ít tốp mỡ lên trên cho thơm. Chủ quán cũng không quên nhắc khách pha nước chấm vào một chén riêng bằng cách bỏ ít nước mắm gia truyền, thêm giấm, tiêu, ớt để hương vị món ăn trở nên hoàn hảo.
“Quán của tôi bán nhiều món khác nhau, mì, hủ tiếu mềm, bún gạo. Tuy nhiên, khách gọi nhiều nhất vẫn là món mỳ cật”, ông Cẩm cho biết. Chủ quán này nói thêm, mỗi ngày ông bán hơn 300 vắt mì, 10 kg hủ tiếu, bún gạo gần 5kg.
Ăn tại quán của chú Tỷ từ nhỏ, chị Minh Thảo (47 tuổi, ngụ Q.1) hài hước kể chị vừa sinh ra là được thưởng thức món mì tại quán của ông rồi. “Ăn từ lúc nhỏ xíu xiu cho đến tận bây giờ luôn, hơn 40 năm chứ ít gì. Không biết chú có “bỏ bùa” gì không mà càng ăn lại càng mê, riết rồi thành thói quen luôn. Nhà tôi gần đây, sáng sáng là cứ ra đây ăn thôi. Ăn này mà gọi thêm phần xí quách là số dách”, chị Thảo cười rồi nhanh chóng “khai đũa”.
Chị Minh Thảo (47 tuổi, ngụ Q.1) ăn tại đây hơn 40 năm qua ẢNH: CAO AN BIÊN
Video đang HOT
Nhiều khách gọi tô cật thêm để ăn “cho đã” ẢNH: CAO AN BIÊN
Tương tự như chị Thảo, vợ chồng ông Phùng Thảo (55 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) có thâm niên ăn tại tiệm mì này ngót nghét 20 năm nay. Ông kể ngày xưa vợ chồng ông sống gần đây, tuy nhiên về sau lại chuyển về Thủ Đức để sống. Tuy nhiên, tuần nào vợ chồng ông cũng rủ nhau đến tiệm của ông Tỷ để ăn như một thói quen khó bỏ: “Tôi ăn nhiều nơi lắm rồi, chưa chỗ nào có cái hương vị ngon bằng chỗ này về món mì cật. Từ lúc ăn ở đây, tôi ăn chỗ khác không được, vì không phải là hương vị đó. Vậy nên hai vợ chồng mới lặn lội từ Thủ Đức tới đây ăn, rồi về”.
“Tới đây, vợ chồng tôi cứ chỉ gọi mỳ mà ăn. Phải nói mì ở đây là số 1. Ăn riết mà quen thân luôn với chủ quán”, bà Liên (53 tuổi, vợ ông Thảo) cho hay.
Theo lời của nhiều vị khách tại đây, những người đến ăn đa phần đều khá thân thiết với chú Tỷ vì là “mối ruột” nhiều năm trời. Sáng nay, ông Nguyễn Văn Hải (55 tuổi, ngụ Q.4) là một khách quen của chú cũng đến ăn. Thấy vậy, chủ quán cũng làm riêng cho mình một tô mì rồi ra ngồi thưởng thức cùng khách, vừa ăn vừa nói chuyện. “Gì chứ tiệm này tôi ăn gần 20 năm rồi. Ở đây, mọi thứ đều hợp khẩu vị với tôi nên lần nào tôi cũng ăn tới miếng cuối cùng luôn chứ bỏ uổng”, ông Hải bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Hải (55 tuổi, ngụ Q.4) là một khách quen của quán chú Tỷ hơi chục năm ẢNH: CAO AN BIÊN
Một số người cũng gọi món hủ tiếu mỳ cật tại quán ẢNH: CAO AN BIÊN
Chia sẻ về bí quyết nấu ăn ngon khiến nhiều người “mê”, ông Tỷ nói không có gì quá đặc biệt. “Ngoài nước chấm được tôi nấu theo công thức bí truyền thì mọi thứ còn lại cũng bình thường thôi, chỉ cần mình nấu bằng cái tâm là tự khắc món ăn tự động ngon. Thấy khách ăn mà khen ngon, chính là niềm hạnh phúc của tôi”, chủ quán chia sẻ thêm.
Không biển hiệu, nhưng vẫn đông khách
Tâm sự với chú Tỷ, chúng tôi được biết tiệm ăn này được mở năm 1989, hơn 30 năm. Sở dĩ ông lựa chọn bán các món liên quan tới cật heo là vì đây chính là món ăn đặc trưng của người Hoa.
“Thời điểm đầu cũng nhiều khó khăn lắm, tại đâu có ai biết đến quán đâu. Chỉ 6 tháng sau từ khai trương, tôi đã có một lượng khách ổn định nhờ công thức nấu ăn ngon, người này ăn rồi chỉ cho người kia, tiếng lành đồn xa. Đến giờ, tôi có một danh sách mối ruột đến ăn luôn”, ông Tỷ nhớ lại.
