Quan hệ Nga-Trung, chặng đường đi từ khác biệt tới hợp tác mật thiết
Cách Bắc Kinh gần 2.000 km, vắt qua con sông đóng băng chia cắt giữa Trung Quốc và Nga là một cây cầu đứng sừng sững chờ ngày lãnh đạo hai quốc gia tuyên bố khánh thành.
Cây cầu nối giữa Trung Quốc và Nga. Ảnh: chinadaily.com.cn
Chưa có lịch trình cụ thể được công bố nhưng Điện Kremlin nhấn mạnh tầm quan trọng của cây cầu này qua việc công khai bản ghi về cuộc họp diễn ra vào tháng 11/2021 bàn luận về lễ khai trương.
Chủ tịch hội đồng quản trị của BTS-Most, đơn vị xây phần cầu bên lãnh thổ Nga, chia sẻ với nhóm làm việc của Điện Kremlin rằng ông đã đề nghị Tổng thống Vladimir Putin mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ khai trương vì “đây là sự kiện rất quan trọng”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cây cầu bắc qua sông Heilong (sông Amur trong tiếng Nga), được đề xuất xây dựng lần đầu vào năm 1988, trước thềm chuyến thăm của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đến Bắc Kinh.
Sự xích lại gần nhau giữa Liên Xô và Bắc Kinh bao gồm thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế. Cây cầu nối giữa thành phố Hắc Hà (Trung Quốc) với Blagoveshchensk ở vùng Viễn Đông Nga nằm trong tầm nhìn này.
Sau khi Liên Xô tan rã, đến năm 1995, dự án xây cầu nối giữa Trung Quốc và Nga được khôi phục khi hai nước ký kết thỏa thuận xây dựng. Nhưng phải đến tháng 12/2016, công việc thi công mới được khởi động.
Buổi lễ khánh thành cây cầu bị trì hoãn do dịch COVID-19 nhưng việc hoàn thiện công trình này được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cùng Moskva đã điều chỉnh để đến gần hơn với nhau trong những thập niên qua.
Địa chính trị đóng vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Moskva kể từ Chiến tranh Lạnh. Năm 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, hàng nghìn chuyên gia Nga đã giúp hỗ trợ hình thành công nghiệp tại Trung Quốc và kèm theo đó là khoản cho vay lớn.
Tuy nhiên, những khác biệt giữa hai quốc gia vào thập niên 60 của thế kỷ trước đã dẫn đến nhiều năm gián đoạn. Thương mại giữa hai quốc gia bước vào giai đoạn đi lên từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Một năm trước khi tan rã, Liên Xô là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc. Những năm sau đó, đối tác ưu ái của Nga trong hiện đại hóa kinh tế là châu Âu trong khi Trung Quốc chủ yếu thu hút đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Năm 2012, Tổng thống Putin đã đề ra chiến lược “xoay trục sang phương Đông” và 2 năm sau đó, khi Moskva sáp nhập Crimea, mối quan hệ của nước này với các quốc gia phương Tây đi xuống. Nhưng nhiều tiến triển trong quan hệ kinh tế Nga-Trung Quốc được ghi nhận từ thời điểm ấy.
Video đang HOT
Năm 2019, khí đốt bắt đầu chuyển từ Nga đến Trung Quốc qua tuyến đường ống dẫn 3.000 km có tên “Sức mạnh Siberia” do tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký thỏa thuận hiệu lực 30 năm hồi năm 2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một sự kiện tại Moskva tháng 6/2019. Ảnh: AP
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức 37 cuộc họp qua video từ năm 2013, gần đây nhất là vào tháng 12/2021. Và nhiều khả năng Tổng thống Putin sẽ là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp gỡ trực tiếp ông Tập Cận Bình kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Trong cuộc điện đàm tháng 12/2021, nhà lãnh đạo Nga Putin đảm bảo rằng ông sẽ dự Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh vào tháng 2 tới. Điều này thể hiện tình đoàn kết của Moskva với Bắc Kinh sau khi Mỹ, Anh, Canada cùng Australia đều tuyên bố không cử đoàn đại biểu đến dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh.
Cùng thời điểm, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ ủng hộ với “người bạn cũ” Putin khi Nga đang đối mặt với đe dọa trừng phạt từ các nước phương Tây liên quan đến căng thẳng ở Ukraine. Ông Tập Cận Bình kêu gọi có “thêm nhiều hành động chung để bảo vệ hiệu quả lợi ích an ninh” của hai nước, trong khi nhà lãnh đạo Nga Putin ca ngợi quan hệ song phương “ở mức cao nhất mọi thời đại, phản ánh mức độ tin cậy chiến lược cao”.
Thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng 35,8% trong năm 2021, lên mức 146,88 tỷ USD. Trung Quốc cũng đóng vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Nga kể từ năm 2010. Trong khi đó, 14% hàng hóa xuất khẩu của Nga năm 2020 có điểm đến là Trung Quốc.
