Premier League sẽ quay trở lại như thế nào?
Premier League dự kiến quay trở lại vào tháng 6/2020. Điều người hâm mộ thắc mắc nhất lúc này là hình thức tổ chức 9 vòng đấu cuối của giải đấu sẽ như thế nào để không gây ảnh hưởng tới mùa giải sau.
Nơi tổ chức giải đấu
Trong cuộc họp giữa đại diện 20 CLB tại Premier League cùng BTC giải đấu và Hiệp hội cầu thủ Anh (EFL), một bản kế hoạch đưa giải đấu quay trở lại vào tháng 6/2020 và kết thúc vào tháng 8/2020 đã được đưa ra. Nhật báo The Times cho biết, các trận đấu gần như chắc chắn sẽ được diễn ra phía sau cánh cửa đóng kín không khán giả và các CĐV chỉ có thể xem trên tivi. Câu hỏi được đặt ra rằng các trận đấu sẽ được tổ chức ở đâu?
Phương án tổ chức tại sân trung lập đang được xem xét kỹ lưỡng trước khi lựa chọn cuối cùng được đưa ra. Theo thông tin từ Sportmail, Premier League muốn tổ chức 9 vòng đấu còn lại tại các sân đấu ở khu vực phía Bắc, Midlands và phía Nam để thuận tiện cho việc di chuyển của đội ngũ tổ chức và các đơn vị truyền hình.
Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đề xuất sử dụng hai sân vận động gồm Wembley và Saint George’s Park để tổ chức các trận đấu của Premier League. Ngoài ra, phía Nam nước Anh còn một số SVĐ có thể sử dụng như Twickenham (sân đấu Rugby), Craven Cottage (Fulham) hay The Valley (Charlton Athletic); vùng Midlands có Hawthorns ( West Bromwich Albion) và St Andrews ( Birmingham City); phía Bắc có Hillsborough (Sheffield Wednesday), Elland Road ( Leeds United) và The Stadium of Light (Sunderland).
Lịch thi đấu
Hãy cứ coi như địa điểm tổ chức đã được thống nhất và các CLB đều sẵn sàng thi đấu. Vấn đề nảy sinh lúc này chính là lịch thi đấu sẽ được diễn ra như thế nào. Tổ chức các trận đấu ở sân trung lập đồng nghĩa với việc một sân đấu có thể diễn ra nhiều trận đấu trong một ngày. Điều này hiển nhiên sẽ khiến chất lượng sân đấu suy giảm rất lớn.
Trong 9 vòng đấu cuối, cuộc đua trụ hạng và giành các vé tham dự cúp châu Âu vẫn còn diễn ra. Việc thi đấu trên sân chất lượng thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lối chơi của các đội bóng.
Bên cạnh đó, theo thông thường, các CLB sẽ tới sân trước giờ thi đấu 2 tiếng và rời đi khoảng 1 tiếng sau khi trận đấu kết thúc. Nếu không sắp xếp thời gian tổ chức hợp lý, bộ phận chuẩn bị sân vận động nhiều khả năng sẽ không thể dọn dẹp phòng thay đồ kịp cho các cầu thủ. Chưa kể vấn đề bãi đỗ xe cũng là yếu tố gây đau đầu cho BTC.
Sân Wembley ở London có thể là một sự lựa chọn thích hợp cho việc tổ chức một số vòng đấu còn lại của Premier League
Tập luyện và nghỉ ngơi
Nếu thi đấu trên sân trung lập, cuộc sống của các cầu thủ sẽ xoay quay sân tập-sân đấu-khách sạn. Hơn nữa, nhiều CLB sẽ ở cùng khách sạn, cùng luyện tập tại một địa điểm với nhau. Liệu họ có sẵn sàng chia sẻ các cơ sở vật chất cho nhau?
