Quân đội có thể có 3 Đại tướng
Góp ý sửa luật Sỹ quan QĐND tại UB Thường vụ QH sáng 16/4, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nguyên tắc, trong Bộ Quốc phòng chỉ Bộ trưởng mang hàm Đại tướng. Ngoài ra, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng.
Tờ trình luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sỹ quan quân đội nhân dân do Đại tướng Phùng Quang Thanh trình nêu đề xuất cơ bản giữ như luật hiện hành về chức vụ của sỹ quan, chỉ đổi tên Chỉ huy trưởng Vùng Hải quân thành Tư lệnh Vùng Hải quân để phù hợp với tổ chức mới và yêu cầu chỉ huy, quản lý, xây dựng lực lượng Hải quân hiện đại, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, luật sỹ quan hiện hành mới quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với các chức vụ cơ bản của sỹ quan, trong đó cấp tướng có 15 chức vụ. Còn trong dự thảo luật, Bộ Quốc phòng đề nghị bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với các chức vụ: Tổng Giám đốc Tổng công ty loại 1; Tham mưu trưởng quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, tổng cục, vì theo tổ chức Quân đội từ cấp trung đoàn đến quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II thì một đồng chí Phó Chỉ huy trưởng hoặc Phó Chủ nhiệm tổng cục kiêm Tham mưu trưởng.
Theo hướng giảm này, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, số lượng cấp tướng so với việc thực hiện luật hiện hành giảm khoảng 3,1%.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, quân đội không chủ trương tăng thêm số lượng lãnh đạo cấp tướng.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật cũng đề nghị bổ sung nội dung các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng thuộc đơn vị thành lập mới do Thủ tướng quy định để đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, vì các chức vụ hiện nay có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng đã được quy định cụ thể trong Luật.
Thẩm tra nội dung này, UB Quốc phòng An ninh của Quốc hội vẫn cho rằng, nội dung về một số chức vụ có trần quân hàm cấp tướng trong dự thảo luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quy định chặt chẽ, đúng nhu cầu các vị trí có quân hàm cấp tướng Bộ Chính trị đề ra. Trong cùng một nhóm chức vụ cơ bản nhưng có đơn vị chỉ đến Đại tá, có đơn vị lại được đến Thiếu tướng, cùng chức danh Cục trưởng nhưng có Cục trung tướng, có Cục thiếu tướng.
Việc này gây nên những bất cập giữa cấp Cục và Tổng cục, có Cục trưởng trần quân hàm bằng Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy quân khu, quân chủng và cao hơn Tổng cục phó; trần quân hàm của Cục trưởng và Chính ủy cục chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguyên tắc người chỉ huy và chính ủy có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất của đơn vị.
Video đang HOT
Thường trực UB Quốc phòng An ninh yêu cầu phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân, đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…). Theo đó, Bộ Quốc phòng được yêu cầu xem xét một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không quy định có nhu cầu cấp Tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công.
Mặt khác, cơ quan thẩm tra nhắc nhở, cần phải bảo đảm nguyên tắc cấp trên phải cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương thì có quân hàm tương đương, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận ngay trong lực lượng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến, với quân đội và công an nói chung, Bộ trưởng là Đại tướng, Thứ trưởng là Thượng tướng, riêng quân đội thì Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Tổng tham mưu trưởng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Đại tướng.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích thêm, việc bổ nhiệm chức vụ đối với quân đội phức tạp hơn so với lực lượng công an vì Bộ Công an, bản chất là thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Cơ cấu tổ chức của quân đội hoàn toàn khác, vừa là hoạt động chỉ huy tác chiến theo lãnh thổ, vừa là quản lý nhà nước trong lĩnh vực. Ông Khoa dẫn chứng, cũng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng Tổng Cục chính trị không phải cơ quan của Bộ Quốc phòng, do Đảng trực tiếp lãnh đạo. Vậy nên việc phong cấp hàm của quân đội không thể giống như công an.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm vẫn chưa “thông” với việc có đơn vị cấp trưởng và cấp phó có quân hàm như nhau. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc, cả Bộ Công an, Quốc phòng đều phải thống nhất chỉ Bộ trưởng mang hàm Đại tướng, Thứ trưởng là Thượng tướng (không có Thứ trưởng thứ nhất, thứ hai hay Thứ trưởng thường trực, không thường trực).
Còn riêng lực lượng quân đội, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị cũng có trần quân hàm cao nhất là Đại tướng. Như vậy, quân đội có thể có 3 Đại tướng.
Tuy nhiên, hiện tại, ngoài Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Ngô Xuân Lịch mới chỉ mang hàm Thượng tướng.
P.Thảo
Theo Dantri
Người cận vệ cuối cùng về cõi người hiền
Mười hai giờ đồng hồ, bay một mạch của chuyến đi nhằm ngày chủ nhật gần như mù tịt tin tức. Chỉ khi đáp xuống sân bay Schiphol của Amsterdam Hà Lan mở máy mới giật mình tin Thượng tướng Phùng Thế Tài vừa về cõi...
Vậy là những thành viên của thế hệ tướng Vàng theo quy luật nghiệt ngã của thời gian cứ lần lượt rủ nhau đi! Và nay, đến lượt người cận vệ cuối cùng (theo nghĩa thực) của Bác Hồ, thượng tướng Phùng Thế Tài.
Thế hệ Vàng
Bồi hồi về một ngày năm đã xa, lần gặp thượng tướng Phùng Thế Tài để thực hiện loạt bài về người lính cận vệ theo Bác Hồ từ những ngày còn hoạt động bên Trung Quốc. Tư gia của tướng quân ven con đường thời ấy có tên Chiến thắng B52, không hiểu duyên cớ gì, người ta đã bỏ tên ấy thay bằng tên mới đường Trường Chinh?
