Quan chức Nga bình luận về điều kiện đàm phán hòa bình của Tổng thống Ukraine
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, Moskva và Kiev đã tiến hành 5 vòng đàm phán nhưng không đạt được kết quả cụ thể nào.
Cuối cùng, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc hồi tháng 5.
Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Telegram
Theo đài Sputnik (Nga), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây đã đưa ra một số tuyên bố liên quan đến các cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra với Nga. Song phía Nga cho rằng các điều kiện đàm phán của ông Zelensky là “phi thực tế”.
Nga rút quân về biên giới năm 1991?
Trong cuộc phỏng vấn với cơ quan truyền thông Anh vào đầu tuần này, ông Zelensky tuyên bố rằng cách duy nhất để chấm dứt chiến sự và ngồi xuống bàn đàm phán là Quân đội Nga rút quân về biên giới năm 1991.
Tổng thống Ukraine lập luận rằng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin rút quân về biên giới năm 1991, thì thời điểm khả thi cho ngoại giao sẽ mở ra.
Trước tuyên bố này, nhà lập pháp Nga Sergei Tsekov cho rằng yêu cầu của ông Zelensky là không rõ ràng.
“Tôi muốn nhắc ông Zelensky rằng Liên Xô vẫn tồn tại trong năm 1991. Ý của Tổng thống Ukraine là rút Lực lượng Vũ trang Nga về biên giới Liên Xô? Tuy nhiên, chắc chắn ông ấy đề cập đến biên giới của Ukraine độc lập. Việc phân định biên giới giữa Liên bang Nga và Ukraine đã diễn ra trong nhiều năm và nếu chúng ta nói về Eo biển Kerch, nó sẽ không bao giờ kết thúc”, ông Tsekov giải thích đây là tình huống khi nói đến thực tế liên quan đến biên giới.
” Ba bước tiến tới hòa bình“
Trong bài phát biểu trước các quốc gia thành viên G7 vào đầu tháng này, ông Zelensky đã đề xuất ba bước nhằm đẩy nhanh quá trình tiến tới hòa bình trong cuộc xung đột với Nga.
Video đang HOT
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng trước hết, Kiev cần phương Tây cung cấp xe tăng, pháo, đạn pháo hiện đại, cũng như nhiều pháo phản lực và tên lửa tầm xa hơn. Bước thứ hai liên quan đến việc cung cấp viện trợ để ổn định tài chính, năng lượng và xã hội vào năm 2023, đặc biệt là đảm bảo ngành năng lượng Ukraine trước các cuộc tấn công.
Theo ông, bước thứ ba nên thực hiện theo “công thức hòa bình”, triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về Công thức hòa bình toàn cầu “để quyết định cách thức và thời điểm thực hiện”.
Hai phái đoàn Nga và Ukraine tham gia đàm phán tại Belarus ngày 3/3. Ảnh: Reuters
Phản ứng với tuyên bố trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông Zelensky nên xem xét “thực tế gần đây hình thành do kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý”. Đồng thời, ông Peskov nói thêm rằng việc quân đội Nga rút khỏi Ukraine trước cuối năm 2023 là điều không thể xảy ra.
Đề cập đến các vùng ở Donbass, cũng như các khu vực vừa sáp nhập vào Nga gồm Kherson và Zaporizhia, ông Peskov nhấn mạnh những thực thể này đã trở thành một phần của Nga. Ông cũng cảnh báo rằng “ba bước tiến tới hoà bình” do Tổng thống Zelensky đề xuất chỉ càng khiến xung đột leo thang.
“Công thức hòa bình” của Kiev bao gồm 10 điểm nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. Các đề xuất bao gồm Nga phải chấm dứt chiến sự và rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine, cũng như đảm bảo an ninh hạt nhân, năng lượng và lương thực ở nước này. Ngoài ra, ông Zelensky kêu gọi Nga khôi phục “an toàn bức xạ” tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, đưa ra mức trần giá đối với các nguồn năng lượng của Nga và mở rộng thỏa thuận ngũ cốc.
Về phần mình, ông Tsekov nhấn mạnh rằng “công thức hòa bình” của Ukraine có những yêu cầu không thể chấp nhận được đối với Nga. Theo ông, những công thức này cho thấy rõ Tổng thống Ukraine không được phép đưa ra quyết định quan trọng về tình hình hiện tại và cũng không quan tâm đến điều đó.
