‘Quái vật’ 13 tỉ tuổi ẩn nấp rất gần Trái Đất, lộ mặt bất ngờ
Dữ liệu từ vệ tinh Gaia đã gây sốc khi tiết lộ loại quái vật mà nhân loại cố đi tìm bằng các siêu kính viễn vọng lại ngập tràn ở nơi mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy trên bầu trời đêm.
Ngay trong “trái tim” của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), 1.300 ngôi sao ra đời từ buổi bình minh vũ trụ vừa lộ mặt trong dữ liệu vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Có những ngôi sao trong số đó thậm chí xuất hiện vào thời điểm chưa đến 1 tỉ năm sau vụ nổ Big Bang, tức hiện đã gần 13 tỉ năm tuổi.
Trung tâm Ngân Hà – chính là “dải Ngân Hà” mà chúng ta thường thấy trên bầu trời – trong góc nhìn từ Trái Đất, với lỗ đen quái vật được đánh dấu ở giữa – Ảnh: SCITECH DAILY
Phát hiện gây sốc này đến từ cuộc nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Anke Arentsen từ Đại học Cambridge (Anh), vừa được trình bày tại Hội nghị thiên văn học quốc gia Anh. Họ đã dựa vào tính nghèo kim loại của các ngôi sao sơ khai, theo Science Alert.
Như nhiều nghiên cứu đã chứng minh, vũ trụ sơ khai rất đơn điệu về mặt hóa học, hầu như chỉ toàn hydro và heli. Tuy nhiên, chính các ngôi sao cấu thành từ các nguyên tố đơn giản này đã tạo nên các nguyên tố nặng hơn nhờ phản ứng tổng hợp hạt nhân.
Cuối đời, chúng chết đi và bổ sung cho vũ trụ những nguyên tố mới nặng hơn. Qua hàng tỉ năm, hàng tỉ thế hệ sao đã khiến vũ trụ phong phú về mặt hóa học như ngày nay.
Các nhà nghiên cứu đã soi thẳng vào trung tâm của Ngân Hà và tìm ra được 8.000 ứng cử viên sao nghèo kim loại, sau đó sàng lọc còn 1.300 ngôi sao được xác định là tàn tích của “buổi bình minh vũ trụ”.
Khám phá này hứa hẹn mở ra những chân trời mới cho các nghiên cứu nhằm tìm hiểu vũ trụ đã bắt đầu như thế nào.
Việc phát hiện các vật thể cổ đại ở gần như thế là một kho báu vô song, bởi ngoài chúng ra thì các nhà khoa học hầu như chỉ trông đợi việc tìm hiểu quá khứ thông qua các siêu kính viễn vọng chụp các vật thể cách chúng ta hàng tỉ năm ánh sáng.
Nguyên tắc cơ bản của hình ảnh là chúng ta thấy chúng vào thời điểm mà ánh sáng bắt đầu di chuyển từ chúng đến mắt chúng ta, do đó hình ảnh từ nơi cách hàng tỉ năm ánh sáng cũng là hình ảnh của hàng tỉ năm trước, với sai số nhỏ do tác động từ các vật thể trên đường đi. Vì vậy, nghiên cứu về vũ trụ xa xôi cũng là nghiên cứu về vũ trụ quá khứ.
Với các ngôi sao cổ đại vừa phát hiện, chúng rất có thể sinh ra trong một thiên hà cổ đại nào đó trước hàng loạt vụ sáp nhập kinh hoàng tạo nên Ngân Hà khổng lồ ngày nay. Các nhà khoa học đang lập bản đồ quỹ đạo của chúng để tìm hiểu thêm về điều này.
60.000 hạt ma quỷ tiết lộ 'chân dung thứ hai' của dải Ngân Hà
Bằng cách bắt giữ và làm chậm các hạt ma quỷ neutrino, các nhà khoa học đã đạt được đột phá lớn trong việc tìm hiểu các cấu trúc còn ẩn giấu của thiên hà chứa Trái Đất.
Theo Live Science, "bản đồ neutrino" vừa công bố hôm 29-6 lần đầu tiên cung cấp cái nhìn về thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) không phải bằng ánh sáng.
Dữ liệu đột phá được tạo nên bằng cách chụp các hạt neutrino, tức "hạt ma quỷ" đã đi qua Đài quan sát neutrino IceCub của Nam Cực. Tổng cộng 60.000 hạt đã bị các nhà khoa học "bắt giữ" và làm chậm lại, từ đó tiết lộ nơi chúng được sinh ra.
Đài quan sát IceCube thuộc khuôn viên Trạm Nam Cực Amundsen-Scott - Ảnh: NFS
Neutrino còn được gọi là hạt ma quỷ vì nó gần như phá vỡ mọi định luật về vật chất. Nó không có điện tích, khối lượng gần bằng 0 và không tương tác với các loại vật chất khác.
Nó xuất hiện đầy rẫy xung quanh chúng ta, liên tục đi qua chúng ta, thậm chí đi xuyên cả Trái Đất như một bóng ma, với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.
Hạt ma quỷ đến từ lâu, đó là câu hỏi các nhà khoa học luôn theo đuổi kể từ khi IceCube phát hiện ra sự tồn tại của nó.
Theo bài công bố trên tạp chí Nature, cuối cùng các nhà khoa học đã có thể liên kết trực tiếp chúng với các vụ nổ sao cổ đại thảm khốc và các dạng va chạm vũ trụ kinh hoàng.
Điều này cũng giúp hé lộ một phần cổ xưa, hoang dã của Ngân Hà.
"Các khả năng được cung cấp bởi máy dò Ice Cube có độ nhạy cao, cùng với các công cụ phân tích dữ liệu mới, đã mang đến cho chúng tôi một cái nhìn hoàn toàn mới về thiên hà của chúng ta, một cái nhìn trước đây chỉ là gợi ý" - Giám đốc Bộ phận vật lý của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ Denise Caldwell, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục hoàn thiện công việc và tin rằng nó sẽ đem đến cho nhân loại những bức ảnh thực thụ với độ phân giải ngày càng cao về những đặc điểm ẩn giấu của dải Ngân Hà chúng ta vẫn thường thấy trên bầu trời đêm.
Ước tính mỗi giây có khoảng 100 tỉ hạt ma quỷ đi qua mỗi cm2 cơ thể chúng ta. Tuy nhiên vì nó vô hình và xuyên thấu mọi thứ như một bóng ma, việc "bắt giữ" chúng đòi hỏi cỗ máy khủng khiếp của IceCube.
Một trong các "vòi bạch tuộc" của IceCube đang vươn sâu vào lòng băng giá Nam Cực - Ảnh: NSF
Đài quan sát IceCube là một cỗ máy dò khổng lồ được đặt tại Trạm Nam Cực Amundsen-Scott, với gần 5.000 cảm biến quang học được kết thành hạt trên 86 sợi dây treo lủng lẳng xuống các lỗ khoan sâu tới 2,5 km vào lòng băng vĩnh cửu ở Nam Cực.
Bong bóng khổng lồ 'ký sinh' thiên hà chứa Trái Đất: Thêm dấu hiệu lạ Một cấu trúc dạng bong bóng ma quái mang tên eROSITA gắn vào hai bên đĩa thiên hà chứa Trái Đất có thể không có nguồn gốc quái vật như suy nghĩ trước đây, mà ngược lại. Theo Science Alert, dữ liệu từ vệ tinh Suzaku được đồng điều hành bởi hai cơ quan vũ trụ Mỹ - Nhật là NASA và JAXA...