“Quản lý phạm nhân nữ chưa bao giờ đơn giản”
Phạm nhân Huỳnh Thị Giáng Kiều ở trại giam An Phước (Bình Dương) có thai làm dư luận bất ngờ và có cái nhìn khác về công tác quản lý, giam giữ phạm nhân nữ. Thực tế, chỉ người trong cuộc mới hiểu, quản lý phạm nhân nữ khó khăn như thế nào?
Tâm sự của thượng tá Nguyễn Hữu Ấm – giám thị trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương), cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Với nhiều người dân, trại giam luôn được canh giữ cẩn mật, sao phạm nhân nữ có thể “vượt rào” vi phạm?
Thượng tá Nguyễn Hữu Ấm: Phạm nhân cũng là con người, cũng có những nhu cầu rất tự nhiên về cảm xúc trong đời sống thường nhật. Phải khẳng định rằng, để xảy ra những vi phạm là rất đáng tiếc nhưng nhiều phạm nhân nữ, vào trại từ 16 – 17 tuổi, chưa có gia đình, thậm chí chưa yêu, chưa một lần được ôm hôn người đàn ông đúng nghĩa mà cách biệt với thế giới đầy màu sắc bên ngoài biền biệt những mười mấy, 20 năm, có khi là cả quãng đời còn lại (tức thụ án chung thân) thì những khao khát yêu và được yêu là chuyện rất con người.
Đúng là trong trại, cán bộ quản lý theo dõi rất chặt chẽ thời gian ăn, nghỉ, lao động của trại viên nhưng “việc ấy” diễn ra rất nhanh, nên cũng thật khó nói. Nếu nói trên phương diện cá nhân, liên quan đến tâm sinh lý giữa con người với con người thì dễ nhưng trên phương diện là người quản lý thì không hẳn như vậy. Dù rằng, phương pháp giáo dục phạm nhân chúng ta đang áp dụng hiện nay là vận dụng tâm, sinh lý và các quy định của pháp luật để thực hiện.
Các trại viên đang lao động – Ảnh chỉ có giá trị minh họa
Tất nhiên, ở trại Hoàng Tiến chưa xảy ra chuyện phạm nhân nữ có thai nhưng, tôi khẳng định, quản lý phạm nhân nữ không hề đơn giản.
Được biết, phạm nhân nữ có khu riêng, mọi hoạt động cũng riêng rẽ, trừ những lần sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật chung của toàn trại. Vậy “sự cố” xảy ra, được hiểu ở khía cạnh nào?
Video đang HOT
Thượng tá Nguyễn Hữu Ấm: Theo quy định, trại nào cũng có khu nữ và nam riêng biệt. Như ở trại Hoàng Tiến, khu nữ đủ cho 1.000 phạm nhân nhưng chỉ có 400 phạm nhân. Trong khi đó, khu phạm nhân nam thì thiếu phòng. Trại đã phải tận dụng mặt bằng thừa của khu nữ bằng cách làm hàng rào tôn và xây tường cao để cho phạm nhân nam sử dụng. Tường và hàng rào tôn đó đã cách ly hoàn toàn phạm nhân nữ và nam. Họ không thể nhìn thấy mặt nhau. Thế nhưng, ở trong trại, phạm nhân có những sự mẫn cảm riêng. Không nhìn thấy mặt nhưng họ có thể thích nhau qua giọng nói. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy băn khoăn, chưa tìm ra phương pháp quản lý hữu hiệu hơn. Chúng tôi xác định họ là con người nên nảy sinh tình cảm là chuyện bình thường.
Trong trại, phạm nhân nữ thường thể hiện những cung bậc tình cảm như thế nào?
Thượng tá Nguyễn Hữu Ấm: Qua theo dõi, chúng tôi phát hiện ra, ở phạm nhân nữ, có 2 trường phái tình cảm khác nhau. Số đối tượng yêu theo cảm tính, dễ phát hiện và kịp thời giáo dục, sẽ không xảy ra hậu quả. Đối tượng yêu liều thì quả thật, rất khó xử lý. Vì phạm nhân đã chủ động tìm mọi cách, mọi thời điểm có thể để làm “chuyện đó” đến cùng, đến khi hậu quả xảy ra, họ vẫn không sợ bị phạt. Khi cán bộ phát hiện ra, họ vẫn giấu hành vi vi phạm đến khi không thể giấu được thì mới khai. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng, có khai, họ cũng không khai hết lý do vì sao lại vi phạm, ai là người giúp đỡ cho vi phạm đó và tác giả bào thai đó là ai? Có thể, phạm nhân đó cũng hoang mang và khi bị truy hỏi nhiều, sợ quá nên tặc lưỡi đánh liều với số phận.
