Quan hệ Mỹ-Anh hậu bầu cử: Hai ngã rẽ trước chân trời mới
Quan hệ truyền thống Mỹ-Anh có thể sẽ đổi khác, khi cuộc bầu cử sắp tới mở ra hai viễn cảnh khác nhau cho mối thâm tình này.
Quan hệ truyền thống Mỹ-Anh có thể sẽ đổi khác sau cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. (Nguồn: Getty Images)
Đó là nhận định trong một báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) – viện nghiên cứu chính sách độc lập có trụ sở tại Washington về tương lai của hai đồng minh thân thiết Mỹ-Anh sau cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực ngày 5/11.
Phép thử cho tình bạn xuyên Đại Tây Dương
Theo CSIS, từ trước đến nay, mối quan hệ Mỹ-Anh luôn mạnh mẽ và vững chắc dù ai là chủ nhân Nhà Trắng hay số 10 phố Downing. Anh vừa là cường quốc hàng đầu với tầm nhìn chiến lược, vừa là đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Việc thiết lập một chương trình nghị sự chung với London nên là ưu tiên trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của bà Kamala Harris hoặc ông Donald Trump.
Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ có thể có tác động đáng kể đến mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh. London không chỉ là đồng minh gần gũi của Washington, mà còn là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G7, nắm giữ vũ khí hạt nhân, có lực lượng quân sự, hệ thống internet và khoa học tiên tiến.
Anh là một thành viên chủ chốt trong sáng kiến AUKUS. (Nguồn: APA)
Theo nghiên cứu của CSIS, từ năm 2014, Anh đã huấn luyện hàng nghìn binh sĩ cho Ukraine. Đặc biệt, kể từ sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt, Anh vẫn luôn dẫn đầu châu Âu trong viện trợ cho Ukraine, bao gồm cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực và tên lửa tầm xa cho Kiev. Bên cạnh đó, London cũng phối hợp với Mỹ để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, tham gia sáng kiến AUKUS, cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia và phát triển nhiều công nghệ tiên tiến.
Báo cáo của CSIS chỉ rõ, mối quan hệ truyền thống Mỹ-Anh vẫn luôn mạnh mẽ bất kể ai lên nắm quyền, như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã từng duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush. Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử tới có thể mở ra hai hướng đi rất khác biệt cho mối thâm giao này.
Nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử, Mỹ và Anh sẽ có hai nhà lãnh đạo thuộc hai cực chính trị khác nhau. Điều này dẫn đến một cục diện rất khác so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi Anh có những lãnh đạo bảo thủ ủng hộ Brexit, vốn là điều mà cựu Tổng thống Mỹ đặc biệt tán thành.
Ngoài ra, Thủ tướng Boris Johnson và phong cách chính trị dân túy của ông giúp London duy trì mối quan hệ gần gũi với Washington hơn so với nhiều đồng minh châu Âu khác.
Video đang HOT
CSIS cũng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Keir Starmer, Anh sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực từ trong và ngoài nước. Một mặt, chính sách đối ngoại của London phải luôn duy trì mối quan hệ đặc biệt với Mỹ. Tân Ngoại trưởng Anh David Lammy khẳng định, London “không thể quên Mỹ luôn là đồng minh quan trọng nhất, dù ai là người nắm quyền tại Nhà Trắng”. Tuy nhiên, ông Trump vẫn không được ưa chuộng rộng rãi tại Anh, đặc biệt là trong giới ủng hộ đảng Lao động.
Nước Anh đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ trong và ngoài nước dưới thời Thủ tướng Keir Starmer. (Nguồn: Reuters)
Nếu phó Tổng thống Kamala Harris thắng cử, mối quan hệ đặc biệt này sẽ có cơ hội được tái thiết. Hậu Brexit, Washington không còn quá đánh giá cao quan hệ Mỹ-Anh, đặc biệt khi ảnh hưởng của London ở châu Âu đang suy giảm. Nhưng với việc ông Starmer và bà Harris có cùng nền tảng chính trị, hai nước có thể có cơ hội để khôi phục lại vai trò và sự gần gũi cho mối giao hảo này.
Chính sách đối ngoại của Anh dưới thời đảng Lao động cầm quyền như Nước Anh tái kết nối (Britain Reconnected) và Chủ nghĩa hiện thực tiến bộ (Progressive Realism), dường như phù hợp với chính quyền bà Harris. Đảng Lao động cũng đang nỗ lực khôi phục quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), vốn là điều mà bà Harris ủng hộ mạnh mẽ.
