Quan hệ Mỹ-Israel trước ngã rẽ mới thời hậu Trump và Netanyahu
Với hai nhà lãnh đạo mới, trong một thời kỳ mới, cách thức Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Naftali Bennett xử lý mối quan hệ hai nước sẽ định hình triển vọng cho hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
Khi Israel và Mỹ đang đứng trước một giao lộ mới, hai nhà lãnh đạo mới của hai nước đều thừa hưởng một mối quan hệ mà ngay lập tức bị thúc đẩy bởi những cân nhắc chính trị trong nước, ràng buộc sâu sắc trong lịch sử và sự thừa nhận đã được khắc sâu rằng họ cần nhau.
Theo hãng tin AP, cách Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Naftali Bennett xử lý mối quan hệ đó sẽ định hình triển vọng cho hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Họ đang mở ra một thời đại không còn được xác định bởi cá tính mạnh mẽ của Thủ tướng kỳ cựu Benjamin Netayahu, người nhiều lần thách thức chính quyền Barack Obama và sau đó gặt hái thành quả từ mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Donald Trump.
Chính phủ Israel của tân Thủ tướng Bennett cho biết họ muốn nắn lại quan hệ với Đảng Dân chủ và khôi phục sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Mỹ với Israel. Trong khi đó, Tổng thống Biden đang theo đuổi một cách tiếp cận cân bằng hơn về cuộc xung đột Palestine-Israel và vấn đề Iran.
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên vào này 13/6/2021 tại Jerusalem. Ảnh: AP
Mối quan hệ giữa hai nước là rất quan trọng đối với cả Washington và Tel Aviv. Israel từ lâu đã coi Mỹ là đồng minh thân cận nhất và là người bảo đảm cho an ninh và vị thế quốc tế của mình, trong khi Mỹ dựa vào sức mạnh quân sự và tình báo của Israel giữa một Trung Đông đầy biến động.
Nhưng cả ông Biden và Bennett đều bị kìm hãm bởi nền chính trị nội bộ.
Ông Bennett dẫn đầu một liên minh không chắc chắn bao gồm 8 đảng từ khắp các phe phái chính trị Israel có điểm chung chính là loại bỏ ông Netanyahu khỏi quyền lực sau 12 năm. Ông Biden thì đang nỗ lực thu hẹp sự chia rẽ trong nội bộ đảng khi mà sự ủng hộ vốn gần như đồng đều dành cho Israel đã bị xói mòn và một cánh tiến bộ muốn Mỹ làm nhiều hơn nữa để chấm dứt sự chiếm đóng nửa thế kỷ của Israel trên những vùng đất mà người Palestine muốn có một nhà nước tương lai.
Ngay sau khi nhậm chức, tân Ngoại trưởng Israel, Yair Lapid, đã nhận ra những thách thức mà Israel phải đối mặt ở Washington. “Chúng tôi nhận ra [quan hệ giữa] mình với một Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện của đảng Dân chủ và họ rất tức giận. Chúng tôi cần thay đổi cách làm việc với họ”, ông Lapid nói khi nhậm chức quyền lãnh đạo Bộ Ngoại giao Israel tuần trước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz ngày 3/6/2021 tại Washington. Ảnh: AP
Mối quan hệ giữa hai lãnh đạo mới của Mỹ – Israel cũng là một bài kiểm tra quan trọng sẽ dành cho Iran. Tổng thống Biden đã tìm cách quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà cựu Tổng thống Obama coi là một thành tựu đối ngoại đặc sắc. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận lịch sử này với sự ủng hộ của các nhà lập pháp thân Israel. Mặc dù Iran vẫn chưa chấp nhận đề nghị đàm phán trực tiếp từ ông Biden, các cuộc thảo luận gián tiếp về thỏa thuận hạt nhân hiện đang ở vòng thứ sáu tại Vienna (Áo).
Chính phủ mới của Israel vẫn kiên quyết phản đối những nỗ lực của ông Biden nhằm phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhưng Tel Aviv vẫn khẳng định sẽ thảo luận về vấn đề này đằng sau những cánh cửa đóng kín thay vì các cuộc đối đầu công khai, như bài phát biểu gây tranh cãi của ông Netanyahu trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015.
