Quần áo mới cũng có thể đe dọa sức khỏe của bạn
Những bộ “cánh” mới mà chúng ta mặc có thể rất đẹp, nhưng bạn không hề biết rằng quần áo mới lại là nơi chứa ẩn nhiều hóa chất độc hại.
Bình thường chúng ta chỉ quan tâm tới an toàn thực phẩm, còn chuyện mặc chỉ để ý tới mẫu mã kiểu dáng mà bỏ quan vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Xin mách bạn cách làm thế nào để giảm độc tính trong những bộ quần áo mới.
Quần áo mới cũng gây hại sức khỏe
Từ việc vận chuyển chất liệu tới các nhà máy gia công thành sản phẩm may mặc, đến khâu tung ra thị trường đều trải qua quá trình xử lý sản xuất phức tạp, đồng thời cũng phải trải qua những đợt “tẩy rửa” bằng nhiều loại hóa chất như nhuộm, chống co vải, chống nhăn, tẩy trắng…
Trong danh sách màu nhuộm có khoảng 4.000 chất màu được ghi nhận. Rất nhiều chất không những không không bám chắc vào sợi vải mà chúng có thể thôi nhiễm ra trên da trong lúc mặc và ngấm vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số các chất màu có khả năng gây ra dị ứng, kích ứng da, dẫn tới các bệnh về da như viêm da dị ứng…
Dưới khía cạnh hóa học, các loại màu được chia ra thành nhóm như màu Azo, màu Anthrachinon, màu Metal complex và các nhóm khác, trong đó Azo là nhóm màu được sử dụng chủ yếu trong nhuộm quần áo.
Khi các hợp chất Azo này thâm nhập vào cơ thể, chúng có thể bị phân hủy trong hệ trao đổi chất của cơ thể và sản sinh ra chất aromatic amine. Đây là chất có thể gây ung thư ở con người. Các loại amine hình thành trong thời gian này có thể thẩm thấu dễ dàng qua da. Quy trình phân hủy Azo có thể xảy ra trong đường ruột, trong gan hoặc trên da chúng ta.
Trong các thí nghiệm người ta đã tìm ra, các loại màu phân tán hòa tan trong nước (các loại màu dùng để nhuộm quần áo) có thể bị phân hủy bởi một số loại vi khuẩn sống trên da và trong các lỗ hổng chân lông. Do đó, loại màu nhuộm này dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.
Ngoài ra, các chất hóa học như chất bảo quản, thuộc diệt côn trùng, chất chống độc… được sử dụng trong quá trình cất giữ nguyên liệu, vải thành phẩm, quần áo cũng có thể gây kích ứng da. Đặc biệt, da trẻ nhỏ và da nhạy cảm, phản ứng mạnh mẽ nhất với các chất này.
Theo các viện da liễu tại Đức thì có khoảng 1-2% bị dị ứng với màu của quần áo và phần nhiều là phụ nữ vì họ thường mặc quần áo bó rất sát với cơ thể. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra 1 điều là vi trùng Herpes-Simplex (HSV 1) – 1 loại virus gây bệnh tình dục thường bám chặt vào quần áo. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm virus này từ quần áo mới cũng có thể xảy ra, nhất là trong trường hợp bạn thử quần áo mới tại các cửa hàng thời trang.
Video đang HOT
Các loại hóa chất có trong quần áo đều có thể gây kích ứng da. Ảnh minh họa
Lưu ý khi mua quần áo mới
Do sự nguy hại đến từ những bộ quần áo mới thường không xuất hiện ngay trong thời gian ngắn, nên chúng ta thường bỏ qua những ảnh hưởng dài hạn của những chất độc hại trong đó đối với sức khỏe con người. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người tiêu dùng rằng, khi mua quần áo, đặc biệt là quần áo trẻ sơ sinh, cần phải giặt sạch rồi mới mặc. Quần áo mặc trên người phải tránh những gam màu không đạt tiêu chuẩn, chẳng hạn như không nên mặc những loại vải phai màu.
