PYN Elite dồn tiền mua cổ phiếu VietinBank
Sau khi bán MWG, PYN Elite đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu CTG trong danh mục. Cổ phiếu ngân hàng đang là khẩu vị ưa thích của PYN và cũng là những cổ phiếu đang sinh lời cao nhất danh mục.PYN đã mua lại một lượng cổ phần MWG hở room và xác định đây là khoản đầu tư cần nắm giữ.
Tăng mạnh tỷ trọng CTG
Danh mục đầu tư của PYN Elite Fund biến động đáng chú ý khi cổ phiếu VietinBank ( HoSE: CTG ) liên tiếp được tăng tỷ trọng. Cổ phiếu này lần đầu xuất hiện trong top 12 của quỹ Phần Lan vào tháng 11/2019 với tỷ trọng 2,18%. Đến ngày 3/2, CTG chiếm hơn 10,5% giá trị tài sản ròng (NAV) theo dữ liệu Bloomberg.
Dữ liệu cập nhật theo PYN Elite và Bloomberg.
Ngân hàng đang là khẩu vị đầu tư rất được yêu thích của PYN Elite. Theo số liệu của Bloomberg ngày 3/2, hiện 3 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ là TPBank (TPB, tỷ trọng 11,86%), HDBank (HDB, tỷ trọng 11,11%) và CTG. Ngoài ra, PYN Elite còn đầu tư vào Sacombank.
Đợt bán MWG tháng 11/2019 đã giúp lượng tiền mặt của PYN Elite lên mức cao kỷ lục 16% NAV (gần 1.700 tỷ đồng). PYN Elite cho biết sẽ tìm kiếm khoản đầu tư khác để giải ngân và VietinBank chính là khoản đầu tư đó.
VietinBank là một ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhưng giá cổ phiếu vẫn thấp hơn nhiều nếu so sánh với BIDV hay Vietcombank, nhất là giai đoạn “làm sạch” sổ sách kế toán trước đây. “Suốt năm 2019, một cổ đông lớn muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại CTG nhưng giá chào bán quá cao. Giá cổ phiếu CTG giảm trong năm qua trong khi các cổ phiếu BID và VCB lại tăng đáng kể. Điều này đã làm nản lòng người bán và phải thực hiện ở một mức giá hấp dẫn hơn. Chúng tôi là một trong 2 người mua lớn nhất”, PYN Elite viết trong báo cáo gửi nhà đầu tư.
Ngoài giao dịch lớn trên, quỹ ngoại còn mua trực tiếp cổ phiếu CTG trên thị trường vào tháng 12 với mức giá thuận lợi. VietinBank sau đó báo lãi tăng 75% trong năm 2019. Theo dự phóng của PYN, ngân hàng có thể đạt thu nhập 45.000 tỷ đồng và có lợi nhuận 15.000 tỷ đồng năm 2022. Giá trị vốn hóa thị trường sẽ đạt khoảng 200.000 tỷ đồng và PYN kỳ vọng tăng giá với CTG là 110%.
Trong thời gian PYN Elite mua vào, cổ phiếu CTG đã có giai đoạn tăng giá từ vùng đáy năm khoảng 19.000 đồng/cp lên 27.500 đồng/cp, tương ứng tăng 45%.
VietinBank hở room trở lại sau khi IFC bán bớt cổ phần và không còn là cổ đông lớn. Tuy nhiên với việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua vào, tỷ lệ này đến ngày 4/2 là 29,84%. Với mức trần 30%, khối ngoại chỉ còn mua thêm khoảng gần 6 triệu cổ phiếu.
MWG sẽ là khoản đầu tư nắm giữ
Video đang HOT
Theo báo cáo giữa tháng 1 (ngày 15/1), tổng tài sản quản lý của PYN Elite là 410 triệu EUR (10.500 tỷ đồng). Trong đó tỷ trọng tiền mặt giảm xuống còn 11% và tỷ trọng cổ phiếu chiếm 89%. Tỷ trọng tiền mặt có thể xuống thấp khi quỹ công bố các báo cáo cập nhật khác.
Chỉ tính tới 15/1, CTG trở thành ngôi sao mới khi cùng với CII là những khoản đầu tư sinh lời nhất cho quỹ. Cổ phiếu ngân hàng TPBank và HDBank cũng có mức sinh lời cao, trong khi cổ phiếu bất động sản lại thua lỗ.