Ông Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban Vấn đề Quốc tế tại Hạ viện Nga, đã chỉ ra rằng các yêu cầu của ông Zelensky cho thấy Kiev không thực sự sẵn sàng tiến hành đối thoại.
Liệu có thoả thuận ngừng bắn từ Nga?
Vào giữa tháng 11, Tổng thống Zelensky cho rằng Nga không muốn đàm phán hòa bình và chỉ quan tâm đến “thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn” và “tạm lắng giao tranh” để phục hồi lực lượng. Ông nhấn mạnh “thoả thuận ngừng bắn như vậy sẽ chỉ làm xấu thêm tình hình”.
Hồi đầu tháng 12, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với truyền thông rằng Thỏa thuận Minsk 2014 là nỗ lực giúp Ukraine có thêm thời gian chuẩn bị và tái tổ chức để trở nên mạnh mẽ.
Bình luận của bà Merkel được đưa ra sau khi cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tiết lộ vào tháng trước rằng Thoả thuận hòa bình Minsk là “chiến thuật câu giờ”, để giúp Quân đội Ukraine có thời gian hồi phục và cho phép quân đội này được xây dựng với sự hỗ trợ của NATO, sau một loạt thất bại trước lực lượng Donbass.
“Tôi cần các Thoả thuận Minsk này để có ít nhất 4 năm để thành lập Lực lượng Vũ trang Ukraine, xây dựng nền kinh tế Ukraine và huấn luyện quân đội Ukraine cùng với NATO để tạo ra lực lượng vũ trang tốt nhất ở Đông Âu, được tạo ra theo tiêu chuẩn của NATO,” ông Poroshenko nói.
Thỏa thuận Minsk là một gói các biện pháp giúp giảm leo thang tình hình ở phía đông Donbass và đã được đàm phán từ năm 2014 đến năm 2015. Gói thứ hai của các tài liệu này đã được ký kết theo thể thức Normandy, có sự tham gia của Pháp, Đức, Nga và Ukraine. Moskva đã nhiều lần cáo buộc Kiev vi phạm thỏa thuận này.
Bình luận về phát biểu của ông Zelensky, ông Peskov nhấn mạnh rằng Moskva đang tìm cách đạt được các mục tiêu đã công bố khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Ông nói: “Những mục tiêu này có thể đạt được theo những biện pháp khác nhau và dưới những hình thức khác nhau. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu chiến dịch đặc biệt vào ngày 24/2, nhấn mạnh rằng mục tiêu là phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine.
Về phần mình, nhà lập pháp Slutsky tuyên bố quan điểm của Nga vẫn luôn rõ ràng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không đóng cửa quá trình đàm phán và chúng tôi không từ chối đàm phán. Đây không phải lúc để Tổng thống Zelensky suy đoán Nga muốn hòa bình hay cáo buộc chúng tôi đang tìm cách ‘đạt được một thỏa thuận ngừng bắn’”.
Từ chối đàm phán với Nga
Ngày 4/10, trong sắc lệnh được công bố trên trang web của Tổng thống Zelensky, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã quyết định không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bình luận về vấn đề này, ông Peskov nói với các phóng viên rằng phía Nga giờ đây sẽ chờ đợi thay đổi lập trường từ Tổng thống Ukraine hiện tại.
Điều kiện Crimea
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của các giám đốc điều hành do một hãng truyền thông Mỹ tổ chức vào tháng 5, ông Zelensky đã không đắn đo trước khi nói rằng Nga nên rút lui khỏi biên giới trước ngày 24/2 và trả lại Crimea cho Kiev như một điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình.
“Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh thông qua các biện pháp trừng phạt, chúng tôi được cung cấp vũ khí. Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục toàn vẹn lãnh thổ. Điều này sau đó có thể trở thành các hình thức đàm phán khác,” ông Zelensky lập luận.
Crimea đã sáp nhập Nga vào tháng 2/2014 sau cuộc trưng cầu dân ý mà đa số người dân ủng hộ bán đảo trở thành lãnh thổ của Nga. Điện Kremlin đã nhiều lần nói rõ rằng vấn đề Crimea đã được giải quyết dứt điểm.
Ukraine từng sẵn sàng đáp ứng điều kiện trung lập do Nga đưa ra?
