Quá khó để giải mã dữ liệu vệ tinh MH370
Một thời gian dài sau khi máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia mất tích, các nhà chức trách nước này mới tiết lộ những thông tin chưa từng công bố về chiếc Boeing 777 bí ẩn.
Theo CNN, vấn đề là ở chỗ những gì được tiết lộ mang đậm tính kỹ thuật và giới chuyên gia thừa nhận họ phải mất nhiều tuần mới hiểu được nội dung tài liệu này.
Chiến dịch tìm kiếm MH370 đến nay vẫn chưa mang lại kết quả. (Ảnh: Reuters)
Hôm 27/5, các nhà chức trách Malaysia đã công bố tài liệu dài 47 trang chứa hàng trăm dòng ghi tiếp xúc giữa máy bay mất tích và hãng viễn thông vệ tinh Anh Inmarsat. Chúng dày đặc và phức tạp, đến mức ngay cả các nhà chuyên môn cũng cần thời gian thì mới phân tích nổi.
Nhưng có một số thông tin chính nổi lên. Bản dữ liệu bao gồm 7 lần “bắt tay” mà các nhà điều tra nói đã giúp cho họ kết luận rằng máy bay kết thúc hành trình ở phía nam Ấn Độ Dương, nơi mà chiến dịch tìm kiếm hiện nay vẫn đang tiếp tục.
“Bắt tay” là một biệt ngữ mà Inmarsat sử dụng, có nghĩa là một tín hiệu qua lại giữa vệ tinh và máy bay. Vệ tinh phát đi một tín hiệu được mã hóa tới máy bay, về cơ bản nghĩa là “Bạn ở đó chứ?”, và máy bay phát một tín hiệu trả lời “Tôi ở đây”.
Video đang HOT
Tổng giám đốc Rupert Pearce của Inmarsat cho biết, dữ liệu mà chính phủ Malaysia quyết định công bố là “những đoạn ghi liên lạc thông qua mạng lưới của chúng tôi”.
“Đó là toàn bộ thông tin mà chúng tôi có, truyền giữa mạng lưới của chúng tôi và máy bay trong những giờ phút định mệnh khi máy bay mất tích”, ông Pearce nói thêm. “Vì vậy, đó là tất cả, chúng tôi đã công khai hết mọi thứ”.
Sarah Bajc, bạn của hành khách Mỹ Philip Wood trên MH370, nói cô tin rằng các quan chức Malaysia vẫn chưa công bố hết thông tin và cho rằng phía Malaysia nhận được dữ liệu từ Inmarsat nhưng đã gọt giũa trước khi công bố.
Người phụ nữ này cho hay, gia đình nhiều nạn nhân đã thuê chuyên gia phân tích dữ liệu nhưng hiện còn quá sớm để dám chắc liệu họ có thể rút ra được kết luận nào hay không.
MH370 mất tích ngày 8/3 khi đang chở 227 hành khách và 12 thành viên tổ lái hành trình từ Kuala Luampur tới Bắc Kinh. Các hoạt động tìm kiếm đến nay vẫn chưa mang lại kết quả nào.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Nga phóng vệ tinh viễn thông châu Âu từ bệ phóng nổi
Nga đã phóng thành công một vệ tinh viễn thông châu Âu lên quỹ đạo từ bệ phóng nổi trên Thái Bình Dương, sau đợt phóng vệ tinh thất bại trước đó hồi năm 2013.
Bệ phóng vệ tinh trên biển của Sea Launch - Ảnh: spacenews.ru
Tên lửa Zenit-3SL đã rời bệ phóng vào lúc 22 giờ 9 phút ngày 26.5 (giờ GMT, tức 5 giờ 9 phút sáng 27.5 theo giờ Việt Nam) từ bệ phóng Odyssey và vệ tinh đã được đặt vào quỹ đạo sau đó khoảng một giờ, AFP dẫn thông báo của tập đoàn Sea Launch có trụ sở ở Thụy Sĩ, với 95% cổ phần được sở hữu bởi Nga.
"Sea Launch đã đi đúng kế hoạch. Việc kiểm soát (vệ tinh) đã được bàn giao", Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người phụ trách chương trình không gian nước này viết trên Twitter.
Được biết, Sea Launch đã sử dụng bệ phóng đặt ở vùng biển sâu Odyssey để thực hiện các đợt phóng tên lửa thương mại từ năm 1999.
Odyssey được cải tạo từ một giàn khoan dầu, đặt tại khu vực gần đường xích đạo trong vùng biển quốc tế ở Thái Bình Dương.
Việc phóng vệ tinh trên biển gần đường xích đạo sẽ giúp vệ tinh thuận lợi hơn khi bay vào quỹ đạo và tiết giảm nhiều chi phí so với các đợt phóng ở những khu vực khác.
Vào ngày 1.2.2013, tên lửa Zenit-3SL của Nga mang theo một vệ tinh viễn thông Intelsat-27 do Mỹ chế tạo đã rơi xuống Thái Bình Dương ngay sau khi rời bệ phóng Odyssey.
Sau đó, kế hoạch phóng tên lửa Zenit-3SL mang theo vệ tinh Eutelsat 3B do tập đoàn không gian và quốc phòng Airbus dự kiến thực hiện vào ngày 16.4 qua đã bị hoãn lại do phát sinh các sự cố kỹ thuật mới.
AFP dẫn công ty chế tạo tên lửa Energia của Nga cho hay, theo kế hoạch Energia sẽ sử dụng bệ phóng nổi Odyssey để thực hiện 4 đợt phóng tên lửa trong năm 2014 và 5 trong năm 2015.
Trong những năm gần đây, Nga liên tục chứng kiến các thất bại trong ngành công nghiệp vũ trụ của mình, khiến họ mất nhiều vệ tinh cũng như các thiết bị vũ trụ khác.
Vào ngày 16.5 qua, một tên lửa Proton của Nga mang theo vệ tinh viễn thông tiên tiến trị giá hàng chục triệu USD đã rơi trở lại Trái đất chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan.
Hồi tháng 10.2013, Nga đã sa thải Giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) Vladimir Popovkin trước thời hạn sau một loạt đợt phóng tên lửa thất bại cùng các sự cố liên quan khác.
Người đứng đầu mới của Roscosmos là Oleg Ostapenko đã phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho cơ quan này làm một cuộc cải tổ lớn với ngân sách rót thêm hàng tỉ USD.
Theo TNO
Malaysia công bố dữ liệu vệ tinh về MH370 Dữ liệu vệ tinh thô về chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 sẽ được công bố trong hôm nay (27/5), CNN dẫn lời một quan chức Malaysia cho biết. Quyền Bộ trưởng Vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein đã đưa ra bình luận về dữ liệu của công ty vệ tinh Anh Inmarsat khi ông tới một ga mới xây dựng...