Qua rồi thời chụp ảnh “phồng mồm, trợn má”
(Dân trí) – Trào lưu “tự sướng” đã nhạt dần, thay vào đó là những trào lưu mới, lành mạnh hơn, thú vị hơn đối với giới trẻ Hà thành. Đó là trào lưu chụp ảnh nghệ thuật studio và chụp ảnh ngoài trời.
Trào lưu chụp ảnh nghệ thuật lên ngôi
Trào lưu “tự sướng” (phồng mồm trợn má, da trắng mịn, mắt long lanh… để tạo dáng chụp ảnh) dường như đã lắng xuống. Thú vui đó dấy lên trong một thời gian dài trong cộng đồng teen đặc biệt trên các forum, blog. Nhưng khi nhà nhà đều sử dụng một mô típ quen thuộc đó, trào lưu “tự sướng” dần trở nên “nhạt” và không được hưởng ứng mạnh mẽ như trước. Giới trẻ gần đây có trào lưu mới: chụp những bộ ảnh mang tính nghệ thuật để lưu lại những khoảnh khắc dấu ấn bên bạn bè, người thân.
Thùy Giang, sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết: “Nhà mình có mở một studio, tận dụng điều đó mình cùng bạn bè tự chụp cho nhau mà không cần đến nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tự tạo những bộ ảnh độc và đẹp cho riêng nhóm mình, không sợ đụng hàng với bất kỳ ai.”
Một nhóm nữ sinh chụp ảnh trong studio.
Video đang HOT
Chụp ảnh ngoài trời – Trào lưu cũ nhưng vẫn tạo cơn sốt
Không chỉ chụp ảnh trong studio, giới trẻ Hà thành cũng thích chụp những bộ ảnh ngoài trời và sau đó chia sẻ hình ảnh với bạn bè qua blog, facebook. Dần dần, bạn bè rủ rỉ tai nhau về những nơi có các cảnh đẹp, tìm tòi và khám phá những không gian lãng mạn, thơ mộng để đặt chân đến pose ảnh (tạo dáng chụp ảnh). Chụp ảnh có background (hậu cảnh) ngoài trời tuy không phải là trào lưu mới mẻ nhưng để chụp được những bức ảnh mang tính nghệ thuật thì cả người chụp lẫn người mẫu đều phải kết hợp sao cho khéo léo, ăn ý từ khâu chọn góc độ, ánh sáng đến khâu thể hiện và bấm máy. Trước khi bấm máy, người chụp phải khéo léo bố cục bức ảnh thật kỹ càng để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo mà không cần đến chỉnh sửa hay cắt cúp.
Gần đây, các bạn trẻ Hà thành rậm rịch kéo nhau đến một số địa điểm có cánh đồng hoa cải như ở chợ Keo, ở bên tả đê Sông Đuống, làng hoa Tây Tựu hoặc ở cầu Thanh Trì… không những để tận mắt chiêm ngưỡng sắc vàng rực cả góc trời nơi đây mà còn để chụp những tấm ảnh mộc mạc, đời thường, vui tươi bên gia đình, người thân, lưu lại những giây phút vô tư, đùa nghịch cùng bè bạn.
Quyên, sinh viên Trường FPT – Arena, chia sẻ: “Mình thích đến những không gian ngoài trời như thế này, vừa yên tĩnh lại thanh bình, mình cảm thấy thoải mái và dễ chịu, tâm hồn thư thái sau kì thi căng thẳng”. Cô bạn hào hứng kể ra một số nơi đã từng “phiêu” và “dạt” đến pose ảnh đó là: cánh đồng lau gần Trường ĐH FPT, vườn hoa Tây Tựu, Viện bảo tàng Dân tộc học, bãi đá sông Hồng. Đó là những nơi có không gian rộng, thoải mái, không khí trong lành để vui chơi, thăm quan.
Teen say mê tạo dáng trong những bức ảnh chụp ngoài trời.
Teen ngày nay thích thể hiện cá nhân mình trước mọi người, nên thích chia sẻ những hình ảnh của mình với bạn bè và với cộng đồng mạng. Chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc, dấu ấn trong quãng đời học sinh, sinh viên là điều mà bất kì teen nào cũng muốn. Nhưng không phải vì thế mà teen lạm dụng nó quá mức để rồi chụp những hình ảnh lố bịch, gây phản cảm. Kỳ nghỉ Tết cổ truyền sắp đến, chắc hẳn nhiều bạn trẻ Hà Thành sẽ lựa chọn những địa điểm lý thú để “pose” ảnh nhiệt tình và cũng là để vui chơi, giải trí sau kỳ thi đầy áp lực.
Bài và ảnh: Chu Việt Nga
Phẫn nộ giới trẻ Hà Thành viết bậy lên tháp cổ
Chỉ còn một năm nữa đại lễ mừng một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được tổ chức. Cả Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng trước thềm đại lễ "ngàn năm tuổi". Thế nhưng trên hai ngôi tháp cổ giữa lòng thủ đô lại tồn tại những "dấu ấn" đáng xấu hổ của một bộ phận các bạn trẻ nhà mình.