Video đang HOT
Trong cuộc trò chuyện với Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 17/6, Ngoại trưởng Israel Lapid cho biết hai ông đã đồng ý về một chính sách “không bất ngờ” và duy trì những đường dây liên lạc cởi mở.
Eytan Gilboa, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Israel tại Đại học Bar-Ilan (Israel), nói rằng thay vì cố gắng lách bất kỳ thỏa thuận nào với Iran, chính phủ mới ở Israel sẽ thúc ép chính quyền Mỹ giữ nguyên một số lệnh trừng phạt đối với Tehran và tìm kiếm “đền bù chiến lược” cho Israel như một phần trao đổi cho bất cứ cuộc quay trở lại thỏa thuận nào của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 25/5 tại thành phố Ramallah. Ảnh: AP
Giải quyết những khác biệt về xung đột Israel-Palestine cũng sẽ là một thách thức đáng kể khác đối với hai nhà lãnh đạo Mỹ, Israel.
Tổng thống Biden đã đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Trump, vốn được ông Netanyahu ủng hộ, khiến người Palestine xa lánh và gây ra sự rạn nứt gần như hoàn toàn trong các mối quan hệ chính thức giữa Mỹ và Palestine. Gần như ngay lập tức sau khi nhậm chức, ông Biden đã khôi phục lại sự trợ giúp của Mỹ cho Palestine – vốn bị cắt giảm dưới thời ông Trump.
Tổng cộng Mỹ đã chi chỉ trong bốn tháng ông Biden cầm quyền là hơn 300 triệu USD. Ông tuyên bố ý định mở lại Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem, nơi đã bị ông Trump đóng cửa, để xử lý các mối quan hệ với người Palestine. Các quan chức chính quyền Mỹ cũng phát biểu công khai rằng người Israel và người Palestine phải được hưởng các giải pháp bình đẳng về an ninh và thịnh vượng.
Tuy nhiên, cả hai ngoại trưởng Mỹ và Israel đều không đưa ra bất kỳ động thái nào nhằm thay đổi những bước đi ủng hộ Israel quan trọng nhất của cựu Tổng thống Trump. Những động thái đó bao gồm việc ông Trump từ bỏ chính sách lâu năm của Mỹ cho rằng các khu định cư của người Do Thái là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế; việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, lãnh thổ mà Israel chiếm từ Syria trong cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967.
Chính quyền Mỹ đương nhiệm cũng hy vọng sẽ mở rộng các thỏa thuận bình thường hóa mối quan hệ Arab-Israel mà chính quyền Trump đã tạo ra trong những tháng cuối cùng tại nhiệm. Trong cuộc gọi vào ngày đầu tiên Thủ tướng Israel Bennett nhậm chức, Tổng thống Joe Biden khẳng định “sự ủng hộ kiên định của mình đối với mối quan hệ Mỹ-Israel” và “cam kết kiên định đối với an ninh của Israel”. Ông cam kết sẽ phối hợp trong tất cả các vấn đề an ninh, bao gồm cả Iran.
Sự ủng hộ của ông Biden đối với chiến dịch không kích hạng nặng của Israel trong cuộc chiến hồi tháng 5 với lực lượng Hamas ở Gaza đã khiến các đảng viên Dân chủ tiến bộ trong Quốc hội tức giận. Với sức mạnh mới đạt được về lực lượng trong Quốc hội, nhóm này đang yêu cầu chính quyền phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ người Palestine, và cần đặt điều kiện với Israel để đổi lấy viện trợ quân sự.
Trong khi các nhà lập pháp uy tín của Đảng Dân chủ Mỹ vẫn ủng hộ Israel và quyền tự vệ tuyệt đối của Israel, ngày càng có nhiều tiếng nói tiến bộ trong cuộc họp kín của đảng đã biến vấn đề này trở thành một vấn đề chính trị. Sự thay đổi trong chính phủ của Israel không có khả năng làm giảm bớt những lời kêu gọi hành động của nhóm nghị sĩ này do bạo lực giữa Israel và Palestine tiếp tục diễn ra trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã thúc giục chính phủ mới của Israel giảm bớt căng thẳng với người Palestine. Trong hai cuộc điện đàm với đồng cấp Lapid vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nói về “sự cần thiết phải cải thiện quan hệ giữa Israel và Palestine theo những cách thiết thực” và cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa người Arab và Israel.
