Private games và những điều cần biết (Phần 2)
Một điều trái khoáy với làng game Việt, là ngay từ đầu, những game online được cung cấp cho người chơi, đều có liên quan đến private server. Do đó, đa phần nhìn nhận của cộng đồng, là không bao giờ ngăn chặn được nạn private games. Do đó, người chơi hãy tự biết bảo vệ mình, tỉnh táo trước khi chọn game để chơi !
Nói về điều này, đại diện truyền thông của 1 doanh nghiệp game liên tưởng, có mẩu chuyện cười rằng, cánh sát giao thông nhận được điện thoại của 1 phụ nữ báo tin có 1 xe ôtô đang chạy đến 300 dặm/giờ trên đường phố. Cảnh sát hỏi lại, vì sao cô biết chắc tốc độ chiếc xe đó. Câu trả lời là: &’Thì xe đó đang chạy sau xe tôi đây này”.
Làng game Việt đã có sự khởi nguồn từ… private games ?
Ai nên khôn không dại đôi lần…
Mẩu chuyện cười đó, liên hệ lại làng game Việt, tự nhiên có nét tương đồng. Bởi rất nhiều người đang làm việc trong làng game, từ phát hành đến truyền thông, đều cho biết họ đã xuất phát điểm từ private server. Nghĩa là họ đã từng làm game “lậu” nên hiểu private games như thế nào. Họ kịch liệt phản đối các game này, dù có thời gian “sống nhờ” thu nhập từ private games.
Điều này không đáng trách, vì ai cũng biết, từ năm 2002, game online đã có mặt tại Việt Nam dưới dạng private games. Hệ thống MU Hà Nội là 1 trong những cái tên nổi tiếng thời đó. Hầu như mọi người chơi game, đều xem sự tồn tại của các private server MU là bình thường. Mãi đến khi công ty FPT Online tuyên chiến bản quyền, hợp tác lực lượng chức năng đánh sập hàng loạt máy chủ MU “lậu”, thế giới online Việt mới nhắc đến khái niệm private games.
MU “lậu”, sản phẩm private games nổi tiếng 1 thời.
Cho đến nay, tình trạng private server hoạt động để trục lợi, gian lận với người chơi game tại Việt Nam vẫn rất phổ biến. Gần như có game bản quyền “ăn nên làm ra” ở làng game Việt, thì sẽ có hàng chục server “lậu” xuất hiện sau đó, copy nguyên bản và thỏa sức lộng hành.
Ngay khi bài viết này đang thực hiện, đại diện nhà phát hành VNG cũng lên tiếng, cảnh báo cộng đồng cảnh giác với các máy chủ private game Gunny. Nhà phát hành này cho biết, có hàng chục máy chủ riêng đang lén lút triển khai trò chơi, cũng như hàng tháng game Kiếm Thế phải đối mặt từ 20 – 30 máy chủ riêng, vi phạm quy định bản quyền. Một máy chủ Gunny vừa bị “đóng cửa” hôm nay, đang khiến hàng trăm game thủ bức xúc và tuyệt vọng !
Các private server Kiếm Thế đang bị lên án rầm rộ hiện nay.
Vấn đề đáng nói, là những người đã ở trong cuộc chơi private server có đủ dũng khí để “quay lại” và cộng đồng có thật sự an toàn khi những người đó cùng tham gia tẩy sạch các trò game trục lợi ? Trưởng 1 studio games tâm sự, thông thường những ai đã “nói không với private” sẽ rất cương quyết, thậm chí “cực đoan” phủ nhận mọi sự về private games.
Song không ít người vẫn sẽ manh mún “thương lượng”, vì bản thân họ vẫn có bạn bè cũ cùng làm private games, và lợi nhuận có từ các máy chủ riêng vẫn hấp dẫn, với nhiều người làm game đang khó khăn tài chính. Bản thân 1 số người đã tham gia vào các công ty game nghiêm túc, nhưng vẫn nối kết với “1 vài private games làm thêm”… Do đó, cộng đồng vẫn tồn tại những lối giải thích “hàng hai” kiểu “cuộc chiến này không bao giờ kết, nói gì thì các private games vẫn sống khỏe, hãy bỏ qua chúng đi”.
Công khai hack, công khai private games là hiện tượng quen thuộc.
“Muốn biết anh chống game lậu thế nào, hãy xem anh có nhận lobby private games không, sẽ rõ”. Đây là ý kiến của 1 trưởng phòng phát triển game từng ở FPT Online. Ông này nhấn mạnh, cách PR của các private games rất “bá đạo”, chấp nhận cả lời “chửi” miễn là có lên thông tin với cộng đồng. Cho nên, cộng đồng rất dễ bị “chia rẽ”, xung đột tranh luận khi nói đến khái niệm private games.