Có lẽ, các bạn teen Hà thành đều đã ít nhất một lần đến thăm Hồ Hoàn Kiếm, thăm Đền Ngọc Sơn và chắc hẳn các bạn đều biết đến hai ngôi tháp cổ nằm trong quần thể di tích Hồ Gươm là Tháp Hòa Phong và Tháp Bút. Tháp Hòa Phong được xây bằng gạch mộc nằm trên vỉa hè bờ đông Hồ Gươm. Đây là phần di tích duy nhất còn lại của ngôi chùa Báo Ân nổi tiếng, còn gọi là chùa Quan Thượng dựng đời Minh Mệnh (1842) trên nền cũ của Lầu Ngũ Long trong phủ Chúa Trịnh.
Tầng một có 4 mặt trổ 4 cửa vòm, trên mỗi ngạch cửa ghi: Báo Ân Môn - Báo Nghĩa Môn - Báo Đức Môn - Báo Phúc Môn; Tầng hai, 4 góc xây trụ vuông đặt tượng 4 con nghê, nối liền nhau bằng đường viền hồi văn giao hóa; Tầng ba ghi "Hòa Phong Tháp", trên đỉnh nhô cao trang trí bầu hồ lô.
Cách không xa Tháp Hòa Phong là Tháp Bút được xây dựng dưới thời Tự Đức thứ 18 (1865). Tháp cao năm tầng được dựng trên núi Độc Tôn (còn gọi là núi Ngọc Bội) theo ý tưởng của nhà nho nổi tiếng Nguyễn Văn Siêu. Trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ Tả Thanh Thiên, được hiểu là "viết lên trời xanh". Tháp bút vừa là biểu tượng của văn chương lại vừa là biểu tượng của văn hóa.
Những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử của đất kinh kỳ ấy là niềm tự hào của những người con Hà Nội trong đó có cả teen chúng mình. Thế nhưng, trong những lần dạo chơi bên hồ nhiều teen sẵn bút xóa, bút mực đã thẳng tay "phóng bút" để ghi lại dấu ấn của mình trên hai ngôi tháp cổ.
Bên trong bốn chân cột tháp Hòa Phong bị phủ kín bởi những dòng chữ trắng tinh, các hình vẽ sơn xì với đủ thể loại. Rất nhiều trong số đó có hình trái tim với những dòng chữ như: "Thắng - Ly", "Hoan - Thọ", "Tuấn Love Thủy" rồi "mãi yêu anh", "20-10-08 Đới love Loan chúc cho tình yêu của mình mãi mãi bên nhau"... Cứ thế những câu chữ ấy cứ chằng chịt đè lên nhau với đủ loại màu sắc trắng, đỏ, vàng... khiến mức độ phản cảm tăng lên gấp bội.
Viết bậy trong lòng tháp Hòa Phong
Nét chữ lịch sử bị một số bạn teen bôi bẩn.
Không chỉ có vậy, du khách teen còn thể hiện... cảm xúc cùng những câu chữ nguệch ngoạc như "Nguyệt ơi anh yêu em", "em yêu anh rất nhiều", "Thanh điên ơi! Anh sai rồi!", "em yêu anh Long đen (ốc vít)", "Anh Điệp Anh Vũ đã đến đây chơi"... pha thêm chút cảm xúc bằng những kí tự số chỉ ngày tháng mà chỉ có tác giả mới hiểu nổi! Chân Tháp Bút cũng trong hoàn cảnh tương tự với những dòng bút xóa hay bút mực chằng chịt: "Tôi ước sau này tôi có cuộc sông HP", "ước gì tôi có nhiều tiền để tiếp tục đi học", "con hứa sẽ vượt qua chính mình"...
Khách du lịch nhất là khách du lịch nước ngoài khi đi qua đây mong cảm nhận về vẻ đẹp cổ kính của ngôi tháp; thích thú đi xuyên qua chân tháp cổ; ngắm nghía những dòng chữ, chi tiết hoa văn cổ và chụp ảnh lưu niệm với nụ cười tươi tắn trên môi. Nhưng hầu hết đều phải mắt chữ O, mồm chữ A khi nhìn những dòng chữ viết nhăng nhít, rối mắt quanh tháp. Bức xúc trước những "dấu ấn" mang đậm chất teen, Nguyễn Minh Thái - một học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành cho biết: " Mình nghĩ, các bạn teen có nhiều cách để thể hiện tình cảm của mình chứ không phải bằng cách viết bậy lên di tích".
Teen ngày càng được quyền sáng tạo, thể hiện phong cách và khẳng định cá tính. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là teen được viết bậy "vô tội vạ" ở khắp nơi nhất là trên các điểm di tích lịch sử văn hóa. Các bạn teen hãy góp phần nhỏ vào đại lễ mừng thủ đô ngàn năm tuổi bằng việc không viết bậy bừa bãi và xâm hại đến các di tích lịch sử. Ước chi các teen nhà mình sẽ thể hiện tình cảm của mình một cách lịch sự, văn minh sẽ để lại dấu ấn của mình trên con đường học hành, thi cử chứ không phải lưu "dấu ấn" của mình trên dấu tích của cha ông.