Tuy nhiên, có độc không có nghĩa là bị ngộ độc. Thực ra người tiêu dùng không cần quá lo lắng. Chất bay hơi dù có thể gây hại cho cơ thể thông qua đường hô hấp, nhưng phải ở một liều lượng nhất định mới ảnh hưởng tới sức khỏe.
Khi mua vải, người dùng nên cố gắng lựa chọn sản phẩm ít qua khâu gia công để sản xuất. Đặc biệt, với vải mặc trên người, thì tốt nhất chọn chất liệu cotton. Về màu sắc, vải màu sáng thân thiện môi trường hơn so với những vải màu tối, bởi vì vải màu sáng dùng ít thuốc nhuộm hơn trong quá trình gia công.
Ngoài ra, khi mua quần áo mới, nếu phát hiện chúng có mùi bất thường, tốt nhất đừng mua. Những người dị ứng với formaldehyde càng không nên mặc những bộ quần áo chống nhăn, bởi vì tính năng này của vải càng nhiều thì tác dụng phụ gây ra càng lớn.
Mấy năm trở lại đây, “thực phẩm xanh”, “nhà ở xanh” ngày càng đi vào nhận thức của người dân. Ý nghĩa của từ “xanh” là có lợi cho sức khỏe con người, giúp bảo vệ môi trường, nhìn chung là giúp cải thiện không gian sống của nhân loại. Vì thế “trang phục xanh” trở thành chủ đề được nhiều công ty may mặc và các tổ chức bảo vệ môi trường quan tâm trong thời gian gần đây.
Theo VNE
Tết nghèo ở "phố ngân hàng"
Họ sống ở ngay trung tâm Q.1 (TP.HCM), tại khu vực toàn những ngân hàng lớn. Sáng chưa tới 5h họ đã lui cui dậy đi làm. Làm riết, làm riết, vậy mà tết cũng y như ngày thường: không bánh, không hoa, không quần áo mới...
"Năm nào nhịn lắm thì mua được 10kg gạo, 2kg thịt với ít rau. Năm nay nợ nhiều, nhưng chắc cũng ráng kiếm nồi thịt kho cho con cháu ăn dần lấy hương vị tết. Mấy thứ như bánh chưng, thịt luộc thì hổng dám mơ" - bà Nguyễn Thị Nga, 53 tuổi, ở trên gác phía sau căn nhà 63/47 Phó Đức Chính, Q.1, nói.
Những người bán "chạy"
Căn gác vá chằng vá đụp mà bà Nga ở vốn là của mấy người: vợ chồng bà Nga, vợ chồng ông anh ruột, hai đứa con gái, một con trai, hai đứa cháu ngoại và một đứa cháu nội. Mười người ở trong diện tích 12m2. Để có đủ chỗ ngủ, ngay dưới mái nhà phải cơi thêm một cái gác nhỏ nữa. "Chồng tui làm thợ điện tự do, ai kêu gì làm đó. Thằng con trai chạy xe ôm, con gái lớn đi bán vé số, còn mấy đứa nhỏ đi học cả. Trưa tụi nó mới về chỗ quán tui ăn cơm" - bà Nga duỗi thẳng chân, bóp bóp mấy cái cho đỡ mỏi, nói.
"Cái quán" của bà Nga thật ra là cái xe bán trà đá, nước ngọt nhỏ xíu, đậu ngay phía trước công trình xây dựng còn dở dang trên đường Phó Đức Chính. Bà xin người ta cho bán nhờ phía trước. Trưa, bà nấu nồi cơm bằng cái bếp gas di động ở ngay đó rồi cả nhà tụ lại ăn cơm. "Gạo tui mua ngày hai lần, mỗi lần nửa ký, nấu cơm ngày hai bữa. Đồ ăn thì mấy nhà gần đó ăn cái gì không hết, người ta cho. Bữa nào không ai cho thì kho nước mắm, mua hột vịt về luộc là xong bữa. Ăn thì không lo, chỉ lo trả nợ. Mấy tháng trước tui bệnh phải đi mổ, mượn tiền người ta hơn 4 triệu đồng, giờ phải ráng kiếm dư mỗi ngày vài chục ngàn đồng để trả dần" - bà Nga lo lắng.
