Quán cơm quê ở Cần Thơ nườm nượp khách
Quán ăn tái hiện đời sống của người dân Nam bộ những năm 1980, mỗi ngày đón cả nghìn khách.
Quán Hồi Đó trên đường Trần Bình Trọng, quận Ninh Kiều là một trong những địa chỉ ẩm thực khá có tiếng ở Cần Thơ. Quán ghi điểm trong lòng du khách thập phương nhờ ý tưởng tái hiện đời sống của người dân Nam bộ những năm 1980, mang lại cảm giác hoài niệm, nhất là với những người lớn tuổi.
Quán gồm hai khu: trong nhà và ngoài sân. Căn nhà cấp bốn trang trí theo nhiều chủ đề. Có chỗ thực khách ngồi trong “lớp học”, phía trước treo bảng đen và câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” quen thuộc. Một chiếc phản lớn, nơi khách ngồi bệt bên mâm cơm như kiểu của người miền Tây. Ở một góc khác, thực khách quây quần bên bàn trà hay bàn ăn gỗ cũ kĩ… Còn khu ngoài trời lợp mái tranh thì bài trí như chợ quê, khách ngồi trên ghế đẩu nhỏ…
Chỗ ngồi khá chật chội vì quán luôn đông khách, đặc biệt vào giờ cơm trưa và tối. Nếu không đặt bàn trước thì bạn phải đợi lâu, hoặc đôi khi không có bàn. Trong sân bày vài sạp hàng xén bán cho khách “sống ảo”. Không khí lúc nào cũng ồn ào như cảnh họp chợ nhưng không khiến người khác phiền lòng, trái lại nhiều người cảm thấy vui vẻ.
Thực đơn phong phú, viết lên một xấp giấy màu vàng ố. Các món cơm quê có giá khoảng 65.000 đồng/phần, nấu theo phong cách ẩm thực miền Tây. Lẩu mắm, lẩu cù lao và vịt nấu chao thì dao động 160.000-260.000 đồng/phần tùy kích cỡ. Nhiều món ăn vặt như bánh đúc, bánh tằm bì, gỏi cuốn… với giá từ 6.000 đồng đến 35.000 đồng/phần.
Thức ăn đựng trong chén đĩa bằng đất nung mộc mạc. Những món dân dã như dưa muối, rau luộc chấm kho quẹt, trứng chiên, rau muống xào tỏi hay thịt, cá kho được nhiều người lựa chọn.
Video đang HOT
Nồi canh chua cá ba sa, tép đồng nấu với bông điên điển đủ cho nhóm 4-5 người ăn cùng với cơm. Nước canh nêm nếm đậm vị, thoảng mùi tỏi phi. Cá béo ngậy, tép tươi. Tuy nhiên món ăn sẽ hơi ngọt đối với những người không quen khẩu vị miền Tây.
Ba khía trộn tỏi ớt – đặc sản miền Tây – làm nhiều du khách khó có thể kiềm lòng. Món này rất đưa cơm. Gọi một đĩa ba khía là bạn có thể “xử” cả âu cơm nóng hổi, ăn kèm rau luộc là hết sẩy. Nếu thích, khách có thể mua hũ với giá 100.000 đồng mang về.
Sau khi dùng bữa, bạn tạt qua khu “quán cóc” nằm ngay cổng, mua vài loại trái cây, bánh quê ăn vặt. Chị Thi, du khách Quy Nhơn, kể với Ngoisao.net, chị đến quán vào một chiều mưa, gọi bữa cơm ba món gồm canh chua, cá kho và mắm ba khía. Vì quán đông nên gia đình chị phải chờ đồ ăn hơi lâu. Có món ăn vừa miệng, cũng có món không hợp khẩu vị. Thế nhưng chị cho biết nhất định sẽ quay lại khi có dịp du lịch Cần Thơ lần nữa bởi rất thích không gian cũng như ý tưởng của quán.
Những món ăn nhất định phải thử khi đến An Giang mùa nước nổi
Cá lóc nướng trui, bún cá Châu Đốc hay canh cá linh bông điên điển là những món ăn nức tiếng ở An Giang mà du khách đến đây không ăn thì tiếc hùi hụi.
Cá lóc nướng trui
Từ một món ăn dân dã, cá lóc nướng trui đã trở thành món đặc sản mà người dân miền Tây thường đãi khách phương xa.
Cá lóc là loài cá thịt ngon và hiền, ít xương và nhiều đạm trong các loài cá đồng. Cá lóc nướng trui ra đời từ những buổi làm đồng của những người nông dân Nam Bộ. Sau khi ngăn lạch, tát đìa, cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng chín là có thể cùng nhau thưởng thức ngay giữa cánh đồng lộng gió.
