PVN “kêu” khó khăn do giá dầu giảm sâu
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn PVN 9 tháng ước đạt 318 nghìn tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch 9 tháng và 62% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước bằng 81% kế hoạch, trong khi giá dầu 9 tháng chỉ bằng 70% so với mức giá kế hoạch.
(Ảnh minh hoạ).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có báo cáo sơ kết kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2016 cho biết, giá dầu giảm sâu từ cuối 2014 và tiếp tục ở mức thấp kéo dài đến nay đã không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng đến nguồn lực của Tập đoàn trong năm 2015 và 9 tháng qua đầu năm nay.
“Giá giảm sâu đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tìm kiếm thăm dò, gây khó khăn cho việc gia tăng sản lượng khai thác dầu khí trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Trên thế giới, từ năm 2015 đến nay đã có nhiều công ty dầu khí lâm vào khủng hoảng, có nguy cơ phá sản. Hầu hết các công ty dầu khí trên thế giới đều phải cắt giảm đầu tư 15-30% so với những năm trước đây”, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến hết tháng 9/2016, sản lượng khai thác dầu của PVN ước đạt 12,93 triệu tấn. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 9 tháng ước đạt 318 nghìn tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch 9 tháng và 62% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước bằng 81% kế hoạch, trong khi giá dầu 9 tháng chỉ bằng 70% so với mức giá kế hoạch (42/60 USD/thùng).
Trong khi đó, việc thu hút đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; công tác tìm kiếm thăm dò vùng nước sâu xa bờ còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi chi phí cao hơn so với trước đây, nguồn vốn và kinh nghiệm tìm kiếm thăm dò tại vùng nước sâu còn hạn chế, những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.
Để khắc phục, PVN cho biết đã tập trung lựa chọn và triển khai các giếng khoan tìm kiếm thăm dò thẩm lượng có tính khả thi cao, thực hiện rà soát tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến sản lượng khai thác dầu khí năm 2016 để có giải pháp ứng phó kịp thời. Rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành khai thác dầu khí. Cân đối sản lượng khai thác ở những lô/mỏ để đạt được mục tiêu khai thác dầu trong nước cả năm 2016.
PVN cũng dự định đưa các công trình khai thác mới đi đúng và sớm hơn tiến độ cùng với việc tiếp tục khoan phát triển, đan dày tại các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Thỏ Trắng, Hải Thạch – Mộc Tinh, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Tê Giác Trắng… cùng với công tác quản lý, tối ưu khai thác mỏ đạt hiệu quả cao, giảm thời gian dừng sản xuất tại các mỏ.
Công trình RC-9 mỏ Rồng đã được đưa vào khai thác trong tháng 6, sớm hơn kế hoạch. Trong 3 tháng cuối năm, dự kiến các mỏ Thiên Ưng, Sư Tử Trắng được đưa vào khai thác.
Ngoài ra, giữa năm 2016, Chính phủ giao cho PVN khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Theo PVN, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc có thêm 1 triệu tấn dầu sẽ mang lại cho ngân sách khoản thu khoảng 350 triệu USD.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2015 của PVN, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 2015 của Tập đoàn đạt 30.695 tỷ đồng, giảm 12.216 tỷ đồng, tương ứng 28,5% so với năm 2014. Giá dầu sụt giảm mạnh chính là nguyên nhân khiến doanh thu đi lùi, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận. Doanh thu năm 2015 tại PVN đạt 293.440 tỷ đồng, giảm 79.967 tỷ đồng (tương đương 3,6 tỷ USD) so với năm 2014.
Video đang HOT
Giá dầu lao dốc đã làm giảm doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng của Petro Vietnam. Doanh thu và lợi nhuận của Petro Vietnam giảm liên tục trong những năm gần đây. Năm 2016, Tập đoàn đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm xuống 18.000 tỷ đồng, doanh thu đạt 440.000 tỷ đồng. Khối lượng dầu khai thác quy đổi dự kiến là 16-20 triệu tấn.
Phương Dung
Theo Dantri
Thoát cấm vận, Iran thành rốn hút đầu tư quốc tế
Được bỏ lệnh cấm vận quốc tế, Iran có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu dầu, đón nguồn vốn đầu tư của hàng loạt tập đoàn quốc tế lớn.
