PV-Mobile Banking ra mắt tính năng mới xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường
Với những tính năng nâng cao mang tính tiên phong, Dịch vụ Ngân hàng số PV-Mobile Banking của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) sẽ mang tới nhiều trải nghiệm mới mẻ, tiện ích cho khách hàng trong bối cảnh giao dịch không tiền mặt đang dần trở nên phổ biến.
PVcomBank là ngân hàng đầu tiên triển khai tính năng hiển thị chi tiết thông tin từng giao dịch trên ứng dụng PV-Mobile Banking
Theo đó, trong xu hướng số hóa các sản phẩm tài chính, PVcomBank đã xây dựng ứng dụng PV-Mobile Banking giúp khách hàng thường xuyên có những trải nghiệm mới, thuận lợi khi giao dịch. Ứng dụng được PVcomBank thường xuyên nâng cấp, giúp khách hàng thoải mái trải nghiệm những tính năng giao dịch siêu ưu việt, tiên phong trên thị trường chỉ với một lần đăng nhập.
Với mục tiêu nâng cao hành trình trải nghiệm của khách hàng, ứng dụng PV-Mobile Banking cho phép hiển thị chi tiết thông tin từng giao dịch chuyển đến và chuyển đi gồm: tên người chuyển, số tiền, số tài khoản, nội dung chuyển khoản… Đặc biệt, đây là tính năng lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, và PVcomBank là ngân hàng tiên phong triển khai tính năng này trên ứng dụng PV-Mobile Banking, giúp việc quản lý thông tin giao dịch được nâng lên tầm cao mới. Sự minh bạch và rõ ràng về thông tin chuyển – nhận sẽ giúp chủ tài khoản dễ dàng hoạch toán được nguồn tiền, tránh phải mơ hồ nếu người chuyển không ghi rõ nội dung.
Cùng với đó, PV-Mobile Banking còn được nâng cấp giúp người dùng sao kê giao dịch trong 03 tháng bất kì của 02 năm gần nhất thay vì chỉ có thể sao kê trong vòng 01 năm trở lại như trước đây. Nhờ đó, khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức trong việc đối chiếu giao dịch mà không cần tới trực tiếp quầy giao dịch.
Ngoài ra, PV-Mobile Banking cũng thêm mới tính năng lưu và chia sẻ màn hình giao dịch thành công, rút ngắn các thao tác, tiết kiệm thời gian. Theo đó, khi cần xác nhận giao dịch, thay vì phải chụp lại màn hình, lưu vào abum ảnh trong điện thoại mới gửi được cho người nhận, giờ đây, khách hàng có thể dễ dàng lưu hoặc chia sẻ ngay tới người nhận.
Khi có nhu cầu đăng ký nhận thông báo biến động số dư qua SMS hoặc ứng dụng PV-Mobile Banking, khách hàng hoàn toàn chủ động thực hiện mà không cần phải trực tiếp tới quầy giao dịch. Đặc biệt, PV-Mobile Banking cho phép khách hàng có thể xem biến động số dư ngay cả khi chưa đăng nhập.
Có thể nói, với những tính năng được nâng cấp như trên, việc quản lý thông tin giao dịch chưa bao giờ trở nên đơn giản, dễ dàng và được nâng tầm trải nghiệm đến như vậy. Kể từ khi chính thức ra mắt trên thị trường, ứng dụng PV-Mobile Banking của PVcomBank đã nhận được nhiều phản hồi và tin tưởng của khách hàng bởi giao diện bắt mắt, thân thiện, các tính năng thường xuyên được đổi mới và nâng cấp, mang đến những trải nghiệm mới mẻ.
Đối với PVcomBank, mỗi trải nghiệm dù là nhỏ nhất cũng cần được hoàn thiện để mang tới sự tiện ích tối đa cho khách hàng, mỗi thao tác được giản lược, mỗi tiện ích tra cứu được cộng thêm sẽ tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh. Ở đó, mỗi điểm chạm đều mang tới sự hài lòng. Bởi vậy, từ những thay đổi nhỏ như: sự hiển thị của giao diện, mỗi tính năng cũng đều được đội ngũ chuyên gia thiết kế sản phẩm tại PVcomBank đầu tư phân tích, nghiên cứu, đánh giá và đưa ra giải pháp tối ưu.