Giáo sư dự bị Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga) cho biết sự phụ thuộc về kinh tế giữa Moskva và Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng. Ông Lukin nói: “Nga chủ yếu xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong khi nước này đang tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng công nghiệp và công nghệ cao. Điều đó cho thấy, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung cấp của Nga cũng đang đi lên, đặc biệt là khi rủi ro xung đột với Mỹ ngày càng tăng”.
Chuyên gia Xu Poling tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh giá Bắc Kinh cần tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng lớn tại vùng Viễn Đông của Nga để hỗ trợ nền kinh tế sản xuất đang nở rộ của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc được coi là thị trường ổn định cho xuất khẩu năng lượng của Nga.
Theo chuyên gia này, khí đốt và dầu mỏ của Nga có thể vận chuyển đến Trung Quốc qua đường bộ trong khi để vận chuyển mặt hàng này từ Trung Đông đến Trung Quốc sẽ cần phải đi qua Eo biển Malacca nhiều cướp biển. Ông nhấn mạnh: “Nga tin rằng Trung Quốc sẽ không lợi dụng sự phụ thuộc về kinh tế làm vũ khí chống lại Moskva”.
Trong khi Nga và Trung Quốc ngày càng xích mích với Mỹ, lãnh đạo hai nước đã cam kết hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như an ninh dữ liệu, cơ sở hạ tầng, Bắc Cực và không gian mạng. Cùng thời điểm, Bắc Kinh và Moskva tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch song phương để tránh ảnh hưởng từ đồng bạc xanh của Mỹ, đồng thời giảm tác động từ các lệnh trừng phạt Washington áp đặt.
Tháng 12/2021, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov cho biết Nga và Trung Quốc đã đồng ý phát triển cơ sở hạ tầng tài chính độc lập để phục vụ thương mại giữa hai nước đồng thời “không thể bị ảnh hưởng bởi các nước thứ ba”. Thông báo đưa ra sau lời đe dọa từ Mỹ và châu Âu loại Nga khỏi Swift, hệ thống thanh toán điện tử lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giữa hai quốc gia chưa hề có thỏa thuận thương mại tự do và thị trường Nga vẫn chưa mấy hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc.
Mối quan hệ thân tình hơn giữa Nga và Trung Quốc đã khiến phương Tây ngày càng để mắt và châm ngòi cuộc thảo luận về việc liệu việc nới lỏng các lệnh trừng phạt với Nga có thể kéo Moscow rời xa Bắc Kinh hay không. Ông Xu cho rằng điều này sẽ khó xảy ra, vì nền kinh tế Nga ngày càng “kiên cường” sau nhiều năm bị trừng phạt. Sự gần gũi về địa lý cũng mang lại cho Nga một số lợi thế cạnh tranh tại thị trường khổng lồ ở Trung Quốc.
Chiến lược của Trung Quốc giữa lúc căng thẳng Nga-phương Tây
Căng thẳng Nga-phương Tây liên quan đến Ukraine có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc củng cố và gia tăng ảnh hưởng ở châu Á.
Theo worldpoliticsreview.com mới đây, trong bối cảnh Nga tăng cường binh lực ở gần biên giới với Ukraine, các quốc gia phương Tây tiếp tục sử dụng một loạt lựa chọn chính sách, trong đó có hỗ trợ ngoại giao và an ninh, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn diện ở Đông Âu.
Anh đang cung cấp tên lửa chống tăng tầm ngắn cho Ukraine. Canada cũng triển khai một đơn vị thuộc lực lượng hoạt động đặc biệt, trong khi một phái đoàn gồm các thượng nghị sĩ, Ngoại trưởng Antony Blinken của Mỹ đã gặp Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuần trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil năm 2019. Ảnh: AP
Trong khi các nước phương Tây phản ứng gay gắt trước việc 100.000 quân Nga tăng cường ở biên giới với Ukraine, thì Trung Quốc hầu như giữ im lặng.
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 16/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đưa ra điều mà Taylor Fravel, một chuyên gia chính sách đối ngoại về Trung Quốc, mô tả là "salad từ ngoại giao", tiết lộ rất ít về lập trường của Bắc Kinh.
"Chúng tôi theo đuổi tầm nhìn về an ninh toàn cầu chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, ủng hộ việc xử lý cân bằng và công bằng các mối quan ngại về an ninh và các sáng kiến an ninh của các quốc gia liên quan, đồng thời giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn", người phát ngôn trên cho biết.
"Chờ đợi và quan sát"
Phản ứng im lặng của Trung Quốc đối với căng thẳng gia tăng giữa Ukraine và Nga nhấn mạnh cách tiếp cận "chờ đợi và quan sát" của Bắc Kinh nói chung đối với việc quản lý các cuộc khủng hoảng địa chính trị. Bắc Kinh đã áp dụng một cách tiếp cận tương tự đối với bất ổn gần đây ở Kazakhstan, ưu tiên sự ổn định kinh tế và chính trị ngắn hạn lên trên hết, chỉ kêu gọi lập lại trật tự vài ngày sau khi tình trạng bạo lực leo thang.