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong phiên họp Quốc hội tại Jerusalem vào 13/6/2021. Ảnh: AP
Hiện chưa rõ chính phủ mới sẽ phản hồi lời kêu gọi này như thế nào. Các thành viên cốt cán như Lapid và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz rõ ràng muốn áp dụng cách tiếp cận hợp tác hơn với chính quyền Biden, trong khi tân Thủ tướng Bennett và các đối tác cánh hữu của ông phải đối mặt với áp lực từ chính người ủng hộ họ về việc duy trì cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Netanyahu, không chỉ đối với Iran mà còn với người Palestine.
Chính phủ Israel hiện đối mặt với những quyết định khó khăn, bao gồm việc có nên sơ tán một khu định cư trái phép được thành lập vào tháng trước hay không và liệu có nên can thiệp vào quy trình pháp lý, mà qua đó các tổ chức định cư đang sử dụng để đuổi hàng chục gia đình Palestine ra khỏi nhà của họ ở đông Jerusalem.
Trong khi đó, chính quyền Biden đang thúc ép Israel kiềm chế bất kỳ bước đi đơn phương nào có thể cản trở sự hồi sinh tiến trình hòa bình, vốn đã tồn tại trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa đưa ra lời lên án công khai về hoạt động định cư, ngoài kêu gọi chung chung hai bên kiềm chế những hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc gây tổn hại đến triển vọng một thỏa thuận hòa bình.
Thủ tướng Bennett là một người ủng hộ mạnh mẽ các khu định cư và phản đối chế độ nhà nước của người Palestine, nhưng ông cũng là một người thực tế. Ông có thể biến điểm yếu của mình thành sức mạnh, với quan điểm rằng bất kỳ sự nhượng bộ lớn nào – đối với người Palestine hoặc những người định cư Do Thái – đều có nguy cơ hạ bệ chính phủ của ông và đưa cựu Thủ tướng Netanyahu trở lại nắm quyền.
Tân Thủ tướng Israel khó hạ nhiệt xung đột với Palestine
Tân Thủ tướng Israel Bennett được cho là không có ý định hòa giải với Palestine, thậm chí còn có quan điểm cực đoan hơn người tiền nhiệm Netanyahu.
Quốc hội Israel ngày 13/6 phê chuẩn chính phủ liên minh mới do lãnh đạo đảng Yamina Naftali Bennett dẫn dắt, sau cuộc bỏ phiếu với kết quả 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống và một phiếu trắng. Bước thay đổi này đã chấm dứt 12 năm cầm quyền liên tục của cựu thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Theo thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh của tân Thủ tướng Bennett và chủ tịch đảng Yesh Atid, Yair Lapid, hai lãnh đạo này sẽ cùng nhau chia sẻ 4 năm làm thủ tướng, trong đó Bennett đảm nhận hai năm đầu nhiệm kỳ.
Naftali Bennett phát biểu trước quốc hội Israel hôm 30/5. Ảnh: Reuters.
Việc "lật đổ" được Netanyahu được coi là một chiến thắng với Bennett, nhưng chính phủ mới của ông sẽ lập tức đối mặt với vô số vấn đề trong nước cần giải quyết, từ việc làm sao để vực dậy nền kinh tế đang bị tàn phá bởi Covid-19 đến duy trì lệnh ngừng bắn mong manh với nhóm dân quân Hamas ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tiến trình hòa bình với người Palestine. Giới chuyên gia nhận định dưới chính quyền mới, căng thẳng Israel - Palestine thậm chí có thể trở nên gay gắt hơn.
Mahmoud Dodeen, phó giáo sư luật tại Đại học Qatar, đánh giá tân Thủ tướng Israel có quan điểm cực đoan hơn về xung đột Israel - Palestine so với người tiền nhiệm.
"Đây sẽ không phải là sự tiếp nối chính sách của chính quyền Netanyahu. Ngược lại, chính quyền mới có thể rất cực đoan. Bennett tin vào ý tưởng di chuyển người Palestine sang Jordan và sáp nhập các phần lãnh thổ lớn ở khu vực Bờ Tây", Dodeen nói.
