Putin sẽ trắng tay ở Ukraine sau vụ MH17 bị bắn rơi?
Thảm kịch rơi máy bay MH17 Malaysia khiến gần 300 người thiệt mạng tại miền đông Ukraine đã làm thay đổi hình ảnh và chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Hãng tin BBC đã cho đăng tải bài phân tích của ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow về việc có hay không vụ tai nạn MH17 gây ảnh hưởng tới hình ảnh của Tổng thống Nga Putin.
Theo ông Trenin, trước khi xảy ra thảm kịch MH17, vai trò của Tổng thống Putin trong việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine được đánh giá là khá thành công cả về mặt chiến lược và chiến thuật.
Nga bị phương Tây cáo buộc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy tại miền đông Ukraine.
Rõ ràng, Nga vừa ủng hộ lực lượng ly khai tại vùng Donbass, vừa theo đuổi chính sách mang tính từ chối hợp lý. Đồng thời, thông qua con đường ngoại giao, Nga đã lôi kéo Đức và Pháp thúc đẩy giải quyết chính trị tại Ukraine kèm theo cả lợi ích của Nga.
Trong khi, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục có những biện pháp áp đặt thêm lệnh trừng phạt với chính phủ Nga thì nhiều quốc gia lại đang cố gắng bảo vệ mối quan hệ kinh tế quan trọng với Moscow. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cố gắng thuyết phục các đồng minh châu Âu rằng việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Nga không gây ảnh hưởng lớn cả về mặt chính trị và kinh tế.
Ngược lại, Nga đã chuyển sang củng cố và mở rộng mối quan hệ với Trung Quốc nhằm giành thêm sự ủng hộ từ các quốc gia khác trong khối Brics bao gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng như khơi lại những mối quan hệ cũ và thắp lên những tình bạn mới với các quốc gia Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, thảm họa rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7 tại miền đông Ukraine, cướp đi sinh mạng của 298 người đã làm thay đổi mọi chiến lược.
Quân ly khai dùng vũ khí của Nga bắn rơi MH17?
Trong khi Mỹ và một số nước đồng minh thân thiết của quốc gia này đã ngay lập tức cáo buộc Nga hỗ trợ và xúi bẩy nếu như không muốn nói là phạm vào “tội ác ghê tởm”. Nhiều phương tiện truyền thông phương Tây còn gọi Nga là “quốc gia hạ đẳng”. Do phần lớn nạn nhân trong thảm kịch MH17 là công dân Hà Lan, nên mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia châu Âu chắc chắn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Giờ đây, khoảng cách giữa Mỹ và EU trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga đang có xu hướng xích lại gần hơn, làm tan biến hy vọng của Moscow gây chia rẽ sâu sắc nội bộ phương Tây.
Video đang HOT
Hồi tháng Năm, Nga đã ký được bản hợp đồng cung cấp khí đốt lịch sử kéo dài 30 năm với Trung Quốc.
Còn tại châu Á – nơi Nga đang “xoay trục tới”, việc máy bay chở khách của hàng không Malaysia bị bắn rơi có khả năng làm dấy lên làn sóng tẩy chay Nga. Trước đó, hồi tháng Năm, Tổng thống Putin mới ký được bản hợp đồng mua bán khí đốt thời hạn 30 năm với Trung Quốc.
Ngay cả tại những khu vực không thuộc phương Tây, sức lan tỏa nhanh chóng của các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới cũng sẽ khiến thanh danh nước Nga và Tổng thống Putin bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người Nga cũng hoàn toàn ý thức được sự xuống dốc trong mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây quanh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine xuất phát từ “chính sách ngầm” nhằm kiềm chế Nga của Mỹ.
Trong khi phần lớn công dân Nga đồng tình với cuộc chiến của người dân miền đông Ukraine thì 2/3 trong số họ lại phản đối một cuộc xâm lược quân sự nhằm vào Ukraine.
Với số phiếu ủng hộ đạt 80%, Tổng thống Putin sẽ cần phải có những động thái mang tính thận trọng để vừa đảm bảo lợi ích nước Nga, vừa tránh được những rủi ro không đáng có.
Điển hình, Nga đã có Cộng hòa tự trị Crimea mà không tốn một viên đạn. Đây đã được xem là một điều vô cùng thần kỳ. Tuyên bố bảo vệ cộng đồng cư dân Nga thiểu số và người nói tiếng Nga tại miền đông và nam Ukraine chống lại chính quyền Kiev, cũng đã giúp Tổng thống Putin nhận được thêm sự ủng hộ. Tuy nhiên, thảm họa hàng không MH17 đã làm nảy sinh nhiều vấn đề.
Vai trò của Nga tại đông Ukraine
Nhìn chung, theo công dân Nga, lâu nay, Moscow đã có những hành động ủng hộ Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk nhiều hơn cả về mặt tinh thần và chính trị.
Đồng thời, họ nhận thông tin từ chính các nhà lãnh đạo của mình rằng Nga không kiểm soát những người mà họ công khai ủng hộ. Trong một thời gian dài, họ đã chấp nhận sự không rõ ràng này như một mưu mẹo ngoại giao.
Tuy nhiên, nếu nhóm điều tra quốc tế đưa ra kết luận cho rằng Nga cung cấp cho quân nổi dậy Donbass các loại vũ khí sức công phá lớn và không may bắn nhầm máy bay chở khách Malaysia, thì cách tiếp cận của Điện Kremlin được xem như là “chính sách bên miệng hố chiến tranh vô trách nhiệm”.
Nhận thức được mối nguy hiểm trên, Tổng thống Putin đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những lời cáo buộc của Mỹ về việc Moscow liên quan tới thảm kịch MH17.
Nhân viên cứu hộ Ukraine tìm kiếm bằng chứng tại hiện trường vụ tai nạn MH17.
Do đó, các tướng quân đội Nga đã tự công khai bằng chứng và đặt ra câu hỏi về vai trò của Ukraine trong thảm họa rơi máy bay Malaysia.
Đồng thời, Tổng thống Nga chủ động thảo luận với các nhà lãnh đạo phương Tây và Malaysia cũng như công khai sự ủng hộ với nhóm điều tra quốc tế để tìm ra nguyên nhân dẫn tới tai nạn của MH17.
Còn tại Liên Hợp Quốc, đại sứ Nga cũng thể hiện sự ủng hộ với những bản nghị quyết liên quan tới MH17. Ngoài ra, các hộp đen của chuyến bay xấu số cũng được quân nổi dậy phát hiện và trao cho nhóm điều tra quốc tế.
Nếu phán quyết của các nhà điều tra chống lại Nga, tính nhất quán của Tổng thống Putin cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi ông được đánh giá là người dày dặn kỹ năng chiến lược.
Ông Putin sẽ không bao giờ khẳng định lực lượng nổi dậy miền đông Ukraine không liên quan gì tới thảm họa MH17 mà thay vào đó, ông sẽ đổ lỗi cho Ukraine đã khiêu khích lực lượng tự vệ.
Dù vẫn giành phần thắng trên mặt trận chính trị, Tổng thống Putin cũng sẽ khó lòng khôi phục niềm tin về mình. Song, rõ ràng, Nga sẽ tránh được tiếng xấu và trách nhiệm tội ác sẽ thuộc về quốc gia khác. Đây chính là cái đích mà Tổng thống Putin muốn nhắm tới.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.
Theo Infonet
MH17: Lãnh đạo nổi dậy của Ukraine thừa nhận có tên lửa Buk
Một lãnh đạo nổi dậy ở Ukraien đã xác nhận lực lượng này có loại tên lửa phòng không mà Washington cho rằng đã được dùng để bắn hạ máy bay Malaysia MH17, khiến 298 người thiệt mạng vào 17/7.
Một binh sỹ nổi dậy kheo ảnh chụp trước hệ thống tên lửa Buk trên mạng xã hội. Ảnh này đã bị rút sau thảm họa MH17.
Lần đầu tiên kể từ khi MH17 rơi ở miền đông Ukraine, Alexander Khodakovsky, chỉ huy lữ đoàn Vostok, thừa nhận rằng quân nổi dậy có sở hữu tên lửa Buk.
Khodakovsky cũng ám chỉ tên lửa này có xuất xứ từ Nga và có thể đã được đưa trở lại Nga để xóa dấu vết về sự hiện diện của nó ở đông Ukraine.
Trước khi MH17 bị bắn hạ quân nổi dậy đã khoe khoang về việc sở hữu tên lửa Buk, có thể bắn hạ được máy bay dân dụng đang bay trên độ cao 10.000m.
Nhưng kể từ khi xảy ra thảm họa, Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng liên tục phủ nhận việc sở hữu loại vũ khí này.
Và cũng kể từ khi MH17 bị bắn hạ làm 298 người thiệt mạng, vấn đề nan giải nhất là xác định ai đã là người bắn tên lửa.
Khodakovsky đổ lỗi cho giới chức Kiev đã khiêu khích cho một vụ tấn công nhằm vào máy bay MH17. Lãnh đạo lực lượng nổi dậy cũng cho rằng Kiev rõ ràng là đã tiến hành các cuộc không kích ở khu vực xảy ra thảm họa MH17 và tên lửa của quân đội Ukraine luôn sẵn sàng.
"Tôi biết đã có một quả tên lửa Buk đến từ Luhansk. Vào thời điểm đó tôi được thông báo một tên lửa Buk từ Luhansk, dưới lá cờ của LNR", Khodakovsky ám chỉ đến Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng, nhóm nổi dậy kiểm soát Luhansk, một trong 2 tỉnh quân nổi dậy kiểm soát. Tỉnh còn lại là Donetsk, nơi máy bay MH17 rơi.
"Đó là tên lửa Buk mà tôi biết, tôi nghe nói đến. Tôi nghĩ họ đã gửi trả nó. Bởi tôi đã tìm ra về nó đúng vào thời điểm tôi biết thảm họa này (MH17)."
"Họ có thể đã gửi trả lại nó để xóa bỏ bằng chứng về sự hiện diện của nó", Khodakovsky nói thêm.
Trong khi đó giới chức tình báo Mỹ cho rằng Nga phải "chịu trách nhiệm cho việc bắn hạ MH17" mặc dù Mỹ thừa nhận không có bằng chứng về sự liên quan trực tiếp của Tổng thống Putin với vụ việc.
Lý do cho việc quy trách nhiệm của Mỹ là bởi Mỹ cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí, huấn luyện cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine.
Tình báo Mỹ cũng cho rằng MH17 có thể bị trúng tên lửa đất đối không SA-11 hay Buk. Và sau khi phân tích các cuộc nói chuyện điện thoại của các binh sỹ nổi dậy, tình báo Mỹ kết luận thủ phạm đã không nhận ra rằng mục tiêu của họ là một máy bay dân dụng.
Ngoài ra, giới tình báo còn phân tích ảnh vệ tinh, tài khoản mạng xã hội của quân nổi dậy.
Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ cho đến nay vẫn chưa biết ai bắn tên lửa hay liệu có người Nga nào có mặt ở địa điểm vụ phóng tên lửa hay không.
Trung Anh
Theo Dantri/ Daily Mail
Obama: Quân nổi dậy đang che giấu gì? Tổng thống Mỹ Obama ngày 21/7 đã cáo buộc quân nổi dậy đang "tìm cách che dấu" bằng chứng trong vụ rơi máy bay Malaysia MH17 và yêu cầu Tổng thống Nga Putin can thiệp. 4 ngày sau khi máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ, khiến gần 300 người thiệt mạng và gây ra một khủng...