Pogba lập kỷ lục kiến tạo
Tiền vệ sinh năm 1993 chỉ cần 2 trận đấu đầu tiên của mùa 2021/22 để tạo một kỷ lục cá nhân.
Manchester United không thể giành 3 điểm trước Southampton, khi bị chủ nhà cầm hòa 1-1 tối 22/8 (giờ Hà Nội). Tuy nhiên, Paul Pogba vẫn nhận nhiều lời khen nhờ màn trình diễn cá nhân ấn tượng.
Nỗ lực chuyền bóng của tiền vệ người Pháp ở phút 55 giúp Mason Greenwood ghi bàn trong trận thứ 2 liên tiếp. Với cá nhân Pogba, anh có đường kiến tạo thứ 5 chỉ trong 2 trận đấu mở màn mùa giải 2021/22.
Theo Opta , đây là thành tích không cầu thủ nào trong lịch sử giải đấu làm được.
Pogba có phong độ tốt ở mùa 2021/22. Trong cả mùa 2020/21, anh chỉ có 3 pha kiến tạo. Ảnh: Reuters.
“Thật tuyệt khi được xem Pogba thi đấu. Pogba làm trận đấu trở nên thật dễ dàng, dễ đến nỗi nhiều người lầm tưởng rằng cậu ấy không thi đấu hết mình”, cựu danh thủ Gary Lineker bình luận trên trang cá nhân.
Theo thống kê của Squawka , Pogba sở hữu hàng loạt thống kê ấn tượng trong 90 phút. Anh qua người thành công 100%, chạm bóng 62 lần, thắng tranh chấp 9 lần, thu hồi bóng 8 lần. Cựu sao Juventus còn có 7 lần xâm nhập vùng cấm, tung ra 4 cú sút, 1 lần tạo cơ hội và 1 kiến tạo.
Trên mạng xã hội, CĐV tin tưởng vào việc Pogba sẽ phá kỷ lục kiến tạo trong một mùa đang được giữ bởi Thierry Henry và Kevin De Bruyne (20 lần). Chỉ với 2 trận, anh có thành tích bằng một phần tư những gì Henry và De Bruyne làm được trong cả một mùa giải.
Phát biểu sau trận đấu, Pogba cho biết: “Tôi nghĩ Man Utd không đáng bị cầm hòa, nhưng chúng tôi vẫn cần cải thiện màn trình diễn trên sân. Sau khi có bàn gỡ, chúng tôi đã để mất thế trận. Đó là lý do khiến MU không thể ghi thêm bàn”.
Trong khi đó, Greenwood dành lời khen cho màn trình diễn của đàn anh sinh năm 1993: “Pogba là một cầu thủ tuyệt vời. Anh ấy rất thông minh. MU đang sở hữu đội hình chất lượng. Các cầu thủ đều có cơ hội để cạnh tranh vị trí chính thức”.
Vòng loại World Cup: Bi kịch ở Doha & bàn thua cay đắng bậc nhất lịch sử bóng đá Nhật Bản
Trận đấu bắt đầu bước vào thời gian đá bù giờ và người Nhật chỉ còn cách giấc mơ World Cup trong ít phút. Nhưng rồi, tất cả sụp đổ chỉ sau một khoảnh khắc.
Ngày nay, Nhật Bản là một trong những cường quốc bóng đá ở châu Á. Trong 6 kỳ World Cup gần nhất (từ năm 1998), đội bóng này đều giành quyền tham dự vòng chung kết và có được nhiều dấu mốc ấn tượng.
Tuy nhiên dù đội tuyển nước nhà đã trải qua nhiều vinh quang nhưng vẫn có một nỗi đau hằn sâu trong ký ức của người hâm mộ Nhật Bản suốt 28 năm qua. Giá như không có bàn thua cay đắng ở phút bù giờ năm đó, người Nhật đã có thể hoàn thành giấc mơ World Cup sớm hơn.
Ký ức đau lòng đó đến giờ vẫn được nhắc đến với cái tên: "Bi kịch ở Doha" (The Agony of Doha).
Một tuyển thủ Nhật Bản đổ gục xuống sân òa khóc sau khi không thể giành vé dự vòng chung kết World Cup 1994. (Ảnh: FIFA)
GIẤC MƠ WORLD CUP
Năm 1992, đội tuyển Nhật Bản lần đầu tiên giành chức vô địch châu Á. Năm tiếp theo, bóng đá Nhật Bản chứng kiến một bước chuyển mình quan trọng với sự ra đời của J.League.
Giải vô địch quốc gia Nhật Bản tiến lên chuyên nghiệp với sự cải tổ và đầu tư mạnh mẽ. Những khoản tiền lên tới hàng tỷ Yên được chi ra đã giúp thay đổi bộ mặt giải đấu, kéo về nhiều ngôi sao của bóng đá thế giới như Gary Lineker, Ramón Diaz và Pierre Littbarski...