Tái thiết hay rạn nứt?
Theo CSIS, chủ nhân mới của Nhà Trắng, dù thuộc bất kỳ đảng phái nào, cũng nên ủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Anh và châu Âu. Động thái này sẽ củng cố hơn nữa chính sách đối ngoại của Mỹ trong cạnh tranh với Trung Quốc, cũng như thúc đẩy lập trường thống nhất của châu Âu về Bắc Kinh.
Một hiệp ước an ninh Anh-EU cũng sẽ thắt chặt hơn hợp tác an ninh và công nghiệp quốc phòng, tạo nên “trụ cột châu Âu” trong NATO nhằm chống lại Nga và giảm sự phụ thuộc quân sự của châu Âu vào Mỹ. Thêm vào đó, Washington đã mất đi cầu nối truyền thống với châu Âu hậu Brexit, do đó việc Thủ tướng Starmer khôi phục quan hệ tốt đẹp với châu Âu từ bên ngoài khối EU sẽ là lợi thế cho cả hai ứng cử viên Tổng thống.
Các chủ nhân của Nhà Trắng, dù thuộc bất kỳ đảng phái nào, cũng thường ủng hộ mối quan hệ giữa Anh và châu Âu. (Nguồn: AP)
Bên cạnh đó, Anh không đạt được tiến triển khi đàm phán hiệp định thương mại tự do mới trong nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống Donald Trump. Hơn nữa, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng không nỗ lực để đàm phán một hiệp định thương mại mới, khi cả chính phủ lẫn Quốc hội đều hoài nghi về các hiệp định thương mại với London.
Không rõ liệu chính quyền bà Harris có áp dụng cách tiếp cận tương tự hay không, tuy nhiên, một chính phủ Lao động mới có thể là đối tác lý tưởng để đàm phán hiệp định thương mại mới tập trung vào nền kinh tế xanh. Nếu Mỹ không thể đạt được thỏa thuận thương mại với Anh, Washington sẽ khó có thể đạt được thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào khác.
Ngoài ra, trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng xanh, chương trình nghị sự mà hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump đưa ra có sự khác biệt đáng kể. CSIS cho rằng, Bà Harris ít nhất nên “tuyển dụng” Anh làm đồng minh chủ chốt trong quá trình chuyển đổi xanh, vì Liên minh năng lượng sạch của London sẽ đưa đến cho Washington những hình thức mới để theo đuổi một đường lối ngoại giao khí hậu tiên tiến.
Quan hệ Mỹ-Anh vốn là một trụ cột vững chắc trong chính sách đối ngoại của cả hai nước. (Nguồn: ABC)
Quan hệ Mỹ-Anh có thể đủ mạnh để vượt qua bất kỳ cơn cuồng phong nào.Tuy nhiên, chính quyền do bà Harris lãnh đạo có thể mở ra những chuyến hành trình thuận lợi hơn nhiều cho mối quan hệ đặc biệt này so với chính quyền của cựu Tổng thống Trump.
Tựu trung, dù ai trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, quan hệ Mỹ-Anh sẽ vẫn là một trụ cột vững chắc trong chính sách đối ngoại của cả hai nước. Nhưng lần này, sự khác biệt trong định hướng chính trị của nhà hai lãnh đạo có thể dẫn đến những lối đi riêng biệt. Chính quyền của bà Harris được kỳ vọng tái xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn, không chỉ với London mà còn với toàn bộ châu Âu, từ đó củng cố một liên minh phương Tây mạnh mẽ hơn trước các thách thức toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc và Nga.
Ngược lại, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể đưa quan hệ giữa Washington và London vào một lộ trình mới, tập trung vào những vấn đề song phương hơn là quan hệ đa phương. Dù ở hướng nào, hai đồng minh thân thiết này này vẫn cần sự linh hoạt và sáng tạo để điều chỉnh và phát huy sức mạnh của mối giao tình truyền thống, tiếp tục trở thành đối tác chiến lược đáng tin cậy lẫn nhau trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng.
Bầu cử Tổng thống Mỹ giai đoạn chạy nước rút: Trump và Harris bất phân thắng bại
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang bước vào giai đoạn chạy nước rút quan trọng khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa cuộc bầu cử chính thức diễn ra.
Hiện nay, 2 ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn đang cạnh tranh nhau gay gắt.
