Quán bún chửi-đặc sản của Hà Nội
Vừa bán vừa chửi, vừa ăn vừa bị chửi…đó là phong cách có một không hai tại quán bún ở Ngô Sĩ Liên- nơi được bà con đặt cho cái tên thân thương là quán bún chửi hay bún mắng.
Và thậm chí nó còn được coi là ” đặc sản” riêng biệt ở Hà Nội mà không phải nơi nào cũng có được.
Quán bún chửi của bà Kim Thảo không có tên cụ thể mà chỉ có biển đề ” Bún sườn- thịt- móng- lưỡi”. Nhiều món là vậy, nhưng quán ăn nổi tiếng nhất với món bún lưỡi heo bởi cách làm lưỡi gia truyền của bà chủ quán rất ngon và rất độc. Tuy rằng hương vị của món bún lưỡi không phá cách hơn hay ngon hơn các quán khác là mấy, những quán của bà Thảo được thực khách ưa chuộng bởi cách luộc lưỡi heo siêu đẳng của bà. Lưỡi vừa mềm, ngọt mà lại rất giòn. Một bán bún đầy đặn có đầy đủ dọc mùng, cà chua, thêm nước dùng đậm đà cùng với thịt, sườn hay lưỡi đều được cho rất nhiều và có giá là 35.000 đồng.
Đúng với câu dạy của các cụ ngày xưa ” miếng ăn là miếng nhục”, thực khách đến đây đã quen với kiểu mình đến ” xin ăn” chứ không phải là đến mua đồ để ăn. Bởi hầu như ai đến đây cũng được khuyến mại vài câu chửi của bà chủ quán, không nặng thì nhẹ, đến nỗi mọi người đều gọi bà Thảo là ” thiên hạ đệ nhất chửi”.
Video đang HOT
Tưởng chừng quán ăn đanh đá này sẽ mất khách nhưng trái ngược lại quán bà Thảo lúc nào cũng chật kín người. Một phần là do bún của nhà bà ngon, ăn lại rất no. Phần khác là do những khách ăn ở quán đã lâu, họ đã quen với những tiếng chửi của bà, mà có người còn đùa rằng ” hôm nào mà không thấy tiếng bà Thảo chửi là họ lại thấy nhớ, ăn mất ngon”. Và một phần nữa đó là những người vì tò mò mà đến, họ muốn đến để chứng thực xem những câu chửi như câu hát của bà Thảo có đúng như thiên hạ đồn đại.
Nhưng đối với không ít người từng đến quán bún chửi của bà Thảo là họ phải cạch đến già. Như chị Hằng ở Cầu giấy- Hà Nội cho biết, những câu như ” ăn thì ăn, không thì cút đi”, ” mày nhai gì mà lắm thế”, ” đã không có tiền lại còn sĩ “, ” sáng ra mà đã ngu hơn cả chó”, ” ăn bún gì, tìm chỗ ngồi đi, ăn xong rồi thì biến”…là những câu nói cửa miệng hay những câu chửi mà khách hàng thường xuyên được “thưởng thức”. Đặc biệt là vào tầm 12 giờ trưa, giờ cao điểm của quán ăn bởi lúc này khách kéo đến rất đông, có khi chật kín cả tầng một và tầng hai. Thì đây cũng là lúc, bà Thảo nổi cơn lôi đình với khách và cả nhân viên trong quán. Vì vậy mà các thượng đế luôn phải cặm cụi mà ăn, nếu có nói chuyện thì cũng phải nói nhỏ để tránh bị ” dính chưởng” từ bà Thảo.
Tuy nhiên, vào một ngày mát trời nào đó, khách đến ăn bất ngờ bắt gặp vẻ mặt tươi tỉnh hay nụ cười hiền của bà Thảo là họ luôn coi đó là một ngày cực kỳ bất thường. Lân la hỏi chuyện bà khi quán vắng khách, bà Thảo chia sẻ, chửi tục đã trở thành thói quen của bà, mặc dù nhiều người cũng góp ý nhưng bà không sửa được. Khách ăn quen ở quán cũng biết, bà không có ác ý gì mà chỉ là quen miệng mà thôi. Vì vậy, bà cũng mong mọi người đừng vì vậy mà đánh giá quán ăn hay con người của bà.
Cuối cùng, nếu như các bạn cảm thấy hứng thú và muốn được trải nghiệm những câu chửi cao thủ của bà Thảo tại quán bún lưỡi, thì các bạn có thể học hỏi một số kinh nghiệm của những người từng đến quán bà để mình không bị chửi như: gọi món dứt khoát một lần, không hỏi han nhiều, không thắc mắc hay thúc giục khi phải chờ lâu, không nói chuyện khi ăn,…
Hãy thử trải nghiệm tại quán bún chửi “đặc sản” của Hà Nội 1 lần để được thưởng thức món bún thơm ngon cực hấp dẫn, vừa ngon miệng mà lại rất bùi tai nha .
Địa chỉ quán bà Thảo: 41 Ngô Sĩ Liên (Văn Miếu – Đống Đa – Hà Nội)
Theo Homnayangi
Bún cá Xà Tón
Các quán bún cá ở Tri Tôn, An Giang thường không treo bảng hiệu, chủ quán cứ bày ra trước cửa nhà. Nhiều nhà bán mà các nồi bún vẫn cứ thi nhau cạn. Phải chăng bún cá Xà Tón có điều gì lạ thường?