Thành công trong mùa giải khai sinh J.League càng khiến cổ động viên Nhật Bản thêm tự tin vào việc đội nhà sẽ giành quyền dự World Cup 1994 (tổ chức tại Mỹ). Đến tận thời điểm đó, World Cup vẫn là một giấc mơ với người Nhật khi họ chưa lần nào vượt qua được vòng loại.
Tháng 10 năm 1993, đội tuyển Nhật Bản bước vào vòng đấu quyết định để tranh vé tới Mỹ.
Đội tuyển Nhật Bản ăn mừng chức vô địch Asian Cup 1992. (Ảnh: AFC)
Thời điểm đó, World Cup chỉ có 24 đội tham dự và FIFA dành cho AFC 2 suất. 6 đội tuyển gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iraq, Iran và Triều Tiên là những cái tên lọt vào vòng loại cuối cùng của khu vực châu Á. Các đội bóng thi đấu tập trung tại Doha (Qata), đá vòng tròn một lượt tính điểm để tìm ra 2 đội đứng đầu.
Ngày ấy, mỗi trận thắng chỉ được tính 2 điểm, hòa 1 điểm. Trong trường hợp 2 đội bằng điểm nhau, yếu tố được xét đến đầu tiên là hiệu số bàn thắng bại. Và đây cũng là điều dẫn đến bi kịch của đội tuyển Nhật Bản.
Sau khởi đầu không ưng ý (hòa Saudi Arabia, thua Iran), nhà đương kim vô địch châu Á trở lại cuộc đua bằng chiến thắng 3-0 trước Triều Tiên ở lượt trận thứ ba.
Mọi thứ càng trở nên thuận lợi hơn khi đến vòng tiếp theo, đội tuyển Nhật Bản đánh bại kỳ phùng địch thủ Hàn Quốc với tỉ số 1-0 nhờ bàn thắng duy nhất của Kazuyoshi Miura (người sau này được biết đến với biệt danh King Kazu).
Hai trận thắng liên tiếp trước Triều Tiên và Hàn Quốc giúp đội tuyển Nhật Bản rộng cửa tới World Cup 1994. (Ảnh: Neal Simpson - EMPICS)
Thắng lợi này không chỉ mang ý nghĩa tinh thần to lớn mà còn giúp Nhật Bản leo lên ngôi đầu bảng (5 điểm). Trong khi đó, thất bại khiến Hàn Quốc rơi xuống vị trí thứ ba (4 điểm).
Ở lượt cuối, "Samurai xanh" gặp Iraq và nắm quyền tự quyết trong tay. World Cup đã ở rất gần thế hệ vàng của bóng đá Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh đây sẽ là cơ hội cuối cùng cho những cầu thủ kỳ cựu như thủ môn Shigetatsu Matsunaga, hậu vệ Masami Ihara, tiền vệ Ruy Ramos, tiền đạo Kazuyoshi Miura và đội trưởng Tetsuji Hashiratani.
Cục diện bảng xếp hạng trước lượt trận cuối cùng.
BI KỊCH Ở DOHA
Với khoảng cách điểm sít sao giữa các đội, chỉ có Triều Tiên (2 điểm) là đã hết cơ hội. Điều này khiến lượt trận cuối cùng diễn ra theo kịch bản vô cùng căng thẳng.
Về lý thuyết, Nhật Bản vẫn có thể vượt qua vòng loại với một kết quả hòa, miễn là trong 2 trận đấu cùng giờ, Hàn Quốc hoặc Saudi Arabia không thắng, và Iran không đánh bại Saudi Arabia quá 4 bàn.
Tuy nhiên việc cả Hàn Quốc lẫn Saudi Arabia đều vươn lên dẫn trước và tạo khoảng cách an toàn với các đối thủ khiến đội tuyển Nhật Bản buộc phải dồn lực tấn công để tìm kiếm chiến thắng trước Iraq.
Tới phút 69, Nhật Bản vươn lên dẫn 2-1 nhờ các pha lập công của Kazuyoshi Miura và Nakayama. Tỉ số này được giữ cho đến phút 90.
Tin tức bay về cho biết đội tuyển Hàn Quốc đã thắng 3-0, trong khi Saudi Arabia cũng vượt qua Iran với tỉ số 4-3. Nếu tất cả kết quả trên được giữ nguyên, Nhật Bản và Saudi Arabia sẽ giành vé tới World Cup 1994, còn Hàn Quốc bị loại.
Thế nhưng đúng vào lúc này, bi kịch đã xảy ra.