Cho đến nay, PV-Mobile Banking vẫn không ngừng được nâng cấp và chia sẻ về điều này, đại diện của PVcomBank cho biết: “Tập trung nâng cao hành trình trải nghiệm của khách hàng tại tất cả các điểm chạm trên cả kênh số và truyền thống là mục tiêu chiến lược của PVcomBank. Việc tiên phong cập nhật và ứng dụng yếu tố công nghệ vào các sản phẩm dịch vụ mà ứng dụng PV-Mobile Banking là một trong những kế hoạch trọng điểm – sẽ giúp PVcomBank hoàn thiện chuỗi sản phẩm, dịch vụ, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường”.
Lương 20 triệu vẫn nợ 200 triệu, người trẻ hiện đại đã bị thẻ tín dụng chi phối như thế nào?
Về bản chất, tiêu dùng sẽ không hủy hoại những người trẻ tuổi. Điều thực sự hủy hoại họ là những ham muốn vô tận, không giới hạn.
Những ngày nghỉ dịch thế này, dù luôn miệng kêu nghèo đói nhưng tình trạng chung của rất nhiều người là giỏ hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử vẫn chất đầy. Ở nhà không có gì làm nhưng sáng sáng chiều chiều, những cuộc điện thoại gọi xuống nhận hàng vẫn tới đều đều. Và đương nhiên, tới cuối tháng tổng kết chi tiêu, con số đã bỏ ra vẫn khiến người ta "xỉu up xỉu down" nhiều lần.
Nhìn thấy dòng tin nhắn: "Xin chào quý khách, thẻ của quý khách đã được chốt sao kê. Quý khách sẽ nhận được email sao kê trong một vài ngày tới. Vui lòng thanh toán dư nợ ABCXYZ, tối thiểu abcxyz trước 17h ngày/ tháng..." , thừa nhận đi, có bao giờ bạn muốn giả mù giả điếc tạm thời không? Nhưng chấp nhận thôi, bởi rõ ràng dù muốn hay không, rất đông người trẻ hiện tại đang bị thẻ tín dụng chi phối và điều khiển một cách rõ rệt.
01
Chi tiêu trước - trả tiền sau rất khó để thoát khỏi cạm bẫy của "cái nghèo vô hình"
Một khảo sát cũ các dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam cho thấy đại bộ phận giới trẻ đều rất hào hứng với dịch vụ cho vay của ngân hàng. Theo kết quả nghiên cứu, 89% người trẻ sở hữu các thẻ tín dụng so với 40% của những người trên 30 tuổi. Các loại hình dịch vụ ngân hàng từ xa, điển hình là E-Banking (kiểm tra tài khoản, chuyển khoản, gửi tiết kiệm trực tuyến), hay mua hàng trên mạng với thẻ tín dụng hoặc bằng PayPal, thì có đến hơn 75% khách hàng dưới 35 tuổi.
Video đang HOT
Xa xa hơn ở nước Mỹ, số liệu của Viện Pew cho biết 69% số người được hỏi thừa nhận tín dụng là điều tất yếu trong cuộc sống của họ dù mọi người không thích chúng. Thậm chí 68% nhận định những khoản vay và các thẻ tín dụng đã cho họ thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Con số này ở nước bạn Trung Quốc cũng không khác là bao. Trong một báo cáo do Alipay công bố, thế hệ 9X và 10X đang phát triển một thói quen tiêu dùng tín dụng mới. Thống kê cho thấy trong số 170 triệu người trẻ thì 45 triệu người đã tiếp cận các dịch vụ tín dụng. Trung bình, 4 người trẻ thì có 1 người dùng thẻ tín dụng để chi tiêu.
Linh - một người bạn tôi quen chính là tín đồ của thẻ tín dụng như vậy. Linh đã tốt nghiệp được 3 năm, hiện đang giám sát kỹ thuật với mức lương 20 triệu đồng. Thu nhập thế này dù ở thành phố mà có kế hoạch chi tiêu cẩn thận thì vẫn tiết kiệm được đôi chút.
Lúc mới ra trường, lương tháng của Linh là hơn 10 triệu. Khi đó, để tiết kiệm, Linh và một vài người bạn ở chung một căn chung cư mini 3 phòng ngủ với giá thuê 7 triệu, tất cả chia đều tiền nhà. Linh ít khi ăn ngoài mà thường tự đi chợ nấu ăn. Dù chi tiêu có phần eo hẹp nhưng 10 triệu đồng vẫn đủ để Linh trang trải chi tiêu hàng ngày.
