Quan hệ quân sự kiểu mới Mỹ – Trung: Bức tranh tương phản
Ông Chuck Hagel đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi đứng đầu Lầu Năm Góc. Chuyến đi vừa thể hiện bước tiến, vừa cho thấy điểm lùi trong quan hệ song phương khi các điểm thống nhất và khác biệt giữa hai bên ngày càng bộc lộ rõ.
Chuyến đi của ông Hagel phát đi nhiều tín hiệu tương phản trong quan hệ Mỹ – Trung.
Về mặt tích cực, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết chuyến thăm đã giúp Washington hiểu rõ hơn về Trung Quốc và tiềm năng quân sự của họ. Cụ thể là ngay khi vừa đặt chân tới Trung Quốc, ông Hagel đã được Bắc Kinh mời thăm tàu sân bay Liêu Ninh, theo đề xuất của Mỹ. Động thái này được cả hai bên cho là một sự kiện quan trọng, tạo bước đi tích cực trong việc minh bạch hoá khả năng quân sự của Trung Quốc, cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên.
Trong động thái đáp lại, dù thừa nhận hai bên còn nhiều khác biệt song ông Hagel vẫn cam kết Mỹ sẽ xây dựng quan hệ quân sự mang tính xây dựng và hiệu quả với Trung Quốc. Theo ông, mối quan hệ Mỹ – Trung đóng vai trò quan trọng đối với sự đảm bảo an ninh và ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như sự phát triển thịnh vượng của hai cường quốc kinh tế này trong thế kỉ 21.
Ông Thường Vạn Toàn cũng nhấn mạnh đây sẽ là mối quan hệ “quân sự kiểu mới” trên cơ sở tôn trọng các lợi ích căn bản của các bên và hợp tác cùng có lợi.
Đáng lưu ý hơn là những cam kết không chỉ dừng lại ở cấp bộ trưởng. Trước đó, hôm 24/3, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng:”Trung Quốc sẵn sàng xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, đồng thời cùng Washington xây dựng quan hệ song phương trên cơ sở không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”. Tuyên bố này đã làm rõ những gì hai bên cùng hướng tới trong tương lai. Đó là một quan hệ nước lớn kiểu mới trên cơ sở lợi ích và phạm vi chi phối là toàn cầu.
Video đang HOT
Nhưng bên cạnh các mặt tích cực, chuyến đi cũng bộc lộ những mặt trái trong quan hệ Mỹ – Trung khi càng khoét sâu hơn những khác biệt quan điểm trong giải quyết các tranh chấp ở khu vực. Trong một năm qua, Mỹ không ngừng lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông. Trong chuyến thăm này, ông Hagel cũng tái khẳng định quan điểm không bằng lòng với các hành động gây hấn của Bắc Kinh khi thẳng thừng tuyên bố việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông là hành động “khiêu khích đơn phương, làm gia tăng căng thẳng tại một trong những khu vực địa chính trị nhạy cảm nhất”.
Trong phát biểu tại Tokyo trước đó, ông Hagel cũng đã công khai bảo vệ Nhật Bản, một đồng minh lớn của Mỹ và là nước đang có tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Trung Quốc ở Hoa Đông. Ông khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược Nhật – Mỹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng và Mỹ sẽ tương trợ Nhật Bản khi nước này bị đe doạ. Đây là thông điệp thẳng thắn hiếm có của người đứng đầu Lầu Năm Góc và hẳn nhiên không thể làm Bắc Kinh hài lòng.
Chính vì vậy, khi đón tiếp ông Hagel ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp hay nhượng bộ (về vấn đề chủ quyền lãnh thổ -Pv). Không có giao dịch, thậm chí không một mảy may vi phạm được cho phép… Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các nước liên quan trực tiếp”. Ông Thường Vạn Toàn cho rằng chính Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, là nhân tố gây bất ổn chính trị trong khu vực và Mỹ không nên “tiếp tay” cho các hành động này. Ngoài ra, ông cũng phản đối việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
Những tuyên bố trên cho thấy dù quan hệ hợp tác Mỹ – Trung đã có nhiều dấu hiệu tích cực, song những bất đồng vẫn còn rất lớn do khác biệt về lợi ích. Ông Hagel đến Trung Quốc với thông điệp coi Bắc Kinh là “bạn” của Washington, nhưng với hai bên, chuyến đi không chỉ là chuyến thăm giữa hai người bạn mà còn mang đầy những lo ngại về sự khác biệt quan điểm đòi hỏi phải có thêm nhiều nỗ lực từ cả hai bên.
