Quân đội dự kiến rút hết lực lượng chi viện chống dịch vào tháng 11
Sau gần ba tháng hỗ trợ TP HCM chống dịch, đa số quân nhân đã trở về đơn vị, còn 2.000 quân y tiếp tục làm nhiệm vụ.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị nhân dân Việt Nam cho biết, quân đội đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ TP HCM chống dịch. Các cán bộ, chiến sĩ đã trở về đơn vị.
Trước diễn biến mới của dịch bệnh ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, theo yêu cầu của địa phương, quân đội vẫn giữ lại một lực lượng cần thiết. Đó là tổ quân y lưu động làm việc ở nơi còn nhiều bệnh nhân điều trị tại nhà và duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hồng Pha
Theo ông, quân đội bắt đầu lên phương án rút dần lực lượng hợp lý, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh từng khu vực từ ngày 1/10, khi TP HCM quyết định nới lỏng giãn cách xã hội.
“Việc điều động lực lượng vào – ra như thế nào được tính toán với mục tiêu hoạt động phòng chống dịch được tốt nhất”, tướng Phong nhấn mạnh.
Lúc cao điểm, quân đội huy động khoảng 132.000 bộ đội và dân quân tự vệ, trong đó có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ quân y, kể cả học viên cũng tham gia chống dịch. Việc rút quân chỉ thực hiện khi dịch bệnh ở khu vực thực sự an toàn; không thực hiện ồ ạt mà làm từng bước, không tạo hụt hẫng.
Thời gian tới, khi số bệnh nhân giảm xuống, quân đội mới điều quân ra hoàn toàn. Dự kiến, việc này sẽ hoàn tất trong tháng 11.
Bộ đội dùng xe đạp thồ tiếp tế thực phẩm cho người dân phường 2, quận Bình Thạnh, ngày 2/9. Ảnh: Quỳnh Trần
Video đang HOT
Trong gần ba tháng hỗ trợ TP HCM chống dịch, quân đội có một nhiệm vụ “hết sức đặc biệt”, chưa có tiền lệ là giải quyết hậu sự cho những người qua đời vì Covid-19. “Nhiệm vụ này đến bất ngờ, khi số người không qua khỏi vì dịch bệnh tăng cao, Ban chỉ đạo quốc gia băn khoăn không biết nên giao việc này cho ai. Lúc đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương đã đề xuất để quân đội làm”, ông Phong nói. Ngay sau đó, quân khu 7, đặc biệt là Bộ Tư lệnh TP HCM được giao nhiệm vụ.
Hàng ngày, các chiến sĩ tiếp xúc hàng trăm bệnh nhân, đưa vào bảo quản, làm thủ tục tín ngưỡng, rồi đưa đi hỏa táng, mang tro cốt về bàn giao cho gia đình. “Anh em làm việc 24/24h. Tất cả bệnh nhân không may qua đời đều được quân đội thay mặt gia đình lo hậu sự chu đáo, không để xảy ra sai sót”, đại diện Bộ Quốc phòng nói.
Với tính chất công việc tiếp xúc gần với F0, một số quân nhân đã bị phơi nhiễm với Covid-19. Ở đâu số lượng lây nhiễm nhiều, đơn vị đó thành lập bệnh viện dã chiến để điều trị tại chỗ; nơi ít thì đưa đến bệnh viện dã chiến điều trị.
“Đa số chiến sĩ phơi nhiễm sau một thời gian được điều trị tích cực đã khỏi bệnh, xin tiếp tục công việc. Dù vậy, cũng có một số ít ca chuyển nặng, đã hy sinh. Quân đội sẽ thực hiện tốt chính sách hiện hành một cách trân trọng, chu đáo”, tướng Phong chia sẻ.
Quân đội tổ chức nhiều mũi hỗ trợ TP HCM chống dịch
Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ được huy động giúp TP HCM phòng chống dịch, chia thành các nhóm hỗ trợ y tế, cung ứng lương thực thực phẩm, trực chốt kiểm soát...
Sáng 24/8, trả lời VnExpress , Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nói ngay từ ngày đầu TP HCM thắt chặt giãn cách (23/8), tất cả các hoạt động tham gia phòng chống Covid-19 của quân đội đều diễn ra theo đúng kế hoạch.
"Công việc vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ không ai tỏ ra nản chí. Tất cả đều thấy đây là trách nhiệm với nhân dân và bà con cũng dành nhiều tình cảm cho bộ đội", Thiếu tướng Phong nói.
Theo ông, Quân đội đang có nhiều mũi hỗ trợ, đồng hành với TP HCM chống dịch. Trong đó, công việc rất mới là phối hợp, thành lập các tổ, nhóm cung cấp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trên phạm vi toàn thành phố, nhất là ở vùng đỏ (vùng dịch có nguy cơ cao).