Trong khi đó, dù hiện tại lương tăng gấp đôi nhưng Linh lại luôn cảm thấy tiền không đủ tiêu. Chốn công sở lắm đàn bà con gái, ai ai cũng ngầm có chút so sánh cạnh tranh trong lòng. Ai dùng nước hoa hiệu nào, son môi hiệu nào, quần áo hiệu nào, mọi người đều phải lôi ra bàn tán chút ít.
Linh cho rằng con gái ấy mà, tuổi trẻ ngắn ngủi, phải biết chăm chút ăn diện một chút mới xứng đáng với bản thân. Và thế là nó bắt đầu sống một cuộc sống không tương xứng với mức thu nhập của mình.
Cứ thế, mỗi tháng nó đều tốn rất nhiều tiền cho cái gọi là phí tân trang. Rồi nó học theo xu hướng hưởng thụ, nghỉ 2-3 ngày cũng phải sắp xếp đi chơi xa, du lịch đây đó cho bằng bạn bằng bè. Lần mới nhất gặp Linh, tôi thấy nó trang điểm rất xinh, tay cầm chiếc túi hàng hiệu mà tôi cũng không dám đoán giá. Trước khi ra về, nó còn không quên lôi hộp phấn và thỏi son trông có vẻ cũng rất đắt ra tút tát lại.
Gia cảnh nhà Linh như tôi biết thì bình thường thôi, không ai có tiền bỏ ra nuôi nó như thế, đồng lương của nó cũng không thể đáp ứng được mức sống như vậy. Chính bởi thế, mọi khoản chi tiêu vượt mức của Linh đều được lấp đầy bằng thẻ tín dụng và các khoản vay thấu chi. Thu nhập 20 triệu, nợ cả 200 triệu, càng thiếu tiền càng tiêu, càng tiêu càng thiếu tiền.
Linh, giống như rất nhiều nhân viên văn phòng khác, nhìn vẻ ngoài có vẻ rất hào nhoáng, nhưng thực tế lại rất nghèo. Dùng một từ thông dụng hơn để miêu tả, thì chính là "nghèo vô hình". Họ có thể đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, xài mỹ phẩm cao cấp, xách túi hàng hiệu, du lịch khắp nơi nhưng họ không có nhà, không có tài sản, chỉ có nợ và nần.
Nói một cách đơn giản, họ là sự kết hợp giữa giai cấp tư sản và giai cấp bần nông. Sau khi làm việc chăm chỉ để được thăng chức và tăng lương, họ tiếp tục nâng cấp mức tiêu dùng của mình, và cuối cùng nhận thấy rằng mặc dù thu nhập của họ đã tăng lên rất nhiều nhưng vẫn rất khó để tiết kiệm tiền.
Trước đây, Linh không nghĩ tới việc chi tiêu trước trả tiền sau có gì không ổn. Dù sao thì thứ cần hưởng thụ cũng đã hưởng thụ rồi, bản thân còn trẻ và năng lực còn được nâng cao, kiếm tiền không phải vấn đề. Nhưng khi đến ngã rẽ của sự nghiệp và cần phải có những lựa chọn mới, Linh mới nhận ra rằng biết tiết kiệm quan trọng như thế nào.
Cách đây một thời gian, công ty của Linh bất ngờ cho nghỉ việc một loạt nhân viên. Linh - người hôm trước vẫn còn tăng ca đến khuya, sáng hôm sau đã nhận được thông báo sa thải và ký cam kết nghỉ rồi rời đi vào buổi chiều.
Mọi thứ đến quá nhanh. Vì không có tiền tiết kiệm mà vẫn mang trên mình đống nợ, Linh lo lắng không ngủ được. Sau khi nộp hồ sơ một vài nơi nhưng không thấy hồi âm, trong lúc hoang mang, Linh chọn apply vào vị trí do một người bạn giới thiệu với mức lương thấp hơn hẳn công việc lúc trước.
Linh tâm sự: "Không có tiền thì không dám tính chuyện đường dài được đâu mày. Trước hết là phải đối phó với khủng hoảng trước mắt đã, công việc tử tế thì đành gác lại một thời gian thôi".
