Quân đội Mỹ cố bắt nhịp “vũ điệu Syria” của Trump
Vài ngày sau khi Trump đột ngột quyết định rút hết binh sĩ khỏi Syria, tướng Mark A. Milley mới tìm ra cách xoay chuyển tình thế.
Quyết định rút quân được Tổng thống Donald Trump đưa ra bất ngờ đến mức toàn bộ các tướng ở Lầu Năm Góc gần như không kịp trở tay. Nhiều ý kiến can ngăn được đưa ra, từ bảo vệ đồng minh người Kurd cho tới diệt trừ tận gốc phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đều không lay chuyển được Trump.
Nhưng tướng Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hiểu rằng Trump xuất thân là một doanh nhân và luôn quan tâm đến các mỏ dầu ở Syria. Vì thế, ông đề xuất với Trump rằng lực lượng đặc nhiệm Mỹ, cùng với các chiến binh người Kurd, sẽ bảo vệ những mỏ dầu này khỏi nguy cơ rơi vào tay IS hoặc Nga và Iran.
Cách làm này đã phát huy hiệu quả, giúp Lầu Năm Góc bắt kịp với “vũ điệu” xoay như chong chóng của Trump ở Syria. Sau lệnh rút 1.000 quân khỏi biên giới phía bắc Syria, quyết định duy trì 800 binh sĩ Mỹ tại các mỏ dầu ở miền đông nước này được đưa ra.
“Chúng tôi đang bảo vệ dầu”, Trump nói với báo giới hôm 13/11 trước cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Nhà Trắng. “Chúng tôi để quân đội lại chỉ vì các mỏ dầu”.
Tổng thống Trump trong một cuộc họp với các lãnh đạo quân sự ở Nhà Trắng hồi tháng trước. Ảnh: NYTimes.
“Tôi tin Milley là người có công thuyết phục Tổng thống thay đổi quyết định liên quan tới Syria”, Jack Keane, cựu phó tư lệnh lục quân Mỹ, cho hay. Ông từng vài lần nói chuyện với Trump và Milley hồi tháng trước trong quãng thời gian Washington quay cuồng vì chính sách Syria của ông chủ Nhà Trắng.
Gần ba năm trong nhiệm kỳ của Trump, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục học cách bắt nhịp với một Tổng thống mà quyết định có thể được thay đổi chỉ sau vài giờ. Các quan chức Bộ Quốc phòng phải “dung nạp thông tin” theo phương thức đầy khó khăn: Thông qua những dòng tweet của Trump.
Nhưng họ vẫn yêu quý ông. Họ hài lòng với khoản tăng ngân sách hàng năm mà Trump dành cho họ, từ mức 585 tỷ USD năm 2016 lên 716 tỷ USD trong năm nay.
Họ vui vì ông đã chấm dứt cái mà họ gọi là cách quản lý vi mô từ thời tổng thống Barack Obama. Trump cũng trao cho những chỉ huy quân sự trên chiến trường quyền tự quyết nhiều hơn mỗi khi muốn tiến hành các cuộc tấn công. Trong hàng ngũ quân đội, ông vẫn rất được mến mộ, giới quan sát đánh giá.
Khi Trump lên nắm quyền, ông đã trao nhiều quyền hành hơn cho Lầu Năm Góc và các chỉ huy quân sự. Ông cho phép Bộ Quốc phòng tăng tốc quá trình ra quyết định để quân đội có thể hành động nhanh hơn trong những cuộc đột kích, không kích, oanh tạc hay hỗ trợ đồng minh ở Iraq, Syria hoặc bất kỳ nơi đâu.
Video đang HOT
Nhưng sự tự do cũng đi kèm với trách nhiệm lớn hơn. Nếu vấn đề trở nên tồi tệ, Lầu Năm Góc là bên đầu tiên bị Trump đổ lỗi. Sau một cuộc đột kích bất ngờ ở Yemen hồi tháng 1/2017 khiến William “Ryan” Owens, thành viên đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ thiệt mạng, Trump liền quy kết trách nhiệm cho quân đội. Hành động này trái ngược với các đời tổng thống Mỹ trước đây, khi họ luôn nhận trách nhiệm cho những chiến dịch quân sự mà mình ra lệnh.
“Các tướng quân đội, những người rất được kính trọng, họ giải thích việc họ muốn làm. Và rồi họ để mất Ryan”, Trump nói với Fox News sau cuộc đột kích.