Theo lời chị của ông, từ xưa xung quanh đây cũng có rất nhiều quán, tuy nhiên đến giờ không quán nào trụ lại được, chỉ còn mỗi quán của chú Tỷ ăn nên làm ra. Để có được điều đó, ông đã luôn lắng nghe ý kiến của khách, thay đổi để phù hợp hơn.
Chia sẻ về lý do không làm biển hiệu, ông chỉ cười nói: “Quán tôi bán từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chứ có phải bán ngày đêm đâu mà làm biển hiệu. Với lại tiệm này là nhà của chị tôi, nên làm thì thấy cũng kỳ. Biển hiệu hay không chính là ở trong lòng thực khách, chứ làm biển hiệu to mà nấu không ngon, khách không vừa ý cũng như không”.
Vợ chồng ông Phùng Thảo (55 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) từ TP.Thủ Đức đến quán của ông để ăn vì “ghiền” ẢNH: CAO AN BIÊN
Tóp mỡ được chế biến theo công thức riêng, là một thành phần mà thực khách rất yêu thích trong món ăn ẢNH: CAO AN BIÊN
Cật heo được ông tỷ chế biến kỹ càng, vệ sinh ẢNH: CAO AN BIÊN
Đến phụ ông Tỷ bán gần 2 năm nay, anh Trần Quy Đức (46 tuổi, em ruột ông) cảm thấy hạnh phúc vì được bán cùng với anh trai mình. Anh kể lại: “Lúc trước, tôi không có việc gì làm nên qua đây phụ với anh. Làm riết rồi quen luôn rồi, thấy vui vì ngày nào cũng được nấu cho khách. Tôi cũng muốn bán và gắn bó với công việc này lâu nhất có thể”.
Ông Tỷ ngồi ăn cùng ông Hải ẢNH: CAO AN BIÊN
Niềm hạnh phúc lớn nhất của chủ quán là mang đến những tô mỳ ngon cho khách đến ăn ẢNH: CAO AN BIÊN
Nhờ có tiệm ăn này, ông nuôi những đứa con của mình thành tài. Mỗi người hiện đã có một công việc ổn định. “Tôi bán để cho vui, vì dù tuổi cũng lớn nhưng cũng cần phải lao động mà. Việc truyền nghề cho các con thì tôi chưa nghĩ tới, vì chúng cũng có việc riêng nhưng tôi sẽ bán đến khi nào không còn sức bán nữa thì thôi”.
Nói xong, ông Tỷ lại miệt mài làm những tô mì mang ra cho khách. Đó cũng là cách mà người chủ quán này theo đuổi hạnh phúc từ công việc đã gắn bó hơn nửa cuộc đời…
Bún dù ngon tới mấy nhưng 4 nhóm người sau không nên động đũa, kẻo có ngày nhập viện
Bún không phải là thực phẩm độc hại. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất người làm bún có thể cho thêm hàn the, chất tẩy trắng. Các chất này gây hại đến sức khỏe người ăn.
Người bị đau dạ dày, đại tràng không nên ăn bún
Những người bị bệnh đường tiêu hóa không nên ăn bún. Nguyên nhân là do bún làm từ gạo ngâm với nước trong một thời gian dài. Khi đó, quá trình lên men tinh bột sẽ xảy ra. Người bị bệnh đường tiêu hóa ăn bún dễ gặp tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hại dạ dày.
Người bị ốm, sốt không nên ăn bún
Những người bị ốm sốt nên tránh ăn bún vì nó có thể gây ra tình trạng lạnh bụng, khó tiêu, đi ngoài.
Trong khi đang ốm, sốt, tốt nhất nên ăn các món nhẹ, dạng lỏng như cháo, súp.
Phụ nữ sau sinh nên hạn chế ăn bún
Các chuyên gia không khuyến khích phụ nữ sau sinh ăn bún. Nguyên nhân là do bún được tạo ra từ gạo ngâm nở chua và có thể kèm một số hóa chất đi kèm có thể làm ảnh hưởng đến tiêu hóa của mẹ và bé.
Trẻ nhỏ không nên ăn bún thường xuyên
Cha mẹ thường cho con ăn bún vì đây là món dễ ăn, ăn nhanh. Tuy nhiên như đã nói ở trên, bún có thể chứa hóa chất do quá trình chế biến. Nếu trẻ nhỏ ăn quá thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Mẹ không nên cho các bé ăn bún quá sớm và hạn chế món ăn này đối với trẻ.
Món ngon cuối tuần: Bí quyết làm món bún gạo chiên giòn ai ăn cũng mê Các món liên quan đến bún đều vô cùng dễ ăn và được ưa chuộng. Nếu đã quá quen với bún nước, bún chấm thì hôm nay bạn hãy thử biến tấu một chút với món bún gạo chiên giòn. Nguyên liệu: -Bún gạo khô: 70 gr -Thịt heo xay 150 gr hoặc tôm xay -Trứng gà: 1-2 quả -Nấm mèo (mộc nhĩ),...