Quả cầu phát sáng khổng lồ bay qua trời Nhật Bản
Một quầng sáng đặc biệt và cũng có thể là một ngôi sao băng lớn rực rỡ đã xuất hiện vào rạng sáng ngày Chủ nhật ở miền tây Nhật Bản.
Quả cầu phát sáng khổng lồ bay qua trời Nhật Bản. (Nguồn: NHK news)
Nhiều video về quả cầu khổng lồ phát sáng bay cắt ngang bầu trời tối đen đã được người dùng mạng xã hội Nhật Bản chia sẻ.
Ngoài ra, đà rơi của quả cầu lạ lùng đã được ghi lại trong ống kính camera của kênh truyền hình NHK lắp đặt ở các quận Mie, Aichi và những nơi khác.
Như Giám đốc Cung thiên văn thành phố Akashi ở tỉnh Hyogo tuyên bố với hãng tin Kyodo, quả cầu này có độ rực rỡ vượt hơn cả độ phát sáng của sao Kim, vốn là hiện tượng hiếm khi nhìn thấy.
“Chúng tôi cho rằng quầng sáng của quả cầu này có độ sáng tương đương với lúc trăng tròn”, hãng thông tấn dẫn lời ông Takeshi Inoue.
Cư dân các tỉnh miền Tây Nhật Bản đăng video lên trang cá nhân cũng cho biết, khi quả cầu rơi xuống kéo theo tiếng động ầm vang.
Trước đó vào tháng 7, một ngôi sao băng sáng tương tự đã được quan sát di chuyển từ tây nam sang đông bắc trên bầu trời Tokyo. Sau đó nó được xác định là một thiên thạch sau khi các mảnh vỡ được tìm thấy ở tỉnh Chiba lân cận.
Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản cho biết trung bình mỗi tháng người ta quan sát thấy vài quả cầu lửa, nhưng hiếm khi người ta nghe thấy gì.
Phát hiện siêu lỗ đen "cầm tù" 6 thiên hà
Các nhà khoa học ở Đài Quan sát thiên văn ở phía Nam châu Âu ESO đã quan sát được 6 thiên hà bị 'cầm tù' trong mạng lưới hấp dẫn do một siêu lỗ đen tạo ra.
Cấu trúc này rất lâu đời và rất lớn. Nó hình thành khi vũ trụ mới có tuổi dưới 1 tỷ năm, còn lỗ đen ở trung tâm cấu trúc có khối lượng bằng 1 tỷ lần khối lượng Mặt trời.
Các nhà khoa học ở ESO đã sử dụng Kính viễn vọng cực lớn (VLT - Very Large Telescope) và phát hiện 6 thiên hà nằm xung quanh một siêu lỗ đen. Họ nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên quan sát được một nhóm các đối tượng vũ trụ ở gần nhau và hình thành rất nhanh sau Vụ nổ lớn.
Phát hiện này giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn cơ chế đằng sau hiện tượng siêu lỗ đen có khả năng phát triển nhanh đến kích thước khổng lồ. Phát hiện cũng khẳng định thuyết cho rằng lỗ đen có thể nhanh chóng phát triển trong các cấu trúc giống mạng lưới, chứa một lượng lớn các chất khí.
Nhà thiên văn học Marco Mignoli ở Viện Vật lý thiên văn quốc gia (INAF) ở Bologna (Italy), trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích về mục đích nghiên cứu của cả nhóm như sau: "Động lực chủ yếu thúc đẩy những nghiên cứu của chúng tôi là sự khao khát tìm hiểu một số đối tượng thiên văn khó hiểu nhất - đó là các siêu lỗ đen trong vũ trụ non trẻ. Đây là những hệ thống cực đoan và cho đến nay chúng ta chưa có cách giải thích đúng đắn về sự tồn tại của chúng".
"Mạng nhện" vũ trụ các chất khí do ESA phát hiện kéo dài trên khu vực lớn hơn Dải Ngân hà 300 lần. Bên trong có 6 thiên hà bị "cầm tù" trong mạng lưới hấp dẫn của siêu lỗ đen với khối lượng bằng khoảng 1 tỷ khối lượng Mặt trời. Theo các nhà khoa học, cấu trúc này không chỉ khổng lồ, mà còn rất lâu đời. Ước tính, nó hình thành khi vũ trụ mới có 0,9 tỷ năm.
Hiện nay, người ta cho rằng, những lỗ đen đầu tiên, hình thành do kết quả của sự sụp đổ những ngôi sao đầu tiên, buộc phải phát triển rất nhanh để đạt tới kích thước khổng lồ. Câu hỏi đặt ra là, những lỗ đen đầu tiên lấy "nhiên liệu" từ đâu cho quá trình lớn nhanh này.
Cấu trúc vừa được phát hiện có thể mang lại lời giải thích dưới dạng mạng lưới hấp dẫn và các thiên hà bị "cầm tù" bên trong. Các thiên hà chứa khá nhiều khí, đủ để tạo điều kiện cho lỗ đen phát triển đến kích thước siêu khổng lồ.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng, trước đó chưa có các phát hiện kiểu này là do các hạn chế về quan sát. Cũng có thể còn có nhiều các đối tượng vũ trụ tương tự như vậy, nhưng chúng ta chưa có đủ các công cụ thích hợp để có thể quan sát chúng.
UFO bí ẩn xuất hiện tại Nhật Bản Vật thể không xác định được mô tả giống như quả bóng màu trắng được nhìn thấy lơ lửng ở khoảng cách 11km phía trên bầu trời nước Nhật. Hình ảnh vật thể không xác định trên bầu trời nước Nhật. Một số người cho rằng UFO có vẻ giống với khinh khí cầu thời tiết nhưng cơ quan khí tượng của Nhật...