Ngành dầu mỏ của Iran đã thoát cấm vận và tăng mạnh công suất. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, chính quyền Tehran đã ra lệnh tăng mạnh công suất khai thác dầu từ thứ hai vừa qua, nhằm tranh thủ việc các lệnh cấm vận quốc tế vừa được dỡ bỏ. Một số công ty nước ngoài cũng nhanh chóng chốt đơn đặt hàng với nhà cung cấp Iran, sau nhiều năm cường quốc dầu mỏ Trung Đông này bị cô lập.
Các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ trong khuôn khổ thỏa thuận lịch sử giữa Iran và các cường quốc thế giới, để đổi lại việc Iran ngừng chương trình năng lượng nguyên tử, theo cách mà Tổng thống Mỹ Barack Obama tin rằng sẽ khiến Cộng hòa Hồi giáo Iran không thể chế tạo bom hạt nhân.
"Chúng tôi sẽ cam kết tuân thủ thỏa thuận hạt nhân chừng nào phía bên kia cũng làm vậy", Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố hôm 18/1. Ông cũng khẳng định quốc gia của mình "cam kết cả về mặt đạo đức và tín ngưỡng sẽ không tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Thỏa thuận đã nối lại khả năng tiếp cận của Iran với hàng chục tỷ USD tài sản từng bị phong tỏa, khơi thông lại dòng vốn đầu tư nước ngoài, cùng hoạt động xuất khẩu dầu ra thị trường thế giới.
Thứ trưởng Dầu mỏ Iran Rokneddin Javadi ngày 18/1 khẳng định Iran có thể tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày, và "lệnh tăng sản lượng đã được đưa ra hôm nay".
Các lệnh cấm vận trước khi bị dỡ bỏ hồi cuối tuần từng khiến sản lượng dầu xuất khẩu của Iran sụt xuống chỉ còn hơn một triệu thùng/ngày, bằng một phần ba so với mức đỉnh điểm năm 2011, trước khi nước này bị cấm vận.
Việc các lệnh cấm vận được dỡ bỏ đã mở ra cơ hội kinh doanh cho một loạt lĩnh vực, từ hàng không cho tới viễn thông. "Iran là một thị trường khổng lồ trong tầm ngắm của chúng tôi", Kaan Terzioglu, người điều hành mạng di động lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định trong cuộc phỏng vấn vớiReuters.
Ông khẳng định Iran có thể là thị trường mục tiêu khi công ty mình tìm kiếm đối tượng để thâu tóm trong khu vực. "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ thị trường Iran và liên lạc với mọi nhà mạng cố định cũng như di động".
Tầng lớp trung lưu mới
Dennis Nally, chủ tịch toàn cầu hãng kiểm toán và tư vấn PricewaterhouseCoopers, nhận định rằng nhiều khách hàng đang quan tâm tới cơ hội tại Iran. "Không có nghi ngờ gì việc ngành năng lượng, các ngành liên quan đến năng lượng và cơ sở hạ tầng sẽ được lợi lớn. Nhưng những ngành khác như bán lẻ cũng hưởng lợi, với tiềm năng tạo ra một tầng lớp trung lưu mới", ông Nally nói.
Kinh tế Iran được kỳ vọng sẽ sớm cất cánh. Ảnh: YnetNews
Một số doanh nghiệp Đức nằm trong nhóm những người đầu tiên đánh tiếng muốn tăng cường hoạt động làm ăn với Iran. Chính phủ Đức cho biết có kế hoạch khôi phục bảo lãnh xuất khẩu cho các công ty Đức muốn làm việc này.
Hãng ôtô Daimler cho biết đã gửi thư ngỏ thành lập liên doanh với các đối tác Iran để quay trở lại thị trường nước này, nơi mỗi năm từng tiêu thụ tới 10.000 xe. Đối thủ của họ là Audi cũng tiết lộ đã cử đại diện tới Iran để bàn thảo "tiềm năng ngày một lớn cho các loại xe hạng sang".
Herrenknecht, một công ty xây dựng đường hầm của Đức từng tham gia thi công tuyến tàu điện ngầm Tehran những năm 1990, hy vọng Iran sẽ mở thầu các dự án mới để họ có thể trở lại.
Commerzbank, ngân hàng lớn thứ hai của Đức, cũng cho biết họ đang cân nhắc khả năng trở lại thị trường Iran. Tuyên bố này rất đáng chú ý, bởi chỉ chưa đầy một năm trước, họ đã chấp thuận nộp phạt 1,45 tỷ USD cho giới chức Mỹ do vi phạm các lệnh cấm vận có liên quan đến Iran.