Trong 12 năm cựu thủ tướng Netanyahu cầm quyền, các cuộc đàm phán hòa bình không có tiến triển đáng kể, khi lãnh đạo mỗi bên đều cáo buộc bên kia gây cản trở tiến trình hòa đàm.
Với nhiều người dân Palestine, việc thay thế Netanyahu không phải một bước tiến. Bennett, người từng giữ chức chánh văn phòng của cựu thủ tướng Netanyahu, ủng hộ việc sáp nhập các khu vực Bờ Tây và mở rộng xây dựng những khu định cư cho người Palestine. Ông hoàn toàn bác bỏ việc công nhận nhà nước Palestine.
"Các chính sách của Israel sẽ không thay đổi nhiều vì một chính phủ liên minh mới lên nắm quyền", Hasan Awwad, chuyên gia về chính trị Palestine và Israel tại Đại học Bridgeport ở Connecticut, Mỹ, nhận xét.
Awwad thêm rằng liên minh mới, dù bên ngoài trông có vẻ đa dạng thành phần, vẫn bị chi phối bởi phe cực hữu.
"Không có hy vọng về bất kỳ sự thay đổi lớn nào từ chính quyền Israel mới. Theo tôi, họ thậm chí còn quyết liệt hơn chính quyền cũ và sẽ không thỏa hiệp với người Palestine", ông nói.
Sau cuộc xung đột chết chóc kéo dài 11 ngày hồi tháng trước giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, nhóm dân quân Hồi giáo này đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng trong cộng đồng người Palestine ở Dải Gaza, trong khi tín nhiệm của chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại khu Bờ Tây đang rơi xuống mức thấp nhất lịch sử.
"Chính quyền Palestine đã đánh mất tất cả các quân bài của mình, vì thế họ không còn lựa chọn nào khác là dựa vào Mỹ và cộng đồng quốc tế", Awwad cho hay.
Mỹ đã nối lại phần lớn viện trợ cho Palestine, vốn bị cắt dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, thổi luồng sinh khí mới cho chính quyền ở Bờ Tây. Tuy nhiên theo Dodeen, chính quyền Biden "không có ý định giải quyết dứt điểm xung đột mà chỉ muốn quản lý nó".
"Chúng ta đều biết giải pháp hai nhà nước gần như không thể áp dụng trong thực tiễn. Chính quyền cánh hữu mới sẽ không từ bỏ Jerusalem, cũng như không cho phép người tị nạn quay trở lại hay dỡ bỏ các khu định cư", ông nói.
Mối quan tâm chính của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ, đối với xung đột Israel - Palestine chỉ là "duy trì ổn định và bảo tồn nguyên trạng", Dodeen lưu ý.
Chuyên gia này tỏ ra bi quan về mối quan hệ tương lai giữa Israel và Palestine, cho rằng tân Thủ tướng Bennett, trong nỗ lực kéo dài "tuổi thọ" của chính quyền mới, sẽ phải tìm mọi cách để xoa dịu những thành phần cực đoan nhất bên phía cánh hữu.
Điều này có nghĩa các chính sách hiện nay của Israel vẫn sẽ được duy trì và nguy cơ xung đột quân sự bùng phát vẫn hiện hữu, Dodeen nhấn mạnh.
Trong cuộc xung đột vũ trang hồi tháng 5, hơn 250 người Palestine đã thiệt mạng, bao gồm 66 trẻ em, và hơn 1.900 người bị thương. Tại Israel, một binh sĩ thiệt mạng cùng 12 dân thường, trong đó có hai trẻ em.
Dodeen cho rằng cuộc xung đột tiếp theo, nếu nổ ra, sẽ tồi tệ hơn nhiều. "Theo tôi, mọi thứ sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự mới, thậm chí nguy hiểm hơn những lần trước đây, có thể biến thành một cuộc chiến tranh khu vực", ông nói.
Israel có tân Thủ tướng Tân thủ tướng Israel Bennett tuyên thệ nhậm chức sau khi quốc hội phê chuẩn chính phủ liên minh mới, chấm dứt 12 năm nắm quyền của Benjamin Netanyahu. Quốc hội Israel hôm 13/6 phê chuẩn chính phủ liên minh mới do lãnh đạo đảng Yamina Naftali Bennett dẫn dắt, sau cuộc bỏ phiếu với kết quả 60 phiếu thuận và 59 phiếu...