‘Quái thú’ khổng lồ răng cá mập, mình bò sát lộ diện ở Thái Lan
Một ‘quái thú’ chưa từng được biết đến, có hàm răng đáng sợ như hàm cá mập đã được các nhà cổ sinh vật học Thái Lan và Nhật Bản xác định thuộc loài khủng long ăn thịt 115 triệu tuổi.
Khủng long bạo chúa T-rex không phải là quái thú khổng lồ duy nhất gieo rắc kinh hoàng trên trái đất kỷ Phấn trắng. Bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học PLOS ONE đã hé lộ chân dung một sinh vật khác chỉ nhỏ hơn T-rex một chút về mặt kích thước nhưng đáng sợ không kém, tồn tại cùng thời.
Sinh vật kỳ lạ đã được các nhà khoa học tái hiện – ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Nó được đặt tên là Siamraptor suwati, một sinh vật dài đến 8 m và chưa từng được ghi nhận trước đây trong hồ sơ cổ sinh vật học. Hóa thạch đặc biệt này được tìm thấy trong các mỏm đá tồn tại từ thời nguyên thủy gần huyện Ban Saphan ở Thái Lan, có độ tuổi đá tương đương các hòn đá chứa xương khủng long khác được khai quật ở Mỹ và Trung Quốc.
Hóa thạch bao gồm các bộ phận của cột sống, hông, bàn chân sau, chân trước và hộp sọ đã được chuyển đến cho nhóm nghiên cứu từ Đại học Nakhon Ratchasima Rajabhat (Thái Lan) và Đại học Tỉnh Fukui (Nhật Bản).
Đầu của ‘quái thú’ với hàm răng cực kỳ hữu ích khi săn mồi – ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Phần hộp sọ đã kể về con khủng long nhiều nhất. Siamraptor suwati có sọ hơi khác với T-rex. Sọ T-rex kín, rộng và khá tròn, trong khi sinh vật này có cái đầu giống đầu chó, mõm cao và hẹp, đặc biệt là răng như những lưỡi kiếm, rất giống với hàm cá mập. Hàm răng giúp con vật dễ dàng nghiền nát kể cả các sinh vật ăn thịt khác nhỏ hơn, như cá sấu. Cách nó ăn khá giống với các loài mèo lớn hiện đại (như hổ), hầu như chỉ chừa lại xương của nạn nhân.
Nơi tìm được ‘quái thú’ (đánh dấu sao) – ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Phát hiện này rất quan trọng đối với bức tranh cổ sinh vật học. Siamraptor suwati thuộc về nhóm cararodontizard, tức những ‘thằn lằn răng cá mập’. Anh em họ của nó từng được tìm thấy ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Phi nhưng chưa từng thấy ở Châu Á. Vì vậy, Siamraptor suwati chắc chắn là loài đầu tiên trong cây gia đình xâm lược và thống trị miền đất Đông Nam Á trong kỷ Phấn trắng sớm.
A. Thư
Theo Smithsonian Magazine
'Xác ướp' khủng long được bảo quản nguyên vẹn hơn 100 triệu năm có trọng lượng gần như tương tự lúc còn sống
Các nhà khoa học cho rằng đây là 'xác ướp' khủng long được bảo tồn tốt nhất trên Trái đất. Trên thực tế, nó được bảo quản tốt đến mức lớp da và ruột bên trong vẫn còn nguyên vẹn và không thể gọi nó là một hóa thạch.
Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell ở Alberta, Canada đã giới thiệu mẫu vật quý báu này tại một triển lãm về khủng long, nó hoàn toàn không phải là một bộ xương, ngược lại nó trông giống hệt như một con khủng long đang còn sống.
Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi mẫu vật này kể từ khi được phát hiện cho tới nay vẫn còn nguyên lớp da giáp cứng bên ngoài, các khớp xương cũng như một số nội tạng bên trong vẫn được bảo toàn gần như hoàn hảo.
Sinh vật này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2011 khi một thợ mỏ có tên Shawn Funk vô tình phát hiện ra khi đang làm việc.
Trong khi Funk đang đào bới tại khu mỏ ở tỉnh Alberta, miền tây Canada, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy một vật thể hết sức kì lạ mà chưa bao giờ nhìn thấy trong suốt 12 năm làm thợ mỏ của mình.
Ngay buổi chiều hôm đó, Funk và người quản lí của mình - Mike Gratton đã quyết định dùng máy xúc để mang vật thể đó lên để xem rốt cục đó là cái gì.
'Xác ướp' dài 5,5 m và nặng gần 1,2 tấn thuộc về một con khủng long Nodosaur.