Trong ngày đầu tiên, bộ đội đã chuyển gói an sinh có giá trị từ 300.000 đến 500.000 đồng (đã được chuẩn bị sẵn) đến tận nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Quá trình tiếp cận hộ các hộ gia đình, bộ đội tranh thủ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, sau đó tổng hợp để phản ánh lại với Ban chỉ đạo.
Cùng với đó, các tổ công tác cũng tổ chức thông tin, vận động về phòng, chống Covid-19 tới người dân. Việc này được thực hiện bằng cách sử dụng bộ loa tuyên truyền có công suất lớn đặt trên xe ôtô, đi dọc tuyến đường gắn với địa bàn dân cư. Các cán bộ, chiến sĩ cũng đến từng ngõ xóm, dùng loa tay để thông tin những vấn đề mới, hướng dẫn người dân tự giác thực hiện các quy định để nâng cao khả năng phòng dịch.
"Bộ đội vừa cung ứng nhu yếu phẩm, vừa thông tin, giúp dân những việc cần thiết. Đây là nhiệm vụ mang tính tổng hợp và rất hiệu quả, nhất trong quá trình thực hiện giãn cách, đảm bảo ai ở đâu thì ở đó", Phó cục trưởng Tuyên huấn, nói.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tuyengiao.vn
Mũi hỗ trợ thứ hai với TP HCM đã thực hiện từ trước và nay tăng cường là chăm sóc y tế. Lực lượng Quân y giúp tầm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh, điều trị các ca F0.
Tính đến hôm nay, gần 2.000 bác sĩ, y tá, điều dưỡng, học viên Quân y từ phía Bắc tăng cường vào TP HCM hỗ trợ đợt thắt chặt giãn cách, nâng tổng số lực lượng Quân y hỗ trợ thành phố lên hơn 4.000 người.
Do số lượng bệnh nhân F0 triệu chứng nhẹ đang điều trị tại nhà khá lớn, lực lượng quân y mới tăng cường được chia thành khoảng 400 trạm y tế lưu động. Mỗi tổ có 1-2 bác sĩ và 2-3 nhân viên quân y, cùng các tình nguyện viên đến từng khu phố, hộ gia đình để thăm khám, điều trị, chăm sóc người bệnh. Nếu bệnh nhân có chiều hướng nặng thì đưa đến bệnh viện dã chiến hoặc các bệnh viện tuyến trên của thành phố.
Trong ngày ra quân hôm qua, Bộ tư lệnh TP HCM được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiếp nhận 30 xe cấp cứu của Quân khu 7, Quân khu 9, bàn giao cho Sở Y tế thành phố để hỗ trợ cấp cứu kịp thời, đảm bảo tính mạng người dân.
Khoảng 2.300 y bác sĩ vào hỗ trợ phòng, chống dịch trước đó đang làm việc tại 7 bệnh viện dã chiến (số 4, 5A, 5B, 5C, 5D, 6, 6B). Bộ Quốc phòng cũng chuyển đổi công năng bệnh viện Quân dân y miền Đông để điều trị bệnh nhân Covid-19; thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng thuộc Bệnh viện 175. Các bệnh viện nói trên đã tiếp nhận khoảng 7.500 người nhiễm, trên 2.500 người đã được chữa khỏi.
"Trong cuộc sống đời thường, chúng ta khó có thể hình dung ra sự khốc liệt của cuộc chiến với Covid-19, nhưng cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi nhìn thấy rất rõ. Dù vậy họ vẫn xung phong vào TP HCM", ông nói.
Bộ đội giao lương thực, thực phẩm đến tận nhà người dân ở TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh
Mũi hỗ trợ thứ 3 là việc tham gia các tổ, chốt , trạm kiểm soát cố định và cơ động . Ở giai đoạn giãn cách trước, người dân vẫn đi lại rất nhiều trên đường, do đó thành phố chủ trương thắt chặt kiểm soát để hạn chế đi lại. Toàn thành phố có 12 chốt chặn liên tỉnh ở những tuyến đường chính, kiểm soát phương tiện bên ngoài vào; và hơn 250 chốt chặn cấp quận, huyện; chưa kể ở các xã phường, cụm dân cư, lối mở có nguy cơ người dân đi lại tự do.
