Quân đội Trung Quốc bị chê huấn luyện lỗi thời
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc chỉ trích một số chỉ huy không hiểu biết về công nghệ và không áp dụng tư duy hiện đại trong huấn luyện.
Quân đội Trung Quốc (PLA) mất hai thập kỷ để tự động hóa hoàn toàn các hệ thống vũ khí của mình, chuyển phần lớn thao tác thủ công sang vận hành bằng kỹ thuật số. Tuy nhiên, hoạt động huấn luyện binh sĩ không theo kịp tiến bộ về vũ khí khiến tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, tuần trước đăng loạt bài “phê bình” một số chỉ huy không áp dụng tư duy hiện đại với công nghệ mới.
Một số bài viết nhận định hệ thống huấn luyện của lục quân Trung Quốc “thiếu sót”, nhiều cuộc diễn tập “có vẻ rất khó nhưng thực sự lỗi thời và hoàn toàn kém hiệu quả”.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc chỉ trích một số chỉ huy quân đội “không hiểu biết về công nghệ” và cách nó ảnh hưởng đến các hoạt động tác chiến hiện đại.
“Tất cả đối thủ đều coi trọng và dựa vào công nghệ trong chiến tranh hiện đại”, Trương Tích Thành, chuyên gia thuộc Học viện Quân sự Trung Quốc, cho biết trong bài viết xuất bản ngày 26/4. “Sẽ rất khó đạt được thành công nếu chúng ta không có những bước đột phá trong huấn luyện và không chú ý đến tác chiến sáng tạo”.
Binh sĩ Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật với pháo tự hành PLC-09. Ảnh: PLA .
Loạt bài chỉ trích các chỉ huy quân đội Trung Quốc được đăng sau khi PLA tuyên bố hoàn thành tự động hóa tất cả tổ hợp vũ khí, nhằm theo đuổi mục tiêu lớn hơn là xây dựng quân đội lớn nhất thế giới thành “lực lượng chiến đấu nhanh nhẹ và có năng lực”.
Video đang HOT
Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm 2020 thông báo đã đạt mục tiêu tự động hóa khí tài, trong bối cảnh Quân ủy Trung ương Trung Quốc đặt tham vọng xây dựng quân đội thành lực lượng hoàn toàn hiện đại vào năm 2027 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Tong tại Macau nhận định tự động hóa các hệ thống vũ khí là một phần trong quá trình chuyển hướng sang hiệp đồng tác chiến của quân đội Trung Quốc. Thay vì việc các quân binh chủng hoạt động độc lập như trước đây, quân đội Trung Quốc yêu cầu các đơn vị phối hợp và kết nối với nhau qua Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược.
“Lục quân Trung Quốc hoạt động theo cơ chế pha trộn giữa kiểu Mỹ và Liên Xô, trong khi đơn vị không gian mạng của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược đã học được phần lớn những điều cần thiết từ quân đội Mỹ”, chuyên gia Wong cho biết.
Một trong các hoạt động nổi bật của Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Trung Quốc là việc tích hợp hệ thống chỉ huy của 10 đơn vị lục quân vào hệ thống cảnh báo sớm của không quân thuộc Bộ Chỉ huy chiến khu phía Tây, PLA Daily đưa tin hôm 27/4.
Chu Thần Minh, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết lục quân Trung Quốc đang đối mặt với áp lực biến các đơn vị cồng kềnh thành các đội tác chiến nhỏ và linh hoạt, sử dụng vũ khí mới, nhẹ và chính xác hơn.
“Những tổ hợp vũ khí mới nhẹ nhưng mạnh hơn nhiều so với các hệ thống cũ của thế kỷ trước, vốn phụ thuộc nhiều vào sức người để vận hành. Ví dụ pháo phản lực và lựu pháo ngày này có thể bắn với tỷ lệ trúng cao hơn, song cần ít người vận hành hơn. Trước đây, cần ít nhất 10 binh sĩ để vận hành một tổ hợp pháo phản lực, nay chỉ cần 4-5 người là đủ”, chuyên gia Chu cho biết.
Phần lớn các cuộc diễn tập trên khí tài của quân đội Trung Quốc trước đây là hoạt động trên thực địa, sử dụng đạn thật, song chuyên gia Chu Thần Minh nói điều này không phải là cách tiếp cận hiệu quả. “Điều đó tốn kém và lãng phí, không phù hợp với lý thuyết chiến tranh hiện đại và vi phạm mục tiêu cơ giới hóa”, chuyên gia Chu nói.
Một cách cắt giảm chi phí là thực hành trên thiết bị mô phỏng, chiến thuật được quân đội Mỹ sử dụng và đang được Trung Quốc nghiên cứu.