Trong cuộc chiến ở Syria, Lầu Năm Góc đã tặng Trump một món quà bất ngờ khiến ông vô cùng phấn khích: Chiến dịch đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đêm 26/10. Ngày hôm sau, Trump nhắc tới tướng Milley 4 lần trong buổi họp báo công bố thông tin về cuộc đột kích kéo dài 48 phút, cảm ơn ông vì thành công “không thể tin nổi” trên chiến trường Syria.
Dù vậy, các chỉ huy quân đội cũng học được cách cân nhắc kỹ lưỡng những bình luận của mình, cảnh giác trước các phát ngôn có thể bị suy diễn thành lời chỉ trích ngấm ngầm nhằm vào Tổng thống.
Tại một cuộc họp báo, tướng Kenneth F. McKenzie Jr., chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, từ chối nhắc lại lời của Trump rằng thủ lĩnh IS đã “khóc thút thít” trước khi kích hoạt đai bom tự sát tại nơi trú ẩn vì bị đặc nhiệm truy đuổi tới đường cùng. Tuy nhiên, McKenzie ủng hộ Tổng thống Trump khi ông mô tả Baghdadi là một kẻ hèn nhát.
“Hắn ta chui xuống hố với hai đứa trẻ, tự thổi tung chính mình”, McKenzie nói. “Các bạn có thể tự rút ra y là người như thế nào dựa trên hành động đó”.
Những quan chức Bộ Quốc phòng cũng đảm bảo rằng họ thường xuyên nói về tầm quan trọng của việc phải yêu cầu các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu “trả phần tương xứng”, như ý tứ mà Tổng thống Trump lâu nay vẫn nêu ra.
Theo giới chuyên gia, nút thắt lớn nhất trong mối quan hệ giữa Trump và quân đội nằm ở chính sách Syria.
Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ tháng 12 năm ngoái, khi Trump lần đầu tiên tìm cách đưa 2.000 binh sĩ Mỹ ở Syria về nước, quyết định khiến bộ trưởng quốc phòng James Mattis từ chức để phản đối.
Trong cơn bão xảy ra sau đó, các nghị sĩ Cộng hòa, Dân chủ và cả cố vấn của Trump cho biết ông sẽ rút khỏi cuộc chiến trước khi IS bị đánh bại hoàn toàn. Tuy nhiên, Trump đã suy nghĩ lại và đồng ý giữ 1.000 binh sĩ ở Syria.
Thời gian qua, Lầu Năm Góc chủ yếu yêu cầu họ hoạt động gần như bí mật nhằm tránh gây chú ý trước thực tế rằng Bộ Quốc phòng đã thuyết phục Tổng thống Trump rút lại mệnh lệnh ban đầu.
Hồi đầu tháng 10, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Trump phát đi tín hiệu ông sẽ rút hết số binh sĩ còn lại về nước, hành động bị chỉ trích là nhằm mở đường cho chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào người Kurd ở Syria, đồng minh thân cận nhất với Mỹ trên chiến trường chống IS. Nhưng quân đội Mỹ không muốn bỏ rời người Kurd.
“Ý tưởng về việc bỏ rơi những người đã hy sinh nhiều như vậy thực sự gây khó chịu”, Mac Thornberry, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho hay. “Quân đội muốn tuân thủ mệnh lệnh từ các lãnh đạo chính trị, nhưng cũng không muốn phản bội sự hy sinh của đồng đội. Điều này đặt quân đội vào tình thế khó khăn, ít nhất là trong trái tim họ”.
Xe thiết giáp Mỹ tuần tra tại một mỏ dầu ở đông bắc Syria. Ảnh: AFP.
Tướng Milley, cùng với Bộ trưởng Esper, nhanh chóng tìm cách thuyết phục Tổng thống Trump tin rằng quân đội Mỹ vẫn còn việc phải làm ở Syria. Bộ tư lệnh Trung tâm, đơn vị phụ trách tác chiến ở Trung Đông, đã thảo ra hai bản kế hoạch.
Một bản đề xuất Mỹ duy trì lực lượng khiêm tốn nhằm giúp kiểm soát khoảng 10% khu vực biên giới Iraq và Syria. Lựa chọn còn lại là quân đội sẽ cố gắng kiểm soát hơn 50% khu vực mà Mỹ và dân quân người Kurd đang nắm giữ.
Nhưng sau khi Trump nói với tướng Milley rằng ông muốn giữ mỏ dầu, Lầu Năm Góc lập tức soạn thảo một kế hoạch mới xoay quanh việc sử dụng các lực lượng Mỹ và đồng minh người Kurd để bảo vệ dầu khỏi rơi vào tay IS. Từ Brussels, Bỉ, nơi ông đang dự họp với NATO, Bộ trưởng Esper trao đổi qua điện thoại với tướng Milley nhằm hoàn thiện những chi tiết của kế hoạch mới.
