Quản chặt đào tạo lái xe, nghiêm cấm học viên tự lái xe ra đường
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải địa phương quản chặt xe tập lái, nghiêm cấm giao phương tiện để học viên tự lái ra đường, tránh nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Học viên học thực hành lái xe tại một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam )
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải địa phương tăng cường quản lý công tác đào tạo thực hành lái xe.
Cụ thể, các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe quản lý chặt chẽ giáo viên, xe tập lái, chỉ sử dụng các giáo viên và phương tiện đủ điều kiện giảng dạy; kiểm tra tính chính xác thông tin về giáo viên, xe tập lái đã khai báo trên phần mềm quản lý đảm bảo đúng với giáo viên, xe tập lái được phân công.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải địa phương rà soát việc cấp phép tuyến đường tập lái cho các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo tuyến đường tập lái phù hợp với các yêu cầu của nội dung đào tạo, giao thông thực tế trên tuyến, tránh xảy ra nguy cơ mất an toàn giao thông; nghiêm cấm các trường hợp chủ quan, giao phương tiện để học viên tự học mà không có giáo viên bảo trợ tay lái hoặc đào tạo trên các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định.
Video đang HOT
Các Sở Giao thông Vận tải cũng có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và rà soát các sân tập lái tự phát, xử lý các trường hợp đào tạo thực hành lái xe sai quy định. Trường hợp người đào tạo không phải là giáo viên của cơ sở đào tạo, người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép lái xe cần báo với chính quyền địa phương, cơ quan công an để xử lý.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải phải khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin của cơ sở đào tạo để giám sát lộ trình đào tạo thực hành lái xe của giáo viên và các thông tin liên quan theo đúng kế hoạch giảng dạy.
Lùi thời gian trang bị và sử dụng cabin đào tạo lái xe ô tô
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo quy định của Thông tư 12/2017/TTBGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ yêu các cơ sở đào tạo phải trang bị, sử dụng cabin học lái ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/7/2022.
Việc học lái xe trong mô hình ảo sẽ giảm thiểu tối đa các tình huống mất an toàn giao thông trong thực tế. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Tuy nhiên, trước kiến nghị của các Sở Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin lùi thời gian cho các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị cabin học lái ô tô. Sau khi xem xét kiến nghị trên, ngày 22/4/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TTBGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT; trong đó cho phép các cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô trước ngày 31/12/2022 (thay vì phải áp dụng từ 1/7/2022).
Đáng chú ý tại Thông tư 04/2022/BGTVT, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị và duy trì cabin học lái xe ô tô theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Theo ông Lương Duyên Thống, lý do các Sở Giao thông Vận tải kiến nghị với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho lùi thời gian trang bị, sử dụng cabin học lái ô tô là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn về tài chính.
Ngoài ra, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, lắp ráp thiết bị và ảnh hưởng đến thử nghiệm và chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải.
Với mục đích nâng cao kỹ năng điều khiển cho học viên tại các trung tâm đào tạo lái xe, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 01/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 29/2015/TT-BGTVT và Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ yêu cầu trong các phần thi có sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng. Các trung tâm sát hạch lái xe sẽ sử dụng phần mềm mô phỏng những tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 1/6/2022 và trang bị, sử dụng cabin học lái ôtô để đào tạo lái xe ôtô từ ngày 1/7/2022.
Nội dung quy trình học trong cabin học lái sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành số xe, thực hành bài "đề pa" lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch. Phần tiếp theo là bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố.
Trong quá trình thực hành, phần mềm mô phỏng sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn đường, điều khiển vào phần đường dành cho người đi bộ, khi không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn. Diễn biến thời tiết (nắng, mưa) cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống này để người học có thể nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống ở các điều kiện khác nhau.
Mỗi học viên sẽ được thực hành 3 giờ trên cabin học lái tại trung tâm đào tạo lái xe. Trong quá trình học, nếu học viên có nhu cầu sẽ đề nghị trung tâm bổ sung thêm giờ học.
Theo đánh giá của một số trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn Hà Nội, áp dụng cabin điện tử cho đào tạo sát hạch lái xe ô tô là chủ trương đúng đắn của Bộ Giao thông Vận tải nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, đại diện các trung tâm này thừa nhận hiện phần lớn các trung tâm đào tạo chưa mua sắm loại thiết bị này. Một mô hình cabin điện tử hiện nay giá dao động từ 100-500 triệu đồng/thiết bị sẽ tạo gánh nặng cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Vì thế, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm công bố các nhà cung cấp thiết bị đảm bảo quy chuẩn để chào giá cạnh tranh.
"Trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng học viên học lái xe sụt giảm dẫn đến kinh phí nguồn thu ở các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe gặp nhiều khó khăn. Giờ bỏ ra hàng tỷ đồng để trang bị các cabin học lái phục vụ cho việc thi sát hạch lái xe là một gánh nặng rất lớn. Vì vậy việc Bộ Giao thông Vận tải cho lùi thời hạn trang bị thiết bị này đến 31/12/2022 phần nào tháo gỡ áp lực tài chính cho những cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe," đại diện một cơ sở đào tạo chia sẻ.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ôtô.
Các chuyên gia giao thông đánh giá, với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông.
Thêm vào đó, việc trang bị phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học.
Về quy chuẩn, tiêu chuẩn của cabin, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 28/12/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị phục vụ quản lý đào tạo lái xe tại Thông tư số 37/2020/TT-BGTVT. Các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp trong nước và nhập khẩu thiết bị phải theo quy chuẩn này, bao gồm cả nội dung các bài tập lái cụ thể. Khi sản xuất xong, doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm và phải có chứng nhận phù hợp.
Sau đó, nhà cung cấp tự công bố sản phẩm sản xuất ra hợp quy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ công khai trên website của Tổng cục. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào công bố sản phẩm cabin học lái hợp quy. Về đề này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định sẽ đôn đốc các sở triển khai theo đúng lộ trình này.
CSGT xử phạt hai giáo viên dạy lái xe vì cho học viên thực hành trong khu dân cư CSGT phát hiện và lập biên bản xử phạt hai giáo viên dạy lái xe của Trung tâm dạy nghề tư thục Thành Công vì đã cho học viên chạy thực hành trong khu dân cư An Phú - An Khánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Ngày 29.9, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết vừa có quyết định xử phạt hành chính đối với...