Phút cuối của người đàn ông gốc Việt qua đời vì nCoV
Ở tuổi 72, trải qua hai lần đột quỵ và căn bệnh ung thư da, ông Nguyễn Hoàng Đinh gục ngã trước Covid-19 tại bang Washington.
Những chiếc xe chở thân nhân của ông Nguyễn Hoàng Đinh tiến vào bãi đỗ của bệnh viện lúc đã gần nửa đêm. Tối 19/3, Trung tâm Y tế Thuỵ Điển ở thành phố Issaquah, quận King, bang Washington, Mỹ gọi điện cho Vince Việt Nguyễn thông báo tình trạng của bố anh đang xấu đi nhanh chóng. Họ cho biết ông sẽ bớt đau đớn nếu được tháo máy thở, nhưng sẽ chỉ làm điều này khi gia đình có mặt ở đó.
Theo những quy tắc nghiêm ngặt nhằm ngăn ngừa lây nhiễm nCoV, chỉ hai thành viên gia đình được phép vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) nơi ông Đinh đang nằm. Không ai, trừ các nhân viên y tế, được vào trong. Vợ ông, bà Nguyễn Ty, cùng 7 người con và một vài người thân khác đã lái xe đến bệnh viện. Một linh mục gốc Việt cũng được gia đình mời tới.
Tại bãi đỗ xe, linh mục tổ chức lễ cầu nguyện cho gia đình ông Đinh. Họ đứng thành vòng tròn cách xa nhau để đảm bảo an toàn. Những người khác, như Việt, ló đầu qua cửa sổ trời của xe hơi. Anh đang tự cách ly do người bạn đời đồng tính có những triệu chứng nghi nhiễm nCoV. Sau đó, linh mục, bà Ty và con gái Cúc Crystal Nguyễn đi vào trong.
Gia đình ông Đinh cầu nguyện tại bãi đỗ xe Trung tâm Y tế Thuỵ Điển ở thành phố Issaquah tối 19/3 khi ông trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: Seattle Times
Việt mô tả cha anh là người trầm tính và tốt bụng. Gia đình họ đến Mỹ định cư sau khi chiến tranh kết thúc. Ông Đinh ban đầu làm việc ở các vườn cây, sau đó chuyển sang lĩnh vực sản xuất và xây dựng. Bà Ty làm việc trong các nhà máy may mặc.
“Tất cả chúng tôi đều được học đại học”, Cúc, một nhân viên môi giới bất động sản sống ở bang California, nói.
Anh Việt hiện sống ở thành phố Renton, bang Washington, nhân viên của một công ty cung cấp việc làm xã hội cho những người già thu nhập thấp. Một em gái của anh là bác sĩ về hô hấp và gần đây được bệnh viện thành phố Seattle điều động để tăng cường lực lượng chống Covid-19.
Cúc cho biết bố cô thích trồng bonsai và chăm sóc động vật. Ông cũng có thể xây bất cứ thứ gì, kể cả nhà cho một cô con gái.
Hơn chục năm trước, ông bị ung thư vùng da ở cổ và phải xạ trị, khiến ông bị mất gần hết thị lực. Ông sau đó gặp thêm nhiều vấn đề về sức khoẻ, trong đó có cơn đột quỵ gây bán thân bất toại. Đến năm 2018, gia đình đưa ông Đinh vào Trung tâm Điều dưỡng & Phục hồi chức năng Issaquah.
Video đang HOT
Khi nghe tin một người sống ở trung tâm này dương tính với nCoV hồi đầu tháng, Việt bắt đầu lo lắng cho cả bố và các nhân viên chăm sóc sức khoẻ tại đây. Một tuần trước đó, Viện Dưỡng lão thành phố Kirkland, cùng bang Washington, đã ghi nhận hàng loạt ca tử vong vì Covid-19.
Trung tâm Phục hồi Chức năng Issaquah đã cấm người đến thăm thân, nhưng sau đó vẫn phát hiện hơn chục ca nhiễm. Trung tâm bắt đầu cách ly những người có triệu chứng nghi nhiễm trong phòng và đề nghị giới chức xét nghiệm tất cả những người sống trong trung tâm cùng một số nhân viên.
