Quan hệ Mỹ – Israel giữa bất đồng ngày càng tăng về hoạt động quân sự ở Rafah
Kế hoạch tấn công quân sự ở Rafah của Israel là trung tâm của sự bất đồng ngày càng tăng với Mỹ dẫn đến sự kiên nhẫn của chính quyền Biden cho Tel Aviv ngày càng giảm sút.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong một cuộc gặp với Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhận định của Giáo sư Chuck Freilich và chuyên gia phân tích cấp cao Eldad Shavit thuộc Viện Nghiên cứu AN ninh Israel (INSS), sự kiên nhẫn của Mỹ với Israel đang ngày càng suy giảm. Chiến dịch đã được lên kế hoạch ở Rafah, tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Dải Gaza và câu hỏi chưa được giải quyết về “Gaza sẽ thế nào hậu xung đột” đang khiến căng thẳng giữa Israel và Mỹ lên đến đỉnh điểm mới.
Kế hoạch của Israel tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Rafah là trung tâm của sự bất đồng ngày càng tăng giữa Mỹ và Israel. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gây áp lực buộc Israel phải tránh một hoạt động như vậy, đồng thời tuyên bố rằng Israel có thể đạt được các mục tiêu của mình thông qua các phương tiện khác. Điều này làm tăng thêm những khác biệt hiện có giữa hai nước, bao gồm cả việc Mỹ yêu cầu Israel thiết lập một chiến lược rõ ràng sau chiến tranh và giải quyết tình hình nhân đạo ở Gaza.
Sau hơn một tháng không liên lạc, Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Biden mới đây đã có 2 cuộc điện đàm. Trong khi người phát ngôn Nhà Trắng tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel trong việc tiêu diệt Hamas, thì nội dung của các cuộc điện đàm đã nêu bật những bất đồng chính giữa Mỹ và Israel liên quan đến việc tiến hành cuộc chiến ở Gaza.
Những khác biệt này là trọng tâm của các cuộc thảo luận toàn diện do chính quyền Mỹ khởi xướng, được tổ chức trong các chuyến thăm của những quan chức cấp cao Israel tới Washington, cũng như chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Gallant tới Mỹ kể từ khi chiến tranh ở Gaza nổ ra. Các chủ đề thảo luận chính gồm:
Thứ nhất là về kế hoạch chiến lược dài hạn. Chính quyền Mỹ đã nhắc lại với Israel tầm quan trọng của việc có một chiến lược toàn diện với các mục tiêu rõ ràng cho chiến dịch quân sự. Trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Biden bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Israel có chiến lược như vậy hay không và nhấn mạnh sự cần thiết của một “chiến lược mạch lạc và bền vững” để đạt được “mục tiêu chung là đánh bại Hamas”.
Video đang HOT
Chính quyền Mỹ đã đưa ra quan điểm này trong bối cảnh có tuyên bố rằng Israel đang cố tình không xây dựng các kế hoạch thời hậu chiến. Trong khi đó, Nhà Trắng đã đưa ra tầm nhìn của mình cho thời kỳ hậu Hamas, bao gồm việc thúc đẩy hòa bình và an ninh lớn hơn, ổn định hơn cho Israel thông qua hội nhập khu vực sâu sắc hơn, bao gồm bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia và hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước cho người Palestine. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đến thăm Trung Đông trong những ngày gần đây để thảo luận về “cấu trúc khu vực”.
Thứ hai là về hoạt động quân sự ở Rafah. Mỹ quan ngại sâu sắc về một hoạt động quân sự tiềm tàng ở Rafah. Theo quan điểm của họ, trọng tâm của Israel nên là ổn định tình hình ở Gaza và củng cố những thành quả đạt được nhằm ngăn chặn Hamas giành lại quyền kiểm soát ở những khu vực đã được Israel “giải phóng”. Thay vào đó, Israel đang xem xét một hoạt động quy mô lớn ở Rafah, điều mà Washington coi là một “sai lầm lớn” có khả năng dẫn đến một “thảm họa”.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Biden đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về một hoạt động ở Rafah nếu nó tương tự như những hoạt động được tiến hành ở thành phố Gaza và Khan Yunis. Mỹ khẳng định rằng Israel vẫn chưa đưa ra kế hoạch tái định cư an toàn hơn một triệu người tị nạn hiện đang trú ẩn ở Rafah.