Video đang HOT
Hãy nhìn thẳng sự thật để… né ?
Hiện tại với làng game Việt, sự tranh luận này được quy tụ về 2 điểm. Một, private games là game lậu, games copy bản quyền rõ ràng, chạy các máy chủ riêng vi phạm quyền lợi người chơi, thì tuyệt đối phải “tiêu diệt”. Hai, những game có “giấy phép bản quyền” từ nhà sản xuất, song chưa có giấy phép phát hành tại Việt Nam, thì cứ tạm đưa ra thị trường và không gọi là các private games. Nhiều người lý luận: “Nếu cứ thế quy kết, thì có đến 80% game phát hành ở ta là private games”.
Việc kiểm soát và ngăn chặn private games luôn nan giải.
Sự thật theo quan điểm nhà quản lý, chỉ có dựa vào các yếu tố cấu thành 1 private games để khẳng định, chứ không có châm chước nào khác. Tất nhiên bất cập trong khâu cấp phép phát hành, quản lý game… của cơ quan Nhà nước là có thật, và các đơn vị chức năng đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách đó. Song điều ấy không có nghĩa, các đơn vị làm game cứ vịn vào 2 chữ bản quyền mà tùy ý phát hành, bỏ qua tiêu chí cần có giấy phép cụ thể. Với nhà quản lý, các game chưa có giấy phép phát hành tại Việt Nam, đều là private games !
Làng game đương nhiên có sự châm chước với các sản phẩm bản quyền song chưa hội đủ các tiêu chí quản lý, nên mới có chuyện nhiều tựa game chưa được cấp phép vẫn hoạt động tốt, xuất phát từ ý thức nghiêm túc của nhà phát hành. Song nếu nhìn lại nguồn gốc nhiều game mới hiện nay, nhất là các game từ Trung Quốc, các giấy tờ bản quyền “đôi khi chỉ là cái vỏ, chưa nói đến chính các game đó là vi phạm bản quyền, khi nhái lại game nước khác”.
Không ít private games gắn liền với thực trạng hack.
Khái niệm private games với cộng đồng game thủ Việt hiện tại, vì thế đã ra khỏi phạm vi những game “cố tình vi phạm, copy game”, phải tính cả các game không rõ xuất xứ, chưa minh định chất lượng, chưa có giấy phép và thủ tục pháp lý để thương mại kinh doanh. Điều này tất nhiên khắt khe, song thực sự từ trách nhiệm với game thủ, người ta cần hiểu, niềm tin của họ vào sản phẩm thị trường sẽ thế nào, khi nhìn ở đâu cũng thấy toàn các game chưa phép, chưa thẩm định nội dung… ?
Điều căn bản với các game thủ, dù ủng hộ cách định nghĩa thế nào về private games, cũng cần xác định rõ, làng game hiện nay đang có nhiều sự nhiễu nhương và chớ cả tin vào những thông điệp đơn giản nào đó. Người chơi hãy hết sức tỉnh táo để cân nhắc, theo đuổi 1 trò chơi thực sự có bản quyền, dù phải đầu tư mua key hay trả phí giờ chơi, nạp thẻ đều đều để tham gia các event khuyến mãi.
Nếu gắn kết private games, game thủ sẽ có ngày kết thúc cuộc chơi trong đau xót.
Nếu luôn mập mờ ngộ nhận với những private games, chắc chắn 1 ngày, người chơi sẽ phải thốt lên những lời cay đắng, như game thủ Gunny đã lỡ chơi private server này:
“Ngày tháng tươi đẹp và giàu cảm xúc cứ trôi đi, nếu như không có hôm nay, 1 buổi sáng đẹp trời tỉnh dậy và nhận được thông báo: server đóng cửa. Không 1 lý do, không 1 sự đền bù, không 1 lời hứa hẹn. Vậy là cuộc phiêu lưu đã chấm hết thật sao ? Đi tâm sự với bạn bè, nó còn an ủi dù sao cũng được thông báo, chứ có lúc bị xóa sạch server ngỡ ngàng không báo trước…”.
