Putin ký luật cấm người Mỹ nhận trẻ Nga làm con nuôi
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua thông qua luật cấm các gia đình Mỹ nhận con nuôi Nga, một đạo luật được cho là “chống phương tây” mạnh mẽ nhất trong suốt 13 năm cầm quyền của ông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua phát biểu trong cuộc họp nội các cuối cùng của năm 2012. Ảnh: AP
Luật cấm gia đình Mỹ nhận trẻ Nga làm con nuôi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1, AlJazeera dẫn lời điện Kremlin hôm nay tuyên bố. Đạo luật được cho là sự trả đũa của Nga đối với đạo luật nhân quyền mới mang tên Magnitsky của Mỹ nhằm vào các quan chức Nga, liên quan đến cái chết của luật sư Sergei Magnitsky năm 2009.
Đạo luật gây nhiều tranh cãi này trước đó dễ dàng được hai viện thông qua và được coi là luật chống phương tây mạnh mẽ nhất trong suốt 13 năm ông Putin cầm quyền. Tổng thống Nga hôm qua chỉ trích Mỹ “hành động một cách trơ trẽn và ngạo mạn” khi từ chối cho giới chức Nga tiếp cận với những trẻ em mồ côi nước này được cho là bị các gia đình Mỹ làm hại.
Trong vòng 20 năm qua, người Mỹ đã nhận nuôi hơn 60.000 trẻ em Nga, theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho hay đạo luật mà quốc hội Nga thông qua sẽ cản trở nhiều trẻ em có cơ hội được phát triển trong một môi trường gia đình. “Thật sai lầm khi gắn số phận của trẻ em với những vấn đề chính trị không liên quan”, ông Ventrell nói.
Tổng thống Putin bác bỏ lập luận cho rằng đạo luật hạn chế cơ hội của trẻ em, khiến các em phải vật lộn nếu vẫn sống ở Nga. Ông dẫn ví dụ về Israel, đất nước không gửi trẻ em ra nước ngoài bất chấp những mối lo ngại về an ninh trong nước. Người Israel “luôn chiến đấu vì bản sắc quốc gia”, ông nói. “Họ chiến đấu vì ngôn ngữ và văn hóa của mình”.
Các gia đình Mỹ năm ngoái nhận làm con nuôi khoảng 1.500 trẻ em Nga. Mỹ cũng là điểm đến số một cho trẻ mồ côi Nga. Một cố vấn tổng thống về quyền trẻ em hôm 26/12 cho biết có 46 trường hợp người Mỹ nhận con nuôi Nga đang chờ xét duyệt và sẽ bị đình chỉ khi luật được thi hành vào đầu năm tới.
Hơn 650.000 trẻ em được coi là trẻ mồ côi ở Nga, một số bị cha mẹ ruồng bỏ, hoặc được đưa từ nhà thương tật. Trong số đó, năm 2011, có 110.000 trẻ em sống trong các cơ sở của nhà nước, theo Bộ Khoa học và Giáo dục Nga.
Theo VNE
"Cài đặt" lại quan hệ Nga-Mỹ
Cho dù cả Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Barack Obama từng khẳng định muốn "cài đặt" lại quan hệ Nga-Mỹ, song thực hiện được điều đó không phải dễ vì 2 cường quốc hàng đầu thế giới này có quá nhiều khác biệt về lợi ích chiến lược cũng như giá trị.
Những động thái liên tiếp mới đây không khỏi khiến dư luận phải đặt câu hỏi rằng hợp tác Nga-Mỹ đang thực sự đi về đâu sau những tuyên bố về "cài đặt lại" quan hệ song phương. Ngày 24-12, cả 2 vị Thứ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Nga cùng lên tiếng phàn nàn, thất vọng về các vấn đề ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Mỹ trong cả 2 lĩnh vực ngoại giao và quân sự.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov, cuộc đàm phán về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu giữa Nga và Mỹ đã bị đình trệ thời gian dài vừa qua. Phát biểu với báo chí tại Matxcơva, ông Antonov nói: "Tình hình đang rơi vào thế bế tắc. Các mối quan ngại của chúng tôi đã bị phớt lờ".
Hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Mỹ đang ráo riết triển khai tại châu Âu là trở ngại lớn nhất đối với quan hệ
Nga-Mỹ nhiều năm nay. Trong khi Mỹ tuyên bố hệ thống chống tên lửa này không nhằm vào Nga mà chỉ chống lại các mối đe doạ tên lửa của các quốc gia như Iran thì Matxcơva luôn cho rằng tấm lá chắn tên lửa được Washington dựng lên ở châu Âu là để vô hiệu hóa đòn răn đe tên lửa của Nga.
Rất nhiều vòng đàm phán ở nhiều cấp khác nhau đã diễn ra nhưng Nga và Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề phòng thủ chống tên lửa. Mỹ cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu của Nga đòi được tham gia vào cơ chế điều hành và "ấn nút đỏ" kích hoạt hệ thống này cho dù rất nhiều biện pháp phòng ngừa, xây dựng lòng tin đã được hai bên đề xuất.
Bế tắc trong vấn đề then chốt trên, quan hệ Nga-Mỹ lại nảy sinh mâu thuẫn mới khi Tổng thống Obama đã ký ban hành Đạo luật Magnitsky ngay sau khi nó được Quốc hội Mỹ thông qua. Theo đạo luật này, Washington cấm mọi quan chức Nga liên quan đến cái chết của luật sư Sergei Magnitsky năm 2009 nhập cảnh Mỹ, đồng thời phong tỏa mọi tài khoản của họ trong các ngân hàng Mỹ.
Trong khi Tổng thống Putin cho rằng đây là một "động thái không thân thiện" thì Duma Quốc gia Nga đã thông qua đạo luật "chống Magnitsky" nhằm trả đũa đạo luật trên. Phát biểu ngày 24-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Nga và Mỹ đã bắt đầu một cuộc "chiến tranh tâm lý" bắt nguồn từ cái gọi là đạo luật Magnitsky cũng như đạo luật "chống Magnitsky".
Với quan ngại của hai Thứ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga có thể thấy rõ một bước lùi trong quan hệ Nga-Mỹ. Mối quan hệ này sau khi Tổng thống Obama tuyên bố "cài đặt lại" lúc mới bước vào Nhà trắng cách đây 4 năm đã có những tiến triển như ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới và kết thúc đàm phán để Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... song vẫn gặp phải các trở ngại lớn do khác biệt, mâu thuẫn về lợi ích chiến lược (hệ thống phòng thủ chống tên lửa) và giá trị (nhân quyền trong vụ Magnitsky).
Thế nên, dù hai Tổng thống Putin và Obama mới đây lại tuyên bố "điều chỉnh lại" để quan hệ song phương hướng tới thành công nhưng không dễ thực hiện điều đó trên thực tế.
Theo ANTD
Mỹ thành lập nhóm đặc nhiệm kiểm soát súng đạn "Nếu có điều gì có thể làm để ngăn chặn những thảm kịch do súng đạn gây ra, chúng ta có nghĩa vụ sâu sắc phải thực hiện" - Tổng thống Mỹ Barack Obama nói sau khi chỉ định Phó Tổng thống Joseph Biden làm người đứng đầu nhóm đặc nhiệm để soạn thảo chính sách nhằm siết chặt các quy định về...