Những khoản đầu tư sinh lời tốt nhất và kém nhất từ đầu năm 2020.
Mặc dù chuyển nhượng một lượng lớn hồi tháng 11/2019, PYN Elite cho biết đã mua lại một lượng cổ phần khi MWG hở room do phát hành ESOP đầu tháng 1. Quỹ Phần Lan nói rằng MWG hiện chiếm 8,7% và quỹ có thể chuyển nhượng với giá tốt hơn ngoài sàn nhưng đây là khoản đầu tư cần nắm giữ khi vị thế của công ty đang lớn hơn.
Với khoảng đầu tư VEA, công ty công bố lợi nhuận tốt khi tăng trưởng 4%, đồng thời làm sạch nhiều khoản phải thu khó đòi. Trong năm 2019, PYN Elite luôn ở vị thế mua đối với cổ phiếu VEA và quỹ nhận thấy triển vọng tích cực cho sự phát triển của ngành ô tô trong 5 năm tới. VEAM cũng sẽ tăng cổ tức trong những năm tới, hiện tỷ suất cổ tức đã ở mức 9%.
PYN Elite cho rằng thị trường Việt Nam đang bị trì trệ thời gian dài so với các thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, quỹ chỉ ra một số yếu tố có thể thúc đẩy thị trường như chiến tranh thương mại hạ nhiệt, USD không còn tăng giá, lợi nhuận công ty niêm yết Việt Nam vẫn tăng dù thị trường đi xuống, triển vọng tăng trưởng thu nhập tích cực cho ngành ngân hàng và nhiều cổ phiếu đã ở mức quá rẻ, các ETF mới vận hành.
Theo Huy Lê
Người đồng hành
[Góc nhìn] Cổ phiếu 'tốt nhưng rất tiếc' nhìn từ trường hợp của MBB
Dù không nhiều nhưng trên thị trường luôn có những trường hợp như MBB, "tốt nhưng rất tiếc". Chia cổ tức bằng cổ phiếu triền miên nhiều năm (dù xen lẫn hay không xen lẫn cổ tức tiền mặt) là một trong những nguyên nhân khiến thị giá khó tăng.
MBB là "cô gái đẹp" nhưng hai năm qua chưa thể tỏa sáng
Giống như nhiều cổ phiếu khác trong giai đoạn tích lũy, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng dao động lên xuống trong khoảng 2 năm qua. Ngưỡng cản khó vượt của MBB là mốc 24.000 đồng/cổ phiếu.
Giới đầu tư thường ví MBB như một "cô gái đẹp" và dù cho có những nghi ngại nhất định liên quan đến triển vọng của Mcredit, số liệu tài chính năm 2019 một lần nữa củng cố "nhan sắc" của cổ phiếu này.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, năm 2019, MB đạt lợi nhuận trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018.
Trong top 3 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, MB là ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất. Còn so với top 3 ngân hàng quốc doanh niêm yết, tăng trưởng lợi nhuận của MB cũng nhỉnh hơn, chỉ thua trường hợp đặc biệt VietinBank - vốn ghi nhận nền lợi nhuận thấp đột biến năm 2018.
Thống kê cho thấy 5 năm trở lại đây, lợi nhuận của MB đã tăng bình quân 27,7%/năm. Nếu xét 3 năm, mức tăng lên đến 41,3%/năm.
Giai đoạn 2019 - 2024, mục tiêu của MB là đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 20%/năm, nghĩa là sau 5 năm, quy mô lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng gấp khoảng 3 lần.
Đây đều là mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của các ngân hàng top trên.
Tính toán của VietnamFinance cho thấy, năm 2019 là năm kỷ lục của MB trong việc xóa nợ xấu bằng dự phòng, cao hơn hẳn năm 2018 cũng như các năm trước đó.
Diễn biến này gợi mở hai hướng: hoặc là danh mục tài sản của MB đang thay đổi theo hướng rủi ro hơn (đi kèm với tỷ suất sinh lời tốt hơn) khiến ngân hàng này phải xử lý nhiều nợ xấu; hoặc là MB đang mạnh tay dọn dẹp nợ xấu trong năm 2019, cũng nghĩa là sẽ có dư địa giảm tỷ lệ trích lập dự phòng trong một vài năm tới.