Những nguy cơ khi chơi private games:
- Dễ bị virus tấn công, do nhà cung cấp xây dựng cơ sở dữ liệu riêng, tùy ý thay đổi các thông số bảo mật, thậm chí cài trojan, virus, các lệnh chơi game gian lận, xâm nhập trái phép tài khoản người dùng…
- Dễ bị hacker tấn công nếu sử dụng các thẻ thanh toán để mua sắm, giao dịch ở tài khoản đăng ký qua private server; có thể mất tiền bạc và dữ liệu cá nhân, các loại tài khoản khác như email, facebook…
- Không được cập nhật các phiên bản mới của trò chơi, phải chấp nhận chất lượng trò chơi kém hơn bản gốc hoặc bị sửa đổi nhiều, do các phiên bản private game đều lỗi thời và hoạt động không ổn định.
- Không được bảo vệ tài khoản chơi game, không được đền bù nếu xảy ra các thiệt hại liên quan đến tài khoản đó, do không có cam kết từ nhà cung cấp. Các máy chủ riêng có thể dừng hoạt động mà không cần thông báo cho người dùng, hoặc bị cơ quan pháp luật chấm dứt hoạt động, khóa hết các tài khoản mà không phải đền bù. Người chơi sẽ không chỉ mất tiền mà còn mất mọi quyền lợi chơi game.
Theo VNE
Private games và những điều nên biết (phần 1)
Đã gần 10 năm, làng game Việt biết đến khái niệm private games. Có điều, để có 1 định nghĩa chính thức, đầy đủ về vấn đề này, thì hóa ra, gần như chưa ai xác lập cả. Trên mạng Internet, những bộ máy tìm kiếm khổng lồ như google cũng chỉ mang lại đủ thứ thuật ngữ khô khan, nặng lý thuyết công nghệ, hơn là câu từ chỉ đích xác rằng thế nào là private server games.
Bài viết này tất nhiên không hy vọng thay thế điều đó. Song từ tinh thần chia sẻ, người viết cố gắng thể hiện 1 góc nhìn đơn giản và trực tiếp hơn, về 1 địa hạt nhiều người lên án, đả kích mà chẳng mấy ai chịu cất công tìm hiểu. Có thể sự nhìn nhận này không ăn khớp với nhiều người, nên hãy xem đây là 1 làn đi khác. Nhiều làn đi tạo nên con đường. Thế giới vốn dĩ không có đường, chẳng qua người ta đi lại mãi thì thành đường đó thôi !
Khái niệm private games từ lâu đã được biết đến.
Xuất phát từ quan điểm đó, có thể thấy việc định nghĩa rõ ràng, như sách giáo khoa, về vấn đề private games, đòi hỏi sự xem xét chuyên sâu, kỹ thuật hơn nhiều so với chỉ ngồi gõ phím. Tuy nhiên, sơ bộ qua những gì thông tin mạng đem lại, người ta sẽ biết thuật ngữ private khởi xuất trong ngành điện toán thế giới từ rất lâu rồi. Dịch đơn giản từ này, là cái "riêng".
Theo đó, private server là máy chủ dùng riêng, đơn lẻ, không nối với các máy chủ và máy con khác để trở thành 1 hệ thống kết nối thật sự, có thể tương tác qua lại. Sự đơn lẻ của máy chủ riêng, cũng bao hàm 1 nhóm máy kết nối nhau, như mạng LAN chung, song không có kết nối với mạng toàn cầu hay các mạng chia sẻ Intranet.
Từ khoa học và đam mê
Sự bùng nổ mạnh mẽ và nhanh chóng của nền công nghệ số hóa, mạng và Internet suốt nhiều năm qua đã tạo 1 cơ hội lớn cho thuật ngữ máy chủ riêng biến thành khái niệm quen thuộc. Rất nhiều người trong giới CNTT đã quen với khái niệm private server từ lâu.
Private server trở nên "bình dân hóa" từ khi có game online.
Song mãi đến khi dịch vụ băng thông rộng hiện hữu, dịch vụ nội dung số tăng tốc, và game online, với vai trò là thành quả to lớn nhất của nền công nghiệp giải trí số cuối thế kỷ 20, được đưa vào khai thác, thì private server mới trở thành từ ngữ bình dân hơn. Máy chủ riêng không còn là khái niệm dùng cho khoa học, mà đi vào thương mại hóa, kinh doanh mạng, trở thành vấn đề đáng được quan tâm.
Điều đáng nói, là nếu lật lại lịch sử nền công nghiệp máy tính và phần mềm vi tính, người ta có thể thấy private server đi ra từ những ý tưởng cực kỳ tốt đẹp. Ban đầu, đây là những cỗ máy cho phép cài các phần mềm, hỗ trợ nghiên cứu khoa học máy tính cùng các giao thức. Khi 1 nhóm phần mềm làm xong 1 sản phẩm, họ cần 1 máy tính mạnh để cài vào, test chất lượng hoạt động.