“Hoạt động này có kết quả khả quan”, chuyên gia Chu nói. “Giống lính Mỹ, các binh sĩ trẻ Trung Quốc đang thể hiện độ chính xác trong diễn tập trên máy tính lẫn thực địa, dù chỉ bắn đạn thật một đến hai lần trong năm. Các chỉ huy sẽ phải thay đổi tư duy để theo kịp, nếu không họ sẽ không thể dẫn dắt lớp trẻ”.
Toan tính táo bạo của Đài Loan khi mua hàng loạt vũ khí tối tân Mỹ?
Loạt vũ khí Mỹ sắp bán cho Đài Loan có thể khiến mục tiêu tấn công, thu hồi hòn đảo của Trung Quốc trở nên phức tạp và khó khăn hơn nhiều, theo các chuyên gia quân sự.
Xe bọc thép đổ bộ Trung Quốc tập trung gần bờ biển hướng ra eo biển Đài Loan.
Trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy kế hoạch bán loạt vũ khí mới cho Đài Loan.
Đơn hàng đã được chính phủ Mỹ chuyển cho Quốc hội chờ xét duyệt và có thể sớm được thông qua trong thời gian tới, theo nguồn tin của Reuters và Defense News.
Vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan lần này bao gồm tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (HIMARS), tên lửa không đối đất tầm xa (SLAM-ER), cảm biến gắn ngoài cho chiến đấu cơ F-16 và có thể cả máy bay không người lái MQ-9B (phiên bản không mang vũ khí) và tên lửa chống hạm Harpoon phóng từ mặt đất.
HIMARS là tổ hợp rocket đa nòng gắn trên khung thân xe tải, trang bị 6 ống phóng rocket 227mm, dẫn đường bằng GPS. Nếu được trang bị cùng đạn tên lửa MGM-140, HIMARS có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách xa 300km.
SLAM-ER là mẫu tên lửa không đối đất tầm xa do Boeing chế tạo, trang bị cho các chiến đấu cơ, phục vụ sứ mệnh tấn công mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền, ở ngoài tầm quan sát bằng mắt thường. SLAM-ER sử đụng đầu đạn nặng 274kg, dẫn đường bằng GPS và có tầm bắn 280km.
Pháo phản lực phóng loạt HIMARS có tầm bắn bao phủ vùng ven biển của Trung Quốc nếu đặt ở Đài Loan.
Cảm biến gắn ngoài trang bị cho chiến đấu cơ F-16 giúp nâng cao đáng kể năng lực phát hiện và tấn công mục tiêu.
"Đây là các vũ khí tấn công, có thể dùng để đánh phủ đầu nơi Trung Quốc tập trung lực lượng ở ven biển trước khi xuất kích, hoặc tàu chiến đang chuẩn bị vượt eo biển, trong trường hợp chiến tranh nổ ra", nhà phân tích quân sự Hong Kong, Song Zhongping nói.
Nếu đòn phủ đầu thành công, Đài Loan không chỉ làm giảm ý chí chiến đấu của binh sĩ Trung Quốc mà còn khiến Bắc Kinh phải mất nhiều thời gian hơn để huy động lực lượng bổ sung.
Ông Song cho rằng, các vũ khí này về cơ bản sẽ khiến quân đội Trung Quốc gặp rắc rối, làm chiến dịch tấn công đổ bộ gặp trở ngại. Nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ lên kế hoạch đối phó, như phá hủy các loại vũ khí trên trước khi phát động chiến dịch đổ bộ.
Ngoài ra, số lượng vũ khí hiện đại Mỹ bán cho Đài Loan là có hạn, nếu xung đột diễn ra lâu dài sẽ không thể làm thay đổi cán cân quân sự hai bờ eo biển, ông Song nói thêm.
Trung Quốc đã bày tỏ sự giận dữ khi Mỹ duyệt bán loạt vũ khí mới cho Đài Loan, coi đây là hành động "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh Trung Quốc". Bắc Kinh cũng đe dọa sẽ đáp trả.
Trung Quốc coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, nếu cần sẽ phải thu hồi bằng vũ lực.
Trung Quốc điều pháo phản lực tầm xa tới gần Ấn Độ Trung Quốc triển khai tổ hợp pháo phản lực tầm xa tới dãy Himalaya, khi đàm phán rút quân tại biên giới với Ấn Độ rơi vào bế tắc. Một lữ đoàn pháo binh thuộc quân khu Tân Cương đóng quân ở độ cao 5.200 m so với mực nước biển tổ chức diễn tập sẵn sàng chiến đấu với tổ hợp pháo...