Nếu có dịp về miền Tây, bạn đừng bỏ qua món cá lóc nướng trui trứ danh. Ảnh: vanhoamientay
Món ăn này muốn ngon thì cá lóc nhất thiết phải là loại sống trong môi trường tự nhiên, vì cá sẽ săn chắc, có vị ngọt thơm. Cá lóc sau khi đánh bắt về đem rửa cho sạch bùn nhớt. Sau đó, người ta xuyên một que tre qua thân cá (không cần đánh vảy hay làm ruột) rồi cắm xuống đất, phủ rơm khô lên và châm lửa đốt. Nướng cá phải chín vừa phải, sao cho vảy cá cháy đều nhưng không làm khét thịt cá.
Cá lóc nướng trui ngon khi chín đều sẽ để lộ phần thịt trắng, khói bốc lên thơm phức. Bạn sẽ ăn kèm là bánh tráng, bún tươi và các loại rau thơm, chuối chát, khế chua, đọt xoài, đọt cóc kèn... chấm kèm nước mắm chua ngọt, nước mắm me.
Chuột đồng nướng muối ớt
Nhiều du khách nghe nói đến món chuột đồng thì "lắc đầu lè lưỡi", nhưng nếu ai từng ăn thử món này thì sẽ nhớ mãi không quên bởi chuột đồng nướng muối ớt có vị thơm ngon đặc trưng.
Chuột đồng nướng muối ớt thử thách lòng can đảm của thực khách. Ảnh: I.T
Để làm món thịt chuột ngon, công đoạn sơ chế và chuẩn bị rất quan trọng. Chuột đồng sau khi bắt hoặc mua về được làm thịt sạch sẽ, sau đó rửa sạch với muối và gừng để hết mùi tanh. Thịt sẽ được ướp đều gia vị sả, ớt, tỏi trong khoảng 20 - 30 phút rồi đem nướng trên bếp than hoa.
Khi chín, thịt chuyển sang màu vàng và hương thơm dậy lên, thơm nức. Thịt chuột xé ra bên trong có màu trắng và hương vị hơi giống thịt gà. Mới nướng xong, thịt chuột rất mềm và ngọt, khi ăn có thể nghe tiếng giòn tan của xương trong miệng. Bạn có thể chấm thịt với muối tiêu chanh, ngon hết sảy.
Bún cá Châu Đốc
Nói đến bún cá thì không đâu nổi tiếng bằng bún cá Châu Đốc, dù món ăn này là đặc trưng của miền sông nước miền Tây. Mỗi vùng đất lại có cách chế biến khác nhau. Nước lèo món bún cá Châu Đốc được ninh từ xương heo, nêm thêm mắm cá linh, mắm ruốc để tạo nên hương vị độc đáo. Phần cá phải là cá lóc, luộc chín rồi xào sơ qua với nghệ để giảm mùi tanh, tăng hương vị cho món bún cá.
Món bún cá Châu Đốc thường được ăn kèm rau diếp cá, húng quế, bắp chuối và bông điên điển, rất đặc trưng miền Tây.
Lẩu mắm
Một trong những món ăn bạn nhất định phải thử khi đến miền Tây là lẩu mắm, vì chỉ ở đây, bạn mới cảm nhận hết hương vị đặc trưng của món ăn này. Lẩu chỉ thực sự ngon khi nước lẩu được chế biến từ mắm cá linh hay mắm cá sặc Châu Đốc, An Giang.
Lẩu mắm là món ăn đặc sản của người miền Tây sông nước. Ảnh: Zing
Nước lẩu được nấu từ xương heo kết hợp cùng mắm linh hoặc mắm sặc, sau đó thêm vào ít nấm rơm, cà tím để gia tăng hương vị. Những nguyên liệu ăn lẩu mắm thường là thịt ba rọi, tép bạc, cá basa, lươn, thịt bò, ốc bươu... tạo thành một nồi lẩu thập cẩm, đậm đà hương vị. Lẩu mắm được ăn kèm vơi rau sống gồm các loại bông điên điển, bông so đũa, lục bình...
Canh chua cá linh bông điên điển
Món canh chua cá linh được nấu giống như các loại canh chua khác, nhưng nguyên liệu là cá linh và bông điên điển. Để làm món ăn này, cá linh sau khi đánh bắt, làm sạch được cho vào nồi nước me chua nấu sôi rồi tiếp tục cho các nguyên liệu như giá, cà chua, ngò gai, rau thơm và bông điên điển vào nồi, nêm nếm gia vị.
Có hai thứ làm nên đặc trưng của mùa nước nổi miền Tây là cá linh và bông điên điển.
Món canh chua cá linh hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt thanh kèm chút beo béo của cá linh non, nước canh chua cùng với mùi thơm từ các loại rau nêm khiến du khách ăn hoài không thấy ngán.
Cách nấu lẩu mắm miền Tây ngon chuẩn vị Ẩm thực miền Tây từ trước tới nay luôn thu hút được thực khách xa gần bởi hương vị thơm ngon, đậm đà như chính con người nơi đây vậy. Nếu đã ghé thăm nơi đây một lần, chắc hẳn bạn đã từng nghe hoặc thưởng thức lẩu mắm. Còn đối với những ai chưa ghé thăm được miền Tây hay bạn vẫn...