“Quân đội TQ khó giành chiến thắng trên chiến trường”
Một loạt các điểm yếu trong quá trình huấn luyện khiến quân đội Trung Quốc không thể chiến thắng nếu chiến sự nổ ra.
Chính phủ Trung Quốc lại vừa gia tăng sức ép lên lực lượng quân đội hùng hậu của nước này bằng cách công khai chỉ trích hoạt động huấn luyện của quân đội. Hôm 12/10, tờ Nhật báo Quân Giải phóng đã đăng bài viết tuyên bố rằng quá trình huấn luyện hiện nay sẽ không thể giúp quân đội Trung Quốc giành thắng lợi trên chiến trường.
Học viên quân sự Trung Quốc nghe giảng
Trong thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc thông qua tờ thường xuyên Nhật báo Quân Giải phóng gây sức ép lên quân đội, và gần đây nhất là một loạt thông tin về các biện pháp kỷ luật chống tham nhũng nhắm vào giới tướng lĩnh cấp cao của quân đội.
Ngay sau khi trở về từ chuyến công du Ấn Độ, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã triệu tập các tướng lĩnh cấp cao của quân đội để “chỉnh huấn”, đồng thời yêu cầu các sĩ quan chỉ huy nâng cao khả năng liên lạc trong hệ thống chỉ huy, và tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhật báo Quân Giải phóng đã chỉ ra 40 điểm yếu hiện nay trong phương pháp huấn luyện của quân đội Trung Quốc. Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc tuyên bố: “Nếu những vấn đề này không được giải quyết, quân đội chắc chắn sẽ bị trì trệ trong chiến đấu và chiến thắng”.
Nhật báo Quân Giải phóng cho rằng “căn bệnh hòa bình” là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của quân đội, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình lại luôn muốn lực lượng quân sự Trung Quốc phải luôn sẵn sàng để có thể giành chiến thắng trong chiến tranh.
Mặc dù có lực lượng quân sự lớn nhất thế giới với 2,3 triệu quân, song trong gần 40 năm qua, quân đội Trung Quốc chưa được thử thách qua bất cứ một cuộc chiến tranh thực sự nào.
Tờ Quân Giải phóng cho rằng Trung Quốc cần phải tìm ra biện pháp chữa trị “căn bệnh hòa bình” đang làm ảnh hưởng đến quá trình huấn luyện của quân đội, khiến quân đội nước này không thể nào giành được thắng lợi nếu xung đột nổ ra.
Video đang HOT
“Căn bệnh hòa bình” là một trong những điểm yếu lớn nhất của quân đội Trung Quốc
Bài báo viết: “Những vấn đề này phản ánh những điểm yếu kém và thiển cận trong quá trình xây dựng lực lượng chiến đấu của quân đội”.
Những điểm yếu mà tờ báo chỉ ra là các vấn đề cá nhân của binh lính, các phương pháp và tiêu chuẩn huấn luyện cả lục quân, không quân và hải quân cũng như các vấn đề về tác phong, điều lệ quân đội.
Quân Giải phóng tuyên bố những vấn đề trên được chỉ ra dựa trên những đánh giá về hoạt động của quân đội trong các cuộc diễn tập thường xuyên, trong đó có các cuộc diễn tập với các lực lượng quân đội nước ngoài.
Trong thời gian gần đây, quân đội Trung Quốc đã tổ chức một loạt các cuộc diễn tập quân sự trong bối cảnh tình hình căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia láng giềng.
Trên biển, Trung Quốc “hục hặc” với một loạt các nước trong khu vực như Nhật Bản trên biển Hoa Đông, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei trên Biển Đông. Còn trên đất liền, căng thẳng biên giới với Ấn Độ cũng leo thang đến mức nguy hiểm trong thời gian vừa qua.
Theo Vietbao
Vì sao Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc chiến chống IS?
Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu về dầu mỏ ở Iraq và thủ lĩnh nhóm "Nhà nước Hồi giáo", gọi tắt là IS, đã khẳng định chúng đã tuyển được các tay súng tới từ Trung Quốc. Nhưng vì sao Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu?
Gần đây liên tục xảy ra các cuộc tấn công do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện ở Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định có rất nhiều lý do đáng để Trung Quốc phải vào cuộc, thay vì vẫn thờ ơ với các cuộc thảo luận chống IS như hiện nay. Nền kinh tế của "người khổng lồ" châu Á phụ thuộc một nửa vào lượng dầu xuất khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư nhiều vào dầu mỏ ở khu vực, thậm chí hơn cả Mỹ và là nhà đầu tư lớn nhất trong ngành dầu lửa ở Iraq.
Hơn nữa, giới chức Trung Quốc đã tăng cường cuộc chiến chống những phần tử ly khai Hồi giáo ngày một lớn mạnh ở tỉnh Tân Cương, miền tây nước này. Ngoài ra, các thủ lĩnh IS còn khoe khoang đã tuyển được các tay súng tới từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho tới nay đóng góp của Trung Quốc trong cuộc chiến quốc tế chống IS chỉ là lời đề nghị mơ hồ về "chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện nhân sự" do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra.
Giới phân tích cho rằng sở dĩ các nhà chức trách Trung Quốc vẫn lường lự, không tham gia tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS, là bởi có rất nhiều lý do, từ không tin tưởng ý định thực sự của Mỹ, tới việc lo sợ sa lầy quá sâu vào mớ hỗn độn ở Trung Đông.
