Quán bún bò lạ nhất xứ Huế: Bán hàng thần tốc, khách tự phục vụ, không đến nhanh là hết
Đối với nhiều người dân Huế, bún bò Mệ Kéo không phải nơi xa lạ, nhưng với nhiều khách tứ phương, không phải cũng biết tìm đến đúng nơi.
Có một câu nói mà người sành ăn vẫn luôn truyền miệng nhau rằng: Muốn ăn bún bò Huế thì nhất định phải đến quán của Mệ Kéo – một trong những quán bún bò lâu đời nhất ở vùng đất cố đô. Suốt mấy chục năm thăng trầm, gánh bún bò Mệ Kéo vẫn nức tiếng gần xa bởi hương vị chuẩn bún bò Huế xưa. Không chỉ riêng người dân Huế mà khách du lịch khắp nơi cũng tìm đến ăn, rồi vấn vương mãi.
Không đến ăn nhanh là hết
Đến quán, chỉ cần đứng bên ngoài thôi đã nghe thấy tiếng khách gọi văng vẳng, “lấy cho con tô bún đầy đủ”, “con ăn bún bò tái”, “tô của con đừng bỏ huyết”…
Một giọng Huế trầm ấm đáp lại thật thật nhanh, “tô đầy đủ thì 30 ngàn nghe con”, “bún bò tái có bỏ thêm ớt chi không?, “từ từ rồi đứa mô cũng tới lượt đừng có hối mà đổ hết nì”… Vừa nói vừa làm, đôi tay của chủ quán thoăn thoắt chan nước lèo lên tô bún cho kịp trao cho những thực khách đang chờ đợi.
Nhiều người sẵn sàng chờ đợi để được nếm thử hương vị của tô bún chuẩn vị.
Tô bún có nhiều mức giá tuỳ khẩu phần ăn, dao động từ 20 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng. Trái với phong cách sống chậm rãi của người Huế, muốn thưởng thức một tô bún ở nơi đây, bạn phải nhanh cái chân, lẹ cái tay thì mới được ăn. Lý do không phải quán “chảnh” mà là vì quán đông khách và hết rất nhanh. “Không đến ăn nhanh là hết” là câu nói mà mỗi lần khách ra về đều phải thốt lên.
Sau 8h30 sáng thì quán đã bán hết và đặt biển “hết bún” ở bên ngoài để thực khách khỏi mất công chờ đợi. Nhiều người đến trễ thì cũng đành phải tiếc nuối ra về. Vì vậy bạn nên đến quán với khung giờ từ 6h30 đến 8h00 là có thể thưởng thức trọn vẹn tô bún bò chuẩn vị.
Địa chỉ tìm đến quán rất dễ, nằm gần cầu Gia Hội ở số 20 đường Bạch Đằng (phường Phú Cát, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế). Chỉ cần chạy dọc con đường Bạch Đằng là có thể dễ dàng tìm thấy.
Quán bún chẳng cần để bảng hiệu, nhưng vẫn đông nghẹt người đứng xếp hàng chờ đợi để được thưởng thức tô bún nóng hổi đẫm vị.
Quán bún bò gây thương nhớ cho những người gần xa
Một trong những điều đặc biệt làm người ta nhớ đến quán bún bò Mệ Kéo không chỉ là hương vị, mà còn là không gian cổ kính của căn nhà gỗ nhìn ra dòng sông vô cùng thơ mộng. Quán không quá rộng nên mỗi khi đông khách, mọi người phải đứng chờ một lúc mới có bàn để ăn. Để được thưởng thức hương vị của tô bún chuẩn vị Huế, có chờ đôi chút thì mọi người vẫn luôn sẵn lòng.
Lịch sử về cái tên bún bò Mệ Kéo cũng rất đặc biệt, nếu không phải là người dân địa phương hoặc khách hàng thân thiết lâu năm thì sẽ không biết. Từ “mệ” trong tiếng địa phương của người dân Huế chính là từ “bà”, và Mệ Kéo cũng không phải là tên của chủ quán mà là tên mẹ của bà Bùi Thị Mỹ Hoà (SN 1967), cũng là người nấu những nồi bún thơm ngon gây thương nhớ gần xa.