Bún cá Xà Tón ăn kèm trứng vịt lộn
Tri Tôn là huyện miền núi của tỉnh An Giang, được bao bọc bởi một nửa của dãy Thất Sơn, là vùng biên giới, có các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống và là nơi có chùa Xà Tón (Svay Ton) của người Khmer.
Tri Tôn còn có một cái tên khác - xứ Xà Tón, với núi đồi xen lẫn đồng ruộng, di tích lịch sử và nhiều đặc sản độc đáo. Sự giao thoa văn hóa Kinh - Khmer làm cho ẩm thực Tri Tôn đa dạng, hấp dẫn lạ thường. Ngoài những món nổi tiếng như gà nấu lá trúc, gà đốt, đu đủ đâm, cháo bò, bánh canh lò rèn... thì món bún cá Xà Tón mang hương vị rất riêng của vùng đất này.
Dừng chân trước quán, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm rất nhẹ và dễ chịu. Đó là mùi ngải bún. Người dân gọi ngải bún cho gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, chứ ngải bún còn có tên là ngải hẹ, tên khoa học là Auttum crosscus. Ngải bún dùng để nấu bún cá, tạo nên hương vị rất đặc trưng. Bún cá Xà Tón có 2 kiểu nấu - của người Kinh và người Khmer.
Người Kinh chọn những con cá lóc ngon, sau khi luộc cá chín, lấy xương cá hầm cho ra nước ngọt, phần thịt cá gỡ ra từng miếng nhỏ, đem xào sơ qua cho thấm gia vị, dùng nghệ tươi giã lấy nước rồi để vào thịt cá cho cá có màu vàng nghệ, nửa phần để riêng khi ăn cho vài miếng cá lên trên mặt bún, nửa phần còn lại để vào nồi nấu với xương heo để tạo vị ngọt và làm cho nồi nước lèo có màu vàng của nghệ. Người nấu còn dạo vào nồi nước chút nắm ruốc hoặc mắm cá chốt hay cá sặt để tạo mùi thơm rồi cho tiếp nước ngải bún, sả, gia vị vào.
Người Khmer nấu thì sau khi lấy thịt cá lóc đem đi giã nát cùng sả băm nhuyễn và nước ngải bún rồi cho vào nồi, vì vậy nước lèo trắng, ngọt đậm đà. Đặc biệt, cho vào nồi nước bún chút mắm bò hóc (pro hoc) - đặc sản của người Khmer để món bún có vị hấp dẫn lạ kỳ.
Ngoài ra, giá đỗ chọn mua loại giá cát, giá cát được làm từ hạt đậu xanh ngâm nở cho vào thùng rồi lấp cát lên, cát này được lấy từ lòng ô ở ruộng do nước trên núi Tô chảy xuống kéo theo lớp cát trắng, nhờ vậy mà giá cát mọc tự nhiên không dùng loại hóa chất nào, cọng giá khẳng khiu dài nhằng nhưng trắng trẻo và có độ giòn ngọt tự nhiên.
Còn hoa chuối được cẩn thận tách bẹ lấy phần non để bào mỏng, có nơi còn tìm hoa chuối hột để cọng ghém thêm ngon. Rau muống thì chọn loại cọng to non giòn rồi bào mỏng. Vậy là được thau ghém như ý: giá, bắp chuối, rau muống trộn lẫn vào nhau, trên cùng là lớp rau thơm, mùa nước về thì điểm lên những đốm vàng của bông điên điển hay chút xanh xanh của cọng rau nhút, trông đậm chất miền Tây làm sao!
Nước sôi ùng ục, người nấu nhanh tay trụng bún qua nước sôi vài lần cho bún nóng, những miếng cá được xếp trên mặt tô. Mùi ngải bún, sả, nghệ, rau thơm, nước mắm, vị cay của ớt, tất cả ùa vào làm ta cứ tưởng "sơn hào hải vị" là đây! Bún cá Xà Tón còn hấp dẫn hơn khi cho thêm vào tô cái trứng vịt lộn hay cái đầu cá lóc, rồi chấm với chút muối ớt vắt chanh hoặc trái trúc, vị chua xen lẫn tinh dầu của trái trúc chỉ có ở xứ này. Nếu thích ăn cay thì dùng thêm ớt trái, mà phải là ớt hiểm xanh mới đúng điệu.
Cắn ớt vào cảm nhận vị nồng rất thanh của ớt lên đến tận mũi, húp vào chút nước bún mới tận hưởng hết cái vị rất riêng của bún cá Xà Tón.
Theo Thanhnien
Dẻo thơm hương cốm Cùng với cúc vàng, cốm non được xem là đặc sản của Hà Nội mỗi độ thu về. Cốm có nhiều loại: Chiên, dẹp, tròn nhưng ngon nhất vẫn là cốm non. Những hạt cốm được làm từ nếp cái hoa vàng vừa đến độ, qua nhiều công đoạn đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được hương nếp non, vị ngọt của...