Sau khi lấy được vật thể đó lên họ vẫn không thể chắc chắn là hóa thạch của một con khủng long hay là một khúc gỗ khổng lồ đã bị hóa đá nên anh đã gọi cho nhà chức trách địa phương.
Jak Jakob Vinther, một nhà cổ sinh vật học của Đại học Bristol, cho biết: 'Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ mẫu vật nào hoàn hảo như thế này trước đó'.
Các nhà nghiên cứu đã mất 6 năm và khoảng 7.000 giờ để tiến hành kiểm tra và nghiên cứu mẫu 'xác ướp' này trước khi nó được trưng bày tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell.
Theo các nhà cổ sinh vật học, đây là loài khủng long tồn tại cách chúng ta hơn 100 triệu năm và là thành viên của một loài và chi khủng long hoàn toàn mới có tên Nodizard.
Đây cũng là một loài khủng long ăn cỏ có nhiều gai nhọn và là anh em họ của khủng long Ankylosaur.
Chúng là khủng long ăn cỏ to lớn đã lang thang trên trái đất từ thời tiền sử, cơ thể của nó được bảo vệ bởi bộ giáp với gai nhọn. Chúng có trọng lượng khoảng khoảng 1,361 tấn khi còn sống và điều đáng ngạc nhiên là 'xác ướp' này được thiên nhiên bảo quản hoàn hảo tới mức cân nặng gần như không thay đổi nhiều so với lúc còn sống, xấp xỉ 1,134 tấn.
'Xác ướp' này cũng được coi là mẫu hóa thạch đầu tiên thuộc loại này được phát hiện. Thông thường, các mẫu hóa thạch khủng long nói chung chỉ được tìm thấy là xương và răng, rất hiếm khi tìm thấy một mẫu hóa thạch giữ mô mềm và hình dáng hoàn hảo như thế này.
Da, các khớp xương cũng như ruột bên trong 'xác ướp' của con khủng long này được bảo quản một cách hoàn hảo và gần như còn nguyên vẹn.
Khi bảo tàng đưa hình ảnh 'xác ướp' của con khủng long này lên trang Facebook của họ, một người dùng tò mò đã bình luận: 'Thức ăn yêu thích của nó là gì?' 'Có phải nó có xu hướng bình tĩnh sau đó rít lên và chộp lấy như một con rùa khi bị khiêu khích', hay 'Bạn có biết giới tính của nó không?'.
Để đáp lại sự tò mò của mọi người, phía các nhà nghiên cứu cũng không ngần ngại khi hồi đáp:
'Chúng tôi không biết loại thức ăn yêu thích của nó là gì, nhưng chắc chắn một điều loài khủng long này ưa thích những loại thực vật mọc gần mắt đất vì chúng không thể vươn cổ lên cao. Hi vọng rằng phân tích dạ dày từ mẫu 'xác ướp' này có thể sẽ cho chúng ta biết được loại thực vật cuối cùng nó ăn trước khi chết là gì'.
'Nó có thể là một loài khủng long di chuyển chậm, nhưng chúng tôi không chắc chúng có tính cách hiền lành hay hung dữ, ngoài ra rất khó để xác định được giới tính của chúng trừ khi tìm được trứng ở bên trong'.
Hình ảnh mô phỏng loài khủng long Nodosaur, chúng được cho là sống cách đây khoảng 110-112 triệu năm, ở cuối kỷ Jura tới cuối kỷ Phấn Trắng tại các khu vực mà ngày nay là Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và Nam Cực.
Câu hỏi về việc làm thế nào mà mẫu 'xác ướp' khủng long này có thể vẫn còn nguyên vẹn như vậy sau hàng trăm triệu năm cho tới nay vẫn chưa có bất kì câu trả lời nào thỏa đáng, mặc dù theo National Geographic, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết về cái chết của sinh vật này, đó là chúng có thể là chết đuối khi bị cuốn trôi ra biển trong trận lũ lớn.
ĐỨC KHƯƠNG
Theo Trí thức trẻ
Tìm thấy lục địa thứ 8 ẩn sâu 1.500km dưới lòng đất ở châu Âu Các lục địa ngày nay trên Trái đất chia tách từ một siêu lục địa mang tên Pangea, cách đây 240 triệu năm. Greater Adria ngày này nằm sâu bên dưới lòng đất ở phía nam châu Âu. Theo Business Insider, Pangea tách thành hai mảng kiến tạo, bao gồm Laurasia ở phía bắc và Gondwana ở phía nam. Mảng kiến tạo hướng...