Putin đến Hàn Quốc thúc đẩy “con đường tơ lụa” mới qua Triều Tiên
Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 13/11 đã tới thăm Hàn Quốc để thúc đẩy dự án xây dựng một tuyến đường thương mại mới nối châu Á với châu Âu bằng đường sắt, vốn cũng đi qua Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc và Nga gặp nhau bên lề G20 hồi tháng 9.
Ông Putin vọng chuyến thăm ngắn của ông sẽ bao gồm việc ký kết biên bản ghi nhớ về dự án đầy tham vọng nhằm thiết lập một “con đường tơ lụa sắt” kết nối các mạng đường sắt của Hàn Quốc và Triều Tiên với Trung Quốc, Nga và châu Âu thông qua tuyến đường sắt xuyên Siberia.
Mátxcơva đã thực hiện bước đi đầu tiên hồi tháng 9 khi hoàn thành tuyến đường sắt dài 54 km từ thị trấn biên tới Khasan ở miền đông nam Nga tới cảng Rajin của Triều Tiên.
Tọa lạc tại vùng đông bắc giáp giới với cả Nga và Trung Quốc, Rajin là một cảng quan trọng đối với cả hai người láng giềng khổng lồ của Triều Tiên.
Ông Putin mong muốn tuyến đường sắt mở rộng ra khắp Triều Tiên và nối với cảng Busan ở phía nam Hàn Quốc.
Các nguồn tin báo chí cho hay Nga muốn Hàn Quốc nắm 34% cổ phần của dự án, Mátxcơva nắm 36% và Bình Nhưỡng giữ 30%.
Video đang HOT
Nhưng ông Andrei Lankov, một chuyên gia Nga về Triều Tiên và hiện đang giảng dạy tại Đại học Kookmin ở Seoul, tỏ ra hoài nghi về dự án do sự không ổn định trong mối quan hệ liên Triều và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
“Ý tưởng có vẻ hoàn hảo xét từ góc độ kinh tế và thương mại. Nhưng dự án sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và các công ty sẽ mạo hiểm với sự đầu tư lớn đó với Triều Tiên trong tình hình hiện nay”, ông Lankov nói.
Các nhà quan sát cũng liên hệ dự án với khu công nghiệp liên Triều Kaesong mà Triều Tiên và Hàn Quốc cùng vận hành. Bình Nhưỡng đã đơn phương đóng cửa khu công nghiệp hồi tháng 4 trong bối cảnh các căng thẳng quân sự leo thang.
Tổng thống Putin dự kiến cũng đề cập các dự án đường sắt và khí đốt với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-Hye trong cuộc hội đàm tại Seoul vào hôm nay. Hồi tháng 9, hai nhà lãnh đao đã có cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Saint Petersburg.
Hai nguyên thủ dự định cũng thảo luận chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Nga là một thành viên trong các cuộc đàm phán 6 bên vốn bị đình trệ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cùng với Trung Quốc, Mỹ, Nhật và 2 miền Triều Tiên.
Trung Quốc và Triều Tiên đã hối thúc nối lại các vòng đàm phán, nhưng Seoul và Washington khẳng định rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải chứng tỏ cam kết thực lòng đối với việc giải trừ hạt nhân.
Theo Dantri
Khai trương tuyến đường hầm vượt biển nối liền Á - Âu
Hôm nay 29/10, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khai trương tuyến hầm đường sắt vượt biển, nối liền hai bờ châu Á và châu Âu của thành phố Istanbul. Tổng chi phí cho dự án này vào khoảng 4,5 tỷ USD.
Theo tờ Hurriyet Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ, dự án có tên Marmaray này đã hoàn tất giấc mơ 150 năm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh minh họa tuyến đường hầm xuyên biển nối liền Á - Âu
Trước khi mở cửa đón báo giới vào bên trong tuyến hầm nối hai bờ Á - Âu của Istanbul trong lễ khai trương chính thức, Bộ trưởng giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yldrm khẳng định dự án này lần đầu được các kiến trúc sư Anh, Pháp, Mỹ đệ trình lên vua Abdlhamid II từ năm 1891.
Nhưng do hạn chế về công nghệ, tài chính đã khiến mãi đến cuối những năm 1990, nghiên cứu khả thi về dự án mới được tiến hành, trước khi khởi công vào năm 2005.
Đường hầm Marmaray sẽ giúp hành khách có thể đi tàu hỏa thẳng từ Trung Quốc tới các nước Tây Âu. Đây cũng được xem như "con đường tơ lụa" thời hiện đại.
Dự án này được khẳng định là tuyến hầm đường sắt ngầm dưới biển sâu nhất thế giới khi vị trí sâu nhất cách mặt nước tới 62m.
Ban đầu dự án được dự định hoàn thành vào năm 2009, nhưng do phát lộ nhiều di chỉ khảo cổ lớn trong quá trình xây dựng, dự án đã phải trì hoãn mất 4 năm. Nhưng cũng nhờ đó, Istanbul được chứng minh có lịch sử 8500 năm, thay vì 6000 năm như các thông tin trước đây.
Tuyến đường sắt xuyên biển này có vị trí cách mặt nước tới 62m
Ông Yldrm cho biết, ước tính tuyến đường sắt có thể vận chuyển 1,5 triệu lượt hành khách/ngày, và sẽ đảm nhận 20% trong gánh nặng 14 triệu lượt khách mà hệ thống giao thông Istanbul phải gánh.
Với tổng chiều dài 13,6 km, trong đó có 1,4 km chìm dưới biển, tuyến hầm đường sắt này sau khi hoàn tất mọi hạng mục, ước tính có tổng mức đầu tư khoảng 9,3 tỷ lira, tương đương 4,5 tỷ USD. Trong đó gần 1 tỷ USD là vốn tài trợ của Nhật Bản. Bởi vậy tại lễ khai trương, ngoài Tổng thống và thủ tướng nước chủ nhà, trong số khách mời còn có thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Hiện một tuyến đường hầm khác chỉ dành cho xe ô tô cũng đang được thành phố này xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015.
Theo Dantri
Trung Quốc lập "con đường tơ lụa" trên Biển Đông Trung Quốc gần đây đã đề xuất thiết lập một "con đường tơ lụa" trên Biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á để thúc đẩy thương mại. Nhưng đề xuất này của Bắc Kinh đã vấp phải sự hoài nghi từ các đối tác trong ASEAN. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Thăm Indonesia hồi đầu tháng 10. Tháng 10...