Họ cũng bực dọc khi chính phủ phương Tây nghi ngờ về phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh đối với xung đột sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Tân Cương. Bắc Kinh cũng quả quyết rằng chỉ có Liên hợp quốc mới có quyền cho phép tiến hành hành động quân sự ở trong một lãnh thổ nhà nước có chủ quyền.
Cũng lần đầu tiên trong tuần này, báo chí nhà nước Trung Quốc liên hệ phiến quân ở Tân Cương với IS. Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn một nhân viên chống khủng bố không được nêu tên cho rằng, phiến quân Duy Ngô Nhĩ "muốn mở rộng liên hệ với các nhóm khủng bố quốc tế thông qua chiến trường thực sự, nhằm giành sự ủng hộ cho các hoạt động khủng bố ở Trung Quốc".
Hồi tháng 7, một kẻ tự xưng là Vua "Nhà nước Hồi giáo", Abu Bakr al-Baghdadi, khoe khoang rằng công dân Trung Quốc đã đầu quân cho nhóm này và cáo buộc chính phủ Trung Quốc "tra tấn dã man và loại bỏ người Hồi giáo", ở "Đông Turkestan" - tên gọi mà các nhóm đòi ly khai đặt cho Tân Cương.
Bất đồng về quy kết nhóm khủng bố
Hơn 300 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công ở Tân Cương trong vòng 18 tháng qua và những kẻ khủng bố Duy Ngô Nhĩ đã sát hại 31 người trong vụ tấn công bằng dao hồi tháng 3 năm ngoái ở nhà ga Côn Minh, đông nam Trung Quốc.
Bắc Kinh đã chỉ đích danh thủ phạm là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Giới chức Trung Quốc đã bày tỏ giận dữ khi các chính phủ phương Tây lại không chia sẻ phân tích của họ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ETIM ra khỏi danh sách các nhóm khủng bố quốc tế do còn nghi ngờ về bản chất và vai trò thực sự của nhóm này. Bên ngoài Trung Quốc, Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới cũng được xem là nhóm nhân quyền thiểu số hòa bình, thúc đẩy cho độc lập của người Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh không đồng tình với điều này. "Cuộc chiến chống khủng bố không được có tiêu chuẩn kép", Li Shaoxian, phó giám đốc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, cơ quan phân tích của lực lượng an ninh cho hay. "Nó phải tôn trọng quyền và mong ước của tất cả các nước liên quan".
Theo nhà bình luận chính trị độc lập Zhao Chu, cùng lúc chính phủ Trung Quốc cũng không khỏi nghi ngờ ý định của Mỹ và nghi ngờ Washington và đồng minh vẫn đang tìm cách kiềm tỏa Trung Quốc.
Việc Trung Quốc vẫn còn cự nự gia nhập liên minh do Mỹ đứng đầu là "biểu tượng rất rõ ràng cho thấy nghi ngờ của Trung Quốc về mục đích của Mỹ", ông Zhao nói.
Trong chia sẻ trên blog gần đây, ông Zhao cho rằng Bắc Kinh nên đóng vai trò tích cực hơn để cho thấy "quan tâm của mình đối với trật tự và công bằng thế giới và trao cho lực lượng vũ trang của Trung Quốc cơ hội chiến đấu cùng quân Mỹ và học hỏi từ họ.
Khả năng giới hạn
Giới chức Trung Quốc cũng luôn nói rằng nước này khó có thể giúp được nhiều trong cuộc chiến chống IS bởi "khả năng quốc tế của chúng tôi có giới hạn" - theo như lời ông đại sứ Trung Quốc tại Iran Hua Liming.
Hôm thứ tư vừa qua, Trung Quốc đã bỏ phiếu cùng với các thành viên khác của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, về một nghị quyết, yêu cầu chính phủ các nước "ngăn chặn việc tuyển quân, thành lập, vận chuyển, hỗ trợ trang thiết bị" và hỗ trợ tài chính cho "các tay súng khủng bố nước ngoài".
Nhưng chiến đấu cơ Trung Quốc không thể xuất kích do nước này không có căn cứ không quân nào gần khu vực và cũng không có tàu sân bay nào đang thực sự hoạt động. Ý tưởng đưa quân tới hỗ trợ quân đội Iraq cũng là điều không thể nghĩ tới.
Viễn cảnh đó "ở xa tưởng tượng", ông Hua cho biết, bởi Trung Quốc chưa bao giờ đưa quân tới khu vực và bởi ngay cả chính phủ Mỹ cũng loại trừ khả năng đưa bộ binh vào Iraq hay Syria.
Không giống như Nga, chỉ trích các cuộc không kích vào Syria, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tuần này chỉ nhấn mạnh hi vọng hoạt động quân sự không gây thương vong cho thường dân và cho rằng chúng "phải tuân thủ theo mục đích và quy định của Hiến chương Liên hợp quốc".
"Trung Quốc luôn ủng hộ các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế", người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho hay. "Trung Quốc trước sau như một phản đối tất cả các loại hình khủng bố".
Song cho tới thời điểm này, tất cả những gì thế giới có thể trông chờ từ Bắc Kinh là những lời nói hoa mỹ.
Vũ Quý
Theo dantri/ CSM
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Ngày 15/9 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, nhân chuyến công du Quảng Tây từ ngày 15 - 16/9/2014. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh Nhận lời mời của Chính phủ...