Trong kinh tế học có một khái niệm gọi là "hiệu ứng chốt hãm ngược" (hay "hiệu ứng bánh cóc). Đây là một lí thuyết của Keynes cho rằng một khi giá đã tăng theo mức tăng của tổng cầu, thì chúng luôn luôn không đảo ngược khi nhu cầu đó giảm. Cụ thể hơn là khi một người biến mức tiêu dùng đến một định mức nhất định thì mức đó luôn luôn có xu hướng tăng lên chứ không bao giờ giảm xuống.
Và nói dễ hiểu hơn nữa chính là đang sống tiết kiệm, đơn giản mà chuyển sang sống xa hoa, giàu có thì dễ chứ đã sống cuộc sống xa hoa giàu có rồi mà chuyển về cuộc sống tiết kiệm là cực kì khó khăn.
Tôi đã gặp rất nhiều người giống như Linh, những người không thể bình tĩnh đối phó với những khủng hoảng trong cuộc sống hoặc công việc chỉ vì không dự trữ kinh tế. Họ dành sức lực đáng lẽ phải dành cho sự phát triển bản thân để tạo ra một "cuộc sống đủ đầy" giả tạo. Bề ngoài là những năm tháng êm đềm, nhưng thực tế lại nghèo khó. Không thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến tiền bạc, họ rơi vào cái bẫy của "cái nghèo vô hình" và khó có thể tự giải thoát cho mình.
Trong xã hội kinh tế, dòng chảy của tiền bạc ở khắp mọi nơi. Quan điểm của một người về tiền bạc là thế giới quan của họ. Chỉ khi chúng ta xử lý được mối quan hệ với tiền bạc, chúng ta mới có đủ năng lượng để hòa nhập với thế giới một cách hài hòa hơn.
02
Tư duy tài chính có thể tạo ra thế giới khác biệt trong tích lũy tài sản
Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao nhiều người có khả năng kiếm tiền như nhau nhưng sau vài năm, tích lũy của cải của họ lại có sự chênh lệch rất lớn? Một trong những yếu tố then chốt nhất ở đây là lỗ hổng trong tư duy tài chính của từng cá nhân.
Nhiều bạn trẻ cho rằng "tiết kiệm tiền không quan trọng, kiếm được nhiều hơn mới đáng tin cậy". Nhưng đối với hầu hết những người bình thường, nếu bạn không thể sở hữu sự giàu có thông qua việc thừa kế giữa các thế hệ, thì bước đầu tiên để sở hữu sự giàu có một cách dễ dàng thường là bắt đầu với việc "tiết kiệm tiền".
Thu nhập chỉ vài triệu bạc mà phải trả tiền nhà, tiền ăn tiền uống thì cuối tháng chẳng còn được mấy đồng. Thế nhưng một khi bạn đã có kế hoạch tích trữ những khoản tiền nhỏ này một cách có ý thức và có hệ thống, bạn đã có cho mình một tư duy quản lý tài chính đơn giản. Điều này có thể không khiến bạn giàu lên nhưng cứ tích góp tiết kiệm đi, số tiền này có thể giúp ích cho bạn vào một thời điểm quan trọng nào đó trong tương lai, thậm chí có thể đảo ngược hướng đi của cuộc đời. Nghĩ đơn giản, thứ bạn tiết kiệm được không phải là tiền, mà là mạng sống của bạn.
Quay trở lại với câu chuyện mà tôi từng được nghe kể về 2 cô gái là Mai và Minh. Hơn 10 năm trước, cả hai đều làm việc trong một công ty ở thành phố lớn. Là nhân viên quèn mới vào, đồng lương của cả hai chẳng nhiều nhặn gì cho cam. Mai nhịn ăn nhịn uống, mỗi tháng dành ra được 1-2 triệu tiết kiệm. Trong khi đó, tiền lương hoàn toàn không đủ để Minh tiêu, cuối tháng nào cô nàng cũng phải xin thêm tiền từ gia đình hoặc vay tiền bạn bè.
2 năm sau đó, Mai tiết kiệm được gần 30 triệu. Thấy vậy, Minh mới cười trêu: "Sống khổ sống sở suốt 2 năm trời mà tiết kiệm được có nhiêu đó, bà thấy có đáng không? Chỗ đấy đủ mua nhà ở thành phố chưa? Hay đủ đem đi đầu tư chưa?".
Mai cũng cười nhưng không nói gì.