Hai nước sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể cải thiện quan hệ đối tác, điều hoà những quan điểm khác biệt và tránh nguy cơ có thể dẫn đến đối đầu trong tương lai. Nói theo lời của nhà nghiên cứu Zhao Xiaozhuo thuộc Học viện khoa học quân sự Trung Quốc, “quan hệ quân sự có tác động đòn bẩycho quan hệ Mỹ – Trung. Một bước tiến nhỏ trong lĩnh vực này sẽ nâng tổng thể quan hệ giữa hai nước”.
Khánh Hà
Theo Dantri
Trung Quốc càng hung hăng, Mỹ - Nhật càng gắn bó
Tờ Mingjing News (Đài Loan) nhận định việc Trung Quốc quyết tâm giành chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông chỉ khiến mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng thêm gắn bó.
Theo Mingjing News, Nhật Bản đang hưởng lợi lớn từ mối quan hệ ngoại giao với Mỹ. Ngoài ra, trong 5 năm qua, Washington đã liên tục đưa ra những chương trình hỗ trợ đặc biệt cho Tokyo nhằm "kìm cương" Bắc Kinh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng không ngừng có những động thái đe dọa tới an ninh Nhật Bản cũng như tạo khoảng cách giữa Washington và Tokyo nhằm đưa Mỹ vào thế trung lập trong cuộc chiến tranh chấp giành chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Hiện nay, cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hai tàu tuần tra bờ biển Nhật Bản chặn tàu lạ tiến vào hòn đảo tranh chấp Uotsuri trên biển Hoa Đông hồi tháng 8/2012
Mối quan hệ căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh được đẩy lên tới mức đỉnh điểm vào tháng 9/2012 khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa 3/5 số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này đã khơi mào cho làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản trên khắp lãnh thổ Trung Quốc.
Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc còn có hành động "đổ thêm dầu vào lửa" khi đơn phương tuyên bố thiết lập "Vùng nhận diện phòng không" trên biển Hoa Đông bao gồm không phận quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, Bắc Kinh yêu cầu tất cả máy bay tiến vào "Vùng phòng không" phải thông báo trước lịch trình bay và giữ liên lạc qua radio hoặc bộ phát tín hiệu.
Cũng theo Mingjing News, mặc dù, Nhật Bản nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc chiến giành chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư song Tokyo dường như không thể chắc chắn được rằng Washington sẽ hỗ trợ khi cuộc chiến thực sự với Trung Quốc bùng nổ.
Tuy nhiên, mối lo ngại của Nhật Bản đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel giải đáp trong chuyến thăm tới đất nước mặt trời mọc vào đầu tháng này. Ông Hagel đã có buổi làm việc với Thủ tướng Shinzo Abe và nhiều quan chức trong chính phủ Nhật Bản. Đây cũng là chuyến thăm thứ tư tới châu Á của ông Hagel kể từ khi giữ cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc cách đây một năm.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei (Nhật Bản), ông Hagel đã phủ nhận ý kiến cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra "yếu kém trước Trung Quốc", đồng thời tái khẳng định Mỹ "giữa nguyên quan điểm" quần đảo (Senkaku/Điếu Ngư) "nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản và nằm trong phạm vi khoản V của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật".
"Chúng tôi phản đối mọi hành động đe dọa hay ép buộc các quốc gia khác phải tôn trọng tuyên bố chủ quyền. Chúng tôi đã khẳng định quan điểm này một cách công khai và riêng tư tới Trung Quốc. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục làm như vậy", ông Hagel nói.
Hôm 8/4, Bộ trưởng Hagel cũng tái khẳng định quan điểm của Washington trong cuộc chiến tranh chấp giành chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
"Lâu nay, Philippines và Nhật Bản là đồng minh của Mỹ. Chúng tôi đã xây dựng các hiệp ước phòng vệ song phương với hai quốc gia. Washington cam kết thực hiện đầy đủ các điều khoản trong bản hiệp ước", Bộ trưởng Hagel cho biết.
Phản ứng trước tuyên bố của ông Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn nói: "Trung Quốc khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp, không nhượng bộ và không thương lượng".
Theo Infonet
Quay lưng với Nga, Ukraine đang trả giá đắt? Những ngày này, Ukraine đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong nước châm ngòi cho một cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng nhất kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh. Ảnh minh họa Chính phủ lâm thời mới ở Kiev phũ phàng tìm cách quay lưng lại với nước láng giềng...