Đội tuyển Iraq đã có một trận đấu kiên cường và khiến người Nhật phải ôm hận. (Ảnh: AFC)
Phút bù giờ đầu tiên, Iraq được hưởng quả đá phạt góc bên cánh phải. Laith Hussain không tạt ngay mà thực hiện pha chuyền ngắn cho Alaa Khadim. Sau một nhịp qua người, Alaa Khadim treo bóng vào trong vòng cấm và Jaffar Omran bật cao đánh đầu làm tung lưới Nhật Bản.
Tỉ số được cân bằng 2-2. Nhiều tuyển thủ Nhật Bản thất vọng đổ gục xuống sân. Ở bên ngoài đường biên, HLV Marius Johan Ooft như chết lặng.
Những nỗ lực sau đó không thể giúp Nhật Bản có thêm được bàn thắng. Khoảnh khắc trọng tài người Thụy Sĩ nổi hồi còi kết thúc trận đấu, rất nhiều cầu thủ Nhật Bản quỵ xuống và bật khóc. Họ không thể tin vào những gì vừa xảy ra.
The Agony of Doha - khoảnh khắc bi kịch của đội tuyển Nhật Bản khi bị Iraq gỡ hòa 2-2 ở phút bù giờ.
Ở chiều ngược lại, đội tuyển Hàn Quốc đã ăn mừng cuồng nhiệt khi "trở về từ cõi chết". Họ bằng điểm với Nhật Bản (6 điểm) nhưng hơn về hiệu số bàn thắng, qua đó cùng với Saudi Arabia trở thành 2 đại diện của châu Á giành quyền dự vòng chung kết World Cup 1994.
Truyền thông Hàn Quốc gọi đây là "Điều kỳ diệu ở Doha", còn với bóng đá Nhật Bản, ngày 28/10/1993 mãi mãi là một ký ức đen tối. Người hâm mộ Nhật Bản mãi về sau vẫn nhắc đến sự kiện này với tên gọi "Bi kịch ở Doha".
Bảng xếp hạng chung cuộc. Nhật Bản bằng điểm và thắng Hàn Quốc nhưng thua về hiệu số bàn thắng ( 3 so với 5) nên bị xếp dưới.
"Tôi không thể nhớ những gì đã xảy ra ở phòng thay đồ sau trận đấu, không thể nhớ đã nói gì với truyền thông và chuyến xe bus trở về khách sạn như thế nào.
Tôi đã nỗ lực hết mình vì giấc mơ World Cup, dành thời gian cho đội tuyển còn nhiều hơn cho gia đình. Tấm vé dự World Cup đã ở ngay trước mặt nhưng khi tôi với tay cầm lấy, nó lại tan biến trong sương khói" , tiền vệ Hajime Moriyasu (hiện là HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản) chia sẻ.
Trong khi đó, tiền vệ nhập tịch gốc Brazil Ruy Ramos kể lại: "Đó là một trận đấu tuyệt vời giữa hai đội bóng khao khát giành chiến thắng. Mặc dù chúng tôi không thắng, nhưng đó là một trong những trận đấu hay nhất trong sự nghiệp của tôi.
Đội tuyển Iraq đã chơi hết mình với sự nỗ lực và với niềm tự hào. Vào ngay đêm đó, tôi đã chạm mặt họ ở khách sạn. Những cầu thủ Iraq nói Nhật Bản là một đội bóng tuyệt vời. Tôi cảm ơn và nói với họ rằng Iraq cũng là một đội bóng tuyệt vời".
HLV Marius Johan Ooft và tiền vệ Ruy Ramos thất vọng sau trận hòa 2-2 với Iraq. (Ảnh: Etsuo Hara)
Tuy nhiên, thất bại này đã mở ra một cuộc "cách mạng" tiếp theo cho bóng đá Nhật Bản. HLV Marius Johan Ooft bị sa thải không lâu sau đó, cùng với đó là sự chia tay của hàng loạt tuyển thủ.
Tới World Cup 1998, chỉ còn hai cái tên là Nakayama và Masami Ihara khoác áo đội tuyển quốc gia. Và đó cũng chính là những nhân chứng cho chiến tích đáng nhớ bậc nhất của bóng đá Nhật Bản.
Ở đó, một trận play-off để đời đã diễn ra, với một bàn thắng vàng ở phút 118. Pha ghi bàn này đã trở thành dấu mốc lịch sử của bóng đá Nhật Bản, và sau đó còn xuất hiện trong một bộ truyện tranh đình đám bậc nhất xứ sở Mặt trời mọc.
Vì sao Anh đã sẵn sàng vô địch EURO 2020? "Football is coming home" (Bóng đá đang về nhà), đó là khẩu hiệu được nhắc tới nhiều nhất ở nước Anh những ngày này. "Football is coming Rome" (Bóng đá đang về Rome), các tifosi chơi chữ lại như vậy, khi chỉ thay đúng 1 chữ cái H bằng R. Vậy bóng đá sẽ về đâu? Về nhà, hay về Rome? Anh đã...