Mai bỏ ra hơn 20 triệu trong số đó để tham gia một khóa đào tạo. Số tiền còn lại Mai để dành thi chứng chỉ và cuối cùng đạt được chứng chỉ chuyên môn xuất sắc, sau đó trở thành thành viên một hiệp hội ngành, bắt đầu có cơ hội tiếp xúc với nhiều người ở tầng lớp cao hơn. Tiếp nữa, Mai gặp được một doanh nhân tại một hội nghị ngành và được săn đón với mức lương cao ngất. Cùng lúc ấy, Minh vẫn làm ở công ty ban đầu. Cô nàng thường xuyên than phiền về việc chức vụ mình quá bé, lương quá thấp, ở thành phố này quá lâu mà vẫn chỉ đủ ăn đủ mặc.
Có một năm, Mai liên lạc với Minh và giới thiệu cho Minh một công việc với ưu đãi hấp dẫn hơn hẳn. Nhưng vì công ty mục tiêu đang trong giai đoạn khởi động, nguy cơ rủi ro tồn tại khá nhiều nên cuối cùng Minh vẫn từ chối. Lý do của Minh là cô nàng không có tiền tiết kiệm, nếu chẳng may công ty phá sản thì cô nàng biết đi đâu về đâu.
Trên thực tế, công ty này sau đó đã phát triển rất ổn định, mở nhiều chi nhánh trên cả nước. Tuy nhiên, khi công ty đã vào guồng, mức yêu cầu cũng cao hơn thì Minh không còn cơ hội nữa.
Lại vài năm nữa trôi qua, lúc này Mai đã nghỉ việc và tự kinh doanh riêng. Minh không tiết kiệm được tiền ở thành phố và cũng không tìm thấy cơ hội phát triển lớn nên đã về quê làm. Điều kiện cá nhân của Minh chỉ ở mức trung bình nên người cuối cùng mà Minh lấy cũng chỉ tàng tàng tầm cô. Sau này khi có con, đôi vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn, hết lần này đến lần khác phải dựa vào thẻ tín dụng để tồn tại.
Tỷ phú Warren Buffett từng nói: "Cuộc đời như một quả bóng tuyết, điều quan trọng là bạn phải tìm ra được những bông tuyết đủ sức kết dính và một sườn đồi đủ dài để nó lăn đi...".
1-2 triệu mà Mai tiết kiệm được mỗi tháng trong chuỗi ngày khó khăn đã trở thành bông tuyết đầy tính kết dính trên tay cô, để rồi nó dần tăng tốc đưa Mai lên một vị trí mới. Còn Minh - người vốn cho rằng con gái sống phải giữ lấy mặt mũi, hình tượng lại tiêu hết tiền mình kiếm được vào những thứ vật chất vô bổ. Cô nàng nghĩ đó mới là nắm tuyết ướt nhưng thực ra đó chỉ là một nắm cát mịn, nằm đầy trong tay Minh rồi từ từ trôi tuột hết qua kẽ tay.
Tiết kiệm tiền rất quan trọng vì nó không chỉ giúp chúng ta chống chọi với rủi ro mà còn giúp chúng ta bình tĩnh hơn khi đứng trước sự lựa chọn, có thêm niềm tin để đầu tư vào bản thân.
Người ta thường nói đồng tiền nằm im là đồng tiền chết, phải đầu tư tài chính thì mới có lãi đơn, lãi kép nhưng tiền đề là bạn phải có một khoản vốn cho mình. Đối với hầu hết những người bình thường, khoản tiền vốn đó chẳng phải là tiền tích lũy hay sao.
Trên thực tế, không chỉ đầu tư, mọi sự tích lũy hiệu quả cuối cùng sẽ mang lại một kết quả khiến người ta bất ngờ. Dù chỉ là tích lũy nhỏ ban đầu nhưng chỉ cần thêm chữ "lâu dài" vào thì vẫn có thể mang lại sức hấp dẫn vô hạn. Chỉ là hầu hết mọi người đều không thể kiên trì được.
Nhà đầu tư thái Charlie Munger cũng có câu: "Chúng ta không ở trong một thời đại đẹp đẽ mà heo cũng có thể kiếm tiền, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn, chúng ta phải nghĩ cách trở thành vào Top 20%".