Khi ông Đinh được xét nghiệm, ông không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, tối hôm sau, trung tâm gọi điện thông báo ông sốt nhẹ. Hai ngày sau, hôm 15/3, khi số ca nhiễm tại đây tăng lên hơn 100, họ chuyển ông Đinh tới phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Thuỵ Điển.
Vài giờ sau, kết quả xác nhận ông dương tính với nCoV. Bệnh viện thông báo với gia đình ông Đinh rằng ông sắp không thể qua khỏi.
Cúc và các chị em của cô tức tốc bay từ California tới Washington. Họ được đề nghị nhìn mặt bố lần cuối qua cửa kính phòng ICU.
“Làm sao nói lời từ biệt trong hoàn cảnh như thế? Bạn sẽ không làm được. Bạn có thể chỉ nhìn, khóc và cầu nguyện”, Việt kể.
Anh hiểu rằng nguồn lực của bệnh viện có hạn và bố anh không thể tiếp tục dùng máy thở, dù họ chưa bao giờ nói thẳng với anh về điều đó. Khi bệnh viện gọi đến báo tin dữ, Việt đã bàn bạc với các thành viên còn lại trong gia đình. Họ tranh luận. Ông Đinh bị tổn thương phổi, có nguy cơ viêm phổi và ngừng tim.
“Chúng tôi chỉ muốn bố mình không còn đau đớn nữa”, anh nói khi gọi lại cho bệnh viện. Họ đã lựa chọn tháo máy thở cho ông Đinh.
Bà Ty cùng con gái và linh mục nhìn ông Đinh qua cửa kính ở phòng ICU. Da ông nhợt nhạt, nhưng lúc đó ông vẫn còn thở bằng máy.
Y tá Judy ở bên cạnh ông, đeo khẩu trang, kính, trùm đầu và mặc chiếc áo choàng bảo hộ kín mít. Do linh mục không được phép vào phòng bệnh để thực hiện các nghi lễ, y tá Judy nhúng một que tăm bông vào loại dầu mà linh mục mang tới, làm hình thánh giá trên trán và tay ông Đinh. Linh mục ở bên ngoài chỉ dẫn và đọc kinh qua bộ đàm.
Judy sau đó ra hiệu cho bà Ty áp sát tay vào cửa. Cô đưa một tay lên áp vào phía bên kia mặt kính, tay còn lại đặt lên chân của ông Đinh. Đó là cách giúp đôi vợ chồng già kết nối với nhau lần cuối.
Y tá Judy giúp bà Ty và ông Đinh kết nối với nhau lần cuối qua cửa kính phòng ICU tối 19/3. Ảnh: Seattle Times
Một chuyên gia trị liệu về hô hấp có mặt để ngắt máy thở.
“Bố, tỉnh dậy đi”, Cúc nói qua bộ đàm. Đôi mắt ông Đinh vẫn khép nhưng cô thấy lồng ngực bố cử động. Trong khi đó, bà Ty gọi tên một người con trai đã mất nhiều năm trước, mong con dẫn bố lên thiên đường.
Cúc kết nối với những anh chị em còn lại trong bãi đỗ xe qua video trên điện thoại. “Chúng con yêu bố”, họ thốt lên khi Cúc dí bộ đàm vào điện thoại. “Những hình ảnh ấy hằn sâu trong tâm trí tôi”, Việt nói.
Sau khi mọi người nói lời từ biệt, Cúc thấy lồng ngực bố cô không còn cử động nữa. Trước đây, ông từng đưa ra hai đề nghị với các con, một là hãy chôn cất ông thay vì hoả táng, hai là đừng để ông ra đi trong đơn độc.
“Bố biết rằng mọi người đã có mặt ở đó, rằng nCoV đang cô lập mọi người nhưng không thể ngăn mẹ, tôi hay anh em tôi gặp ông vào cuối đời”, Cúc nói.
Bệnh viện cho hay phải chuyển thi thể của ông Đinh đi ngay lập tức và gia đình đã vội vàng liên hệ với một nhà tang lễ khi trời mới tờ mờ sáng. Cúc mang tới nhà tang lễ một bộ vest, một đôi giày kèm tất, một tràng hạt và một chiếc điện thoại có số của các thành viên trong gia đình “để bố luôn có thể gọi cho chúng tôi”.