Nỗi lo của bà Nga không chỉ gói trong khoản nợ do lần trước phải đi bệnh viện, mà còn ở khoản nợ vay quỹ xóa đói giảm nghèo trả hoài chưa hết, cả những nỗi lo đau yếu, bệnh tật, rồi lo cơm lo áo hằng ngày. Mỗi ngày bà Nga đều phải hai lần uống thuốc bệnh tim, thuốc cao huyết áp. Bệnh vậy mà ngày nắng, ngày mưa, ngày tết, bà vẫn đều đặn đẩy xe nước ra đường...
Ở chung căn gác với bà Nga là gia đình một "đồng nghiệp" bán nước "chạy" lề đường gồm tám nhân khẩu. "Ba mẹ em đi bán cà phê bên vỉa hè đường Lê Thị Hồng Gấm" - Trần Đoàn Bảo Trân để cuốn sách tiếng Anh đang xem dở xuống đất, mời khách ngồi, nói. Trân năm nay 19 tuổi, đang học hệ cao đẳng ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, là con gái thứ tư trong gia đình ông Trần Quốc Bảo và bà Đoàn Thị Thu Lan. Ba đứa con đang đi học, một học ĐH, một học CĐ, một học cấp III, cả gia đình mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào xe bán nước vỉa hè.
Bà Lê Thị Út lau chùi bộ lư hương - tài sản có giá trị nhất của gia đình - để chuẩn bị đón tết
Bán rong, bán "chạy" gần như là nghề chung của nhiều phụ nữ nghèo ở khu vực này. Gần chục căn nhà nhỏ xíu bên hẻm 30 Calmette, Q.1 cũng vậy. "Con gái tui bán hàng rong, bánh đa... bên trường học. Đi từ gần 6h, hôm nào bán hết sớm thì 8h tối về, hôm nào trễ thì 10g đêm mới về tới" - bà Lê Thị Út, 72 tuổi, sống ở hẻm 30 Calmette hơn 60 năm nay, nói. Căn nhà rộng chưa được 8m2, một mái nhà, hai hộ gia đình chen chúc: bốn người nhà bà Út ở dưới, còn căn gác phía trên là chỗ trú ngụ sáu mẹ con bà cháu của bà Lê Thị Đặng, chị ruột bà Út. Ông Huỳnh Văn Thành - tổ phó tổ dân phố 44, khu phố 3 - giới thiệu: "Nhà này thuộc loại rộng nhất khu này rồi. Mấy căn khác diện tích được chừng 5-6m2 thôi. Ở hẻm này dài vào trong có 8 cái nhà nhưng có đến 13 hộ nghèo sinh sống".
Ước có... nhà vệ sinh
Bà Đặng, bà Út với bà Hoa là ba bà bạn nghèo, làm chòm xóm với nhau đã được hơn 60 năm nay ở hẻm 30 Calmette này. Bây giờ già, bà thì bệnh, bà thì té gãy xương chẳng đi đâu xa được. Tết đến nơi rồi mà năm nay xem ra còn cực hơn năm ngoái. Mấy đứa cháu lớn thêm một chút, mấy bà già thêm một chút, mấy đứa con bán rong, thợ đụng lại càng vất vả hơn. "Không có áo mới cho hai đứa nhỏ, cũng không sắm cái gì ăn tết đâu. Con Nở bán rong, kiếm còn chưa đủ tiền nuôi một mẹ hai con, tiền đâu mà lo tết"- bà Út thổ lộ.