Bà Hoà cho hay: “Mệ Kéo là tên của mẹ tôi, năm ni mệ cũng đã ngoài 80 tuổi rồi, tên thật của mệ là Nguyễn Thị Bưởi. Mệ đã nuôi các con khôn lớn bằng gánh bún bò ni và sau đó thì truyền nghề lại cho tôi, những người quen biết và khách hàng quen thuộc đều biết hai mẹ con nên buộc miệng gọi bún bò Mệ Kéo. Từ thời mệ đến đời tôi thì gánh bún bò cũng đã tồn tại hơn 70 năm rồi”.
Video đang HOT
Cái tên Mệ Kéo là được người trước gọi rồi người sau cũng gọi theo, dần dà tên thật của bà Hoà không còn được nhắc đến Bà Hoà cũng không giải thích mà luôn tự hào vì được nhắc đến với cái tên thân thương như vậy.
Kể lại chuyện ngày xưa, bà Hoà nói: “Thời nớ không có điều kiện để bán ở trong căn nhà gỗ như chừ mà phải ngồi bán vỉa hè, nước lèo được nấu trong nồi om, chở bằng xích lô ra phía dọc vỉa hè dưới chân cầu Gia Hội để bán. Gánh bún được dọn vào vị trí trong căn nhà gỗ cũng đã được 7 năm ni rồi.
Ngày xưa để học nấu được nồi bún bò thì cứ nhìn mệ mà làm theo thôi, mệ nấu răng thì mình bắt chước mà làm theo lại rứa“.
Gánh bún nhỏ được đặt dưới nền nhà sạch sẽ, 2 nồi nước lèo bốc khói nghi ngút, tỏa ra một mùi thơm đặc trưng của nước lèo đậm đà vị ruốc sả nhưng lại rất trong và cay nhẹ đầu lưỡi. Phần nước lèo được nấu chung với tất cả gân huyết, chả, giò heo…
Để nước dùng được ngọt thanh tự nhiên thì phải hầm xương trong nhiều giờ liền, kết hợp với gia vị đặc trưng của xứ Huế là ruốc và sả. Đây cũng chính bí quyết lâu đời được nấu theo kiểu truyền thống xưa của người Huế. Mệ Kéo tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn tự tay giúp bà Hoà nấu nước lèo.
Với những hàng quán khác, khi vào ăn bạn chỉ cần tìm bàn trống rồi ngồi xuống đợi nhân viên bưng ra rồi thưởng thức, ngược lại quán Mệ Kéo lại có một “nguyên tắc” là muốn ăn thì sẽ đứng xếp hàng gọi món, rồi sẽ đợi để lấy tô bún tại chỗ và thanh toán tiền.
Ngoài ra, rau sống ăn kèm cũng tự chủ động lấy chứ không có người phục vụ. Nếu là người mới hoặc thực khách gần xa đến quán lần đầu sẽ hơi bỡ ngỡ và khá lạ lẫm với cách phục vụ tại quán Mệ Kéo.
Tô bún ngày xưa của quán Mệ Kéo không có thịt bò tái mà có thịt ba chỉ được cắt lát to vừa phải, huyết heo và chả cua… Nhưng những năm gần đây để phù hợp với khẩu vị của nhiều người, bà Hoà đã để thêm thịt bò tái để khách hàng có thể lựa chọn. Gánh bún bò của Mệ Kéo chỉ có một điều thay đổi đó thôi, còn lại thì hương vị nước dùng vẫn “nguyên bản” và không hề khác đi theo nhận xét của nhiều “ôn mệ” và khách quen hay lui tới quán.
Anh Hùng là người con xứ Huế nhưng đã xa quê 10 năm, sau nhiều năm chờ đợi anh đã quay trở về và đi tìm lại hương vị bún bò Huế mà ngày xưa anh đã từng ăn.
Chúng tôi tình cờ ngồi ăn tô bún cùng bàn với anh Hùng (SN 1991), một người con xứ Huế xa quê đã 10 năm. 10 năm xa quê hương lập nghiệp ở Làm, anh nói luôn muốn thưởng thức một tô bún bò Huế thân thương tại chính nơi mà anh sinh ra.
“Ở Lào cũng từng có quán bún bò Huế nhưng rồi người ta bán một thời gian thì đóng quán trở về quê, cũng từ đó mình không còn được thưởng thức hương vị bún bò Huế nữa. Ở Lào, tìm được một quán nấu đúng hương vị quê hương thật sự rất khó…”, anh Hùng chia sẻ.