Kể cũng hay hay. Một vị tướng trận mạc từng dự những trận ác liệt B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972 ấy, hơn 40 năm sau nhà riêng vẫn ở đường B52!
Tướng Phùng Thế Tài. ẢNH: TTXVN
Rồi lần gặp lại nhiều năm sau, cũng tại nhà riêng ở đường B52 này, dịp kỷ niệm trận đầu đọ sức với cuộc chiến tranh bằng không quân phá hoại miền Bắc, tò mò hỏi tướng quân về tấm ảnh lịch sử quen thuộc, đẹp và hùng: Bác Hồ chụp cùng Phó tư lệnh quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát (trái) và Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài (phải) trong buổi lễ tuyên dương sau chiến thắng ngày 5/8/1964. Đó là ngày mồng 7/8/1964.
Nghe tôi hỏi, lão tướng cười nhẹ... thì cũng tại cái ông phó nhòm nhà các ông... Bữa ấy Lễ tại CLB Quân đội, trời quá nóng... Tôi với anh Phát áo trong ướt đẫm mồ hôi. Chắc Bác cũng thế. Lễ tất, có tiết mục chụp ảnh kỷ niệm. Mà cái ông phóng viên ảnh cứ loay hoay mãi. Mà khi ấy đang chuyện trò nên Bác nới cúc ra cho mát. Trong tư thế ấy trông ông cụ đẹp lạ... Rồi cứ thế chụp. Thoáng nghe Bác cười, thế này để thể hiện quyết tâm đánh giặc của Bác cháu mình...
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện hồi nãy trên máy bay với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cảm giác bồi hồi xen chút chi đó hơi huyền bí, lạ lẫn quen về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyện tướng Vịnh kể rằng nhà ông có một cái va li to mà trong đó nhiều tư liệu quý và lạ nữa. Tỷ như có những tấm ảnh không biết của tác giả nào chụp- mà không rõ bấm máy vào thời điểm nào năm nào- những cảnh Bác Hồ ngồi làm việc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trời nóng, Người đánh mỗi cái may ô!
Tôi chưa được coi những tấm hình ấy. Chắc những yếu tố độc đáo bầu nên những nét lạ và hùng đã làm nên những tấm ảnh mà tướng Nguyễn Chí Vịnh đang sở hữu?
Ấn tượng lão tướng, vóc dạc manh mảnh. Đầu hói bóng. Lối nói chầm chậm, nhưng rành rẽ chứng tỏ còn khá mẫn tiệp. Nhiều chi tiết của sự kiện đã lui về nửa thế kỷ mà tướng quân vẫn tường minh như thế... Đến câu hỏi có phần rụt rè liệu ta có bị bất ngờ vào thời điểm mồng 5/8 ấy không thì lão tướng lắc đầu xua tay nghiêm sắc mặt mà rằng, không! Không hề bất ngờ! Nhưng khởi đầu là một mốc... nhục!
Mối nhục ấy là những lần bộ đội phòng không vồ hụt máy bay Mỹ. Mà lần đó Bác Hồ gọi tướng Tài lên trách vui nghe nói chú dùng mấy trăm viên đạn đại cao bắn chim! Có bắn được con nào sao không thấy đưa lên biếu Bác?
Rồi lần mới đây, năm trước dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng B52, lão tướng đã yếu đi nhiều không đi lại được. Nói cũng khó khăn...Thế mà tôi hơi vô tâm cứ cố nèo thêm, về một thực trạng là thời điểm cam go ác liệt ấy đạn tên lửa SAM-2 của ta đã cạn kiệt... Ông khuyên tôi nên tìm gặp những người cần gặp bên Quân chủng để tìm hiểu... Rồi cũng nên chịu khó tham khảo thêm tài liệu của bên kia nữa cả cuốn sách của Kissinger (từng là Ngoại trưởng Mỹ) về thời điểm ấy...
Bữa nay nơi trời lạnh xứ xa nghe lão tướng biệt với dương thế bồi hồi nhớ một lần thăm gặp năm ấy... Tôi may mắn được ngồi chuyện với người con trai cả của tướng quân vốn là sĩ quan Quân đội đã nghỉ hưu. Được biết thêm gia đình ông gần đây thêm một vị tướng nữa! Đó là người con trai thứ, hàm thiếu tướng công tác bên lĩnh vực khoa học quân sự.
Mà hình như đâu phải là người cận vệ cuối cùng như mình đã từng nghĩ vội?
Amsterdam đêm 23/3/2014
Bữa gặp lần đầu ấy, mới tường thêm cái tên của tướng quân. Tên thực của lão tướng là Phùng Văn Thụ. Từng được Bác Hồ đặt tên là Hữu Tài. Đến năm 1952 xin Bác cải lại là Thế Tài. Tại hang Pác Bó, có lần hai Bác cháu trồng khoai nước (khoai môn) Bác ra vế đối (một hoạt động trí não mà theo Bác rất cần đối với người làm tướng) trồng môn trước cửa, Phùng cận vệ đối lại bắt ốc sau nhà được Bác cười, hầy chú này được!
Theo Xuân Ba
Tiền Phong
Tướng Thước và những ký ức không thể quên về cuộc chiến chống Pôn Pốt "Cả làng Samát - Thiện Vôn không một bóng người, một khung cảnh rùng rợn hiện lên trước mắt chúng tôi khi những xác chết nằm la liệt, mùi người chết cháy khét lẹt bốc lên... Đó là nỗi căm thù, cũng là động lực sôi sục cho cuộc chiến tiêu diệt bọn Pôn Pốt" Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Ủy...