Nhiều phạm nhân nữ dù đã được tìm hiểu chính sách pháp luật, dù biết, với những tội bị tù chung thân, tù 20 năm thì đình chỉ thi hành án để nuôi con là điều không tưởng, họ vẫn cố tình tìm mọi cách “yêu” mà không nghĩ đến hậu quả, không nghĩ cho đứa con mình sinh ra. Họ chỉ nghĩ là làm thế nào để được giảm tội, được mãn hạn tù nhanh nhất.
Có nghĩa là, phạm nhân nữ ít tuổi và nhiều tuổi đều có những trạng thái tình cảm cần phải quản lý chặt chẽ?
Thượng tá Nguyễn Hữu Ấm: Đúng vậy. Diễn biến tìm cảm của phạm nhân nữ trẻ, dưới 30 tuổi và trên 40 tuổi rất khác nhau. Phạm nhân nữ trên 40 mới vào trại, thường đã có gia đình, có chồng con rồi nên khao khát tình cảm của họ thường chỉ dừng lại ở với người chồng là chính. Họ vẫn rất giữ cái gọi là danh dự. Với phạm nhân trẻ, dưới 25 tuổi, vào trại được 6-7 năm rồi thì quả thật, khao khát tình cảm rất lớn, ở nhiều đối tượng.
Trại có hơn 400 phạm nhân nữ thì có đến 1/3 nữ ít tuổi. Đối tượng này có tâm sinh lý khác với phạm nhân nhiều tuổi nên được quản lý chặt chẽ hơn. Trại có 1 đội phạm nhân nữ trồng rau, thường được ra ngoài, nhìn thấy các phạm nhân nam làm việc. Song, phạm nhân vào đội này được “tuyển chọn” rất kỹ, “tiêu chuẩn” đầu tiên là phải trên 40 tuổi, có chồng, con rồi. Điều chắc chắn là những phạm nhân này có thời gian thụ án ít, họ mong muốn và mơ ước về một gia đình yên ấm rất lớn nên không làm liều.
Như vậy, khu phạm nữ không bao giờ có phạm nam bén mảng tới? Phạm nữ và phạm nam trong cùng trại không được gặp nhau bao giờ?
Thượng tá Nguyễn Hữu Ấm: Khu phạm nữ không bao giờ phạm nam xuất hiện và ngược lại vì đó là 2 khu riêng biệt. Trước khu phạm nữ, bao giờ cũng có những phạm tự giác nữ gác cổng. Khi phạm nam đem đồ ăn đến cổng, phạm tự giác gác cổng khu nhận. Khi phạm nam đi thì một đội phạm nữ trong khu ra lấy đồ ăn về. Đó là quy định rồi. Quản lý chặt như vậy mà họ vẫn còn tư tình trong tư tưởng với nhau đấy.
Hàng năm, vào những ngày lễ nhất định, phạm nhân nam – nữ có tập trung ở hội trường nhưng chỉ là đại diện các phân trại, phạm nhân tích cực, được tuyên dương…. được dự lễ nhưng đều dưới sự giám sát chặt chẽ của các cán bộ. Hết giờ quy định, họ phải về phân trại ngay.
Trân trọng cảm ơn thượng tá!
Theo NDT
Đường hoàn lương của 'Chí phèo' trong trại giam
Nhận 2 cuốn sách quản giáo tặng với lời nhắn "thầy biết bản chất mày không phải là lưu manh, chẳng qua do nghĩ quẩn nên mới ra nông nỗi này... Tỉnh lại đi", Đông quyết chí mày mò, học hỏi. Giờ "Chí phèo" trong trại giam đã thành thầy lang chữa bệnh cho bạn tù.
Lê Thanh Đông (phố Phan Bội Châu, thành phố Thanh Hóa) đang thụ án chung thân tại Trại giam số 5, Bộ Công An về tội Cố ý gây thương tích. Bấm đốt ngón tay, Đông đã "chuyển khẩu" vào Trại 5 này hơn chục năm.
Đông bảo, em vào đây vì tình. Nạn nhân là cô bạn gái Đông đã gắn bó suốt thuở thiếu niên. Đông bảo làm nghề lái xe cho một nhà máy xi măng. Nghề tài xế nay đây mai đó nên cuộc tình của Đông bị bố mẹ cô gái phản đối quyết liệt. Hai ông bà cố mai mối con cho một đám khác.
Bực tức vì bỗng dưng bị "phá đám", cô bạn gái lại có ý ngãng ra, thay vì thuyết phục bố mẹ vợ tương lai, Đông ngấm ngầm nuôi "độc kế". Sớm hôm ấy, bạn gái Đông dắt xe đi làm như thường lệ, Đông đội mũ sùm sụp, đứng thu lu dõi theo. Khi chiếc xe đi ngang qua, cô gái bỗng lãnh nguyên ca axit giữa mặt...