Với phần mềm có khả năng tương tác, họ cần có 1 nhóm máy tính nhỏ nối mạng với nhau, thử dùng sản phẩm nhằm thu lượm kết quả tính toán. Private server là thành tố quan trọng để hiệu lực hóa hoạt động mạng. Nghĩa là nhóm nghiên cứu sẽ dùng phần mềm private qua máy chủ, để có những trải nghiệm chất lượng thực tế nhất.
Tính tích cực của private server trong khoa học máy tính là cần thiết.
Điều này khi áp dụng cho trò chơi, đã tạo nên khái niệm private games 1 cách thuần túy. Những người viết game dùng private server để hoàn thiện sản phẩm; tạo ra các game private chạy trên nền máy chủ riêng, phục vụ cho khoa học ứng dụng.
Private server, trong giai đoạn đầu ấy, chính là phần không thể thiếu của công nghệ phần mềm máy tính. Những nhà sản xuất sử dụng các private server để hoàn thiện phần mềm, sau đó mới đăng ký bản quyền thương mại, đưa vào hệ thống máy chủ nối kết để khai thác kinh doanh. Có thể nói nếu không có private server, việc nghiên cứu các phần mềm mạng sẽ không tiến triển hiệu quả.
Thời gian kế tiếp, game online phát triển. Tốc độ nhanh chóng của nền công nghiệp nội dung số đã khiến nhiều trò chơi bị lạc hậu, nhà sản xuất ngưng phát triển và không bảo hộ bảo hành, kết thúc việc thương mại sản phẩm. Nhưng vẫn có 1 nhóm người yêu thích các trò chơi ấy, và với sự hiểu biết về CNTT, họ có thể dựng lại sản phẩm trên 1 máy chủ riêng, như là copy trò chơi đã có về, tự chạy máy chủ để phục vụ giải trí với nhau.
Gốc rễ private server games từng gắn với những người đam mê game...
Máy chủ riêng dành cho những người chơi này vì vậy đã ra đời và được thông cảm vì chỉ tồn tại trong giới hạn riêng, không dùng để kinh doanh... Cộng đồng nhỏ dùng máy chủ này sẽ không được kinh doanh kiếm tiền.
Đến trục lợi và gian trá
Có điều, rất nhanh sau đó, những nhóm người chơi sẽ bắt đầu bị tư duy trục lợi xâm chiếm. Một vài người sẽ dùng vật phẩm, tính năng ở trò chơi để đổi chác cho nhau, qua đó biến private server thành 1 máy chủ phục vụ các mưu lợi cá nhân, vi phạm bản quyền thương mại. Rất nhiều nhóm người còn lợi dụng chính những phần mềm game thử nghiệm, đã bỏ bản quyền để kinh doanh. Điều này buộc các cơ quan chức năng các nước phải can thiệp và cấm các private games vi phạm.
Vấn đề nằm ở chỗ, lợi nhuận đã tạo nên những người làm private server game đầy mưu tính và vi phạm bản quyền. Nhiều nhóm không chỉ copy các phần mềm game đã ngưng hoạt động, bị hủy dự án... mà còn cố tình ăn cắp các game chính thức, viết các game giả lập game có bản quyền, nhái mẫu mã, cách chơi, kết cấu kịch bản...
Vi phạm bản quyền từ private games ngày càng nghiêm trọng.
Các game dạng này bành trướng thành nhiều phiên bản game đối đầu với chính các game bản quyền từ gốc. Private games trở thành tội đồ của ngành công nghiệp game, bị tất cả các tổ chức làm game và phần mềm tẩy chay, lên án. Sự vi phạm bản quyền này hàng năm làm tiêu tốn hàng tỷ đô la Mỹ trong ngành giải trí số !
Cho đến nay, hoạt động của các private server games ngày càng tiêu cực, nhất là từ khi Trung Quốc trở thành 1 công trường game online toàn cầu. Với quan niệm mở về sở hữu trí tuệ, công trường này hàng tháng tung ra hàng trăm phần mềm game vi phạm, có hàng ngàn private server hoạt động ngang nhiên.
Làng game Việt khi tiếp cận khu vực này, bị khai thác cực đoan hơn. Trong khi các nước vẫn có thể chấp nhận 1 số private games phục vụ nhóm cộng đồng đơn lẻ hay nghiên cứu phát triển sản phẩm game..., thì tại Việt Nam, private games là 1 thuật ngữ bị lên án kịch liệt.
Ở Việt Nam, private games không bao giờ được ủng hộ !
Sự vi phạm của private games tại Việt Nam, vì thế cần được nhìn nhận thấu đáo !
Theo VNE