Ăn xong tô bún, anh Hùng nói thêm: “Nhiều năm xa quê đến bây giờ mới tìm lại được hương vị nguyên bản, nguyên bản ở đây không chỉ riêng hương vị nước dùng mà còn là ở con người, tâm hồn, cảnh quan và những giọng nói Huế quen thuộc văng vẳng bên tai…
Mỗi quán bún bò sẽ mang một phong vị khác nhau và có ít nhiều thay đổi về cách phục vụ, quán xá. Tuy nhiên người Huế vẫn như thế, vẫn mộc mạc giản dị, mến khách và luôn gìn giữ nét truyền thống của kinh đô cũ”.
Tinh hoa ẩm thực của cố đô Huế luôn khiến du khách gần xa phải vấn vương cũng bởi vì hương vị khó quên, đặc biệt là hương vị của tô bún bò. Những người con xa quê thì thổn thức nhớ về nơi chôn rau cắt rốn để tìm lại một tô bún mang hương vị tuổi thơ, hương vị của người mẹ và mệ đã từng nấu cho ăn lúc còn thơ dạ.
Bán hàng online kiếm tiền đóng trọ, cô gái lãi 600 triệu/5 tháng, xây luôn nhà hoành tráng
Mục đích ban đầu là bán hàng để có thêm một khoản đóng tiền nhà trọ, nhưng Trân không ngờ việc buôn bán đã đem lại cho cô nguồn thu "khủng".
Bán hàng online mùa dịch, lãi 600 triệu đồng/5 tháng
Võ Thị Trân Trân (SN 1990, quê ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trước đây làm nghề bán máy lạnh online. Trân kết hợp kinh doanh với một người dì, chủ yếu chạy quảng cáo bán hàng trên website. Mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, công việc này cho cô thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh ở TP. HCM vào giữa năm 2021, công việc của Trân bị ảnh hưởng không ít. Các công trình tạm dừng thi công, dẫn đến việc chậm nghiệm thu, chậm thanh toán. Khi TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội, mảng điện lạnh của Trân không được hoạt động nên cô tạm nghỉ từ đó.
Trân Trân, 32 tuổi, hiện đang sống ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Việc mua bán, đi chợ ở TP. HCM khó khăn hơn trong thời gian giãn cách nên mẹ của Trân ở quê đã gửi lên rất nhiều đồ tiếp tế cho con gái, trong đó có món riêu cua làm sẵn. Món này mẹ Trân làm rất ngon vì ở quê, bà gắn bó với công việc bán bún riêu cua nhiều năm nay.
Thu nhập giảm, mắc kẹt ở Sài Gòn với chi phí thuê nhà mỗi tháng lên tới 10 triệu đồng khiến Trân lo lắng. Cô liền nảy ra ý định đăng món riêu cua mẹ làm lên các group cư dân trong quận để bán. Không ngờ ngay post đầu tiên, Trân đã "chốt" được 100kg và không bị ai "boom" hàng. Nhận hàng xong, hầu như khách đều khen đồ ăn của Trân bán ngon.
Vì ở TP.HCM chưa có nhiều người bán món này nên Trân rất đắt khách. Sau đó, cô bán thêm cả gà, vịt, chả, bánh bột lọc,... Ở quê có gì thì Trân chuyển lên bán thứ đó.
Một số mặt hàng Trân bán trong dịp giãn cách xã hội năm ngoái ở TP.HCM.
"Thời gian đó chỉ được giao hàng nội quận nên mình đăng bài trong các group cư dân ở quận và trang cá nhân thôi. Hồi đó Facebook cũng chưa bị "bóp" tương tác nên đăng bài là "nổ" đơn không kịp "chốt".
Sau này, Facebook bị "bóp" tương tác, hết giãn cách mọi người cũng đi chợ được bình thường nên lượng đơn giảm. Mình mới bán hàng trên Facebook lần đầu, cũng không biết việc nhiều tin nhắn của khách bị trôi vào phần chờ, do đó đã để lỡ cả nghìn tin nhắn, không đọc được.
