Quân đội Myanmar cử đại diện đến Thái Lan bàn khủng hoảng
Ngoại trưởng do quân đội Myanmar bổ nhiệm tới Thái Lan hôm nay, trong bối cảnh các nước láng giềng tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng nước này.
Nguồn tin chính phủ Thái Lan cho biết “ngoại trưởng” Wunna Maung Lwin đến đàm phán về các nỗ lực ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi những người phản đối đảo chính tiếp tục biểu tình ở Myanmar. Ông Wunna Maung Lwin, một đại tá về hưu, từng là ngoại trưởng Myanmar từ năm 2011 đến 2016.
Indonesia đi đầu trong nỗ lực định hướng con đường giải quyết khủng hoảng Myanmar với sự giúp đỡ của các thành viên ASEAN, nhưng kế hoạch của họ dường như đã bị chững với việc Ngoại trưởng Retno Marsudi, người đang ở Thái Lan, hủy chuyến đi Myanmar.
Ông Wunna Maung Lwin chuẩn bị phát biểu tại Liên Hợp Quốc năm 2015, trong vai trò ngoại trưởng Myanmar. Ảnh: Reuters .
Indonesia trước đó đề xuất kế hoạch các thành viên ASEAN gửi giám sát viên tới Myanmar để đảm bảo quân đội tuân thủ lời hứa tổ chức bầu cử công bằng, các nguồn tin cho biết.
Video đang HOT
“Sau khi tính đến các diễn biến hiện tại và tín hiệu từ các nước ASEAN khác, đây không phải thời điểm lý tưởng để tiến hành chuyến thăm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia nói trong cuộc họp báo tại Jakarta.
Hôm qua, hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài đại sứ quán Indonesia ở Yangon để phản đối cuộc bầu cử mới, yêu cầu các lá phiếu họ bỏ tháng 11 phải được công nhận. Liên minh Quốc gia Tương lai, nhóm hoạt động có trụ sở tại Myanmar, cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Retno sẽ đồng nghĩa Indonesia “công nhận chính quyền quân sự”.
Nhóm yêu cầu quan chức nước ngoài chỉ gặp Htin Lin Aung, thành viên ủy ban đại diện cho các thành viên bị lật đổ của quốc hội, được biết đến với tên viết tắt là CRPH, bởi đây là “quan chức chịu trách nhiệm duy nhất về quan hệ đối ngoại”.
Myanmar tuần này tiếp tục chứng kiến các cuộc biểu tình lớn và một cuộc tổng đình công phản đối đảo chính, yêu cầu trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, bất chấp cảnh báo từ chính quyền rằng cuộc đối đầu có thể khiến người dân thiệt mạng.
“Nền kinh tế không ổn, đang trong tình trạng suy thoái. Mọi chuyện sẽ chỉ trở lại bình thường khi quân đội trao lại quyền lực cho bên chiến thắng mà chúng tôi đã bỏ phiếu chân thành”, Win Thein, 56 tuổi, chủ cửa hàng điện tử ở Yangon, cho biết.
Quân đội chưa đưa ra khung thời gian cho cuộc bầu cử mới, nhưng họ đã áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, vì vậy rất có thể bầu cử diễn ra sau đó. Tuy nhiên, đảng của bà Suu Kyi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái và bị quân đội cáo buộc gian lận, và những người ủng hộ đảng này muốn chiến thắng được công nhận.
Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, người hiện đứng đầu chính quyền quân sự, đã kêu gọi cắt giảm chi tiêu nhà nước và nhập khẩu, đồng thời gia tăng xuất khẩu để vực dậy nền kinh tế ốm yếu. Ông không liên kết biểu tình với các vấn đề kinh tế, nhưng nói rằng chính quyền đang đi theo con đường dân chủ và cảnh sát đã sử dụng vũ lực tối thiểu.
G7 lên án quân đội Myanmar tấn công người biểu tình
Ngoại trưởng các nước G7 "lên án mạnh mẽ" hành vi bạo lực, trong đó có việc bắn đạn thật, của lực lượng an ninh Myanmar với người biểu tình.
"Sử dụng đạn thật chống lại người không vũ khí là điều không thể chấp nhận được. Bất kỳ ai phản ứng với biểu tình ôn hòa bằng bạo lực đều phải chịu trách nhiệm", ngoại trưởng các nước G7 hôm nay ra tuyên bố chung.
Khối G7 gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Pháp, Mỹ và Nhật Bản cũng như đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu, nhắc lại lập trường phản đối với cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội Myanmar và hành vi đàn áp các cuộc biểu tình.
Cảnh sát chống bạo động được triển khai ở Yangon để đối phó người biểu tình hôm 22/2. Ảnh: AFP
"Chúng tôi lên án việc đe dọa và đàn áp những người phản đối đảo chính. Chúng tôi bày tỏ quan ngại về đàn áp tự do ngôn luận, bao gồm cắt Internet và những sửa đổi hà khắc với luật tự do ngôn luận. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Myanmar trong hành trình đòi dân chủ và tự do", tuyên bố của ngoại trưởng các nước G7 có đoạn.
G7 kêu gọi chấm dứt việc "nhắm mục tiêu có hệ thống" vào những người biểu tình là y bác sĩ, nhà báo, yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar hủy bỏ tình trạng khẩn cấp đã tuyên bố. G7 cũng kêu gọi quân đội Myanmar cho phép các nhân viên cứu trợ nhân đạo được tiếp cận đầy đủ để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương.
"Chúng tôi đồng lòng lên án đảo chính ở Myanmar. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều cho những người bị bắt giam tùy tiện, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint".
Từ khi quân đội lên nắm quyền, 640 người Myanmar đã bị bắt giam trong các cuộc biểu tình chống đảo chính, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Phần lớn đất nước Myanmar trở nên hỗn loạn sau vụ đảo chính hôm 1/2. Hàng chục nghìn người Myanmar đã xuống đường suốt nhiều ngày qua để biểu tình phản đối đảo chính, bất chấp lệnh giới nghiêm và các hạn chế của quân đội.
Ít nhất ba người đã thiệt mạng do trúng đạn từ lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình, trong khi quân đội Myanmar thông báo một sĩ quan cảnh sát cũng tử vong vì vết thương quá nặng khi đụng độ người biểu tình ở Mandalay.
Chính quyền quân sự của Myanmar đến nay vẫn tỏ ra không quan tâm tới những động thái lên án từ quốc tế. Anh, Mỹ và Canada đều đã tung ra các lệnh trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh quân đội hàng đầu nước này. Liên minh châu Âu tuyên bố sẵn sàng áp lệnh trừng phạt lên quân đội Myanmar.
1.000 người Myanmar tuần hành phản đối đảo chính Nhiều người xuống đường tại thành phố Yangon nhằm thể hiện ủng hộ Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và phản đối hành động của quân đội. Khoảng 1.000 người tham gia tuần hành trên đường phố Yangon hôm 6/2, đánh dấu sự kiện phản đối quân đội có nhiều người tham gia nhất kể từ khi Cố vấn Nhà nước Aung San...