Hơn nữa, Mỹ lưu ý rằng một hoạt động quân sự ở Rafah sẽ cản trở nghiêm trọng các nỗ lực nhân đạo từ Ai Cập đến Rafah, và nó thậm chí có thể làm căng thẳng mối quan hệ với Ai Cập, vốn đã bày tỏ lo ngại về một hoạt động như vậy. Washington bác bỏ tuyên bố của Israel rằng áp lực nhằm tránh một hoạt động quân sự ở Rafah sẽ làm suy yếu khả năng của Tel Aviv trong việc đánh bại Hamas, cho rằng điều này là “vô nghĩa” và tin rằng các mục tiêu trọng tâm ở Rafah có thể đạt được thông qua các biện pháp thay thế.
Trong chuyến thăm của các phái đoàn Israel tới Mỹ, Nhà Trắng có kế hoạch nêu ra những mối quan ngại của mình và đề xuất các chiến lược thay thế nhằm phá hủy các mục tiêu quan trọng của Hamas ở Rafah mà không cần dùng đến chiến dịch quân sự. Kế hoạch cũng sẽ tập trung vào việc ngăn chặn buôn lậu xuyên biên giới, đồng thời đảm bảo an ninh biên giới với Ai Cập.
Cảnh đổ nát sau vụ oanh tạc của Israel xuống miền Trung Gaza ngày 4/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Thứ ba là về hình nhân đạo ở Gaza. Chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân đạo và tình trạng vô chính phủ lan rộng ở những khu vực mà Israel đã hoạt động nhưng vẫn chưa thể ổn định được tình hình. Theo chính quyền Biden, việc Mỹ và các nước khác thả hàng viện trợ nhân đạo bằng đường hàng không là phản ứng chưa đủ và họ đang thiết lập một bến tàu nổi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển viện trợ.
Mỹ cho rằng Israel nên thực hiện các biện pháp bổ sung để hỗ trợ viện trợ nhân đạo cho Gaza và Lực lượng phòng vệ nước này (IDF) nên bảo vệ bến tàu đang được thiết lập cũng như giám sát các cơ chế kiểm soát ở Gaza để cải thiện việc phân phối và ngăn chặn Hamas chiếm giữ các chuyến hàng nhân đạo.
Chính quyền Mỹ gần đây đã cùng với những nước khác trong cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nạn đói ngày càng trầm trọng ở Gaza. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng “theo thước đo được tôn trọng nhất về những điều này, 100% dân số ở Gaza đang ở trong tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính nghiêm trọng”. Ông nói thêm rằng trách nhiệm của Israel là ưu tiên phân phối viện trợ cho những người cần nhất.
Tại Quốc hội Mỹ, ngay cả các nghị sĩ thân Israel cũng ngày càng chỉ trích hành động của chính phủ Israel. Lãnh đạo đa số Thượng viện đảng Dân chủ Chuck Schumer đã đi xa hơn khi tuyên bố rằng Thủ tướng Netanyahu là một trở ngại cho hòa bình và đã kêu gọi bầu cử ở Israel.
Đáp lại, Thủ tướng Netanyahu chỉ trích những tuyên bố trên, gọi đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Israel. Ông Netanyahu cũng chỉ trích việc chính quyền Mỹ phản đối hoạt động quân sự ở Rafah, cho rằng đó là cách duy nhất để đánh bại Hamas – một vấn đề mà ông cũng đã thảo luận với Tổng thống Biden qua điện thoại.
Israel lên kế hoạch đưa người Gaza tới 'đảo nhân đạo' trước khi tấn công Rafah
Quân đội Israel cho biết họ có kế hoạch đưa nhiều người Palestine tại thành phố Rafah ở phía Nam tới "các hòn đảo nhân đạo" ở trung tâm Gaza trước khi tấn công vào thành phố này.