Những vật dụng và chiếc túi đựng thi thể của ông Đinh được khử trùng, sau đó đặt vào trong một chiếc túi mới để đề phòng lây nhiễm. Lễ chôn cất ban đầu dự kiến diễn ra hôm 24/3 mà không có mặt gia đình, theo lệnh cấm tổ chức tang lễ và tụ tập đông người của Thống đốc bang Washington Jay Inslee.
Tuy nhiên, các nhân viên nhà tang lễ sau đó nhận được điện thoại từ giới chức cho hay lễ chôn cất có thể không diễn ra do chính quyền yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà. Họ cũng lo ngại nguy cơ các nhân viên nhà tang lễ có thể bị lây nhiễm khi chạm vào quan tài của bệnh nhân hoặc tiếp xúc với người nhà bệnh nhân.
Việt đã lên Facebook để cảnh báo mọi người rằng nCoV là có thật và cách biệt cộng đồng là điều cần làm. Đại dịch đang ảnh hưởng đến nhiều thành viên trong gia đình anh, bao gồm một người em dâu đang làm bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 ở thành phố Tacoma, bang Washington.
Vince Việt Nguyễn (phải) và bạn đời đến thăm mộ bố hôm 27/3. Ảnh: Seattle Times
Trong lúc chờ thông tin từ nhà tang lễ, Cúc, em gái và hai cháu gái bắt đầu may khẩu trang vải cho các nhân viên y tế và nhân viên cấp cứu. Khẩu trang vải không có tác dụng bảo vệ cao như N95 hay khẩu trang y tế, nhưng trong tình hình nguồn cung thiếu thốn, họ đang làm gì những mình có thể.
“Chúng tôi đã làm được 18 chiếc và dự định may thêm 2.000 chiếc”, Cúc cho hay. Cô sẽ chuyển một số khẩu trang đến Trung tâm Y tế Thuỵ Điển để gửi lời cảm ơn y tá Judy.
Hôm 25/3, nhà tang lễ thông báo họ được xác định là dịch vụ thiết yếu không bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và có thể tiếp tục hoạt động chôn cất. Cuối cùng, ông Đinh cũng được an nghỉ ở ngôi mộ cách con trai đã qua đời chỉ 9 mét.
Số ca nhiễm nCoV ở Mỹ vượt 100.000
Mỹ hiện ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm nCoV, tăng gần 16.000 ca so với một ngày trước đó và là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Thống kê của Đại học Johns Hopskins cho thấy số người nhiễm nCoV mới ở Mỹ hôm 27/3 tăng thêm 15.886, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 101.321, số người chết vì Covid-19 cũng tăng thêm 272, nâng tổng số ca tử vong lên 1.544.
Mỹ một ngày trước đó đã vượt qua Trung Quốc và Italy để trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm ở Italy hiện ở mức hơn 86.000, hơn 9.000 ca tử vong, vượt Trung Quốc trở thành vùng dịch lớn thứ hai. Trong khi, Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh ghi nhận hơn 81.000 ca nhiễm và hơn 3.200 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuẩn bị đưa bệnh nhân ra khỏi viện dưỡng lão Life Care ở Kirkland, bang Washington ngày 6/3. Ảnh: Reuters.
New York là tâm dịch của nước Mỹ, chiếm hơn một nửa số ca nhiễm trên cả nước và hơn 500 ca tử vong. Các bệnh viện bang này phải tăng công suất ít nhất 50%, một số tăng 100% để ứng phó dịch bệnh, song vẫn phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng giường bệnh, thiết bị bảo hộ và máy thở.
New York hôm qua dựng thêm nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Bellevue ở Manhattan, nhằm ứng phó trong trường hợp số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh.
Chính quyền bang này tuyên bố sẽ sử dụng ký túc xá đại học, khách sạn, viện dưỡng lão và tất cả không gian có thể để chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến, nếu cần trong tháng 4. Các trường học sẽ tiếp tục đóng cửa thêm hai tuần, từ sau 1/4.
Covid-19: Số ca nhiễm virus corona ở Mỹ tăng hơn 8.700, gần 150 người thiệt mạng Số người nhiễm virus corona chủng mới ở Mỹ tăng lên 8.700, trong đó gần 150 ca thiệt mạng. Hôm 19/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết Mỹ ghi nhận ít nhất 8.736 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, 149 người thiệt mạng. Trong số các ca nhiễm, có 70 trường hợp là công dân Mỹ...