Cuộc chạy đua gay cấn
Càng vào cuối cuộc đua, chiến dịch tranh cử của 2 ứng viên tổng thống đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa càng được đẩy mạnh. Theo The New York Times, kể từ tháng 9, Donald Trump đã tham gia 71 sự kiện, tới thăm 14 bang, bao gồm tất cả các bang xung đột (đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều có cơ hội giành chiến thắng ở các bang này); trong khi đó, Kamala Harris tham gia 53 sự kiện, tới thăm 9 bang, trong đó 6/7 bang xung đột.
Về vận động tài chính, ông Trump tổ chức 6 sự kiện gây quỹ, còn bà Harris tổ chức 4 sự kiện. Mặc dù tổ chức ít sự kiện hơn, song bà Harris lại duy trì khoảng cách khá lớn so với đối thủ về số tiền quyên góp được. Theo dữ liệu mới nhất của Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), số tiền thu được trong tháng 9 của bà Harris là 221,8 triệu USD, gấp ba lần so với ông Trump (chỉ thu được 62,7 triệu USD). Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cũng vượt xa ứng viên của đảng Cộng hòa về số tiền hiện có.
Tuy nhiên, bà Harris có vẻ "hụt hơi" ở giai đoạn cuối của cuộc chạy đua, khi tỷ lệ ủng hộ của bà giảm dần theo thời gian. Ví dụ, trong số 35 cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 9, chỉ có 6 cuộc thăm dò mang lại lợi thế cho ông Trump, 3 cuộc thăm dò ghi nhận kết quả hòa. Khoảng cách mà bà Harris tạo ra trước đối thủ luôn duy trì ở mức 1,8 điểm phần trăm trở lên.
Tuy nhiên, bước vào tháng 10, 25 cuộc thăm dò được thực hiện, trong đó 7 cuộc thăm dò ghi nhận lợi thế dành cho ông Trump. Theo số liệu của Real Clear Politics (RCP), một trang web chuyên về tin tức chính trị và tổng hợp dữ liệu thăm dò ý kiến được thành lập tại Mỹ vào năm 2000, khoảng cách của bà Harris so với đối thủ đã bị thu hẹp xuống còn 0,3 điểm phần trăm tính đến ngày 23/10. Nếu so với các cuộc bầu cử trước đây, cùng thời điểm vào năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn trước Donald Trump 5,5 điểm phần trăm. Tính đến cuối tháng 10 năm 2020, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ khi đó là Joe Biden đã dẫn trước đối thủ Donald Trump tới 8,1 điểm phần trăm.
Mặc dù cả bà Clinton và ông Biden đều không duy trì được lợi thế cho đến trước ngày bầu cử, song rõ ràng mức độ tín nhiệm của cử tri dành cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử trước cao hơn đáng kể so với bà Harris hiện nay. Bà Clinton cho dù dẫn trước đối thủ của mình là Donald Trump trong cuộc bầu cử vào năm 2016, nhưng lại không giành đủ số phiếu cần thiết trong cử tri đoàn (để giành chiến thắng, mỗi ứng viên cần phải giành tối thiểu 270 phiếu bầu của đại cử tri). Nói cách khác, mặc dù bà Harris đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò, nhưng khoảng cách là rất mong manh, thậm chí bà có thể thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vì không đạt đủ số phiếu của đại cử tri.
Cục diện sẽ được quyết định ở các bang xung đột (cùng nhau đưa ra 93 phiếu đại cử tri). Theo trang tổng hợp FiveThirtyEight tính đến ngày 24/10, ông Trump dẫn trước ở bang Arizona (1,8 điểm phần trăm), Georgia (1,5 điểm phần trăm), Pennsylvania (0,3 điểm phần trăm) và Bắc Carolina (1,2 điểm phần trăm). Bà Harris dẫn trước với khoảng cách mong manh ở Wisconsin (0,2 điểm phần trăm), Michigan (0,7 điểm phần trăm) và Nevada (0,1 điểm phần trăm). Nếu kết quả thăm dò này được duy trì, ông Trump sẽ có thể giành được 281 phiếu đại cử tri và bà Harris sẽ giành được 257 phiếu.
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát mới của Financial Times về vấn đề kinh tế, 44% cử tri tin vào năng lực lãnh đạo của ông Trump hơn (bà Harris nhận được 43%). Đây là tín hiệu lạc quan đối với ông Trump và đảng Cộng hòa khi giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế vẫn là yếu tố hàng đầu để cử tri quyết định bầu cho ai.
Cơ hội chiến thắng của 2 ứng viên dưới góc nhìn chuyên gia
Giới chuyên gia cũng đặc biệt quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 và đưa ra những nhận định của riêng mình. Tương tự như kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây, các ý kiến chuyên gia chia đều cơ hội chiến thắng cho cả hai ứng viên. Trở lại đầu tháng 9, nhà sử học Allan Lichtman, người đã dự đoán chính xác kết quả của 9/10 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây nhất (trừ năm 2000), cho rằng Kamala Harris sẽ giành chiến thắng.