Dù thế nào, MB vẫn giữ nguyên tắc an toàn. Nợ xấu chốt năm 2019 chỉ ở mức 1,16%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây bất chấp nay phải gánh thêm nợ xấu từ công ty tài chính MB Shinsei (thương hiệu Mcredit). Nếu chỉ tính ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu thậm chí dưới 1%.
Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao: 110%.
Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm ở mức cao, cơ cấu tài sản an toàn, còn nhiều dư địa để tăng trưởng và tăng vốn, định giá "thấp" so với mặt bằng chung cả về P/E lẫn P/B... nhưng "cô gái đẹp" MBB vẫn chưa thể "tỏa sáng", vì sao?
Dù không nhiều nhưng trên thị trường luôn có những trường hợp như MBB, "tốt nhưng rất tiếc". Nhìn chung, vấn đề là nằm ở cán cân cung - cầu.
Như trường hợp của MBB, hàng năm vẫn đều đặn chia cổ tức bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu với tỷ lệ cao (năm 2018, tổng tỷ lệ cổ tức 14%, gồm 6% bằng tiền mặt và 8% bằng cổ phiếu).
Không cổ đông nào có thể chê trách tỷ lệ cổ tức trên. Tuy nhiên, cách chia cổ tức này lại đều đặn cung cấp ra thị trường một lượng cổ phiếu không nhỏ mà tích lũy nhiều năm sẽ tạo ra một lượng cổ phiếu lớn trôi nổi trên thị trường.
Đang có một lượng lớn cổ phiếu MBB trôi nổi trên thị trường do tích lũy lại từ nhiều đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu
Cung nhiều, nhưng cầu lại bị hạn chế, bởi quy mô dòng tiền nội chưa thực sự lớn cộng với tâm lý giao dịch bị chi phối bởi các nhà đầu tư cá nhân ngắn hạn nên dòng tiền này thường luân chuyển đến các cổ phiếu "hot", hiếm khi đủ lực để tập trung vào các "cô gái đẹp" như MBB.
Trong khi đó, dòng tiền ngoại lại không thể "bồi thêm" được do room ngoại đã đầy. Thực tế thì MBB vẫn còn khá nhiều room ngoại so với mức trần (đến thời điểm hiện tại còn hơn 9%) nhưng ngân hàng này giữ lại để phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao hơn thị giá, nhằm mục đích tăng vốn.
Nhưng "cao hơn thị giá" không có nghĩa là mức giá huy động được là xứng đáng với giá trị của doanh nghiệp. Như trường hợp của BID hay VCB, trước và trong mỗi đợt bán vốn, giá cổ phiếu đều tăng cao, buộc các đối tác nước ngoài nếu muốn sở hữu thì trả giá cao hơn rất nhiều so với mức giá trao tay trước đó.
Việc giá cổ phiếu tăng cao trên thực tế cũng tạo sức hút đối với không ít nhà đầu tư nước ngoài. Lại lấy ví dụ BID và VCB, sau khi trả mức giá tưởng là cao thì giá các cổ phiếu này lại tiếp tục tăng cao hơn nữa, giúp các đối tác nước ngoài tạm lãi đậm dù chỉ mới đầu tư.
Dù cho có là "trao nhau hòn than hồng" thì với giới đầu tư, rủi ro luôn là điều hết sức bình thường, quan trọng là chốt thương vụ, họ được lợi.
Với trường hợp của MBB, nếu muốn tạo nền thị giá cao trong tương lai, làm tiền đề bán vốn hiệu quả hơn, phương án chia cổ tức có lẽ nên được điều chỉnh lại theo hướng chỉ chia bằng tiền, có thể nâng thêm khoảng 0,5-1% (ước lượng cho thấy nếu xét trong 5 năm, lượng tiền mà MB phải bỏ ra để thực hiện phương án chia cổ tức bằng cả tiền mặt tỷ lệ 6% lẫn cổ phiếu tỷ lệ 8% bằng lượng tiền bỏ ra để thực hiện phương án chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%).
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Bán thêm hàng chục triệu cổ phiếu, nhóm IFC không còn là cổ đông lớn của VietinBank Hồi tháng 9/2018, hãng tin Bloomberg cho biết, IFC đã làm việc với một nhà tư vấn về khả năng bán hơn 8% cổ phần tại VietinBank, nghĩa là thoái toàn bộ vốn. Bán thêm hàng chục triệu cổ phiếu, nhóm IFC không còn là cổ đông lớn của VietinBank Nhóm IFC, bao gồm Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - International...