Sau khi gây tội ác, Đông trốn biệt. Lệnh truy nã toàn quốc khiến con thú đang chui lủi tự biết rằng lưới trời lồng lộng. Ít lâu sau, Đông quay về tự thú, rồi lĩnh án chung thân.
Đông mải mê với vườn thuốc Đông y của mình trong trạm xá phân trại K3. Ảnh: ANTĐ
"Em khi ấy chỉ muốn chết nên chữ "sợ" không có trong suy nghĩ. Một thằng tù lại chỉ thích chết thì còn hơn cả "Chí Phèo", còn ai dám dây vào nữa", Đông bảo.
Đỉnh điểm sự liều của Đông là hắn chọn một tay tù cộm cán nhất của K3 để "tỷ thí". Lúc đó phân trại K3 có Nguyễn Văn Ba (tức Long "Đại bàng", một đàn em thân tín của Năm Cam) đang thụ án. Chỉ vì giành nhau một chiếc quần đùi rồi bị Long giáng cho mấy cái tát, Đông nuôi thù phục hận.
Tối hôm ấy, đợi đúng bữa cơm chiều, Đông mang trộm một chiếc thìa mài nhọn hoắt vào trại. Đang túm tụm ăn cơm với mấy đàn em, Long "Đại bàng" không ngờ người mới ăn đòn hôm nọ lại dám ra tay với mình. Đông đâm liên tiếp mất nhát nhằm vào mặt Long "Đại bàng" khiến đám đông khiếp vía chạy tán loạn.
Lệnh kỷ luật của trại chỉ khiến gã "Chí Phèo" này cười khẩy. Chỉ mặt đám giang hồ phía Nam, Đông nhếch mép: "Đời là cái đinh nghe tụi bay".
Bây giờ, Đông là thầy thuốc khá "uy tín" của K3. Đông kể, sau khi ở "kiên giam" (khu kỷ luật) ra, thầy Hải (trung tá Nguyễn Viết Hải, cán bộ giáo dục) gọi Đông lại bảo: "Thầy thấy mày nợ đời quá nhiều con ạ. Thầy biết, bản chất mày không phải là lưu manh, chẳng qua do nghĩ quẩn, lại bi quan nên mới ra nông nỗi này. Tuổi mày cũng chỉ bằng con thầy, tỉnh lại đi. Cố tích thiện làm điều gì đó cho mọi người. Rồi mày sẽ thấy mình còn có ích".
Thầy Hải tặng Đông 2 cuốn sách mới mua. Mang về Đông mới biết đó là hai cuốn sách thuốc Đông y. Tối nằm đọc, tự nhiên thấy rất hay. Đông bắt đầu mày mò học thuốc từ ngày ấy.
Gần 10 năm nghiền ngẫm, số sách trung tá Hải mua từ ngày đầu giờ Đông đã thuộc lòng. Thậm chí sau đó Đông còn nhờ mua thêm tới gần 20 cuốn khác rồi tự học.
Hàng ngày đi lao động, Đông chịu khó tìm những cây thuốc mọc sẵn ngoài đồng, trên núi mang về thái nhỏ rồi phơi khô tích lại. Vị nào khó kiếm thì nhờ cán bộ mua cây rồi đem về khu vườn bệnh xá của trại nhân giống, trồng nhờ. Chăm chỉ, kiên trì, có lúc cả mấy hòm đồ dùng cá nhân của Đông chật cứng các vị thuốc.
Đông khoe, vừa rồi, một cô phạm nhân bên K4 sang biểu diễn văn nghệ than thở bị đau dạ dày suốt mấy năm nay, lúc ở ngoài chữa mãi không khỏi. Đông cắt thuốc cho uống đúng 2 tháng, giờ dứt hẳn.
Thấy Đông chịu khó học hỏi, lại khá "mát tay" nên ngay cả cán bộ của trại, ai đọc báo thấy có bài thuốc nào hay cũng chịu khó cắt ra rồi mang tặng. Vì thế "tay nghề" của Đông cứ lên vù vù.
Theo VNExpress
Thi hoa hậu nhà tù ở Nga Một trại giam tại vùng Siberia của Nga tổ chức cuộc thi sắc đẹp cho các phạm nhân nữ trong ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay. Cuộc thi diễn ra trong trại giam số 10, nơi cách thành phố Vladivostok khoảng 100 km về phía bắc. Một thí sinh ngắm nghía trang phục trước gương. Các thí sinh bỏ đồng phục tù...