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Douglas MacGregor cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng sẵn sàng đáp ứng một số điều kiện hòa bình của Moskva.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters
Theo đó, vào tháng 3, khi phái đoàn đàm phán của Ukraine và Nga gặp nhau tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), đã xuất hiện thông tin về một hiệp ước tiềm năng, trong đó Kiev sẵn sàng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và đồng ý trung lập, để đổi lấy việc Nga rút khỏi các chiến tuyến trước tháng 2.
Vài ngày sau, Tổng thống Zelensky cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh, tuyên bố rằng bằng chứng đã được phát hiện ở Bucha. Ông Zelensky tuyên bố rằng người dân Ukraine sẽ không cho phép ông đàm phán với Nga sau khi phát hiện ra vụ việc và đã đình chỉ đàm phán. Moskva cho rằng bằng chứng ở Bucha là bịa đặt nhằm biện minh cho việc cắt đứt các cuộc đàm phán.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhà sử học quân sự Michael Vlahos, Đại tá MacGregor cho rằng Anh nên chịu trách nhiệm về việc chấm dứt đột ngột các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
"Chúng tôi có bằng chứng rằng vào cuối tháng 3, ông Zelensky đã nói 'tốt, chúng ta có thể trung lập'. Nhưng khi tuyên bố đó đến tai Washington và London, giới chức đã trở nên vô cùng tức giận. Cựu Thủ tướng Boris Johnson nói rằng tuyệt đối không, Anh sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng. Kiev phải giữ vững lập trường và chiến đấu vì từng tấc đất của mình'", ông nói.
Ông MacGregor không phải là quan chức Mỹ đầu tiên cho biết Tổng thống Zelensky đã sẵn sàng cho thoả thuận hòa bình hồi tháng 3. Bà Fiona Hill - một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, cựu Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về châu Âu và Nga trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump - đã tiết lộ vào tháng 9 rằng "giải pháp tạm thời" đã được thống nhất ở Istanbul.
Hồi tháng 5, truyền thông Ukraine cũng cho rằng Tổng thống Zelensky đã bị Thủ tướng Johnson lúc bấy giờ gây áp lực buộc phải cắt đứt các cuộc đàm phán với Nga. Cựu Thủ tướng Johnson đã đến thăm Kiev vào ngày 9/4, trong một cuộc gặp không báo trước. Theo tờ Ukrainskaya Pravda, ông Johnson đã nói với các nhà lãnh đạo rằng ngay cả khi Ukraine sẵn sàng ký một số thỏa thuận hoà bình với ông Putin, phương Tây sẽ từ chối ký các đảm bảo an ninh mà Kiev muốn nhận được theo hiệp ước hòa bình với Nga.
Giờ đây, gần 10 tháng sau khi xung đột nổ ra, ông Zelensky vẫn đình chỉ đàm phán với Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố sẽ giành lại tất các các khu vực đã bỏ phiếu sáp nhập Nga hồi tháng 9 - gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Ông Zelensky cũng khẳng định sẽ giành lại Crimea, sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.
Trong nhiều tháng qua, đàm phán Nga - Ukraine vẫn đang trong tình trạng đóng băng khi hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong cuộc họp báo ngày 2/12, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Putin vẫn cởi mở với các cuộc tiếp xúc đàm phán và Moskva vẫn nghiêng về giải pháp ngoại giao để đạt được các mục tiêu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc phương Tây không công nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập là một phần của Nga đang cản trở quá trình tìm kiếm bất kỳ thỏa thuận nào.
Ông Peskov cũng khẳng định Moskva không chấp thuận điều kiện của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng đàm phán chỉ có thể diễn ra sau khi Nga rời khỏi Ukraine. Gần đây, Tổng thống Putin cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kéo dài.
Khu vực Donetsk bị Ukraine pháo kích mạnh nhất trong 8 năm Giới chức địa phương cho biết thành phố Donetsk ở Ukraine đang hứng chịu các cuộc pháo kích quy mô lớn nhất kể từ năm 2014. Tòa nhà hành chính thành phố Donetsk bị hư hại trong cuộc xung đột Ukraine-Nga ở Donetsk ngày 16/10. Ảnh: Reuters Theo đài RT (Nga), Thị trưởng thành phố Donetsk do Nga bổ nhiệm, ông Aleksey Kulemzin...