Putin: “Tôi ghen tị với Obama”
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua nói rằng ông ghen tị với Tổng thống Mỹ Barack Obama về khả năng do thám khắp thế giới.
Ông Putin trong cuộc họp báo ngày 19/12.
Trong cuộc họp báo trực tiếp với hơn 1.300 phóng viên tại thủ đô Mátxcơva ngày 19/12, ông Putin, một cựu điệp viên KGB, đã nhắc tới việc nhà lãnh đạo Mỹ không phải chịu hậu quả nào sau khi các chương trình theo dõi quy mô lớn của Mỹ, do Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) thực hiện, bị phanh phui.
“Tôi ghen tị với ông Obama. Ông ấy có thể làm điều đó và không có chuyện gì xảy ra với ông ấy cả”, Putin nói.
Cựu nhà thầu NSA Edward Snowden, người được tị nạn tạm thời tại Nga sau khi chạy trốn khỏi Mỹ, đã tiết lộ quy mô các khả năng do thám điện tử của Mỹ trong hàng loạt tài liệu mật bị rò rỉ với báo chí hồi năm nay.
Các tài liệu cho thấy NSA đã thu thập gần 5 triệu dữ liệu mỗi ngày về địa điểm địa thoại di động khắp thế giới. Tài liệu còn cho biết Mỹ đã theo dõi điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2002.
Video đang HOT
Ông Putin đã bày tỏ chút cảm thông đối với các hoạt động theo dõi của Mỹ, nói rằng do thám là một một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng nhà lãnh đạo Nga nói thêm, việc đó nên được thực hiện thông qua “các nguyên tắc có thể hiểu được dù ít hay nhiều và các thỏa thuận rõ ràng, trong đó có yếu tố đạo đức”.
“Tôi sẽ không thanh minh cho bất kỳ ai. Nhưng nhìn chung việc do thám là cần thiết”, Tổng thống Nga nói.
Ông Putin đầu quân cho cơ quan tình báo KGB vào năm 1975 sau khi tốt nghiệp trường luật tại St. Petersburg. Ban đầu ông hoạt động tại Liên Xô cũ và sau đó tại Đông Đức trước khi tham gia chính trường những năm 1990.
Theo Dantri
Brazil "trừng phạt" Mỹ, trao hợp đồng mua máy bay cho Thụy Điển
Brazil vừa khiến hãng Boeing của Mỹ muối mặt khi từ chối mẫu chiến đấu cơ F/A-18, và đặt mua 36 chiếc JAS 39 Gripens của Thụy Điển trong hợp đồng trị giá 4,5 tỷ USD. Đây được xem như đòn trừng phạt của Brazil sau bê bối nghe lén của tình báo Mỹ.
Chiến đấu cơ JAS 39 Gripens
Tối 18/12 theo giờ địa phương, Bộ trưởng quốc phòng Brazil Celso Amorim cùng tư lệnh không quân nước này Junti Saito đã chính thức công bố đặt mua 36 chiến đấu cơ JAS 39 Gripens do hãng Saab của Thụy Điển sản xuất.
Trị giá của hợp đồng này vào khoảng 4,5 tỷ USD, thấp xa so với mức giá thị trường khoảng 7 tỷ USD.
Ông Saito cho biết quá trình sản xuất các chiến đấu cơ này sẽ có sự tham gia của hãng hàng không Brazil Embraer, cùng các công ty không được công bố danh tính khác.
Hiện tại không quân Brazil đang sử dụng 12 chiến đấu cơ Mirage của Pháp, và số máy bay này sẽ bị cho "nghỉ hưu" vào cuối năm nay sau khi được nước này mua từ năm 2005. Trong lúc chờ đợi các chiến đấu cơ mới, không quân Brazil sẽ sử dụng các mẫu F5, vốn có thể tiếp tục hoạt động tới 2025.
Trong một chuyến thăm Brazil hồi tuần trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã được tháp tùng bởi một phái đoàn trong đó có chủ tịch của tập đoàn máy bay Dassault. Sự việc này làm dấy tên tin đồn rằng Dassault có thể đã qua mặt Saab và Boeing trong thương vụ cung cấp máy bay này.
Kể từ cuối những năm 1990, các tập đoàn hàng không khắp thế giới đã phải cạnh tranh nhau để cung cấp chiến đấu cơ cho Brazil. Hồi đầu năm, Boeing được xem như có ưu thế trong cuộc đua, nhưng những tiết lộ về hoạt động nghe lén các nhà lãnh đạo khắp thế giới của tình báo Mỹ, trong đó có Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, đã khiến tập đoàn của Mỹ bị mất lòng tin.
"Rắc rối với Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) đã khiến người Mỹ thất bại", một nguồn tin chính phủ Brazil tiết lộ với báo giới.
Phát biểu với hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Celso Amorim khẳng định Boeing bị từ chối trong khi Saab được chọn bởi mẫu chiến đấu cơ của Thụy Điển có khả năng vận hành tốt hơn và chi phí thấp hơn, cũng như "sự sẵn sàng chuyển giao công nghệ" của hãng máy bay này.
Bê bối gián điệp
Brazil hiện đang điều tra những tiết lộ của cựu điệp viên CIA Edward Snowden rằng NSA đã giám sát hệ thống thông tin cá nhân của Tổng thống Rousseff, và đột nhập vào các Bộ của chính phủ nước này để thu thập thông tin.
Trong số các mục tiêu NSA nhắm tới có tập đoàn dầu mỏ Petrobras, Bộ mỏ và năng lượng, trong khi Washington từng tuyên bố không thực hiện các hành động "gián điệp kinh tế".
Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9, bà Rousseff đã chỉ trích Mỹ gay gắt vì do thám nước mình, gọi đó là "sự vi phạm luật pháp quốc tế". Bà cũng cảnh báo hoạt động theo dõi của NSA đe dọa sự tự do ngôn luận và dân chủ.
Trước đó, vị Tổng thống Brazil cũng đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington, dự kiến diễn ra vào tháng 10, do cảm thấy tức giận trước thông tin nước mình bị do thám.
Mới đây, Snowden đã cam kết sẽ hỗ trợ Brazil để điều tra chương trình do thám của NSA.
"Nhiều thượng nghị sỹ Brazil đã yêu cầu tôi hợp tác với cuộc điều tra của họ, trong nghi án các hành vi tội phạm chống lại người dân Brazil", Snowden cho biết.
Theo Dantri
Tình báo Mỹ xem xét "ân xá" cho Edward Snowden Giới chức cấp cao tại Cơ quan An Ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho biết đang xem xét việc ân xá cựu nhân viên tình báo Edward Snowden nếu anh ta chịu dừng tiết lộ các tài liệu mật. Snowden được cho là đang làm việc tại Nga sau khi được cấp quy chế tị nạn tạm thời hồi tháng 8. Anh ta...