Trên thực tế, đối với mỗi chúng ta, việc thực hiện các mục tiêu của mình trong mọi giai đoạn của cuộc đời hầu như không thể tách rời sự hỗ trợ của các mục tiêu tài chính. Vì vậy, khi chúng ta có thể nhìn cuộc sống bằng tư duy tài chính, chúng ta sẽ đứng ở góc độ của một nhà đầu tư, và lúc đó cảm nhận và lựa chọn nghề nghiệp của chúng ta sẽ khác hẳn.
03
Sống trong giới hạn, dùng mục tiêu tương lai để xác định hành động hiện tại
Suy nghĩ quản lý tài chính của nhiều người thường là "trong khả năng cho phép": Tôi kiếm được 30 triệu/ tháng, tiêu 20 triệu và tiết kiệm 10 triệu còn lại. Họ coi đó là phương pháp quản lý tài chính phù hợp để gia tăng giá trị và chờ đợi xem khoản tiết kiệm này có thể làm được chuyện gì.
Điều này thực tế là dựa vào thu nhập hiện tại để xác định các mục tiêu trong tương lai, nói trắng ra là có bao nhiêu, ăn bấy nhiêu. Tuy nhiên, một tư duy quản lý tài chính tốt phải là biết "cân đo đong đếm chi tiêu", tức là nhìn hiện tại từ góc độ tương lai, cần căn cứ theo các mục tiêu phát triển cá nhân hoặc chi tiêu trong tương lai để đảo ngược các mục tiêu tài chính hiện tại.
Ví dụ, bạn hy vọng sẽ kết hôn sau hai năm nữa.
Nếu suy nghĩ theo hướng đầu tiên, bạn sẽ cho rằng: Thu nhập hàng tháng của tôi là 30 triệu, tôi tiêu hết 20 triệu và còn dư 10 triệu. 2 năm sau, tôi sẽ có 240 triệu. Thêm 10 triệu lãi, bố mẹ hỗ trợ 300 triệu, tổng cộng tôi có 550 triệu. Tính theo giá chung cư hiện tại, nếu trả trước 30%, tôi có thể mua được một căn giá rẻ ở ven đô, diện tích không lớn nhưng chắc đủ dùng.
Còn nếu suy nghĩ theo hướng rộng ra, bạn lại nghĩ: Tôi sẽ kết hôn vào 2 năm nữa, mà tôi muốn mua một căn chung cư cỡ 90m2. Theo giá bất động sản hiện tại, nếu trả trước 30%, tôi sẽ cần trả khoảng hơn 900 triệu. Thu nhập hàng tháng của tôi là 30 triệu, tôi tiêu hết 20 triệu và còn dư 10 triệu. 2 năm sau, tôi sẽ có 240 triệu. Thêm 10 triệu lãi, bố mẹ hỗ trợ 300 triệu, tổng cộng tôi có 550 triệu. Khoảng chênh lệch là gần 350 triệu.
Tôi có thể tiết kiệm những chi phí nào để bù lại khoảng chênh lệch đó? Tôi có những kỹ năng gì để có thể kinh doanh ngoài nhằm kiếm thêm thu nhập? Đương nhiên, nếu tiến một bước xa hơn, liệu có khả năng nào khiến bạn chuyển sang một công việc lương cao hơn, phát triển hơn không?
Khi đã có tư duy quản lý tài chính như vậy, bạn sẽ có hai sự lựa chọn rất chủ động: hoặc chủ động tìm cách quản lý tài chính tốt hơn, hoặc là tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn. Khi bạn chủ động tấn công, với con mắt tinh tường, bạn sẽ nhìn ra nhiều cơ hội mà trước đây bạn chưa nhận ra, giống như bạn nhìn thấy bầu trời xanh qua đám mây mù vậy.
Về bản chất, tiêu dùng sẽ không hủy hoại những người trẻ tuổi. Điều thực sự hủy hoại họ là những ham muốn vô tận, không giới hạn.
Đừng nghĩ rằng bạn có thể dễ dàng có được một cuộc sống huy hoàng, đó chỉ là một tương lai quá sức mà thôi. Cách tốt nhất để sở hữu một thứ gì đó là làm cho mình xứng đáng với nó. Không có chiếc bánh nào từ trên trời rơi xuống, chỉ có nghiêm túc làm việc, cẩn thận trong chi tiêu, không ngại ngần trước thử thách và không ngừng trưởng thành mới giúp bạn có được một cuộc sống chất lượng hơn. Trừ những điều này ra, không có con đường tắt nào khác.
Design: Thủy Tiên