Trong các chuyến làm khách thường lệ, các CLB thường lựa chọn những khách sạn gần sân đấu để tiện cho việc di chuyển. Tuy nhiên, việc thi đấu trên sân trung lập có thể buộc họ phải di chuyển nhiều hơn thường lệ và ít thời gian nghỉ ngơi thoải mái hơn. Đồng thời, thói quen tập luyện trước trận đấu cũng buộc phải thay đổi nếu giải đấu tổ chức theo hình thức này.
Yếu tố an toàn
Không điều gì có thể đảm bảo an toàn 100% cho các cầu thủ và nhân viên từng CLB, đặc biệt trong thời gian đại dịch này. Chưa kể, bóng đá đòi hỏi sự va chạm, tranh chấp nhiều. Những người an toàn nhất chỉ có thể là người hâm mộ ngồi ở nhà và theo dõi các trận đấu qua màn hình tivi.
Theo ước tính của kênh truyền hình ESPN, một trận đấu được tổ chức khi không có khán giả vẫn có tới 300 người góp mặt, gồm cầu thủ, HLV, người nhặt bóng, đội ngũ an ninh, các phóng viên, quay phim, nhân viên sân vận động, v.v…. Con số chi tiết thậm chí còn có thể cao hơn. Đây không phải một con số nhỏ khi nghĩ tới khả năng lây nhiễm của Covid-19.
Thi đấu trên sân trung lập rõ ràng vẫn đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, phương án này dường như là thích hợp nhất vào thời điểm này. Nếu không thi đấu tập trung, khả năng lây nhiễm Covid-19 sẽ tăng rất cao.
Quý Dậu
CLB đầu tiên ở Anh đề nghị cầu thủ giảm lương
Hiệp hội Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Anh (EPL) đã lên tiếng sau khi ban lãnh đạo Birmingham City tuyên bố có thể phải cắt giảm 50% lương trong thời gian tới.
Theo BBC, Birmingham là CLB đầu tiên trong hệ thống các giải hàng đầu ở Anh thông báo phải bắt buộc giảm lương trong 4 tháng tới. Những cầu thủ có mức thu nhập từ 6.000 bảng/tuần trở lên sẽ bị giảm ít nhất 50% tiền lương.
Các CLB ở Anh thiệt hại nặng khi trận đấu không thể tổ chức ở giai đoạn này. Ảnh: Getty.
EFL với tư cách đại diện quyền lợi cho cầu thủ yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn với giải Premier League và hạng Nhất Anh nhằm tìm ra giải pháp để tất cả cùng vượt qua khó khăn. Giải hạng Nhất Anh đã trích 50 triệu bảng ủng hộ 24 CLB trang trải tiền lương. Dẫu vậy, con số này chỉ giải quyết được yêu cầu ngắn hạn.
Một số CLB ở giải hạng Ba Anh đang sử dụng nguồn hỗ trợ từ chính phủ để trả lương cho các cầu thủ. Trong khi đó, các CLB Premier League có tiềm lực tài chính tốt hơn và đang đứng vững.
Việc tạm hoãn giải đấu khiến nhiều CLB Anh thiệt hại nặng về tiền bán vé và bản quyền truyền hình. Theo Sky Sports, CLB nhỏ ở Anh có thể thu một triệu bảng tiền vé mỗi trận. Còn số của CLB lớn dao động ở mức trên 3 triệu bảng.
Nhiều CLB tên tuổi tại châu Âu đã yêu cầu cầu thủ và nhân viên giảm lương. Bayern Munich và Borussia Dortmund chuẩn bị thông qua kế hoạch này. Ngôi sao Lionel Messi của Barcelona cũng sẵn sàng giảm lương để CLB đỡ gánh nặng trong giai đoạn hụt doanh thu.
Man Utd được dự đoán sẽ dự Champions League Chuyên trang phân tích FiveThirtyEight dự đoán rằng Man Utd sẽ cán đích ở vị trí thứ 5 ở Premier League mùa này. Điều đó có nghĩa rằng Quỷ đỏ sẽ có vé dự Champions League khi Man City bị cấm tham dự. Premier League đang trì hoãn vô thời hạn ở thời điểm mà giải đấu còn vẫn còn 9 vòng đấu...