Potter Phạm Hot boy hàng không “bỏ nghề” lương nghìn USD theo đuổi đam mê làm bánh
“Bỏ nghề” – hai từ có lẽ khá nhạy cảm ở thời điểm hiện tại đối với nhiều bạn trẻ Việt. Đặc biệt là khi bạn quyết định bỏ đi một công việc với mức thu nhập ổn định để đến với một lựa chọn mạo hiểm mà bản thân không nắm chắc sự thành công.
Câu chuyện của Phạm Vũ Thịnh ( Potter Phạm) – chàng tiếp viên hàng không điển trai dưới đây là một ví dụ khi dám đánh đổi công việc để theo đuổi đam mê lớn lao. Thay vì theo đuổi giấc mơ trên những tầng mây, anh chàng quyết định trở về mặt đất để hiện thực hoá niềm đam mê trở thành “ông chủ tiệm bánh” của mình.
Profile:
Họ và tên: Phạm Vũ Thịnh – Potter Phạm
Năm sinh : 1992
Cung Hoàng đạo: Bọ cạp
Nickname: Thỏ Bếu
Instagram: rabbitpham1411
Sở thích : Nấu ăn, Làm bánh, Du lịch
Công việc hiện tại: Model, Bakery Online Shop
Cựu sinh viên Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh
Cựu sinh viên City University of London
Xuất phát điểm là sinh viên Đại học Ngoại thương, còn có thời gian tu nghiệp tại châu Âu, song Potter Phạm lại quyết định trở về Việt Nam và trở thành một tiếp viên hàng không – công việc không hề nằm trong wishlist của anh chàng trước đó.
“Khoảng thời gian trở về Việt Nam, mình cũng chưa tìm được hứng thú trong công việc hiện tại nên khi được rủ rê đi thi làm tiếp viên, mình đồng ý ngay. Vậy mà may mắn thế nào, mình lại thi đỗ trong khi bạn mình thì trượt. Và mình trở thành thế hệ tiếp viên đầu tiên của hãng hàng không này từ đó”, Phạm Vũ Thịnh chia sẻ.
Đẹp trai, học giỏi lại có công việc đáng mơ ước, chàng trai sinh năm 1992 nghiễm nhiên lọt vào “mắt xanh” của nhiều bạn trẻ, trở thành hotboy trên mạng xã hội. Đó cũng là lí do khiến nhiều người bất ngờ khi anh chàng quyết định bỏ ngang công việc mà nhiều người mơ ước.
Video đang HOT
Chia sẻ về quyết định của mình, Potter Phạm tâm sự: “Có thể các bạn vẫn đang khoác cho nghề tiếp viên một chiếc áo rất màu hồng với thu nhập cao, ngoại hình lúc nào cũng chỉn chu, được đi du lịch khắp nơi … Điều này đúng, nhưng đổi lại bạn luôn phải làm việc với cường độ cao, tập trung và luôn phải chuẩn bị cực kì chu đáo.
Đối với Thịnh thì công việc này đã chiếm hết quỹ thời gian, khiến mình có cảm giác mất cân bằng trong đời sống. Chưa kể, dù học được nhiều kĩ năng nhưng mình lại không thấy niềm đam mê với nghề. Đó cũng là lý do mình quyết định nộp đơn xin nghỉ việc sau thời gian suy nghĩ”.
Rời xa những tất bật của một chàng tiếp viên thức khuya dậy sớm, Vũ Thịnh dành nhiều thời gian hơn cho đam mê lớn nhất của bản thân là làm bánh và nấu ăn. Anh chàng cũng cho biết bản thân giờ đây nhiệt huyết lạ thường với công việc này.
“Mỗi ngày mình thức giấc với vô vàn ý tưởng về món ăn, về nguyên liệu, về cách trình bày sao cho đẹp mắt để rồi sau đấy cảm thấy yêu hơn những sản phẩm mình làm ra, muốn mọi người thưởng thức sản phẩm của mình như một sự lan tỏa tích cực.
Rồi mình tìm tòi, thử bán các sản phẩm mà mình tự làm trên facebook và may mắn là nhận được phản hồi rất tích cực từ các bạn nên đã quyết định giành toàn bộ thời gian cho công việc này luôn”, chàng hotboy hào hứng.
Với sự khéo tay cùng năng khiếu vốn có, Potter Phạm nhanh chóng thành thạo kỹ năng làm mọi loại bánh. Giờ đây, anh không chỉ xem việc vào bếp là đam mê mà còn hướng đến việc kinh doanh, phát triển những công thức handmade riêng mà bản thân ấp ủ suốt thời gian tìm tòi, học hỏi trước đó.
“Bánh của Thịnh là handmade 100% đấy, tất cả đều do mình tự tay tìm tòi, thử nghiệm. Phần vì muốn mang đến sự độc đáo, mặt khác mình cũng không muốn chiếc bánh mình làm ra được nói là “hao hao” hay “giông giống” của một thương hiệu nào đó”, anh chàng bộc bạch.
Khi được nhiều người hỏi có tiếc nuối vì đã lựa chọn nghỉ việc tiếp viên để trở thành “hot boy làm bánh”, hay thậm chí là công việc kinh doanh sau này sẽ không thuận lợi, Vũ Thịnh vẫn thẳng thắn trả lời:
“Lựa chọn của bạn trong một giây phút có thể sai lầm nhưng sẽ góp phần tạo nên thành công của cả quá trình, nên mình đã không do dự hay quá lo lắng khi đưa ra quyết định nghỉ làm tiếp viên hàng không để kiếm sống bằng đam mê nấu nướng của mình. Và tất nhiên, hối hận thì mình nghĩ là mình sẽ không hối hận đâu, bởi vì mình đã lựa chọn bằng con tim”.
Sắp tới, song song với việc kinh doanh mặt hàng bánh trung thu, Potter sẽ tiếp tục học thêm cách làm nhiều loại bánh mới. Anh chàng dự định sẽ quay trở lại Anh để tiếp tục học và trau dồi thêm, tuy nhiên vì tình hình dịch bệnh nên cũng chưa thực hiện được.
Những chiếc bánh 'dễ thương' của anh nhân viên marketing
Đã 8 năm nay, ngoài giờ học hay đi làm, tất cả thời gian rảnh của Nguyễn Thịnh, 26 tuổi, đều dành cho niềm đam mê làm bánh.
Nguyễn Thịnh ở Gò Vấp bắt đầu làm bánh từ năm lớp 12. Trước đó, Thịnh chưa từng vào bếp, không biết nấu bất kỳ món ăn nào. Những năm học cấp 3 cuộc sống của chàng trai lặp đi lặp lại với việc ngày đến trường, tối đến lớp học thêm. "Bình thường 8-9h tối ba mẹ mới đi làm về. Khoảng thời gian đó mình sống cô đơn và hơi lầm lũi. Làm bánh giúp mình lấp khoảng trống đó", Thịnh kể.
Chiếc bánh đầu tiên Thịnh làm thành công với một "công thức bất bại" với việc chỉ trộn hỗn hợp nguyên liệu bột mì, trứng, đường, sô cô la và hạnh nhân rồi cho vào lò nướng. Lúc đó anh đã nghĩ: "Làm bánh thật đơn giản".
Sau đó, Thịnh để dành tiền tiêu vặt để mua nguyên liệu, làm nhiều loại bánh khác. Trung bình mỗi tuần 1-2 lần, khi ít bài tập. Thời gian này, anh giấu ba mẹ việc mình làm bánh.
Để có tiền mua nguyên liệu và dụng cụ làm bánh, theo đuổi niềm yêu thích, Thịnh xin làm phục vụ tại những tiệm trà bánh, những nhà hàng, quán ăn.
Cuối năm nhất đại học, Thịnh được nhận làm trợ giảng cho một lớp dạy làm bánh, dù anh chưa một ngày được đào tạo thợ làm bánh chuyên nghiệp. Đây chính là cơ hội vàng cho chàng trai đam mê những chiếc bánh. Sau 7 năm, Thịnh đã có thể làm cả trăm loại bánh.
Thịnh theo đuổi dòng "bánh Tây". Ngoài việc áp dụng đúng công thức làm theo khuôn mẫu, anh thường sáng tạo thêm nhiều hình thù khác nhau cho từng loại bánh. Trước khi làm, Thịnh vẽ phác trên giấy, suy nghĩ sẽ dùng nguyên liệu gì để tạo hình, tạo màu cho từng chi tiết của sản phẩm.
Với chiếc bánh này, Thịnh tận dụng vỏ quả bơ tươi, tráng một lớp sô cô la đen để tạo hình vỏ bánh. Phần thịt làm từ hỗn hợp quả bơ, sữa đặc, sữa tươi, gelatin và whipping cream. Phần hạt tạo nên từ cốt bánh Brownie phủ ngoài sô cô la.
Cuốn băng bộ phim hoạt hình Tom & Jerry được tua đi tua lại mỗi tối là một kỷ niệm tuổi thơ đẹp của chàng trai từng học ngành quản trị kinh doanh. Sẵn vừa mua được những chiếc khuôn bánh hình phô mai - món ăn khoái khẩu của chuột Jerry và cũng là nguyên liệu làm bánh yêu thích, Thịnh bắt tay làm ngay món bánh Mango Cheesecake.
Chiếc bánh hình tròn vốn được làm từ bánh quy, kem, xoài, Thịnh bọc thêm ở ngoài lớp socola trắng, đổ vào khuôn tam giác cho thành phẩm giống một miếng phô mai trong bộ phim.
Bánh su kem thường được tạo nên bởi hai phần là lớp vỏ bánh và phần kem trứng bên trong. Để tạo nên sự khác biệt, Thịnh thêm trà xanh vào phần kem. Phủ bên trên một lớp bánh Cookies giòn tan và trang trí hình những chú ếch dễ thương.
Chiếc bánh Chiffon được Thịnh thêm mè đen xay vào hỗn hợp bột để tái hiện bộ lông vị thần cai quản rừng Totoro trong bộ phim hoạt hình "Hàng xóm của tôi là Totoro" của Nhật Bản.
Những chiếc Macaron nổi tiếng với sự 'đỏng đảnh', thường xuất hiện trong các cuộc thi tay nghề của thợ bánh. Thịnh thất bại không dưới 20 lần để làm thành công.
Sau mỗi lần làm hỏng, anh ghi lại vào cuốn sổ tay công thức, quá trình làm rồi lên mạng tìm hiểu, đọc sách để biết mình đã sai chỗ nào. Biết được lỗi, anh khắc phục dần cho đến khi đạt. Chàng trai mất vài tháng để tự học và làm thành công loại bánh này.
"Thật may mắn là mình không bỏ cuộc. Làm bánh giúp mình tập tính kiên nhẫn còn giúp mình sống có nguyên tắc, có kế hoạch hơn. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự thất bại của một chiếc bánh, nhưng chỉ có một cách duy nhất để làm thành công. Bởi vậy mình phải luôn tuân thủ các nguyên tắc khi làm", Thịnh nói.
Chiếc bánh Màn Thầu (bánh bao nhân ngọt) được Thịnh chia sẻ cách làm dành cho những ai thích làm bánh nhưng không có lò nướng. Một chút khéo tay trang trí, khuôn mặt của chú thỏ hiện ra trên chiếc bánh bao hình tròn.
Với Thịnh, làm bánh là để chia sẻ, ngoài việc tặng những chiếc bánh làm được cho bạn bè, người thân, Thịnh chia sẻ công thức để 'kéo' mọi người vào bếp làm bánh, nấu ăn cho những người mình yêu thương.
Những người bạn cũng thường tìm đến anh, nhờ anh hướng dẫn làm những loại bánh đơn giản để tặng người yêu.
"Khi cả nhà cùng bắt tay vào nấu nướng, tình cảm giữa những thành viên trong gia đình sẽ gắn kết hơn, điều mà trước đây mình không có được", Thịnh cười.
Ngoài đam mê làm bánh, thỉnh thoảng anh cũng làm những loại đồ uống rồi chia sẻ công thức thành công trên fanpage của mình.
Mỗi lần đi xin việc, Thịnh đều đính kèm thêm đường link fanpage của mình vào đơn và nhờ đó đều nhận được lời mời phỏng vấn. "May mắn của mình là có một công việc ổn định để duy trì đam mê với bánh. Nhưng cũng nhờ đam mê đó mà mình cũng thuận lợi hơn trong vị trí là một nhân viên marketing cho một công ty về ẩm thực ở hiện tại", Thịnh chia sẻ.
Từ trước đến nay, song song việc học và đi làm, Thịnh duy trì đam mê làm bánh của mình vào mỗi tối và những ngày cuối tuần. Hai năm nay, Thịnh tổ chức thành công 8 lớp dạy làm bánh. Anh chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ bán bánh, bởi nếu kinh doanh Thịnh sẽ phải chạy theo yêu cầu của khách mà không còn thời gian riêng để thỏa sức sáng tạo.
"Trước đây, ba mẹ từng phản đối việc mình theo đuổi đam mê làm bánh nhưng gần đây, mẹ không phàn nàn nữa. Thay vào đó mẹ thường hỏi mình công dụng, cách dùng các loại bột", Thịnh cười.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Số hưởng như dân chuyên Lê Hồng Phong, đúng mùa ra trường sẽ được tặng loạt bánh kem cưng muốn xỉu Ngắm những chiếc bánh kem này mà chỉ biết thốt lên mê chữ ê kéo dài. Thỉnh thoảng, dân tình lại được phen bàn tán xôn xao về những màn đặt bánh kem rồi nhận được thành phẩm mà chỉ muốn khóc thét. Thậm chí nhiều người còn bảo về khoản gây thất vọng thì thợ bánh kem nay đã "chung mâm" với...