Một trẻ em bị thương sau cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 1/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trang Yahoo News dẫn thông tin từ các hãng tin phương Tây cho biết, số phận của người dân ở Rafah là điều khiến các tổ chức nhân đạo và đồng minh của Israel quan ngại nhất. Họ lo ngại rằng tấn công vào khu vực đông đúc này sẽ gây ra thảm họa. Rafah là nơi sống tạm của khoảng 1,4 triệu người Palestine phải di dời và cũng là điểm tiếp nhận hàng viện trợ của Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng cuộc tấn công ở Rafah là rất quan trọng để nước này đạt được mục tiêu đã nêu là tiêu diệt Hamas.
Người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, cho biết việc đưa những người ở Rafah đến các khu vực nhân đạo sẽ diễn ra dưới sự phối hợp của các tổ chức quốc tế. Đây là một phần quan trọng trong quá trình quân đội Israel chuẩn bị cho cuộc tấn công Rafah mà họ lên kế hoạch từ lâu. Israel cho rằng Hamas đang có bốn tiểu đoàn ở Rafah.
Ông Hagari nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo: "Chúng ta cần đảm bảo rằng 1,4 triệu người hoặc ít nhất một lượng đáng kể trong số 1,4 triệu người sẽ di chuyển. Tới đâu? Tới những hòn đảo nhân đạo mà chúng tôi sẽ thiết lập cùng với cộng đồng quốc tế".
Theo ông Hagari, những khu vực này sẽ có nhà ở tạm thời, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người Palestine sơ tán. Ông không cho biết khi nào cuộc sơ tán ở Rafah sẽ diễn ra, cũng như khi nào cuộc tấn công Rafah sẽ bắt đầu. Ông nói rằng Israel muốn có thời điểm phù hợp để hoạt động và phối hợp với Ai Cập - quốc gia không muốn dòng người Palestine di tản tràn vào.
Rafah đã đông lên nhiều trong những tháng qua khi người Palestine chạy khỏi các khu vực có giao tranh ở hầu hết các nơi khác.
Trong khi đó, Mỹ lo ngại về tình hình ở Rafah và tỏ ra cứng rắn với Israel. Ngày 13/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ vẫn chưa nhận được kế hoạch di dời dân thường mà Israel nói ở trên. Ông nói: "Chúng ta cần xem xét một kế hoạch giúp dân thường thoát khỏi nguy hiểm nếu có hoạt động quân sự ở Rafah. Chúng tôi chưa thấy kế hoạch nào".
Khi bắt đầu cuộc chiến với Hamas, Israel đã yêu cầu người Palestine sơ tán đến một vùng đất dọc theo bờ biển Địa Trung Hải ở Gaza mà nước này nói là vùng an toàn. Tuy nhiên, các nhóm viện trợ cho biết không có kế hoạch nào về tiếp nhận số lượng lớn người tới đó. Các cuộc tấn công của Israel cũng nhằm vào khu vực này.
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cảnh báo về kế hoạch tấn công Rafah, nêu rõ Israel phải có trách nhiệm bảo vệ người Palestine ở Gaza theo luật pháp quốc tế, đồng thời tuyên bố Ai Cập đã nhiều lần cảnh báo các kế hoạch của Israel nhằm hủy hoại cuộc sống ở Dải Gaza.
Ông El-Sisi khẳng định lại rằng cần phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và yêu cầu Israel chấm dứt các hành động quân sự.
Thảm họa nhân đạo giữa vòng xoáy bạo lực ở Haiti Ngày 20/3, truyền thông Haiti đưa tin, Ngân hàng trung ương nước này đã bị tấn công - vụ việc mới nhất trong làn sóng bạo lực đẫm máu tại quốc gia Caribe. Mặc dù đã có những giải pháp được đưa ra, song các băng nhóm tội phạm vẫn kiểm soát tới 80% thủ đô Port-au-Prince, đẩy sự an toàn của người...