Quân đội Ghana nổ súng giải tán biểu tình tại mỏ vàng
Biểu tình xảy ra tại Ghana sau đợt truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép, trong khi nhiều người dân nói rằng họ chỉ muốn kiếm sống.
Thị trấn Obuasi ở Ghana, nơi xảy ra biểu tình liên quan sự việc tại một mỏ vàng.Ảnh REUTERS
Hãng AFP ngày 31.5 đưa tin những binh sĩ vũ trang hạng nặng đã nổ súng để giải tán người biểu tình tại một mỏ vàng ở thị trấn Obuasi thuộc vùng Ashanti ở Ghana, sau một sự việc xảy ra tại khu mỏ gần đó.
Một quan chức và các nhân chứng cho biết nhiều người dân trước đó còn tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát để hô hào, đốt vỏ xe và chặn các tuyến đường.
Tình trạng khai thác lậu tại các mỏ vàng xảy ra tràn lan tại quốc gia Tây Phi, nơi nhiều cộng đồng khó khăn xem đây là cách kiếm sống.
“Chúng tôi không phải là những người khai thác mỏ lậu. Đó là khu mỏ bỏ hoang và chúng tôi chỉ đến để kiếm bánh mì hằng ngày”, theo ông Prince Adutwum (37 tuổi) đề cập khu hầm mỏ nơi nhiều người bị bắt giữ.
“Chúng tôi muốn những người anh em của chúng tôi được thả vì họ không làm gì sai”, ông cho biết và kể rằng các binh sĩ nổ súng và cảnh tượng tại đó “như một vùng chiến tranh”.
Một nhà báo địa phương gửi cho AFP hình ảnh những binh sĩ vũ trang hạng nặng trên đường ở Obuasi và cho biết mình đã trú ẩn. Cảnh sát và quân đội Ghana chưa đưa ra bình luận.
Thị trưởng Faustina Amissah tại thị trấn Obuasi xác nhận rằng các binh sĩ đã được điều động vào ngày 30.5.
“Tình hình trở nên hỗn loạn nên các nhân viên an ninh đã làm những gì hợp pháp để duy trì hòa bình”, bà nói và cho biết thêm rằng những người biểu tình đã “phá hoại một chiếc xe buýt chở 52 nghi phạm đến đồn cảnh sát”.
Hôm 30.5, có 7 thợ mỏ bất hợp pháp đã bị bắt giữ sau khi rời khỏi hầm mỏ của một trong những công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới là AngloGold, công ty cho hay.
Một số tờ báo đưa tin rằng hàng trăm thợ mỏ bất hợp pháp khác đã bị mắc kẹt dưới lòng đất. Tuy nhiên, công ty bác bỏ thông tin trên và cho biết rằng “những người không được ủy quyền bên dưới có thể ra ngoài”.
“Không có người nào dưới lòng đất bị hạn chế dưới bất kỳ hình thức nào và lối thoát hiểm chính từ mỏ vẫn mở,” công ty khẳng định.Chưa rõ có bao nhiêu người bên trong mỏ vàng, nhưng có thể họ vẫn ở bên dưới vì sợ bị bắt.
Nga lên tiếng về tình hình ở Kosovo, NATO điều thêm quân
Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO có cuộc đụng độ với người biểu tình ở Kosovo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm nay 30.5 nói rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR) đã biến thành nguồn bạo lực và leo thang trong khu vực, theo Hãng tin TASS.
"Tình hình khủng hoảng ở các thị trấn Zvecan, Zubin Potok và Leposavic, vốn có thể được giải quyết thông qua một sự thỏa hiệp bình tĩnh, lại là một vấn đề khó giải quyết đối với "lực lượng gìn giữ hòa bình" của NATO ở Kosovo. Họ không chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mà còn trở thành một nguồn bạo lực không cần thiết và là một yếu tố leo thang", bà Zakharova nói trong một tuyên bố.
Lính NATO bị thương trong đụng độ bạo lực ở Kosovo
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ý thông báo ít nhất 30 binh sĩ của NATO bị thương do đụng độ với người Serb ở Kosovo ngày 29.5. CNN dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ý cho biết 14 binh sĩ của Ý thuộc KFOR bị thương do người biểu tình ném bom xăng chứa đinh, pháo hoa và đá về phía họ. Các binh sĩ Hungary và Moldova cũng nằm trong số những thành viên KFOR bị thương.
Các binh sĩ thuộc KFOR canh gác tại một văn phòng thị trấn ở Zvecan, Kosovo ngày 30.5. Ảnh Reuters
Sau cuộc đụng độ trên, NATO hôm nay thông báo đang gửi thêm lực lượng tới Kosovo, theo AFP. "Việc triển khai thêm lực lượng NATO tới Kosovo là một biện pháp thận trọng để đảm bảo rằng KFOR có khả năng cần thiết để duy trì an ninh theo nhiệm vụ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giao cho chúng tôi", đô đốc Stuart B. Munsch, chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng chung đồng minh ở Naples (Ý) cho hay.
"Tôi muốn khen ngợi KFOR vì đã có hành động nhanh chóng, kiềm chế và chuyên nghiệp để can thiệp nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn và cứu sống nhiều người. Bạo lực phải chấm dứt và tất cả các bên phải ngừng hành động phá hoại hòa bình ở tất cả các cộng đồng của Kosovo", ông Munsch nhấn mạnh.
Vụ đụng độ xảy ra trong lúc các binh sĩ thuộc KFOR lập hàng rào an ninh xung quanh ba tòa thị chính ở 3 thị trấn nói trên trong ngày 29.5. Động thái lập hàng rào nhằm ngăn chặn những người Serb phản đối các thị trưởng người Albania nhậm chức tại một số khu vực ở Kosovo có đa số là người Serb sau cuộc bầu cử mà họ đã tẩy chay, theo Reuters.
Khoảng 50.000 người Serb sống ở 4 đô thị phía bắc Kosovo, trong đó có Zvecan, Zubin Potok và Leposavic, đã tránh cuộc bỏ phiếu ngày 23.4 nhằm phản đối rằng yêu cầu của họ về quyền tự trị nhiều hơn đã không được đáp ứng.
Người Serb yêu cầu chính quyền Kosovo loại bỏ các thị trưởng gốc Albania khỏi các tòa thị chính và cho phép chính quyền địa phương do Serbia tài trợ trở lại nhiệm vụ của họ.
Pakistan: Cựu Thủ tướng Imran Khan được tại ngoại về tội danh kích động bạo lực Ngày 30/5, cựu Thủ tướng Pakistan, ông Imran Khan đã được bảo lãnh tại ngoại về tội danh mới là kích động bạo lực chống quân đội khi những người ủng hộ ông tiến hành biểu tình chống lại việc bắt giữ ông về tội tham nhũng. Cựu Thủ tướng Imran Khan (giữa) tới Tòa án cấp cao Islamabad, ngày 12/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN...