Quan hệ Trung – Nhật căng thẳng đến đỉnh điểm lan sang cả thương mại
Quan hệ Bắc Kinh – Tokyo ngày càng căng thẳng vì mâu thuẫn xoay quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi gần đây cả 2 bên đều liên tiếp có những hành động “gây hấn” và tỏ rõ thái độ “không nhân nhượng”.
Phong trào phản đối Nhật đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp Trung Quốc. Những hành động quá khích như nhóm người biểu tình lật ngược một chiếc xe do Nhật sản xuất hay một người đàn ông giật cờ ra khỏi xe hơi của đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh càng làm cho mối căng thẳng này gia tăng thêm. Hiện dư luận khá lo ngại về khả năng tranh chấp Trung-Nhật trong vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku leo thang.
Nhật Bản sẽ áp dụng tất cả các biện pháp có thể
Trước sự kiện Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp, Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng phản đối gay gắt. Cùng với việc công bố đường cơ sở lãnh hải đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku, hai tàu hải giám Haijian-46 (1.100 tấn) và Haijian-49 (996 tấn) được điều ra quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong phản ứng nhằm đáp trả quyết định của Tokyo.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc gần đây còn đưa tin về hoạt động tập trận hàng loạt của 3 quân khu bao gồm Quảng Châu, Thành Đô và Tế Nam làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh “muốn sử dụng vũ lực” để giải quyết tranh chấp với Tokyo. Tờ Bưu điện Thượng Hải buổi sáng (Shanghai Morning Post) cho biết các cuộc tập trận đang lên tới đỉnh điểm. Trong đó, hải quân tập trận ở biển Hoàng Hải, không quân và các lực lượng khác thực hiện trên các vùng sa mạc phía tây nam Trung Quốc. Tờ Thời báo Bắc Kinh cho biết quân đội Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận chiếm đảo bằng vũ lực.
Video đang HOT
Phía Nhật Bản cho biết sẽ huy động lực lượng tuần duyên (bảo vệ bờ biển) nếu tàu của Trung Quốc tiến đến quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Động thái này gia tăng khả năng diễn ra một cuộc đối đầu giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất châu Á.
Chính phủ Nhật Bản đã thành lập phòng đặc nhiệm tại Trung tâm xử lý khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng cùng đội đặc nhiệm tại Cơ quan cảnh sát quốc gia để xử lý vấn đề. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố rằng, Tokyo “sẽ áp dụng tất cả các biện pháp có thể” nhằm đảm bảo an ninh xung quanh quần đảo Nhật Bản khẳng định chủ quyền. Một số phân tích cho rằng hành động “ký hợp đồng mua đảo” của Chính phủ Nhật Bản chưa hẳn là “đỉnh điểm” của cuộc tranh giành quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, tới đây rất có thể sẽ còn có các đợt sóng gió khác xung quanh cuộc tranh chấp này.
Bên nào mạnh hơn?
Những ngày vừa qua, lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản vẫn xác nhận chưa thấy dấu hiệu nào của 2 tàu Hải giám xuất hiện tại Senkaku/Điếu Ngư. Lúc này ngay cả truyền thông Trung Quốc cũng bắt đầu nghi ngờ về hoạt động của 2 tàu này. Trên các diễn đàn online, dân Trung Quốc đang bàn tán xôn xao về 2 tàu Hải giám này. Có người nghi ngờ, do 2 tàu Hải giám này không đủ khả năng đương đầu với tàu Cảnh sát biển Nhật Bản nên đành “lượn lờ vòng ngoài”.
Xét về sức mạnh không quân và hải quân giữa Trung Quốc với Nhật Bản, một khi khai chiến, hải quân Trung Quốc tuyệt đối không phải là đối thủ của Nhật Bản không quân tuy có vẻ lạc quan hơn song cũng khó giành phần thắng.
Tuần trước, trả lời câu hỏi của một phóng viên Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tái khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng Washington bị ràng buộc bởi Hiệp ước hợp tác quốc phòng song phương ký kết với Nhật vào năm 1971. Theo hiệp ước này, Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật và nếu Trung Quốc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp này với Nhật thì Nhật hy vọng Mỹ sẽ thực thi các cam kết quốc phòng này.
Sẽ không xảy ra đụng độ?