Chuyên gia Fravel, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng việc Trung Quốc đang hy vọng "đạt được sự cân bằng trong mối quan hệ với Nga và Mỹ bằng cách không đưa ra một quan điểm công khai rõ ràng có thể gây phản cảm".
Theo ông Fravel, việc Bắc Kinh từ chối đưa ra những tuyên bố rõ ràng cũng phản ánh việc họ thiếu một khuôn khổ chính sách cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng, do những lợi ích xung đột. Một mặt, Trung Quốc có thể muốn hỗ trợ Nga, đặc biệt là khi cả hai đang đối mặt với sự cạnh tranh từ Mỹ. Mặt khác, Bắc Kinh khẳng định tuân thủ chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Hơn nữa, Bắc Kinh có lợi ích kinh tế và chính trị riêng ở Ukraine, quốc gia là đối tác thương mại quan trọng và là nhà cung cấp vũ khí và chuyên môn quân sự lớn cho Trung Quốc.
Temur Umarov, một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Trung tâm Carnegie Moskva, nhận định Bắc Kinh không thể hy sinh lợi ích lâu dài của mình ở Ukraine chỉ vì lợi ích của mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga: "Mặc dù hai bên có mối quan hệ đối tác đang phát triển, nhưng mọi người đánh giá quá cao mức độ thống nhất giữa Nga và Trung Quốc, cũng như mức độ hiểu biết giữa hai nước", với lý do Nga từng từ chối ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về các tranh chấp ở Biển Đông như một trường hợp điển hình.
Ông Umarov lưu ý, ngay cả trong trường hợp Nga "tấn công" Ukraine, Trung Quốc cũng khó có thể đóng một vai trò tích cực trong các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình: "Trung Quốc sẽ không tham gia vào cuộc khủng hoảng. Bắc Kinh không có công cụ để ảnh hưởng đến tình hình và không có bất kỳ lợi ích rõ ràng nào".
Phép thử với Mỹ
Tuy nhiên, Mathieu Duchatel, Giám đốc Chương trình châu Á tại Viện Montaigne ở Paris, cho rằng, mặc dù đóng vai trò quan sát từ xa một cách thụ động, Bắc Kinh vẫn có thể đạt được lợi ích từ tình hình này.
"Ở mức tối thiểu, cuộc khủng hoảng là một phép thử cho quyết tâm và sức mạnh của Chính quyền Biden. Cách phản ứng của Mỹ sẽ mang lại những câu trả lời quan trọng khi Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu của riêng mình nhằm thay đổi hiện trạng ở Đông Á", ông Duchatel nói, lưu ý thêm rằng, ít nhất căng thẳng với Nga sẽ chuyển sự chú ý của Washington khỏi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo ông Duchatel, mặc dù Trung Quốc đã không công khai tán thành danh sách các yêu cầu của Nga nhằm làm giảm leo thang căng thẳng, như việc hủy bỏ vĩnh viễn đề nghị gia nhập NATO năm 2008 đối với Ukraine và việc rút quân đội và tên lửa của NATO khỏi Đông Âu, việc không đưa ra phản đối mạnh mẽ có thể được hiểu ngầm là ủng hộ. Ông Duchatel nói thêm: "Nhìn chung, các hành động của Nga phù hợp với các kế hoạch của Trung Quốc nhằm thay đổi cán cân quyền lực, đồng thời đảo lộn trật tự an ninh quốc tế do Mỹ dẫn đầu".
Chuyên gia người Italy về Trung Quốc Francesco Sisci cũng bình luận trên tờ Settimana News (Italy) ngày 22/1 rằng, nếu Mỹ thể hiện sự yếu kém trong căng thẳng Nga-Ukraine, Bắc Kinh có thể nhận được thông điệp rằng Mỹ không sẵn sàng vạch ra ranh giới với Nga và thậm chí có thể không với Trung Quốc. Mặt khác, nếu Mỹ hoặc phương Tây sa lầy vào cuộc xung đột ở Ukraine, thì Bắc Kinh có thể cho rằng Washington đang bị phân tâm khỏi mặt trận châu Á.
Tương tự, Michael Schuman, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, lập luận rằng kết quả của việc giải quyết bế tắc liên quan đến Ukraine có ý nghĩa rộng lớn hơn đối với an ninh và ổn định ở các khu vực khác. Đặc biệt, Bắc Kinh có thể sẽ coi căng thẳng giữa Ukraine và Nga là cơ hội để đánh giá mức độ phản ứng của Washington, điều chỉnh các tính toán chính trị của riêng họ liên quan đến Đài Loan cho phù hợp.
Tuy nhiên, cả chuyên gia Fravel và Umarov đều thận trọng về sự tương đồng giữa Ukraine và Đài Loan, do sự khác biệt về bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh địa chính trị và mức độ cam kết an ninh của Washington đối với cả hai.
627.000 quan chức Trung Quốc bị trừng phạt trong năm 2021 Năm 2021 chứng kiến số lượng quan chức bị trừng phạt nhiều nhất kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền và phát động chiến dịch chống tham nhũng, chấn chỉnh quan chức ở nước này. Hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình được trình chiếu tại Bảo tàng Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh -...