Putin ra lệnh cho 150.000 quân trở về căn cứ
Tổng thống Nga Putin lệnh cho các đơn vị tham gia cuộc diễn tập lớn sát biên giới Ukraine trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các binh sĩ mà ông đã huy động tham gia vào một cuộc diễn tập quân sự đột xuất sát biên giới với Ukraine hồi tuần trước trở về căn cứ sau khi diễn tập xong.
Ông Putin ra lệnh cho toàn bộ các đơn vị này rút về căn cứ sau khi nhận được báo cáo của Bộ Quốc phòng rằng cuộc diễn tập đã thành công tốt đẹp. Cuộc diễn tập bất ngờ này được tiến hành từ hôm thứ Tư tuần trước với sự tham gia của quân khu trung tâm và quân khu phía tây.
Lực lượng xe tăng Nga tham gia cuộc diễn tập
Lực lượng tham gia cuộc diễn tập đột xuất lần này gồm 150.000 quân, 90 máy bay, 880 xe thiết giáp, 80 tàu chiến và nhiều khí tài quân sự hiện đại khác.
Hôm thứ Hai, ông Putin đã đích thân đi thị sát cuộc tập trận bắn đạn thật trong giai đoạn cuối của cuộc diễn tập này tại Kirillovsk thuộc vùng Leningrad ở phía tây bắc nước Nga.
Trong giai đoạn này, lữ đoàn cơ giới 138 thuộc Tập đoàn quân số 6 quân khu phía tây và trung đoàn dù 104 thuộc Sư đoàn dù 76 đã tham gia vào các cuộc tập trận chiến thuật bắn đạn thật. Các lực lượng này đã thể hiện trên thực địa khả năng cơ động và đánh phá hệ thống hậu cần, liên lạc, chỉ huy và kiểm soát của đối phương trước khi phát động đợt tấn công trực diện.
Tổng thống Putin đích thân thị sát giai đoạn cuối của cuộc diễn tập
Tuy nhiên, giai đoạn cuối của cuộc diễn tập đã không hoàn thành như kế hoạch khi một trận bão tuyết lớn ập tới, khiến kế hoạch triển khai trung đoàn dù bị hủy bỏ vì để đảm bảo an toàn cho binh sĩ.
Video đang HOT
Cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Ukraine đang căng thẳng và được phương Tây coi như một dấu hiệu chứng tỏ quyết tâm can thiệp quân sự quy mô lớn của Nga vào Ukraine.
Tuy nhiên, quân đội Nga vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc diễn tập đột xuất như thế này nhằm cải thiện khả năng cơ động và tác chiến của binh sĩ. Cuộc diễn tập gần đây nhất được tổ chức hồi tháng 7 năm ngoái tại khu vực phía đông nước Nga.
Một tiểu đoàn bộ binh cơ giới Nga chuẩn bị rút về căn cứ
Nga hiện đang phải hứng chịu chỉ trích nặng nề từ phương Tây sau khi thượng viện nước này phê chuẩn đề xuất của ông Putin cho phép triển khai lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine khi cần thiết để bảo vệ thường dân trước nguy cơ xảy ra bạo lực.
Nga lo ngại rằng những kẻ cực đoan cánh hữu ở Ukraine đã từng đứng lên lật đổ Tổng thống Yanukovych và hiện đang nắm quyền lực tại chính quyền trung ương ở Kiev có thể tấn công vào khu vực miền đông và miền nam Ukraine, những nơi không chịu tuân theo mệnh lệnh của chính phủ trung ương.
Bộ binh Nga cũng được lệnh rút về căn cứ sau khi hoàn thành đợt diễn tập
Tuy nhiên, phương Tây coi quan điểm này của Nga là một dạng hành động xâm lược “không thể chấp nhận được” và vi phạm luật pháp quốc tế. Mỹ và EU cũng đang đề ra một loạt biện pháp cấm vận về chính trị, ngoại giao và kinh tế đối với Nga nhằm gây sức ép buộc Moscow từ bỏ kế hoạch đưa quân vào Ukraine.
Theo Khampha
Nga ra tối hậu thư cho quân đội Ukraine ở Crimea
Nếu quân đội Ukraine ở Crimea không buông súng đầu hàng, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh toàn diện.
Tối qua, quân đội Ukraine cho biết Nga vừa ra tối hậu thư cho các binh sĩ Ukraine ở Crimea phải nộp súng đầu hàng vào lúc 3 giờ sáng (tức 8 giờ, giờ Việt Nam), nếu không họ sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công toàn diện trên bán đảo chiến lược này.
Tuyên bố đáng lo ngại này được đưa ra sau khi quân đội Nga đã tiến vào lãnh thổ Crimea và kiểm soát các địa điểm quan trọng trong khu vực này.
Tối hậu thư này được ông Alexander Vitko, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga đưa ra. Ông Vitko tuyên bố: "Nếu họ không đầu hàng trước 3 giờ sáng, một cuộc tấn công thực sự sẽ được phát động nhắm vào các đơn vị và sư đoàn vũ trang Ukraine trên toàn lãnh thổ Crimea."
Một người lính vũ trang hạng nặng khống chế trước cổng doanh trại lính Ukraine ở Crimea
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã khẳng định: "Việc bảo vệ lợi ích của toàn bộ công dân Ukraine, trong đó có người dân Crimea và người Nga sinh sống ở Ukraine là vô cùng cần thiết."
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine tại Crimea cho biết tối hậu thư này yêu cầu các binh sĩ Ukraine có mặt tại đây phải công nhận chính quyền mới của Crimea, hạ vũ khí và rời khỏi doanh trại, nếu không sẽ bị tấn công.
Một cựu nghị sĩ ở Nga cho biết chính quyền thân Nga ở Crimea sẽ cắt điện và nước tại các căn cứ quân sự của Ukraine đang bị lực lượng Nga bao vây. Các binh sĩ bên trong doanh trại cũng được thông báo là họ sẽ không được nhận lương nếu không công khai tuyên bố từ bỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương ở Kiev.
Ông Sergei Markov, một chuyên gia phân tích tại Nga nhận định: "Nếu các binh sĩ này tiếp tục bám trụ trong doanh trại và thể hiện lòng trung thành với Kiev và chính phủ Ukraine, mọi việc sẽ ngày càng khó khăn đối với họ. Sức ép đang ngày càng một tăng lên."
Lính Ukraine đứng gác bên trong cổng doanh trại bị khóa chặt
Ukraine cáo buộc Nga đang ồ ạt đổ thêm quân vào bán đảo Crimea trong khi thế giới đang nín thở chứng kiến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc cho biết Nga đã triển khai gần 16.000 quân tới Crimea trong tuần qua, và con số này vẫn không ngừng tăng lên.
Lực lượng biên phòng Ukraine cho hay binh lính Nga bắt đầu di chuyển vào lãnh thổ Crimea bằng phà từ hôm thứ Hai sau khi chiếm được chốt biên phòng của họ trên đất Ukraine.
Theo biên phòng Ukraine, quân Nga chiếm được vị trí này sau khi lính biên phòng tìm cách ngăn chặn 2 chiếc xe chở 7 người đàn ông trang bị vũ khí tiến vào lãnh thổ Crimea, và lợi dụng lúc họ truy đuổi 2 chiếc xe xâm nhập, một chiếc phà với ba xe tải chở đầy lính đã nhanh chóng cập vào cảng.
Những chiếc xe tải chở lính mang biển số Nga đổ vào Crimea
Trước đó, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchynov cho biết Hạm đội Biển Đen của Nga đã "nhốt" các tàu chiến Ukraine vào vịnh Sevastopol, quân cảng chiến lược nơi có rất nhiều tàu chiến Nga đang neo đậu. Ông này kêu gọi lãnh đạo Nga "ngừng các hành động khiêu khích, xâm lược và cướp biển", đồng thời gọi những hành động này là "tội ác".
Những động thái trên của Nga được thực hiện sau khi vị Tổng thống bị phế truất của Ukraine Viktor Yanukovych gửi một lá thư cầu cứu tới ông Putin và yêu cầu Nga đưa lực lượng quân sự tới Ukraine để vãn hồi trật tự và pháp luật.
Lá thư cầu cứu của ông Yanukovych có đoạn viết: "Dưới ảnh hưởng của các nước phương Tây, những hành động khủng bố và bạo lực đang diễn ra công khai ở Ukraine. Người dân đang bị kỳ thị vì ngôn ngữ và lý do chính trị. Thế nên tôi kêu gọi Tổng thống Nga Putin sử dụng lực lượng vũ trang để thiết lập luật pháp, hòa bình, trật tự, ổn định và bảo vệ người dân Ukraine."
Theo Khampha
Ukraine: Khủng hoảng lớn nhất thế kỷ ở châu Âu Ngoại trưởng Anh cho rằng châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất thế kỷ 21 sau những gì diễn ra ở Ukraine. Ngày 3/3, Ngoại trưởng Anh William Hague đã phải thốt lên rằng biến động chính trị hiện nay ở Ukraine là "cuộc khủng hoảng lớn nhất" mà châu Âu phải đối mặt trong thế kỷ 21. Ngoại trưởng...