Một loạt các công ty khác tại Thụy Sĩ, Anh hy vọng gia nhập ngành bảo hiểm và hàng không Iran. Nga hiện đang nóng lòng bán trực thăng quân sự và tăng cường xuất khẩu bột mỳ. Công ty nhôm quốc gia NALCO của Ấn Độ cho biết sẽ sớm điều một nhóm tới Iran để khảo sát địa điểm đặt khu sản xuất liên hợp trị giá hai tỷ USD, nhằm tận dụng nguồn khí đốt rẻ và sẵn có tại đây.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha thì cho biết đang thảo luận với Tehran về việc xây dựng một nhà máy lọc dầu do Iran sở hữu, tại mũi phía nam của Tây Ban Nha. Trong khi đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thăm cả Iran và Arab Saudi trong tuần này.
Thỏa thuận hạt nhân đã giúp dỡ bỏ những rào cản gây tổn hại lớn cho kinh tế Iran suốt thập kỷ qua, mà ảnh hưởng nặng nhất là ngành ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, thương mại, vận tải và mua sắm công nghệ.
Diễn biến này sẽ giúp Iran có thể đáp ứng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ bị dồn nén lâu nay, suốt thời gian nước này gặp khó khăn trong việc mua hàng với giá hợp lý trong điều kiện bị cấm vận, từ máy bay, tới máy móc sản xuất, dược phẩm và hàng tiêu dùng.
Bộ trưởng giao thông Iran hồi cuối tuần từng khẳng định nước này có ý định mua 114 máy bay dân dụng từ Airbus, trong thương vụ có trị giá ước tính hơn 10 tỷ USD. Dù vậy Airbus hôm thứ bảy cho biết vẫn chưa đàm phán với Iran.
Cơ hội và rủi ro
Thâm nhập thị trường Iran dù vậy không phải không có rủi ro. Các ngân hàng địa phương hiện chìm trong nợ nần, hệ thống pháp luật sơ khai, nạn tham nhũng vẫn tồn tại, còn thị trường lao động kém linh hoạt. Nhiều công ty nước ngoài sẽ tiếp tục e ngại các lệnh cấm vận có thể khiến họ "mang vạ" nếu Tehran sau này bị phát hiện vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
"Rất nhiều công việc đã được thực hiện để đạt được những gì chúng ta đang có. Trong tương lai còn cần thêm những nỗ lực tương tự và lâu dài", lãnh đạo cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hợp Quốc Yukiya Amano khẳng định trong một chuyến thăm Tehran. "Chúng ta phải duy trì động lực".
Các công ty Mỹ dường như sẽ bị các đối thủ từ các quốc gia khác bỏ lại trong nỗ lực khôi phục thương mại với Iran, do Washington đã áp đặt các lệnh cấm vận đơn phương với Iran liên quan đến các vấn đề tài trợ khủng bố và nhân quyền.
Nhưng các hoạt động kinh doanh của Mỹ với Iran có thể vẫn tăng, sau khi Bộ Tài chính Mỹ ngày 17/1 tuyên bố sẽ cho phép công ty con tại nước ngoài của các tập đoàn nước này giao dịch với Iran. Đây là một kênh mà nhiều tập đoàn đa quốc gia có thể khai thác.
Ngay cả khi không có các lệnh cấm vận, Iran vẫn là một mảnh đất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, do các vấn đề như tham nhũng và rửa tiền, ông Adam M. Smith, một cựu cố vấn cấp cao Bộ Tài chính Mỹ, nhận định. "Đó không phải một nơi thực sự minh bạch", vị luật sư tại công ty Gibson, Dunn & Crutcher LLP cho biết.
Một số công ty Mỹ có lẽ sẽ đợi cho tới khi biết được quan điểm đối với vấn đề Iran của tổng thống Mỹ kế tiếp. Nhiều người còn lo ngại về "rủi ro danh tiếng", hoặc nguy cơ đối diện với "hành động pháp lý" từ phía các cổ đông hoặc các nhóm vận động hành lang nếu họ đầu tư tại Iran.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi cuối tuần qua Mỹ đã áp đặt những trừng phạt mới đối với 11 công ty và cá nhân là nhà cung cấp cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, dù Washington đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến hạt nhân, và trao đổi tù nhân với Iran.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Nga-Saudi Arabia giám sát thị trường dầu: Người quyết định giá? Nếu cơ chế của nhóm giám sát chung hoạt động tốt, họ có thể tác động mạnh mẽ, thậm chí là người quyết định giá dầu của thế giới trong tương lai. Đó là nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) trước trước thông tin...