Bộ đội tham gia trực chốt, phối hợp cùng với công an, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, các lực lượng khác theo chức năng để kiểm soát tốt nhất việc tham gia giao thông. Công việc của những người lính ở đây là vận động để người dân tự giác chấp hành quy định. Để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, đối phó với các trường hợp có biểu hiện quá khích, thành viên tổ chốt được tăng cường trang bị cần thiết và công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh trực chốt cố định, bộ đội cũng tham gia các tổ, đội cơ động để kiểm tra, kiểm soát dọc tuyến giao thông, giữ gìn trật tự an ninh và ngăn chặn việc làm sai trái trong thực hiện giãn cách xã hội.
"Lực lượng này phải làm việc với cường độ cao, trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, đối mặt nhiều nguy cơ. Vì vậy cán bộ, chiến sĩ tham gia phải có sức khỏe tốt, bản lĩnh vững vàng, chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ và các quy định để duy trì thực hiện nghiêm pháp luật ở nơi thực hiện nhiệm vụ", Thiếu tướng Phong nói.
Bộ đội bắt đầu nhiệm vụ từ 0h ngày 23/8 tại chốt kiểm soát cầu Trường Đai, quận 12, TP HCM. Ảnh: Đình Văn
Mũi thứ tư là lực lượng vận tải quân sự. Cục phó Tuyên huấn nói quân đội tăng cường cho TP HCM thời gian này rất lớn, lĩnh vực vận tải vì vậy giữ vai trò quan trọng trong việc cơ động lực lượng, trang bị phương tiện, lương thực thực phẩm... Tất cả các hình thức vận tải đều được sử dụng, kết hợp cả vận tải đường không, đường sắt, đường thủy, đường bộ, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, an toàn.
Trước giờ TP HCM thắt chặt giãn cách, nhờ vận tải quân sự, mọi lực lượng, hàng hóa, vật tư thiết yếu đã được tập kết, sẵn sàng thực hiện theo kế hoạch. Trong ngày 23/8, ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, một chuyến bay vận tải hạng nặng đã được Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không không quân, xuất phát từ Hà Nội vào TP HCM, chở theo hàng chục tấn lương thực thực phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị... đáp ứng nhu cầu cho phòng chống dịch tại thành phố.
Ngòi ra, hàng trăm chuyến xe đã vận chuyển hơn 610 tấn hàng thiết yếu, vật chất hậu cần cho phòng, chống dịch. Từ 9/7 đến 14/8, 43 chuyến xe được sử dụng để vận chuyển hơn 8 triệu liều vaccine cho TP HCM. Riêng hôm qua (23/8), Bộ trưởng Quốc phòng quyết định xuất kho thêm 50 tấn lương khô, 5.000 thùng mì tôm giao cho Tổng cục Hậu cần phân chia cho các đơn vị và sẵn sàng hỗ trợ người dân.
"Dù việc nhiều, lực lượng vận tải đã xây dựng kế hoạch khoa học. Vì vậy, có thời điểm phải vận chuyển tập trung nhưng không xảy ra ùn tắc hoặc sự cố nào. Lực lượng vận tải cũng phối hợp các địa phương, tạo thành chuỗi liên kết, hỗ trợ nhau rất tốt", Thiếu tướng Phong cho hay.
Mũi hỗ trợ thứ năm là quân đội lo giải quyết hậu sự cho những người không may qua đời vì C ovid-19. Do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên khi có người qua đời vì Covid-19, những người thân không thể có mặt ngay để lo hậu sự, vì vậy Bộ Tư lệnh TP HCM đã thành lập các tổ công tác đặc biệt để giúp đỡ người dân thực hiện công việc nghĩa tình này.
Đội công tác sẽ thay mặt gia đình thực hiện tất cả nhiệm vụ với người đã khuất, từ khâu khâm liệm đến lúc bàn giao tro cốt cho người nhà. Những gia đình chưa thể nhận tro cốt người thân về thì Bộ Tư lệnh TP HCM tổ chức lưu giữ, lo hương khói đầy đủ, chu đáo, thể hiện đạo lý của người Việt Nam.
"Số lượng bộ đội tăng cường hỗ trợ TP HCM chống dịch lần này rất lớn. Dù dịch còn diễn biến phức tạp nhưng với cách làm đầy trách nhiệm, chúng tôi hi vọng trong thời gian ngắn Covid-19 sẽ được khống chế, để người dân có cuộc sống bình thường mới ", Phó cục trưởng Tuyên huấn của Bộ Quốc phòng nói.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng cả nước từ ngày 27/4 đến nay là 354.356, ghi nhận ở 62 tỉnh thành; trong đó tổng số ca tại TP HCM trên 180.000.
Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội tối đa 60.000 đồng mỗi lượt Theo đề án được xây dựng, mức phí ngày thường đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ được đề xuất từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường ở Hà Nội. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (thuộc Sở Giao thông Vận tải)...