Về phần mình, tướng Milley được bạn bè khuyên rằng ông không nên công khai thể hiện thái độ phản đối các quyết định cũng như chiến lược của Tổng thống Trump. Qua vô số lần trao đổi, Milley học được cách đưa ra ý kiến rõ ràng nhưng vẫn khiến Tổng thống có cảm giác ông làm chủ cuộc đối thoại.
Tới cuối tháng 10, Trump đồng ý với kế hoạch Lầu Năm Góc đưa ra. Trong lúc đang xem trận đấu giữa hai đội bóng bầu dục Washington Nationals và Houston Astros ngày 28/10 bên cạnh các nghị sĩ Cộng hòa cùng cố vấn, Tổng thống Mỹ đột nhiên nói về Syria.
Trump đề cập đến việc ông đang sửa đổi các kế hoạch liên quan tới Syria, liên tục nói với các nhà lập pháp rằng quân đội Mỹ vẫn sẽ lưu lại. Vì sao? Bởi Mỹ “phải giữ dầu”.
Theo một số quan chức quân sự và Bộ Quốc phòng cấp cao, trong nhiều trường hợp, vấn đề đơn giản nằm ở việc làm thế nào để Tổng thống Trump cảm thấy hấp dẫn trước các đề xuất.
“Lầu Năm Góc đã tìm ra cách khai thác những định kiến của Trump”, Derek Chollet, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới chính quyền Obama, nhận định. “Đừng nói về chuyện cứu người Kurd, hãy nói về chuyện cứu mỏ dầu”.
Tướng Miller tại Nhà Trắng hồi tháng 10. Ảnh: NYTimes.
Theo VNE
Nóng: Khủng bố IS "đội mồ sống dậy", đánh chiếm các thị trấn Syria
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tiến hành các đột kích táo tợn chứng tỏ chúng đang hồi sinh bằng việc bao vây các lực lượng Syria và Nga, tấn công dân quân người Kurd và đánh chiếm một thị trấn ở Đông Syria.
Theo đó, IS đã tấn công lực lượng dân quân ủng hộ chính quyền Assad và một nhóm đặc nhiệm Nga ở thành phố cổ Palmyra bằng cách sử dụng một chiếc xe chứa đầy bom. Ngoài ra, chúng còn bao vây một đoàn xe quân sự của Nga.
Cơ quan truyền thông ủng hộ IS là Amaq News Agency đưa tin, sau đó các máy bay của chính quyền Syria và Nga phải oanh tạc các vị trí của nhóm khủng bố để phá vòng vây.
Ở vùng nông thôn Raqqa - thủ phủ cũ của IS, nhóm này đã nhận trách nhiệm giết chết và làm bị thương 5 thành viên của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hậu thuẫn trong một cuộc tấn công vào các vị trí của lực lượng dân quân. Một số phương tiện quân sự của SDF cũng bị phá hủy bởi thiết bị nổ của IS gần thị trấn Haws.
Tuy nhiên, cuộc tấn công nguy hiểm nhất của IS là nhóm này đã đánh chiếm và giành được quyền kiềm soát hoàn toàn thị trấn Al-Sukhna ở vùng nông thôn phía đông của Homs. Thị trấn Al-Sukhna rơi vào tay IS sau một loạt cuộc giao tranh ác liệt giữa các chiến binh khủng bố với dân quân ủng hộ chính quyền Assad trong khu vực. 20 dân quân ủng hộ Damascus được cho là đã thiệt mạng vì giao tranh với IS.
Theo Amaq News Agency, IS giành được quyền kiểm soát thị trấn Al-Sukhna hôm 30/9 nhưng sau đó rút lui vì bị Nga oanh tạc ác liệt sau đó lại giành được quyền kiểm soát 1 ngày sau đó. Hiện quân đội Syria đang bao vây khu vực trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát thị trấn trọng điểm này.
Sự hồi sinh của IS diễn ra trong bối cảnh những cảnh báo gần đây rằng, nhóm này sẽ sớm ngóc đầu dậy và chúng đã có những kế hoạch tấn công trở lại.
Theo danviet
Hạn chót cho Mỹ đã qua: Thổ Nhĩ Kỳ hết kiên nhẫn, chuẩn bị tấn công ở Syria? Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng chỉ trích Mỹ kéo dài thời gian và cảnh báo rằng họ sẽ tự giải quyết vấn đề người Kurd một mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng tấn công người Kurd. Hạn chót Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra cho Mỹ trong việc thiết lập một khu vực an toàn ở miền Bắc Syria đã trôi qua, để...