Vào ngày 23/10, tờ The New York Times dẫn nhận định của nhà phân tích và cố vấn chính trị nổi tiếng Nate Silver đã khẳng định về khả năng chiến thắng của Donald Trump. Ông Nate Silver đánh giá thấp về độ chính xác trong các cuộc thăm dò dư luận, đồng thời nhận định về khả năng giành chiến thắng của ông Trump ở 6/7 bang xung đột.
Đồng thời, nhiều nhà quan sát ở Mỹ cũng không loại trừ kịch bản không ai trong số 2 ứng viên nhận được đủ 270 phiếu đại cử tri theo yêu cầu. Ví dụ, CNN đã đưa ra 3 kết hợp phân bổ phiếu bầu sẽ dẫn đến việc cả ông Trump và bà Harris đều chỉ giành được 269 phiếu bầu. Trong trường hợp này, quyền lựa chọn tổng thống mới thuộc về Hạ viện, theo quy tắc "một bang - một phiếu bầu". Để giành chiến thắng ở Hạ viện, một ứng cử viên phải nhận được tối thiểu 26 phiếu bầu (nước Mỹ có tổng 50 bang).
Trong kịch bản 269-269, phó tổng thống sẽ được Thượng viện lựa chọn, cơ quan hoạt động theo cơ chế một thượng nghị sĩ một phiếu bầu. Nếu Hạ viện không bầu được tổng thống trước ngày 20/1, các thượng nghị sĩ có thể bổ nhiệm một phó tổng thống mới làm nguyên thủ quốc gia cho đến khi Hạ viện quyết định. Nhưng nếu phó tổng thống không được bầu trước ngày 20/1 thì Tu chính án thứ 20 của Hiến pháp Mỹ sẽ có hiệu lực, theo đó chủ tịch Hạ viện (hiện là đảng viên Cộng hòa Mike Johnson) tạm thời đảm nhận quyền lực của tổng thống.
Điều đáng nói là cả Thượng viện và Hạ viện đều phải bầu ra một phó tổng thống và tổng thống mới nếu cuộc bầu cử sắp tới không phân định người thắng - kẻ thua. Hiện nay, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, còn đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện. Vào năm 2024, một phần ba Thượng viện và toàn bộ Hạ viện sẽ tái tranh cử. Do đó, vào ngày 3/1/2025, Quốc hội mới ở Mỹ sẽ ra mắt, trong đó cán cân quyền lực có thể khác so với hiện nay.
Theo Vladimir Vasiliev, chuyên gia tại Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, các cuộc thăm dò gần đây không phản ánh đúng tình hình chính trị - xã hội và tâm lý của cử tri Mỹ. Có chăng, dữ liệu có thể là đáng tin cậy từ kết quả của các thị trường dự đoán (Prediction Market), điển hình như Polymarket, nơi cử tri Mỹ đặt cược vào người chiến thắng. Theo số liệu tính đến ngày 24/10, 63,9% đang đặt cược vào Donald Trump, 36,1% đặt cho Kamala Harris. Theo chuyên gia người Nga, Polymarket khó có thể cung cấp con số chính xác nhưng cho thấy xu hướng khách quan trong tâm lý cử tri.
"Không ai trong số 2 ứng viên thuyết phục được cử tri về sự vượt trội của họ, có thể đưa ra lời giải thích tại sao họ nên được bầu. Năm 2016 và 2020 tình hình hoàn toàn khác. Ông Trump vào năm 2016 thể hiện mình là một ứng cử viên mang đến sự thay đổi và ông Biden trong năm 2020 cũng vậy. Kết quả nhiều khả năng sẽ là một chiến thắng sít sao, gây ra những mâu thuẫn, căng thẳng trong đời sống chính trị Mỹ sau bầu cử", ông Vladimir Vasiliev nhận định.
Căng thẳng ngoại giao, Venezuela triệu hồi Đại sứ tại Brazil Venezuela đã có các hành động liên tiếp để thể hiện sự phản đối tuyên bố của những người đại diện cho chính phủ Brazil về kết quả bầu cử của quốc gia Caribbean này. Venezuela và Brazil gia tăng căng thẳng ngoại giao liên quan kết quả bầu cử ở quốc gia Caribbean và việc Brasilia phủ quyết việc BRICS kết nạp...