Về vấn đề này, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc – Khúc Tinh cho biết, việc Nhật Bản “quốc hữu hóa” quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã thu hẹp một cách nghiêm trọng khả năng Trung – Nhật thông qua con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp, nguy cơ hai bên nổ ra xung đột đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Hoàng Đông tin rằng khả năng nổ súng giữa hai bên không lớn. Trong khi đó, báo China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 13- 9 đưa tin, các học giả Đài Loan cho rằng một cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Giáo sư Lưu Đức Hải thuộc Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan nói rằng việc Bắc Kinh tuyên bố đường cơ sở mới trên các vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư chỉ là động thái nhằm xoa dịu chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều không muốn sa vào một cuộc chiến tranh tranh giành những hòn đảo không người ở này. Theo nhà nghiên cứu quân sự trên biển Christian Le Miere thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, việc điều hai tàu hải giám này phản ánh Trung Quốc chỉ tiến hành ngoại giao pháo hạm “phi quân sự hóa” để đáp trả việc Nhật Bản “mua đảo” bởi vì tàu hải giám chỉ là “cảnh sát duy trì trị an tại vùng nước chủ quyền. Ngoài việc kiểm soát tàu thuyền dân sự, tàu hải giám không hề tạo ra hình ảnh uy hiếp về mặt quân sự. Giáo sư Chiến lược và chiến tranh Hoàng Giới Chính thuộc Đại học Đạm Giang ở Tân Đài Bắc nói rằng ngoài vai trò của Mỹ thì chỉ riêng quan hệ kinh tế gắn kết chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng đủ ngăn cản hai cường quốc Đông Á này lao vào một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng. Đồng quan điểm này nhiều nhà phân tích cho rằng tình hình tranh chấp nóng bỏng hiện nay đối với nhóm đảo này sẽ lắng dịu nhanh chóng.
Căng thẳng lan sang lĩnh vực thương mại
Dưới tiền đề hai bên Trung – Nhật đều không muốn giao tranh và không muốn nổ ra xung đột quân sự, nhưng khi nguy cơ xung đột leo thang, lúc đó, hình thức đấu tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ chuyển từ chính trị sang lĩnh vực kinh tế, khiến cho quan hệ kinh tế hai nước thụt lùi nghiêm trọng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 14,3% đạt mức kỷ lục là 345 tỷ USD. Số liệu thống kê của hải quan Nhật cho hay xuất khẩu từ quốc đảo sang Trung Quốc lên đến 73 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Nhật nhập hàng hóa trị giá 91 tỷ USD từ Trung Quốc trong cùng kỳ. Trung Quốc cảnh báo rằng thương mại giữa nước này với Nhật Bản có thể sẽ bị ảnh hưởng do căng thẳng giữa hai nước về chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Jiang Zengwei (Khương Tăng Vĩ ) phát biểu rằng tranh chấp quần đảo trên sẽ “không thể không” ảnh hưởng xấu đến thương mại.
Ông Khương bóng gió rằng Chính phủ Trung Quốc có thể tiến hành tẩy chay một cách hòa bình các sản phẩm của Nhật Bản. Trung Quốc là thị trường chính của các sản phẩm xe hơi và đồ điện tử của Nhật Bản và theo tờ Nhật báo kinh doanh quốc gia, các hãng du lịch được cho là đã hủy các chuyến du lịch tới Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu xấu trong mối quan hệ thương mại Nhật-Trung. Ở Thượng Hải và Bắc Kinh, nhu cầu của người dân về hàng hóa của Nhật vẫn ổn định.
Dường như người Trung Quốc vẫn “khó cưỡng” lại hàng hóa chất lượng của Nhật Bản. Tại các cửa hàng và siêu thị ở các thành phố lớn của Trung Quốc, có vẻ như hoạt động mua bán các đồ dùng, quần áo và nhiều sản phẩm khác của Nhật Bản vẫn diễn ra bình thường. Ngay cả ở Nam Kinh, được coi là trung tâm của tình trạng thù địch lịch sử giữa Nhật và Trung Quốc, dường như không có gì thay đổi, người dân Trung Quốc vẫn xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng bán đồ Nhật. Nhiều chủ cửa hàng và nhân viên bán hàng cho biết ở các cửa hàng và nhà hàng Nhật Bản gần Xinjiekou, một trong những khu mua sắm nhộn nhịp nhất trong thành phố này vẫn có rất đông người mua sắm ngay cả trong đợt căng thẳng đỉnh điểm sau khi Nhật Bản cho biết đã mua một số hòn đảo trong quần đảo tranh chấp với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đang phải đối đầu với sự suy giảm kinh tế tại Trung Quốc có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng này.
Tadashi Yanai, Chủ tịch của tập đoàn bán lẻ hàng may mặc lớn nhất châu Á của Nhật Bản Fast Retailing cho rằng, quan hệ căng thẳng của Nhật Bản với nước láng giềng đang trở thành một mối lo ngại đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Doanh nhân Nhật Bản cho hay nhiều công ty Nhật Bản bị các quan chức địa phương Trung Quốc yêu cầu hạn chế, hủy bỏ hoặc hoãn các chương trình khuyến mại quy mô lớn, các buổi hội nghị và nhiều sự kiện công chúng khác do vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Giám đốc điều hành của công ty xe hơi Nhật Bản Nissan Motor, ông Toshiyuki Shiga cho biết các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức các chiến dịch xúc tiến thương mại lớn và điều này có thể gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Trong khi đó, Wang Zhaoshen, Giám đốc bán hàng tại một đại lý của Nissan ở Nam Kinh cho biết, căng thẳng chính trị đến nay không có tác động nhiều đến doanh số bán hàng sự sụt giảm nhu cầu trong toàn bộ thị trường Trung Quốc là vấn đề đáng lo ngại hơn.
Hồi đầu tuần, chính quyền thành phố Thượng Hải đã đổi tên một sự kiện chạy marathon dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới để bỏ tên một nhà tài trợ là một thương hiệu Nhật Bản.
ANTD