Trung bình khi ấy, mình bán 100kg riêu cua mỗi ngày, chưa kể bỏ sỉ. Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng bán được kha khá. Vì nhà bố mẹ ở quê gần bến xe nên việc vận chuyển hàng hóa cũng không quá khó khăn. Ở nhà thì mẹ mình làm và có mấy người phụ đóng hộp. Trong 5 tháng cao điểm, mình bán được mười mấy tấn riêu cua, thu lãi khoảng 600 triệu đồng", Trân kể.
Ngôi nhà Trân xây ở quê với chi phí 600 triệu đồng, đã bao gồm cả phần nội thất.
Về quê sống gần bố mẹ khiến Trân vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều.
Về quê xây nhà, tận hưởng cuộc sống yên bình
Dịch bệnh đỡ căng thẳng, Trân quyết định về quê một thời gian để tránh dịch, nghỉ ngơi, tìm cảm giác bình yên. Dần dần, cô lại thấy thích cuộc sống ở quê nhà. Ở Buôn Ma Thuột mức sống rẻ, đồ ăn ngon, đỡ áp lực lại được ở gần gia đình nên cô rất vui. Sẵn có tiền trong tay, Trân quyết định xây luôn một căn nhà trên mảnh đất rộng 150m2 mà bố mẹ cho.
Trân xây nhà ở trên diện tích 105m2, còn lại là sân vườn. Ngôi nhà của Trân xây theo kiểu nhà cấp 4, gồm 2 phòng ngủ, một 1 phòng khách, bếp và 1 nhà vệ sinh. Chi phí xây dựng phần thô của ngôi nhà là 400 triệu đồng, sắm nội thất và đồ điện tử hết khoảng 200 triệu đồng.
Một người bạn giúp Trân thiết kế phần mặt tiền ngôi nhà, còn bên trong là cô tự làm theo ý thích. Mua được đồ đạc giá gốc nên Trân tiết kiệm được kha khá chi phí. Thời điểm làm nhà, Đắk Lắk đang vào mùa mưa nên ngôi nhà mất 4 tháng mới được hoàn thiện.
Trân sống một mình trong ngôi nhà xinh xắn, đầy đủ tiện nghi, ngay đối diện là nhà bố mẹ. Phần diện tích còn lại tại sân nhà, cô dự định sẽ cùng em trai thiết kế, mở một phòng tập gym.
Không gian phòng ngủ của Trân.
Bên trong nhà thiết kế nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy đủ, tiện nghi, xinh xắn.
Có nhà rồi, Trân lại càng không muốn đi đâu. Hiện cô không bán lẻ nữa nhưng vẫn duy trì bỏ sỉ riêu cua. Từ Tết Nguyên Đán 2022 đến nay, cô chủ bán được 600kg, có nguồn thu ổn định. Bên cạnh đó, Trân cũng đang cùng bạn bè tìm hiểu một số việc kinh doanh khác.
Số tiền lợi nhuận 600 triệu kiếm được trong vòng 5 tháng của Trân khiến nhiều người trầm trồ nhưng cũng không ít người cảm thấy khó tin. Chia sẻ về điều này, cô gái đam mê kinh doanh thẳng thắn: " Mình thấy kiếm được 600 triệu trong 5 tháng cũng là bình thường mà. Có nhiều người còn kiếm nhiều hơn thế mà mọi người không biết đó thôi. Như bạn bè mình, có người kiếm 100 triệu đồng, có người kiếm 300 triệu đồng/tháng. Nên mọi người nói gì thì nói chứ mình cũng không nghĩ nhiều.
Mọi người cũng hỏi mình có rút kinh nghiệm gì qua lần kinh doanh vừa rồi không? Thì mình chỉ nói là mình cứ làm thôi chứ không biết rút kinh nghiệm gì cả. Thử cái này không được thì làm cái khác, cứ làm nhiều sẽ tự biết bản thân cần phải làm những gì".
"Hotgirl bán thịt lợn" ôm bụng bầu chạy bàn phục vụ, giờ làm bà chủ giàu có, xinh đẹp Do mở nhà hàng nên khoảng thời gian mang bầu Hồng Liên vẫn tất bật công việc, cô chạy lên chạy xuống cầu thang liên tục để phục vụ khách hàng. Nhắc đến Đỗ Hồng Liên chắc hẳn nhiều người nhớ cô gái sinh năm 1991 Thanh Hóa đứng bán hàng thịt lợn phụ giúp mẹ tại Bình Dương được đăng tải trên...