Với Bảo Trân, có cố lục tìm trong ký ức, ngày tết của gia đình em vốn dĩ rất nhạt nhòa. Tết thì cũng ăn cơm ngoài đường, cũng đẩy xe đi bán. Bán nước lề đường, thu nhập cả ngày được chừng hơn 100.000 đồng mà cả nhà 5-6 miệng ăn, ba người đang đi học trông vào đó. Chẳng dám nghỉ ngày nào. Đang ngồi học bài tự nhiên mắt Bảo Trân bỗng nhòa nước: "Ba mẹ ngày càng yếu, em lo lắm. Ba không còn sức chạy xe ôm, giờ đi phụ mẹ bán hàng mà than nhức đầu hoài. Nói đi khám thì ba sợ tốn tiền. Nếu có một điều ước đầu năm, em chỉ mong cho ba mẹ em đừng đau bệnh".
Nói chuyện tết, bà Nga đang ngồi buồn bỗng mắt sáng lên, chạy ra nắm tay ông Lê Đình Cây, bí thư chi bộ khu phố 3: "Tết năm ngoái phường cho nhà em 500.000 đồng ăn tết, bác Cây nhớ không? Nhờ có tiền đó mấy đứa có thịt ăn. Em còn mua một chậu phát tài giá 10.000 đồng về chưng nữa đó". Nhìn ánh mắt khấp khởi của bà Nga, ông Lê Đình Cây báo tin mừng cho bà con trong hẻm: "Năm nay cũng có tiền, có quà. Danh sách lên rồi, tiền cũng đã vận động...". "Tui ước gì có được cái chòi dưới đất, có đồng hồ nước, có cái nhà vệ sinh cho mấy đứa nhỏ. Mấy đứa không có chỗ tắm đàng hoàng, từ nhỏ tới lớn đi nhà vệ sinh công cộng hoài, tội lắm" - năm nay bà Nga không mơ áo, mơ quần hay nồi thịt kho ngày tết.
Thăm tết, chúc thọ bốn cụ già 100 tuổi ở Củ Chi
Chiều 3/2, đoàn đại biểu do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM, dẫn đầu đã đến thăm và chúc thọ bốn cụ già 100 tuổi ở hai xã Phước Thạnh và An Nhơn Tây (H.Củ Chi) nhân dịp Tết Quý Tỵ 2013. Đoàn đã tặng mỗi cụ một khánh mừng thọ, thiệp chúc mừng và một phần quà. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng gửi tặng mỗi cụ một tấm vải lụa để may áo mặc trong dịp mừng thọ.
* Trước đó, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã đến thăm, chúc tết lãnh đạo và công nhân Tập đoàn Pouchen VN tại Q.Bình Tân. Tập đoàn đã gửi tặng Quỹ học bổng Vừ A Dính số tiền 100 triệu đồng để chăm lo đời sống cho các em học sinh là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.
M.HOA - B.THỦY
Giúp người nghèo đón xuân
Bà Lê Thu Huyền, phó chủ tịch UBND P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, cho biết hiện P.Nguyễn Thái Bình còn 16 hộ nghèo và 100 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn của TP.HCM. Tuy nhiên, trước tình hình vật giá sinh hoạt đắt đỏ, mức sống ở khu vực trung tâm TP như Q.1 khá cao thì thực tế vẫn còn nhiều hộ gia đình có đời sống chật vật, khó khăn dù thu nhập của họ trên mức hộ nghèo hoặc cận nghèo. Tết năm nay, ngoài mức hỗ trợ chung của TP, của quận là 500.000 đồng/hộ nghèo và 200.000 đồng phần quà trị giá 100.000 đồng/hộ cận nghèo, phường còn trích thêm ngân sách và huy động các nguồn xã hội hóa khác để chăm lo tết cho người nghèo, gia đình khó khăn, các diện chính sách trong sáu khu phố. Năm nay kinh tế khó khăn chung, số tiền phường vận động được không nhiều nhưng cũng đảm bảo lo tết cho 569 hộ khó khăn với số tiền 129 triệu đồng và 60 phần quà, mỗi phần trị giá 200.000-300.000 đồng.
Theo 24h